Hiền lành và khiêm nhường
09 25 Tm Thứ Tư tuần 2 MV.
Is 40,25-31; Mt 11,28-30
HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu mở lớp dạy môn “Hiền lành và khiêm nhường” khi Chúa nói: “Anh em hãy học với tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11, 29). Khởi đi từ ý tưởng nền tảng này, chúng ta cùng tìm hiểu hai điều quan trọng sau đây: Thứ nhất, đó là sống hiền lành và khiêm nhường trong tương quan với Thiên Chúa; thứ hai, đó là sống hiền lành và khiêm nhường trong tương quan với mọi người.
Trước hết, đó là sống hiền lành và khiêm nhường trong tương quan với Thiên Chúa. Người sống hiền lành và khiêm nhường là người sống lòng biết ơn Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã nói: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (2 Cr 4, 7), điều này có nghĩa là mọi sự chúng ta có đều do bởi ơn Chúa.
Thật vậy, có ai trong chúng ta đây có thể tự tạo ra mạng sống, trí khôn, sức khỏe, thời gian… cho mình đâu. Tất cả những gì chúng ta đang có đều được Chúa ban cho. Ngược lại, người kiêu ngạo là người vô ơn với Thiên Chúa và cho rằng mọi sự mình có đều do sức riêng của mình, vì thế, dễ dẫn đến việc xem thường Thiên Chúa, không tôn trọng Thiên Chúa và mọi người.
Tiếp theo, đó là sống hiền lành và khiêm nhường trong tương quan với mọi người. Trong đời sống cộng đồng xã hội, chúng ta có thể sống hiền lành và khiêm nhường khi chúng ta ghi nhận công ơn của mọi người và quảng đại đóng góp vào những công việc chung của cộng đồng. Chúng ta thấy rằng không ai trong chúng ta có thể tự lo cho mình hết mọi việc. Chúng ta cần đến người thợ để hớt tóc hoặc may quần áo; cần có bác sĩ để chữa bệnh, cần những công nhân làm ra các sản phẩm để sử dụng mỗi ngày, cần những nông dân để làm ra lúa gạo, cần người đánh cá, cần người quét đường v.v… Tóm lại, không ai trong chúng ta có thể sống cho riêng mình.
Chính vì thế, chúng ta cần khiêm tốn nhận ra sự thiếu thốn của mình để đón nhận người khác, để ghi nhận công ơn của mọi người và để tích cực góp sức mình xây dựng và làm phát triển cộng đoàn xã hội. Ngược lại, người kiêu ngạo thì sống vô ơn, ích kỷ, không đóng góp vào việc xây dựng cộng đoàn.
Chúa Giêsu dạy hãy sống hiền lành, dễ thương. Người khuyên chúng ta bắt chước người mục tử trong dụ ngôn “Con chiên lạc” (Lc 15, 4-7); người mục tử không hề đánh đập, giận dữ, quát tháo, hay kéo lê con chiên lạc về mà lại tử tế đặt nó lên vai mình, vác về đàn. Chúa Giêsu cũng khuyên chúng ta bắt chước người cha trong dụ ngôn “Đứa con hoang đàng” (Lc 15,11-32); người cha không mắng chửi đứa con nhiều lầm lỗi trở về, cũng không nóng nảy, không xua đuổi mà lại ôm hôn con và dọn tiệc ăn mừng. Còn rất nhiều câu chuyện trong Phúc âm kể về sự hiền lành, dễ thương của Chúa Giêsu.
Hiền lành và khiêm nhường nơi Chúa Giêsu là luôn tự ý bước xuống và trút bỏ vinh quang. Thánh Phaolô viết: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa.Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá” (Pl 2, 6-8).
Vì Thiên Chúa khiêm nhường luôn tìm đường đi xuống nên những ai kiêu căng, tìm cách nâng mình lên sẽ chẳng bao giờ gặp được Người. Thiên Chúa khiêm nhường nên chỉ ai khiêm nhường, nhỏ bé mới gặp được Người. Vì thế, Chúa Giêsu đã “ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp lòng Cha” (Mt 11,25-26).
Khiêm nhường, hiền lành luôn biểu lộ đức tính yêu thương tha nhân, đem lại những điều hòa hợp, hợp nhất với mọi người trong cuộc sống. Chúa Giêsu luôn sống hiền lành và khiêm nhường, Chúa muốn con người thoát khỏi gánh nặng lề luật, hình thức đang đè nặng trên vai mình và người khác.
Chúa Giêsu luôn yêu thương, cảm thông với cuộc sống con người. Ngài hóa thân làm người trong đời sống khiêm nhường, hạ mình đến cứu độ trần gian, và kêu gọi những ai mang nỗi khó nhọc và gánh nặng của kiếp sống nhân sinh là hãy đến với Ngài, để được êm ái, nhẹ nhàng và bình an.
Chúa muốn mọi người thoát khỏi kiếp sống áp đặt, kềm kẹp của thói áp đặt giả hình lên cuộc sống tha nhân như những người Pharisiêu, Biệt Phái vụ luật, giả hình. Chúa muốn kiện toàn lề luật để giải phóng con người và được tuân giữ trong chân lý sự thật. Lề luật giúp cho con người muốn đạt tới vinh quang phải trải qua khổ nhọc, đau khổ của cuộc sống thì người ta mới đạt được tâm hồn êm ái, nhẹ nhàng và bình an, vinh quang nơi Thiên Chúa qua ơn cứu độ được trao ban.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống hiền lành và khiêm nhường trong tương quan với Thiên Chúa và mọi người. Xin Chúa biến đổi chúng ta để chúng ta biết sống mến Chúa và yêu người mỗi ngày một hơn.