HĐGM Liên minh châu Âu kêu gọi châu Âu đảm bảo hòa bình cho vùng Bắc cực
HĐGM Liên minh châu Âu kêu gọi châu Âu đảm bảo hòa bình cho vùng Bắc cực
Trong khuôn khổ Tham vấn cộng đồng do Liên minh châu Âu phát động về khu vực, nhằm xác định chính sách tương lai trước những thách đố hiện tại, Ủy ban Hội đồng Giám mục Liên minh châu Âu (Comece) cũng đưa ra tuyên bố, nêu bật các khía cạnh như phát triển bền vững và toàn diện, một chiều kích nhân loại mạnh mẽ và thúc đẩy khả năng phục hồi của các cộng đồng địa phương.
Bắc cực
Ủy ban HĐGM Liên minh châu Âu khẳng định: “Liên minh châu Âu có trách nhiệm đảm bảo một Bắc Cực bền vững và hòa bình, đặt người dân lên hàng đầu. Chính sách tương lai của Liên minh châu Âu đối với Bắc Cực phải thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự phát triển bền vững và toàn diện của con người, gia đình và cộng đồng địa phương, trong sự tôn trọng môi trường tự nhiên của họ”. Về vấn đề này, văn kiện của các Giám mục gợi ý rằng “chiều kích của con người phải có sự liên kết chặt chẽ hơn trong chính sách tương lai, bao gồm sức khỏe, an ninh và phát triển kinh tế xã hội của các cộng đồng địa phương và người lao động nhập cư trong khu vực”.
Nhưng không chỉ vậy, ngoài việc “tăng cường bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, bao gồm quyền đất đai, xã hội, văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ của các cộng đồng bản địa”, Ủy ban Giám mục châu Âu khuyến khích Liên minh châu Âu “ưu tiên thúc đẩy khả năng phục hồi của cộng đồng địa phương theo quan điểm của những thích ứng cần thiết do biến đổi khí hậu gây ra và hậu quả của chúng”.
HĐGM Liên minh châu Âu khẳng định, khuôn khổ chính sách Bắc Cực trong tương lai của Liên minh châu Âu phải bao gồm “một cơ chế ràng buộc đối với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, yêu cầu các công ty hoàn toàn tôn trọng nhân quyền và các tiêu chuẩn xã hội và môi trường được quốc tế công nhận”. Hơn nữa, để ngăn chặn “nguy cơ phân mảnh khu vực”, Liên minh châu Âu phải “thúc đẩy các phương thức tham gia đa phương toàn diện mới với tất cả các bên trong khu vực và địa phương, bao gồm cả các cộng đồng bản địa”.
Cuối cùng, Ủy ban Giám mục hy vọng rằng “các Giáo hội và cộng đoàn tôn giáo, với tư cách là những người thúc đẩy sự phát triển bền vững của con người và hòa bình” có thể “được công nhận là đối tác tự nhiên của Liên minh châu Âu trong việc cùng giải quyết những thách đố liên quan đến khu vực Bắc Cực”.
Ngọc Yến