Hôn nhân “Bất đắc dĩ”: Đôi điều muốn nói
Hôn nhân “Bất đắc dĩ”: Đôi điều muốn nói
Hôn nhân là một quyết định hệ trọng liên quan tới hạnh phúc cả một đời người. Có những cuộc hôn nhân phúc hạnh như mơ, nhưng cũng có không ít những cuộc hôn nhân đau khổ bất hạnh ê chề, nhất là những cuộc hôn nhân không tình yêu, không tự do thật lòng, mà chỉ vì “lỡ có bầu”.
Các bậc cha mẹ thường rơi vào cảnh khó xử với những cuộc hôn nhân “bất đắc dĩ” như thế. Nếu để cho con cái mình “lỡ mang bầu”, rồi sinh con mà không cưới hỏi gì, thì bị mất mặt với bà con lối xóm. Vì thế, không ít cha mẹ tìm mọi cách để thúc ép con cái phải cưới cho bằng được. Họ tìm đến với các cha xứ của mình, trình bày với các ngài, rồi “năn nỉ ỉ ôi” cho con mình được học giáo lý cấp tốc và cưới cấp tốc, “cưới chạy bầu”. Có khi tất cả mọi sự chỉ diễn ra trong vòng một tháng, tất tần tật: học giáo lý, làm thủ tục giấy tờ, rao hôn phối, cử hành hôn lễ… Khổ nhất là những cặp đôi có một trong hai người chưa theo đạo, học giáo lý vừa Dự tòng vừa Hôn nhân vội vội vàng vàng, chẳng đâu tới đâu. Thậm chí có trường hợp phải cử hành các Bí tích Khai tâm và Hôn phối trong cùng một ngày.
Những trường hợp như thế thường làm khó cho các cha xứ. Vui vẻ với nhau “lỡ mang bầu”, rồi vô bắt cha xứ giải quyết. Thật chẳng công bằng chút nào! Không giải quyết thì thấy cũng tội nghiệp, sợ gia đình đôi bên buồn, mà giải quyết thì bản thân các ngài cảm thấy áy náy lương tâm, không biết tương lai cuộc hôn nhân này có bền vững không, gia đình này có hạnh phúc không, vì đôi bạn không được chuẩn bị chu đáo.
Lời khuyên nào cho các cha mẹ và các cặp đôi? Trong trường hợp hai người yêu nhau thật lòng và cũng mong muốn tiến tới hôn nhân để được ăn đời ở kiếp với nhau, mà chẳng may có bầu, thì có thể tiến hành hôn phối được. Những trường hợp này có thể hạnh phúc và bền vững. Nhưng phải càng sớm càng tốt. Đừng để thai 3-4 tháng, thậm chí là 5-6 tháng rồi mới đến trình với cha xứ xin giải quyết.
Còn trong trường hợp, hai người không yêu nhau thật lòng, và cũng không muốn tiến tới hôn nhân; nhưng chẳng may có thai với nhau, thì chấp nhận giữ lại cái thai và ở vậy sinh con. Cứ sinh con rồi hãy tính tiếp. Nếu sau khi sinh con mà tình yêu giữa hai người nảy sinh và cả hai muốn sống với nhau, thì tiến hành thủ tục kết hôn cũng không muộn. Còn nếu tình cảm giữa hai người không còn, thì chia tay nhau, và thong dong đi tìm tình yêu mới, không vướng mắc gì, không ngăn trở gì. Hai người vẫn có thể là bạn với nhau, cùng góp phần cách nào đó để nuôi dạy đứa con chung. Đứa con cũng sẽ dễ dàng chấp nhận thân phận của mình, và có thể hạnh phúc, vì cảm nhận được tình thương của cả cha mẹ và ông bà nội ngoại hai bên.
Tôi được biết người con trai một ông Hội đồng Mục vụ, thuộc giáo xứ nọ, quen một người bạn gái. Hai người kết thân với nhau, rồi ăn ở với nhau và chẳng may “dính bầu”. Cả hai chấp nhận ở vậy sinh con mà không cưới hỏi gì, vì họ không thực lòng yêu nhau, và cũng không muốn kết hôn với nhau. Gia đình hai bên cũng đồng ý như vậy, không thúc ép gì. Sau khi sinh con được một thời gian, thì chia tay nhau, mỗi người theo đuổi hôn nhân riêng. Họ vẫn coi nhau như bạn bè, lui tới chăm sóc đứa con chung. Đứa con chung đó cũng vô tư ở với ông bà ngoại, thỉnh thoảng lại chạy qua ông bà nội chơi vui vẻ, vì nhà nội gần bên nhà ngoại.
Bởi đó, cha mẹ không nên tổ chức đám cưới cho con mình bằng mọi giá, chỉ vì con cái mình đã “lỡ mang bầu”, dù con mình thực sự không yêu thương nhau và không sẵn sàng để kết hôn với nhau, nhất là những trường hợp “lỡ có bầu” thường rơi vào giai đoạn tuổi đời còn non trẻ, suy nghĩ chưa chín chắn. Trong trường hợp này, nếu tổ chức đám cưới, thì chỉ đẹp mặt với bạn bè và bà con lối xóm, nhưng chắn chắn sẽ để lại hậu quả bi đát về sau. Vui đó nhưng rồi buồn đó. Niềm vui thì chóng vánh, nhưng nỗi buồn thì vô tận!
Khi kết hôn được một thời gian ngắn sẽ xảy ra mâu thuẫn, bất đồng và xung đột với nhau mà không giải quyết được. Đơn giản vì không có tình yêu. Không có tình yêu, nên không thể tha thứ cho nhau, không thể chấp nhận nhau, và có khi biến vợ mình, hoặc chồng mình trở thành kẻ thù thứ thiệt của nhau, hoàn toàn đoạn tuyệt với nhau. Mấy chục năm sau, khi ra tòa xin tháo gỡ hôn phối mà vẫn không muốn nhìn mặt nhau. Xung đột vợ chồng không giải quyết được dẫn đến xung đột với cả gia đình nội ngoại hai bên. Tương quan sẽ tan nát và hôn nhân sẽ sụp đổ. Có những cặp kết thúc cuộc sống chung chỉ sau 3 tháng, thậm chí là 1 tháng sau đó, và 1 năm sau, ra tòa ly dị, để lại ngổn ngang bao dằn vặt tâm can, và bao vết thương lòng khó mà chữa lành được. Ở vậy thì không được vì cả hai còn rất trẻ, mà tiến hành một cuộc hôn nhân mới thì sẽ rơi vào tình trạng rối, vì còn vướng dây hôn nhân trước.
Bi kịch diễn ra giữa hai người, hai gia đình, và con cái sẽ lãnh đủ. Bởi vì đã không yêu nhau, thì theo lẽ thường, hoa trái của mình là con cái, họ cũng chẳng thiết tha gì! Có khi người mẹ vì “hận” chồng, nên đành đoạn bỏ lại đứa con của mình và đi tìm người chồng mới. Đứa con trở thành “mồ côi” mẹ. Có khi người bố vì “thù” vợ, nên nhẫn tâm bỏ lại đứa con của mình và đi theo người tình mới. Đứa con trở thành kẻ “mồ côi” cha. Bi đát hơn nữa là cha mẹ hận thù nhau và cùng bỏ luôn đứa con cho ông bà nội hoặc ông bà ngoại nuôi. Hậu quả là đứa con “mồ côi” luôn cả cha lẫn mẹ, đang khi cha mẹ vẫn còn sống. Bi đát hơn nữa là đứa con sau này sẽ hận chính cha mẹ của nó vì đã bỏ rơi nó. Hận cha, hận mẹ và hận luôn cả cuộc đời. Thực tế những trường hợp như thế này xảy ra rất nhiều. Ông bà nội ngoại hai bên nhìn cảnh tượng đó rất đau buồn. Các cha xứ, đặc biệt là người đã cử hành Thánh lễ hôn phối cho họ cũng buồn đau không kém!
Vì thế, trước khi quyết định tiến tới hôn nhân, xin các đôi bạn và những người làm cha mẹ, hãy cân nhắc kỹ lưỡng các tình huống, nhất là cùng nhau cầu nguyện xin ơn soi sáng hướng dẫn của Chúa, để tránh những thảm cảnh bi thương xảy ra sau này.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long