Họ đạo Cái Nhum : Lễ giỗ hai Đấng Đáng Kính Phêrô Nguyễn Văn Dinh và Luy Phan Văn Ngò
Họ đạo Cái Nhum : Lễ giỗ hai Đấng Đáng Kính Phêrô Nguyễn Văn Dinh và Luy Phan Văn Ngò
Tỏ lòng biết ơn và tôn kính các vị tiền nhân, Cha Sở Gioan Phạm Hữu Diện cùng 2 Cha Phó họ đạo Cái Nhum đã dâng Lễ tạ ơn cũng như xin 2 Đấng chuyển cầu mọi ơn lành cho Giáo Phận nhỏ bé Vĩnh Long.
Cùng hiệp thông với quý Cha có quý nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum và cộng đoàn dân Chúa.
Ngày 27 tháng 9 hàng năm, Giáo Phận Vĩnh Long nói chung và cộng đoàn dân Chúa Cái Nhum đặc biệt kính nhớ 2 đấng.
Ngày 27-9-1857: được Đức Thánh Cha Piô IX tôn phong 2 vị tử đạo của Giáo Phận Vĩnh Long lên bậc đáng kính.
Ông LU-Y PHAN VĂN NGÒ, sinh năm 1772 tại Cái Nhum, thuộc An Lương thôn (làng An Lương ngày xư, dinh Long Hồ, tức là Vĩnh Long ngày nay), thân sinh của ông NGÒ là ông PHAN VĂN LUÔN.
Tuổi thanh niên, ông NGÒ gia nhập quân đội hoàng gia của sĩ quan thanh liêm. Sau khi xuất ngũ, ông lập gia đình, tỏ ra là một gia trưởng tài đức, mẫu mực của một tổ ấm 12 hiếu tử, ông được cử làm ông Cả trong làng, ông Cả luôn tận tình phục vụ, giúp đỡ dân làng như một đại gia đình, rất đúng nghĩa: “LÀNG LÀ PHỤ MẪU CHI DÂN”, chứ không phải ông Cả của thời phong kiến.
Ngoài chức vụ ông Cả, ông còn là ông Trùm Nhứt họ đạo Cái Nhum, đồng thời cũng là Thầy giảng đạo, ông tận tình cộng tác với Cha Sở chăm sóc đời sống tinh thần và vật chất cho các tín hữu khi còn sống cũng như lúc qua đời, thậm chí ông còn tham gia việc mai táng theo khả năng tuổi già của ông, nêu gương sáng cho Ban Quới Chức, ông Trùm NGÒ được sự cộng tác đắc lực của ông biện PHÊRÔ DINH, nên công tác mục vụ mà Cha Sở phân công cho Quới Chức được hòan thành xuất sắc.
Có lần ông bị cáo là chứa chấp những vị thừa sai ngoại quốc, cũng may ông thoát nguy được là nhờ ảnh hưởng của bạn bè đang làm việc ở tỉnh lỵ. Lần khác ông bị tố cáo, trùng hợp với vụ Thầy PHƯỚC bị bắt tại Trà Vinh, quan liền cho lính đến Cái Nhum để truy nã Đức Cha NGÃI.
Can đảm trước hậu hoạn vô thường, chính ông Trùm LU-Y NGÒ đã giấu kín Đức Cha LEFÈBVRE (NGÃI) và các Dì Phước (nữ tu Hội Dòng Mến Thánh Giá ngày nay). Nhờ ông Cai Tổng ĐƯỜNG là bạn thân của ông NGÒ mách tin cho biết lính đến bao vây, nên ông NGÒ đối phó kịp thời hiểm họa. Nhưng sau cùng, ông Trùm NGÒ cũng bị bắt cùng với Đức Cha NGÃI ngày 20 – 10 – 1844 đang lúc Đức Cha trú ngụ trong nhà của một người dân thuộc tôn giáo bạn ở Cái Gà. Đức Cha tự ý ra nộp mình, vì thấy ông Trùm NGÒ và một số tín hữu bị bắt tra khảo quá khổ đau…
Đức Cha LEFÈBVRE (NGÃI), ông Trùm LU-Y NGÒ và Thầy giảng PHƯỚC bị đưa ra cố đô Huế. Đến Huế 12 hôm, ông Trùm LU-Y NGÒ vì quá vất vã, kiệt sức nơi tù ngục với án lệnh cấm cốc (cấm ăn ngũ cốc) và mang gông.
Ngày 24 – 2 – 1845, ông Trùm LU-Y PHAN VĂN NGÒ được Chúa thương gọi về lãnh triều thiên thiên quốc, trước sự hiện diện của Đức Cha LEFÈBVRE (NGÃI), hưởng thọ 73 tuổi, còn Thầy giảng PHƯỚC bị án tử hình. Lúc bấy giờ tài sản của họ đạo cũng như giáo dân đều bị tịch thu, họ đạo đói khổ, gần bị đe dọa tan rã.
Thi hài ông Trùm NGÒ được an táng tại đất thánh Phú Cam, gần Huế, ông LU-Y NGÒ chết ít lâu thì Đức Cha LEFÈBVRE (NGÃI) được trả tự do, nhờ sự can thiệp của thiếu tướng hải quân CÉCILLE.
Thầy giảng PHƯỚC và Thầy TAM (còn gọi là SUM) ở lại khám đường Huế. Nơi tù ngục, hai Thầy vẫn kiên gan loan báo TIN MỪNG CỨU ĐỘ của Chúa GIÊSU KITÔ, khiến cho nhiều tù nhân được nhìn biết Chúa mà tôn thờ. Về sau Thầy PHƯỚC lãnh án tử hình.
Ngày 27 – 9 – 1857, Đức Thánh Cha PIÔ IX tôn phong ông Trùm LU-Y PHAN VĂN NGÒ lên bậc Đáng Kính.
Năm 1845 xác thánh Đấng Đáng Kính LU-Y PHAN VĂN NGÒ được cải táng, hài cốt của ông được lưu kính trong phòng thánh nhà thờ họ Cái Nhum.
Thời Cha Sở PHÊRÔ TRẦN HỮU DƯ và Cha Sở SIMON LÂM THÀNH HÒA hài cốt của Đấng Đáng Kính LU-Y NGÒ được lưu kính dưới Bàn Thờ Thánh Thể.
Thời Cha Sở ANTÔN NGUYỄN VĂN LỆ thì hài cốt của Đấng Đáng Kính LU-Y NGÒ được lưu kính dưới Bàn Thờ chánh.
Ông PHÊRÔ NGUYỄN VĂN DINH sinh tại Cái Nhum năm 1814, thân phụ của ông quí danh là Yến, một thanh niên công giáo đạo đức hiền hòa, giỏi giáo lý, đã nhận bí tích Hôn Phối với bà Matta Nguyễn thị Điểu, sinh được 3 hiếu tử, được cha sở tín nhiệm bầu làm biện họ, câu đồng nhi .
Bà Matta Điểu hiền thê và là hiền mẫu thánh thiện, trợ lý đắt lực cho ông biện DINH chu toàn nhiệm vụ tông đồ giáo dân (ngôi mộ của bà Matta Điểu còn lưu lại tại đất thánh Cái Nhum). Ông DINH tự nhận là chủ nhà chứa chấp Đức Cha Ngãi, nhưng bà giúp việc tên là Thâm Lương có ý đánh lạc hướng.
Ông biện DINH bị khảo tra 30 lần, mỗi lần kéo dài 4-5 giờ, ông bị đánh lòi xương, nhưng không khai báo, chỉ kêu Chúa mà thôi.
Thấy vậy Dức Cha Ngãi là chủ chăn phải tự nộp mình để con chiên khỏi bị cực hình. Đức Cha Ngãi nhắn tin cho cha Fontaine đến để bàn giao hồ sơ cai quản Địa Phận “Tây Đàng Trong” vì cha nầy ở gần đó.
Đức Cha Ngãi chưa kịp nộp mình, thì con trai ông cai tổng Lợi tên Bổn, 12 tuổi, có đạo, bị quan bắt đe dọa, vì quá sợ nên chỉ điểm Đức Cha trú ẩn.
Ngày 31-10-1844: Đức Cha Ngãi bị bắt điệu về Cái Nhum để thẩm vấn, rồi giải về Vĩnh Long, kế đó Đức Cha bị giải về Huế với thầy Phước và ông Cả Louis NGUYỄN VĂN NGÒ, trùm Nhứt họ đạo cái Nhum.
Riêng Ông Biện PHÊRÔ DINH còn ở lại Cái Nhum, ông bị tra khào rất cai nghiệt, nằm bất động, khi đó có cha Lượng ở Cái Mơn đến ban Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân, cũng có biện Danh và biện Sum đến giúp ông biện DINH những ngày sau cùng, khoảng ba, bốn hôm sau ông DINH qua đời.
Ngày 09-11-1844: Ông Biện PHÊRÔ NGUYỄN VĂN DINH được Chúa thương gọi về hưởng phúc thiên đàng, hưởng thọ 30 tuổi.
Ngày 27-9-1857: được Đức Thánh Cha Piô IX tôn phong lên bậc đáng kính.
Hài cốt ông biện PHÊRÔ NGUYỄN VĂN DINH được lưu kính tại Dòng Kín Camêlô Sài Gòn, nơi mà ái nữ của ông quí danh là Nguyễn thị Long dâng mình làm tôi Chúa, tên khấn dóng là SAINT PIERRE DE SAINTE THÉRÈSE. Nữ tu LONG qua đời đầy hương thơm nhân dức ngày 26- 5-1915, hưởng thọ 83 tuổi, sau 54 năm khấn dòng.
Cháu chắt của đấng Đáng Kính PHÊRÔ NGUYỄN VĂN DINH còn ở tại cái Nhum là Bà ANNA NGUYỄN THỊ KIỀM, hôn phối với ông SIMON TRƯƠNG VĂN SỨ, sinh được 9 hiếu tử được tuyển chọn 1 nam tử PHÊRÔ TRƯƠNG VĂN NGHĨA, thành viên hội đồng giáo xứ tại Mỹ Tho và 2 ái nữ nhập vào hàng Giáo Lý Viên họ đạo Cái Nhum, là MARIA TRƯƠNG THỊ LÝ và MARIA TRƯƠNG THỊ ÚT.