Khi các dòng tu trệch hướng
Khi các dòng tu trệch hướng
Binh đoàn Chúa Kitô, Nam nữ tu huynh Thánh Gioan, Các Mối Phúc, Focolare… Nhiều dòng tu đã bị ảnh hưởng vì các vụ tai tiếng, lạm dụng thiêng liêng, lạm dụng tình dục hoặc tài chính trong những năm gần đây. Vatican hành động như thế nào trong những trường hợp này? Cái nhìn sâu sắc của bà Carine Dequenne, nhà giáo luật của Bộ Đời sống Thánh hiến.
Đại diện tông tòa, phụ tá, ủy viên, đại biểu… khi Rôma can thiệp vào một dòng tu, những thủ tục như thế nào và những người tham dự là ai? Dù dưới quyền giáo phận hay dưới quyền giáo hoàng, các dòng tu có đời sống tự lập và quản trị. Họ có cấu trúc riêng và hoạt động riêng của họ. Bà Carine Dequenne, nhà giáo luật của Bộ Đời sống Thánh hiến và Hiệp hội Đời sống Tông đồ trả lời cho hãng tin I.Media: “Đôi khi, sự can thiệp từ bên ngoài là cần thiết vì có những lý do nghiêm trọng”.
Các dấu hiệu báo động
Cuộc điều tra bắt đầu khi Bộ Đời sống Thánh hiến nhận các dấu hiệu báo động, Bộ có thẩm quyền với 1.500 dòng thuộc quyền giáo hoàng hiện có trên khắp thế giới. Những dấu hiệu này có thể từ các thành viên khiếu nại với cơ quan thẩm quyền, hoặc từ những người bên ngoài tố cáo các hành vi sai phạm đến đời sống cộng đồng, hoặc trong việc quản lý di sản, hoặc các quy tắc của giáo luật…
Bước đầu tiên sau đó là Bộ đi tìm thông tin từ giám mục địa phương hoặc bề trên dòng. Nếu cần thêm thông tin, Bộ có thể có “chuyến thăm tông tòa”, một biện pháp “bất thường” khác với cuộc viếng thăm “giáo luật” – được xem như một sự kiện trong đời sống bình thường của dòng.
Bà Carine Dequenne giải thích: “Những người viếng thăm” được Tòa Thánh gởi đến thường là các tu sĩ hoặc linh mục “được công nhận qua kinh nghiệm, ý thức chung và lòng nhân từ của họ”. Thường là hai người, một nam một nữ, “để bổ sung cho tầm nhìn”. Những người khách này đến thăm tại chỗ, phỏng vấn tất cả các thành viên của dòng cũng như những người bên ngoài (thành viên cũ, cha mẹ, v.v.). Sau đó, họ viết báo cáo mật chuyến đi, mô tả tình hình, đưa ra phân tích và đề xuất.
Phụ tá hoặc ủy viên
Từ báo cáo này, có thể có hai biện pháp: nếu ban quản trị tại chỗ sẵn sàng hợp tác, Bộ bổ nhiệm một “phụ tá tông đồ”. Người này dự các quyết định nhưng không có quyền ra quyết định. Họ phải báo cáo sự việc về Rôma. Việc này đã xảy ra với Dòng Đa Minh Chúa Thánh Thần tháng 9 năm 2021 tại Pháp.
Hoặc, trong trường hợp thứ nhì, việc quản trị dòng tạm ngưng và Bộ Đời sống Thánh hiến cử một “ủy viên” có tất cả quyền bình thường của các bề trên. Trường hợp này đã xảy ra với Cộng đoàn Các Mối Phúc. Mục đích là để làm sạch tình hình cho đến khi dòng có thể khôi phục lại quyền tự chủ.
Trong một dòng thuộc quyền giáo phận, chính giám mục địa phương thực hiện những biện pháp này, hoặc chuyển sang Bộ. Nếu chính giáo hoàng tiếp quản hồ sơ, như đã xảy ra, ngài chỉ định một “đại biểu giáo hoàng”, người sẽ trực tiếp với giáo hoàng mà không thông qua Bộ. Đức Bênêđíctô XVI đã phụ trách một thời gian ngắn trường hợp cộng đồng Thánh Gioan.
Nhiều bộ liên hệ
Những biện pháp này đôi khi đòi hỏi sự hợp tác giữa các Bộ khác nhau của Giáo triều La Mã, những Bộ có liên quan đến trường hợp này hoặc trường hợp kia. Dù như thế nào, các quyết định này được các cấp trên đưa ra bằng sắc lệnh – cô đọng – không phải là đối tượng công bố nhưng cũng không đóng dấu bí mật.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch