HY SINH
24.2 Thứ Năm trong tuần thứ Bảy Mùa Quanh Năm
Gc 5:1-6; Tv 49:14-15,15-16,17-18,19-20; Mc 9:41-50
HY SINH
Thế gian này chỉ là chỗ tạm dung, không phải là chỗ định cư đời đời. Mục đích Thiên Chúa cho con người sống trong thế gian khoảng một thời gian là để cho con người luyện tập đức tin và tình yêu vào Thiên Chúa, trước khi cho con người về hưởng hạnh phúc muôn đời với Người trên Thiên Đàng. Nhiều người đã không nắm vững mục đích này, nên họ lấy thế gian làm chỗ định cư, và họ sống như không có nguồn cội và đích điểm. Nhiều tín hữu tuy biết đích điểm, lại không biết cách làm sao để đạt đích.
Lời Chúa Giêsu dạy trong bài Tin Mừng hôm nay: “Nếu tay ngươi làm ngươi vấp phạm, hãy chặt đi, thà cụt một tay mà được vào cõi sống, còn hơn có đủ hai tay mà phải vào hỏa ngục đời đời”
Điều Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh ở đây là tính chất quyết liệt của những lời đó, có nghĩa là phải quyết liệt dứt khoát với sự xấu. Quả thật, sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời kỳ nào đều tồn tại những điều xấu. Đó là những lề thói những đức tính không tốt, có hại cho bản thân, cho mọi người xung quanh và cao hơn nữa cho cả cộng đoàn. Nếu những điều xấu ấy cứ tồn tại, phát triển, lây lan khó mà thay đổi được, lúc đó có thể trở thành tội. Phải ngăn chặn ngay từ đầu, nếu không sẽ khó mà cứu vãn được mạng sống.
Khi chúng ta chịu phẫu thuật, cắt bỏ khối u, cắt bỏ phần thân thể nhiễm độc để bảo toàn mạng sống. Vậy khi Chúa bảo ta phải chặt tay, chặt chân, móc mắt không phải muốn hành hạ ta, mà trái lại chính Ngài yêu thương ta, Ngài muốn ta được hạnh phúc, nên Ngài dạy ta phải dứt khoát với tội lỗi. Nhiều khi vì nhẹ dạ, ham vui, đã đưa đẩy chúng ta đến chỗ sống trong tội lỗi, đam mê dục vọng, để rồi sống một đời khổ sở. Chúng ta hãy chọn chấp nhận đau đớn một lần để được cuộc sống an bình, hạnh phúc.
Của cải trần gian Chúa ban cho con người hưởng dùng. Có được của cải là có được sự chúc phúc của Thiên Chúa. Nhưng có được của cải bằng cách nào đó là do cách thực hiện của con người. Có được của cải là điều quý, có được do làm ăn chân chính, lương thiện thì càng quý hơn, bởi đó là ân lộc của Chúa.
Tuy nhiên có một điều ai cũng biết, xã hội thời nào cũng có những người làm ăn bất chính, làm giàu trên xương máu, trên mồ hôi nước mắt người khác và đó chính là điều Thánh Giacôbê đang cảnh giác chúng ta.
Sự công bằng là điều quan trọng, bởi Chúa nói: “anh em sẽ không thể ra khỏi nơi giam cầm cho đến khi trả xong đồng bạc cuối cùng”. Bởi những đồng tiền bất chính ấy đã kêu thấu tới tai Chúa, và những đồng tiền bất chính ấy là bằng chứng tố cáo tội lỗi chúng ta. Bởi Chúa cứ dựa vào những gì chúng ta làm mà luận phạt.
Nếu chúng ta chỉ biết lo hưởng thụ ở đời này mà quên đi còn có hạnh phúc đời sau thì đó là một sai lầm lớn của người Kitô hữu. CGS đã cảnh tỉnh chúng ta qua dụ ngôn người phú hộ và anh Lazaro nghèo khó.
Khi một ai đó chắp nhập cắt bỏ một phần cơ thể bị hư hoại, để mong giữ lại được cả mạng sống, chúng ta chẳng ngạc nhiên mấy. Tuy việc cắt bỏ luôn đi kèm với đau đớn và mất mát, nhưng người ta vẫn cảm thất vui vì mình còn sống.
Để có được Nước Trời, Đức Giêsu muốn chúng ta phải dứt khoát với tội lỗi. Sự dứt khoát đó được thể hiện qua việc dám chấp nhận mất tay, mất chân nếu chúng là những cớ làm chúng ta vấp phạm. Dẫu biết rằng, tay chân là những bộ phận cần thiết cho hoạt động của con người, nhưng giá trị Nước Trời còn lớn hơn nhiều.
Ai trong chúng ta cũng muốn được phần thưởng là sự sống vĩnh hằng, là Nước Thiên Chúa. Để được phần thưởng vô giá này, chúng ta phải chấp nhận cắt đứt những gì đang làm hủy hoại đời sống chúng ta.
Thế giới hôm nay tràn ngập những người chạy theo vật chất: tiền của, danh vọng là giá trị lớn nhất; mục đích cuộc đời là hưởng thụ, khoái lạc. Đối với họ, Thượng Đế quá mơ hồ; Nước Trời và sự thưởng phạt đời sau quá xa vời. Họ quên rằng một ngày nào đó, họ sẽ phải chết! Hoặc họ cố quên đi điều đó để tận hưởng cuộc đời phù du ngắn ngủi. Lời Chúa hôm nay vạch cho chúng ta một thang giá trị khác: Nước Trời quý giá đến độ đáng cho ta hy sinh tất cả, kể cả mạng sống để đạt được. Thánh Phao-lô cũng quả quyết: Một chút gian nan nhẹ tênh trong hiện tại sánh sao được với vinh quang bất diệt mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho những kẻ yêu mến Người. Trong lịch sử Giáo Hội, biết bao người đã dám hy sinh cả mạng sống để chiếm hữu được Nước Trời.
Chính Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta, Ngài không chỉ hy sinh một phần nào thôi, mà là dâng hiến toàn thân Ngài. Mỗi ngày trong Thánh Lễ, chúng ta cử hành việc hy hiến của Chúa Giêsu, chúng ta hãy xin Ngài ban sức mạnh để chúng ta cũng biết trao ban chính mình để làm vinh danh Chúa và đem lại hạnh phúc cho đồng loại.