Hiện diện mới
18.5 Lễ Thăng Thiên
Hiện diện mới
Biến cố Đức Giêsu lên trời là một biến cố lịch sử. Vì biến cố này đã diễn ra trong một thời gian và không gian nhất định, có sự chứng kiến của nhiều người và đã được sách Cộng Vụ Tông Đồ và các sách Tin mừng ghi lại. Bài đọc I cho chúng ta biết, sau thời gian thi hành nhiệm vụ ở thế gian, Ngài chịu nạn chịu chết, sống lại và hiện ra với nhiều người. Hôm nay, trước mặt các Tông đồ, Ngài được cất nhắc lên trời (Cv 1, 1-11). Cũng trong khung cảnh đó, bài Tin mừng cho chúng ta biết, theo lời hẹn trước, Mười một Tông đồ đã đến Galilê gặp Đức Giêsu. Trước khi lên trời, Ngài trao cho các ông sứ mạng loan báo Tin mừng (Mt 28, 18-20).
Sự kiện Chúa Giêsu thăng thiên đánh dấu việc Người trở về “nơi” mà Người đã hiện hữu trước khi nhập thể (Ga 3, 13). Lễ này nói lên việc nhân tính của Người tiến vào trong vinh quang của Thiên Chúa một cách vĩnh viễn (Ga 16, 28; 17, 5). Nó đánh dấu sự kết thúc sứ mệnh hữu hình của Chúa Giêsu ở trần gian và khởi đầu sứ mệnh của Giáo Hội. Vào chính ngày Phục Sinh, Chúa Giêsu đã được tôn vinh, được siêu thăng và “ngự bên hữu Chúa Cha” trong thân xác vinh quang của Người rồi.
Tuy nhiên, theo trình thuật của Thánh Luca, sau khi phục sinh, Chúa Giêsu còn hiện ra nhiều lần với các môn đệ trong khoảng thời gian 40 ngày. Đây là thời gian Chúa Giêsu dùng để khẳng định sự Phục Sinh của Người, củng cố niềm tin của các môn đệ, hoàn tất việc giảng dạy và sai các ông đi rao giảng Phúc Âm.Với biến cố thăng thiên, Chúa Giêsu không còn hiện diện trong thân xác hữu hình như trước kia, nhưng Người vẫn hiện diện với Giáo Hội cho đến ngày tận thế (Mt 28, 20) theo phương cách mới – theo quyền năng của Chúa Thánh Thần, với tư cách là Chúa của vũ trụ (Pl 2, 10-11).
Chúa lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha. Theo Thánh Kinh, ngự bên hữu nghĩa là đồng hàng trong danh dự, phẩm vị và quyền năng. Chúa Giêsu lên trời sau khi hoàn tất công cuộc cứu độ. Người lấy lại vinh quang, uy quyền và danh dự của một Thiên Chúa đồng hàng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Người lấy lại những sự ấy là vì đã tự nguyện trút bỏ nó khi vào trần gian để thực thi chương trình cứu độ. “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7).
Các Tông đồ đã được “thực mục sở thị” mầu nhiệm thăng thiên của Thầy mình, cũng tức là đã được củng cố đức tin vững vàng về mầu nhiệm Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, xuống thế làm người, chịu khổ hình thập giá vì tội lỗi loài người, đã sống lại và thật sự lên trời vinh hiển. Những việc làm, những Lời dạy của Thầy đã là hiện thực 100%. Vậy thì còn “đăm đăm nhìn theo bóng dáng Thầy” làm chi nữa, bởi chính Thầy đã dạy “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28, 20). Lời thiên sứ “ Chúa Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” cũng đã được Thầy nhắn nhủ từ trước: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14, 2-3). Người còn nói rất rõ chính Người sẽ đến: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người.” (Mt 25, 31).
Biến cố Chúa lên trời chỉ là một cách Thiên Chúa mạc khải cho con người dễ hiểu mà thôi. Còn thực chất trời không phải là một không gian cố định nào và kể từ khi Chúa phục sinh thì Người không còn bị giới hạn bởi thân xác phàm tục nữa, mà là cùng lúc Người vẫn kết hợp mật thiết với Ngôi Cha và Ngôi Ba, đồng thời Người còn ở khắp mọi nơi “cả trên trời, dưới đất và trong nơi âm phủ nữa”. Như vậy là đã rõ, trời không phải là ở chỗ này hay chỗ kia, ở trên cao hay dưới thấp, mà là ở khắp mọi nơi. Chúng ta vẫn thường nói khi con người sống thánh thiện là đã nên thánh giữa đời, lên thiên đàng ngay ở trần gian này. Và quả thật chỉ có như thế thì mới có “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20) được.
Vấn đề quan trọng không phải là cứ đăm đăm nhìn theo bóng dáng Thầy, để mà tiếc nuối, hoặc để mà thắc mắc xem trời ở đâu và Thầy lên trời sẽ cư ngụ chỗ nào (kiểu như những con người ở thế kỷ XXI này thắc mắc); mà là hãy nhớ lại lời Thầy đã truyền: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” (Mt 28, 19).
Vì thế, nên “Các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.” (Mc 16, 20). Sở dĩ các Tông đồ tiên khởi làm được như vậy, chính là nhờ các ngài đã có một lòng tin sắt đá vào Thầy của mình, bởi “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.” (Mc 16, 17-18).
Hôm nay Chúa Giê-su đang ở trong mỗi người chúng ta như lời Ngài phán: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Ngài tha thiết kêu mời chúng ta hợp tác với Ngài trong việc loan Tin mừng và cứu độ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những gì Thầy đã truyền cho anh em.” (Mt 28, 19-20)
Còn rất nhiều người chưa nhận biết Tin mừng của Chúa Giêsu. Tâm hồn họ là những trang giấy trắng. Chúa Giêsu rất muốn nắm lấy bàn tay nhỏ bé yếu đuối của chúng ta để viết lên trong tâm hồn họ những trang Tin mừng về Thiên Chúa là Cha yêu thương, về mọi người là anh em một nhà, về tình huynh đệ không biên giới… Chúa Giêsu muốn sử dụng chúng ta như khí cụ hữu hiệu mang lại ơn cứu rỗi cho nhiều người. Điều quan trọng là chúng ta có bằng lòng để cho Ngài thực hiện kế hoạch cứu độ của Ngài qua chúng ta hay không.
Lễ Chúa Giêsu lên trời không phải là kết thúc, nhưng là khởi đầu một chặng đường mới, chặng đường của chứng nhân. Mỗi chúng ta hãy lên đường, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, mạnh mẽ can đảm làm chứng cho Chúa, như Người đang mời gọi chúng ta.