Họa lại hình ảnh Chúa
21.1 Thứ Bảy Thánh Agnes, Đttđ
Dt 9:2-3,11-14; Tv 47:2-3,6-7,8-9; Mc 3:20-21
Họa lại hình ảnh Chúa
Từ thế kỷ thứ IV, thánh Agnès là một trong các vị thánh được tôn kính nhất trong Giáo Hội Rôma. Ngày kỷ niệm được ghi nhận trong lịch Rôma cổ là ngày Chuyển di hài thánh nữ (Depositio martyrum) vào ngày 21.01.354. Nhiều Giáo phụ đã tôn kính nữ thánh : thánh Ambroise đã viết một Hạnh tử đạo về thánh nữ và đã viết một bài thánh thi ca tụng, và còn có các thánh Prudence, Jérôme, Augustin… Tên thánh nữ đã được ghi vào Kinh Nguyện Thánh Thể Rôma cùng với các nữ thánh Agatha, Lucie, Cécile… và trên ngôi mộ của bà, hoàng đế Constantin đã cho xây một đại thánh đường : Sainte-Agnès-hors-les-Murs.
Agnès (tiếng Hy Lạp là Agnè = “thanh sạch”, tiếng La Tinh là Agnus “con chiên”) là một thiếu nữ Rôma khoảng 12,13 tuổi dưới thời bách hại của hoàng đế Dioclètien. Nhiều truyền thuyết La Tinh và Hy Lạp diễn tả cuộc khổ nạn của bà. Agnès là Kitô hữu vào thời các môn đệ của Đức Kitô bị bách hại và bị giết. Lúc đó, một số người Kitô hữu chối đạo vì sợ, Bà liền ra trước mặt nhà chức trách Rôma, tuyên xưng vững vàng đức tin của mình và khao khát được tử đạo. Bà đã trả lời với vị thẩm phán nghi ngờ về đức khiết tịnh của Bà : “Tôi đã đính ước với Đấng các Thiên thần phải cung phụng. Tôi giữ niềm tin vào Người và tôi hoàn toàn thuộc về Người”. Bị bắt đem vào một chỗ đồi bại, một ánh sáng từ trời đã bao phủ bà. Bị kết án thiêu sống, các ngọn lửa bao quanh bà, nhưng không đốt nóng. Bà nói với lý hình sắp chặt đầu mình : “Đừng sợ, hãy mau chặt đầu tôi, để tôi sớm về với Đấng tôi yêu.”
Đại thánh đường thánh Agnès luôn là một nơi hành hương. Ngày lễ kính thánh nữ, người ta sẽ đem hai con chiên đến gần bàn thờ, trước khi dâng cho Đức Giáo Hoàng. Lông của hai con chiên này dùng để dệt các Pallium : một dấu hiệu mà Đức Giáo Hoàng mang và ngài cũng ban cho một số vị xứng đáng trong Hội thánh.
Thánh nữ Agès được tôn kính là thánh quan thầy cho đức trinh khiết. Trong ảnh hình, Bà xuất hiện với con chiên, và đôi khi, với một chim bồ câu, mỏ ngậm một chiếc nhẫn.
Lúc bấy giờ, Chúa Giêsu và các môn đệ trở về nơi dừng chân ở Capharnaum. Nghe tin ấy, dân chúng đông đảo lại đổ xô tới, đến nỗi Người không dùng bữa được (Mc 3, 20), vì Người chạnh lòng thương, nên đáp ứng các nhu cầu của họ, bằng việc chữa lành các bệnh tật và loan báo Tin Mừng.
Lối sống Chúa Giêsu có những điều xem ra bất thường, như là không lập gia đình, lang thang nay đây mai đó, chiêu mộ nhóm môn đệ chủ yếu là ngư dân, giao du với những hạng người bị khinh bỉ trong xã hội, đã dám công khai đụng độ với những người lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ, và nhất là đám đông dân chúng cuồng nhiệt đi theo và Người phục vụ họ đến nỗi bỏ luôn cả việc ăn uống nghỉ ngơi. Như vậy, lối sống Chúa Giêsu như là “lội ngược dòng”, vì Người không theo tư tưởng “nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc”, nhưng là sống theo thánh ý Chúa Cha.
Cho nên, Chúa Giêsu đã gặp phải sự chống đối của nhóm Biệt phái và Kinh sư (Mc 3, 22), nay lại thêm sự hiểu lầm từ phía các thân nhân – trong đó còn có Mẹ của Người (Mc 3, 31).
Tin mừng hôm nay dù vỏn vẹn có hai câu, nhưng lại phản ánh cách rõ ràng mầu nhiệm hủy mình ra không của Chúa Giêsu vì ơn cứu chuộc con người, nhất là những người nghèo hèn, khốn khổ.
Cụ thể, Chúa vừa cùng với các môn đệ trở về sau chuyến đi rao giảng Tin mừng cho đám dân chúng bơ vơ, vất vướng, chưa kịp ăn uống, nghỉ ngơi gì, thì những người họ hàng tới để bắt Ngài đưa về nhà vì nghĩ rằng Ngài bị mất trí.
Nếu ta nhìn vào công việc của Chúa Giêsu chỉ bằng con mắt trần gian, xác thịt thôi, thì chắc chắn ta cũng giống như những người họ hàng của Ngài, nghĩa là ta cũng dễ dàng cho rằng Ngài đã mất trí. Thật vậy, theo lẽ tự nhiên, chắc chắn chẳng ai dại gì mà lại từ bỏ cuộc sống an toàn, thoải mái với công việc ổn định của mình để chọn cho mình một cuộc sống bấp bênh, nay đây mai đó và gặp đủ thứ khó khăn, chống đối bởi người đời.
Nhưng nếu nhìn bằng con mắt đức tin, ta thấy mọi việc Chúa làm sẽ khác. Chúa đã chấp nhận một cuộc sống bấp bênh đến nỗi “con cáo có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ tựa đầu” là vì phần rỗi của bao lớp dân nghèo. Vì họ mà Ngài chấp nhận sự chống đối của giới lãnh đạo tôn giáo Do thái và sự hiểu lầm của những người thân trong họ hàng, gia tộc. Ngài đã hy sinh tất cả – từ sự yên ổn của cuộc sống với miếng ăn, giấc ngủ đến sự an toàn về tính mạng – để dấn thân vì sứ vụ loan báo Tin mừng Nước Trời cho những người nghèo khó, tất bạt.
Là những tín hữu của Chúa, nếu vì biểu lộ đức tin của mình qua những chọn lựa cụ thể trong cuộc sống mà ta bị người đời, thậm chí cả những người nhà chống đối, thì ta biết rằng ta đang được rập đời mình theo khuôn mẫu mầu nhiệm thánh giá cứu chuộc của Chúa. Con đường thênh thang chiều theo những sở thích, dục vọng xác thịt, thế gian là con đường dẫn đến sự hư mất đời đời. Còn con đường hẹp với những khốn khó, thử thách tư bề, thậm chí là khổ đau và nước mắt vì niềm tin vào Chúa, thì ta biết rằng con đường đó là con đường dẫn tới sự sống muôn đời.
Xin Chúa giúp chúng ta biết họa lại hình ảnh sống động của Chúa Giêsu, dẫu rằng dưới mắt người đời, họ xem đó là việc điên rồ. Tin vào Chúa, chúng ta hãy chu toàn bổn phận, biết đặt lợi ích chung trên lợi ích cá nhân và biết trung thành với sứ vụ Kitô hữu của mình.