HÌNH THỨC
29 22 X CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN.
Ca vịnh tuần II.
Xứ Phú Thứ, Tân Lạc, và họ Thọ Lão chầu Mình Thánh.
Không cử hành lễ thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta chịu trảm quyết. Và không cử hành lễ cầu cho người qua đời (D2, D3), trừ lễ an táng.
Đnl 4,1-2.6b-8; Gc 1,17-18.21b-22.27; Mc 7,1-8.14-15.21-23.
HÌNH THỨC
Có những người coi việc giữ luật là quan trọng, còn tình trạng tâm hồn mình là không đáng kể. Họ thấy cần thiết phải giữ chay, còn có đi ăn trộm, ăn cướp cũng chả sao. Đó là một sai lầm mà Chúa Giêsu luôn tìm cách sửa đổi. Có thể coi đây là một trong những khác biệt giữa tâm tình giữ đạo của các Biệt phái và nhóm môn đệ sống theo Lời Chúa. Các Biệt phái nghiêm chỉnh giữ luật tắm rửa, lau chùi, rửa bình… không phải vì lý do vệ sinh, nhưng là nghi lễ thanh tẩy. Họ khó chịu, chê trách Chúa và các môn đệ vì không tuân giữ luật cũ.
Dẫu rằng nhóm môn đệ rất nhiệt thành giữ đạo, nhưng đôi khi trong nếp sống cũng bị nhiễm lây một vài thói tục mà người Biệt phái cho là phóng túng. Chúa Giêsu coi những chuyện này là không quan trọng. Chủ yếu là do cõi lòng. Chúa luôn bảo vệ, bênh vực những kẻ mà nhóm bảo thủ cho là người xấu, người tội lỗi, những người thu thuế, các cô gái điếm. Chúa tỏ lòng nhân từ và khoan dung với người nghèo khó, bé mọn… nhất là khi những người này bị xét đoán gắt gay.
Những người Biệt phái và Luật sĩ trong đạo Do Thái cũng giữ đạo theo hình thức như thế. Họ rất trọng những lề luật theo hình thức bề ngoài. Họ cho rằng giữ những hình thức bề ngoài là đủ. Theo họ, đạo là lề luật. Giữ trọn lề luật là giữ đạo. Đặc biệt là luật thanh sạch. Người Do Thái có nhiều cấm kỵ ô uế. Bị coi là ô uế những người mắc bệnh phong, những người phụ nữ sau khi sinh con, người ngoại đạo. Ai tiếp xúc với những người ô uế sẽ bị lây nhiễm ô uế. Ngay cả những đồ vật bị người ô uế động đến cũng trở thành ô uế. Ai động đến những đồ vật đã bị ô uế cũng sẽ bị lây nhiễm ô uế. Ô uế là tội lỗi. Những người bị ô uế sẽ không được dâng lễ vật cho Chúa. Để tránh ô uế, người Do thái luôn rửa tay, rửa bát bên ngoài cho sạch.
Chúa Giêsu chê trách họ là giả hình. Vì họ chỉ lo giữ sự trong sạch bề ngoài mà không lo giữ sự trong sạch bề trong. Họ lo rửa tay chân mà không lo rửa lương tâm. Họ sợ tiếp xúc với người bệnh nhưng họ vẫn ấp ủ những ý đồ xấu xa trong tâm hồn. Có lần Chúa Giêsu đã sánh ví họ với những mồ mả, bên ngoài thì tô vôi, sơn phết đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy xương cốt hôi hám xấu xa.
Vì quá chú trọng đến những luật lệ tỉ mỉ bên ngoài, họ biến đạo thành một mớ những nghi thức trống rỗng vô hồn. Đọc kinh cho đủ bổn phận mà không cầu nguyện. Ăn chay để giữ đúng luật hơn là để hạn chế tính mê tật xấu. Làm việc bác ái để phô trương hơn là để chia sẻ với người anh em cơ nhỡ. Tệ hại nhất là họ giữ đạo mà không thật lòng yêu mến Chúa. Nên hôm nay, Đức Giêsu đã nặng lời chỉ trích họ: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”.
Chúa Giêsu lên án kẻ Biệt phái nào xem ý kiến những luật sĩ giải thích Kinh thánh trọng ngang với Lề luật. Thậm chí, Người không chịu được thái độ tự kiêu tự mãn của họ. Thật vậy, họ tự cho mình là am tường Lề luật, rồi sinh ra kinh miệt kẻ tầm thường, kẻ hèn kém. Ta có thể trên quan điểm này tự đặt vài câu hỏi về xã hội ngày nay. Trong một số hội đồng, ủy ban nào đó, trong phần lớn giới báo chí chẳng có những ký lục và Biệt phái rất tự tín, rất vững tâm khi họ giải thích Phúc âm, muốn độc quyền hướng dẫn dư luận sao? Ngày nay đang có một sự uốn nắn đích thật đó là sự biệt phái tái xuất hiện dưới bộ áo mới, sự giả nhân giả nghĩa mà Chúa Giêsu đã nghiêm khắc lên án.
Sau khi lên án những kẻ biệt phái, Chúa Giêsu giảng về điều nó làm cho con người ra uế tạp trước mặt Thiên Chúa. Đó là những tình cảm xấu xa nuôi dưỡng trong lòng. Chúa kể ra 1 số tình cảm trong đó có kiêu ngạo và phi lý. Vậy mà có tội kiêu ngạo nào độc hại hơn tội phi lý nào bại hoại hơn tội của kẻ gác sang một bên giới luật Thiên Chúa, để tự đặt ra những giới luật riêng cho mình? Chúa Giêsu gạch nối xếp thái độ đó vào tội ô uế trước mặt Thiên Chúa.
Cuộc giáp mặt giữa những người Pharisêu và kinh sư với Chúa Giêsu và các môn đệ trong Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta liên tưởng tới những cuộc giáp mặt khác trong cuộc đời. Quả thực, dù muốn dù không chúng ta cũng sẽ thấy, sẽ gặp, sẽ chứng kiến những cuộc giáp mặt cụ thể và quyết liệt, như giữa hàng thật và hàng giả, của công và của tư, phim sạch và phim đen, mặt phải và mặt trái v.v… không có sẵn giải pháp cho từng trường hợp, nhưng vẫn có lời gọi hãy đứng về phía chân lý và hãy sống trung thực trong bất cứ trường hợp nào.
Dĩ nhiên sự thật tất thắng, nhưng đường đi đến sự thật là cả một cuộc đấu tranh sinh tử một mất một còn. Phân biệt thật giả đã khó, yêu mến và thi hành sự thật lại càng khó hơn, nó đòi hỏi lý trí và ý chí cũng như sự trợ giúp của ơn thánh. Vì thế, lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy nhận diện lại cuộc sống đạo đức của mình, đồng thời cũng là lời mời gọi hãy giành lấy phần thắng giữa những cuộc giáp mặt trong đời.
Lòng dạ con người thật nham hiểm. Tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ: loài người không dò thấu được lòng nhau, nhưng Thiên Chúa thấu suốt cõi lòng mỗi người: “Ta là Thiên Chúa, Ta thấu suốt tâm can mỗi người từng gang tấc”. “Thiên Chúa, Đấng thấu suốt nơi kín nhiệm, sẽ thưởng công cho ngươi”, “Loài người nhìn bên ngoài, nhưng Thiên Chúa nhìn bên trong”, “Không có gì có thể che giấu được Thiên Chúa”… Lời Chúa thật rõ ràng, chúng ta không thể sống che giấu Thiên Chúa được. Chúng ta có thể sống đóng kịch, giấu diếm một số người, một số nơi, một số năm tháng, nhưng chúng ta không thể che giấu nổi Thiên Chúa.
Chúng ta hãy suy nghĩ xem: chúng ta có thường mắc phải cái tật xấu giả hình, giả dối của những người Pharisêu và Kinh sư không? Chúng ta có coi nước sơn bên ngoài quan trọng hơn thứ gỗ bên trong không? Chúng ta nghĩ gì về một đời sống đạo đức, sốt sắng đọc kinh dâng lễ, nhưngc có thể bị đánh giá là chỉ tôn kính Chúa ngoài môi miệng, còn lòng thì xa Chúa? Sống với nhau, chúng ta có đối xử với nhau theo kiểu chỉ có bề ngoài không? Lời Chúa nhắc nhở chúng ta hãy nhìn lại cách sống của mình. Ít nhất một bài học chúng ta có thể rút ra từ bài Tin Mừng là: cố gắng thành thật với chính mình và lo hoán cải sửa đổi bên trong hơn là lo trang điểm, trình diễn bên ngoài. Thà “xanh vỏ đỏ lòng” còn hơn là “tốt mã rã đám”.
Khi bên ngoài lấn át bên trong, dáng vẻ bề ngoài lấn át con tim, lễ nghi lấn át ý nghĩa, trình diễn ngoạn mục lấn át nội tâm, tỉ lệ lấn át tinh thần; thì đó sẽ là điều đồi bại. Bản văn chính thức chúng ta đọc trong chúa nhật này đã bỏ đi một câu tố cáo sống sượng sự phản bội dưới vỏ bọc của một truyền thống sai lạc: “Bất cứ cái gì lừ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm con người ra ô uế được, bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta rồi thải ra ngoài”.
Chỉ có một truyền thống đích thực, đó là dòng chảy từ con tim của Thiên Chúa đến con tim của con người. Nhưng để dòng chảy lưu thông thông suốt, đương nhiên cần có những ống dẫn. Những ống này càng mịn màng tinh tế càng ít cản trở dòng chảy”.