Hiền hậu và khiêm nhường
14.7 Chân Phước Kateri Tekakwitha, Đt
Is 26:7-9,12,16-19; Tv 102:13-14,15,16-18,19-21; Mt 11:28-30
Hiền hậu và khiêm nhường
Hiền hậu hay Hiền hậu là thái độ của một người tốt lành, giàu lòng từ bi nhân ái, có lòng thương xót và thích làm điều tốt cho kẻ khác. Hiền hậu theo Kinh Thánh còn có nghĩa là thái độ hiền dịu, không cứng cỏi… Như vậy sự hiền hậu vừa có trong lòng lại vừa phát xuất ra bên ngoài: Trong lòng thì từ bi, khoan dung, độ lượng, cảm thông, còn bên ngoài thì nhẹ nhàng, từ tốn nhỏ nhẹ, không thô bạo, không gây thù chuốc oán với ai…
Trong đời sống thường ngày, những người có quyền thường tự cao tự đại, không muốn ai làm trái ý mình, lại thường nóng tính biểu lộ qua nét mặt cau có, hay la mắng người dưới làm trái ý mình, có khi còn “giận cá chém thớt” nữa.
Khiêm nhường là thái độ nhún nhường không thích khoe khoang thành tích, sẵn sàng hạ mình một chút. Căn bản của khiêm nhường là tôn trọng sự thật về mình: nhận thức đúng mình là người xấu tốt như thế nào để không muốn mình nổi trội hơn người khác. Giả như người khác có coi thường mình thì cũng không tức giận và không để bụng trả thù. Nhờ “biết mình biết người” như vậy nên người khiêm nhường sẽ luôn thành công trong mọi việc, sẽ tránh được buồn phiền chán nản khi sự thể xảy ra không như ý của mình. Người khiêm nhường dễ gây được thiện cảm với người khác và nhận được sự hợp tác của nhiều người.
Nếu Chúa Giêsu mở lớp dạy các môn học như: Toán, Lý, Hóa, Anh văn, Vi tính… Có lẽ nhiều người sẽ đăng ký học, bởi vì những môn học này có lợi ích thiết thực đối với nhiều người. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu mở lớp dạy môn “Hiền lành và khiêm nhường” khi Chúa nói: “Anh em hãy học với tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11, 29). Khởi đi từ ý tưởng nền tảng này, chúng ta cùng tìm hiểu hai điều quan trọng sau đây: Thứ nhất, đó là sống hiền lành và khiêm nhường trong tương quan với Thiên Chúa; thứ hai, đó là sống hiền lành và khiêm nhường trong tương quan với mọi người.
Trước hết, đó là sống hiền lành và khiêm nhường trong tương quan với Thiên Chúa. Người sống hiền lành và khiêm nhường là người sống lòng biết ơn Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã nói: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (2 Cr 4, 7), điều này có nghĩa là mọi sự chúng ta có đều do bởi ơn Chúa. Thật vậy, có ai trong chúng ta đây có thể tự tạo ra mạng sống, trí khôn, sức khỏe, thời gian… cho mình đâu. Tất cả những gì chúng ta đang có đều được Chúa ban cho. Ngược lại, người kiêu ngạo là người vô ơn với Thiên Chúa và cho rằng mọi sự mình có đều do sức riêng của mình, vì thế, dễ dẫn đến việc xem thường Thiên Chúa, không tôn trọng Thiên Chúa và mọi người.
Tiếp theo, đó là sống hiền lành và khiêm nhường trong tương quan với mọi người. Trong đời sống cộng đồng xã hội, chúng ta có thể sống hiền lành và khiêm nhường khi chúng ta ghi nhận công ơn của mọi người và quảng đại đóng góp vào những công việc chung của cộng đồng. Chúng ta thấy rằng không ai trong chúng ta có thể tự lo cho mình hết mọi việc. Chúng ta cần đến người thợ để hớt tóc hoặc may quần áo; cần có bác sĩ để chữa bệnh, cần những công nhân làm ra các sản phẩm để sử dụng mỗi ngày, cần những nông dân để làm ra lúa gạo, cần người đánh cá, cần người quét đường v.v…
Những kẻ vất vả mang gánh nặng mà Tin Mừng hôm nay nhắc đến được các nhà chú giải hiểu là những con người đơn sơ khiêm tốn, sẵn sàng để Thiên Chúa dạy dỗ hướng dẫn, như được nói đến trong đoạn Tin Mừng trước đó. Tâm hồn họ đã sẵn sàng, giờ đây, Chúa Giêsu mời gọi họ đến với Ngài để được Ngài nâng đỡ bổ sức cho; hay nói theo một bản dịch Kinh Thánh khác: để được Ngài giải thoát khỏi gánh nặng. Gánh nặng nào? Ðó là gánh nặng của lề luật mà các nhà thông thái chất trên vai những con người đơn sơ, hèn mọn. Họ bó gánh nặng đặt lên vai người khác, còn chính họ thì không muốn động ngón tay vào, như lời Chúa trách cứ thái độ giả hình của những người Biệt Phái. Tinh thần vụ luật, vụ hình thức đã làm cho những vị lãnh đạo Do Thái giáo không còn quả tim để thông cảm nữa.
Chúa Giêsu mời gọi dân chúng đến với Ngài để được Ngài giải thoát khỏi gánh nặng và được nâng đỡ bổ sức. Chống lại những người Biệt Phái, Chúa Giêsu đề ra một cái ách mới cho những ai chấp nhận Ngài. Ðây chẳng phải là không còn lề luật, bởi vì giáo huấn của Chúa Giêsu đòi hỏi không thua gì lề luật của Môsê. Nhưng đối với Chúa Giêsu, những kẻ tuân giữ luật Chúa được sức mạnh tinh thần nâng đỡ ủi an, đó là sức mạnh của Thánh Thần mà Ngài đã ban cho các môn đệ để họ tuân giữ luật Chúa, và như vậy luật Chúa trở nên nhẹ nhàng, dễ chu toàn.
Người Kitô hữu không lẻ loi một mình, không tự sức mình tuân giữ luật Chúa. Hằng ngày họ được Chúa nuôi dưỡng bằng chính Mình Máu Thánh Ngài và được ban cho tràn đầy Thánh Thần. Sống theo ơn soi sáng của Thánh Thần, họ sẽ cảm nghiệm được rằng đời sống đức tin với tất cả những hệ lụy, những đòi buộc của nó, sẽ không còn là gánh nặng, mà là niềm vui và sức mạnh trong mọi biến cố, mọi hoàn cảnh cuộc đời.
Không có ai dám kêu gọi người ta đến với mình để được an ủi đỡ nâng khi người đó biết mình sắp lìa cõi thế, ngoại trừ một mình Chúa Giê-su; mà lý do để làm thế là vì Ngài “hiền lành và khiêm nhường.” Hiền lành và khiêm nhường, đó là căn tính của Vị Thiên Chúa Làm Người: Ngài chiếu tỏa dung nhan hiền hậu của Chúa Cha, Đấng đầy lòng thương xót. Tin Mừng hôm nay vừa tiên báo cái chết đau thương của Con Chiên hiền lành bị đem đi xén lông và làm thịt, vừa là lời mời gọi mỗi người tin tưởng vào tình yêu của Chúa giữa cảnh đời buồn nhiều hơn vui, vất vả nhiều hơn sung sướng và khổ đau nhiều hơn hạnh phúc này.
Tóm lại, không ai trong chúng ta có thể sống cho riêng mình. Chính vì thế, chúng ta cần khiêm tốn nhận ra sự thiếu thốn của mình để đón nhận người khác, để ghi nhận công ơn của mọi người và để tích cực góp sức mình xây dựng và làm phát triển cộng đoàn xã hội. Ngược lại, người kiêu ngạo thì sống vô ơn, ích kỷ, không đóng góp vào việc xây dựng cộng đoàn.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống hiền lành và khiêm nhường trong tương quan với Thiên Chúa và mọi người. Xin Chúa biến đổi chúng ta để chúng ta biết sống mến Chúa và yêu người mỗi ngày một hơn.