HÃY TRỞ NÊN “QUẢ TỐT”
HÃY TRỞ NÊN “QUẢ TỐT”
Chúa Giêsu bảo các môn đệ phải coi chừng tiên tri giả: bề ngoài thì họ giả bộ hiền lành như con chiên, nhưng thật sự họ ác ôn như sói dữ. Muốn biết họ thật giả, cần phải xem cách sống họ có phù hợp với giáo huấn của Chúa không? Vì cây tốt thì sinh trái tốt, cây xấu thì sinh trái xấu. Cũng vậy, người tốt thì lời nói việc làm của họ cũng tốt, còn kẻ bê tha thì lời nói việc làm của họ cũng bê bối. Vì lòng đầy tràn thì sẽ thổ lộ ra bên ngoài bằng lời nói, việc làm và đời sống hằng ngày.
Lời Chúa hôm nay dạy cách nhận định khách quan. Nhưng trước hết ta cần lưu ý rằng lời dạy này không mâu thuẫn với lời dạy hôm thứ hai là đừng đoán xét người khác. Đoán xét là chỉ mới thấy một số hiện tượng đã vội kết luận và kết án. Còn nhận định khách quan là căn cứ vào kết quả để biết con người. Đoán xét dễ chủ quan, còn nhận định thì phải khách quan. Đoán xét đưa đến việc lên án người khác, còn nhận định chỉ để rút ra suy nghĩ và chọn lựa cho chính mình. Trong cuộc sống, ta không nên đoán xét nhưng phải khôn ngoan nhận định cách khách quan. Nhận định khách quan dựa trên tiêu chuẩn “Xem quả biết cây”.
Tiên tri theo đúng nghĩa là người nói thay Thiên Chúa, là người chỉ nói những gì Thiên Chúa truyền, và đôi khi biến cả đời mình thành sứ điệp của Thiên Chúa. Đó là trường hợp của Giêrêmia khi ông khoác vào người một cái ách và đi giữa phố chợ, để gây ý thức nơi dân Israel về cái ách tội lỗi đang đè nặng trên họ. Đó cũng là trường hợp của Hôsê khi ông cưới một cô gái điếm để tố cáo sự bất trung của dân chúng.
Tiên tri giả là người nhân danh Thiên Chúa để nói những gì không phải là của Chúa và có cuộc sống không phù hợp với sứ điệp của Chúa. Chúa Giêsu đã so sánh tiên tri giả với một thứ cây xấu, cây xấu chỉ có thể sinh trái xấu, và người ta có thể xem quả để biết cây.
Để phân định ai là tiên tri giả, ai là tiên tri thật, chúng ta hãy dựa vào tiêu chuẩn này: Có tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa như đức tin tông truyền từ các Tông đồ dạy không? Càng ngày càng xuất hiện nhan nhản những kẻ xưng mình là “thị nhân”, là “con gái yêu”, là “tiên tri thật”, là “được Chúa sai đi” rồi tự cho mình được “mạc khải”, nhưng thực tế lại rao truyền điều đi ngược lại với đức tin tông truyền mà Chúa Giêsu giao cho các Tông đồ truyền lại cho Giáo hội. Chẳng hạn, trong những năm gần đây có cái gọi là “Sứ điệp từ trời” của một phụ nữ tự xưng là “con gái yêu” của Chúa, rao truyền những điều nghịch đức tin, dựa theo những con số tượng trưng trong Thánh kinh rồi giải thích theo nghĩa đen, lên án Giáo hội trong công đồng Vatican II, bất phục và không tin vào sự kế vị hợp pháp của Đức Thánh Cha… Như thế, chính cái gọi là sứ điệp ấy tự mâu thuẫn với lời Chúa dạy.
Người Kitô hữu nhờ phép rửa cũng tham dự vào chức vụ tiên tri của Đức Kitô. Một cách nào đó, qua ngôn từ và hành động, cuộc sống của họ cũng phải là một sứ điệp của Thiên Chúa cho những người chung quanh. Nếu cuộc sống người Kitô hữu không đủ sức là một sứ điệp của Thiên Chúa, thì hẳn người đó cũng có thể bị coi là một tiên tri giả. Như vậy, tiên tri giả hay Kitô hữu giả là người thiếu sự thống nhất hòa hợp giữa niềm tin và cuộc sống. Người Kitô hữu giả là người mang danh hiệu Kitô, nhưng lại không sống những cam kết của mình. Đó là người chỉ đóng khung niềm tin của mình trong bốn bức tường nhà thờ, mà không thể hiện niềm tin ấy trong cuộc sống hằng ngày qua những gặp gỡ với tha nhân. Đó là người không muốn sống như Đức Kitô, nhưng chỉ buông theo con người cũ của những xu hướng tội lỗi.
Chúa Giêsu tỏ lòng cảm thông và tha thứ cho những yêu hèn và vấp ngã của con người, nhưng Ngài không hề dung chấp cho thái độ giả hình của những người Biệt phái. Ngài gọi họ là những tiên tri giả, những người đội lốt chiên mà bên trong là lòng dạ của sói dữ. Họ trưng bày một bộ mặt đạo đức, nhưng cuộc sống của họ gồm toàn những hành động xấu xa.
Nhiều người tỏ ra bị sốc khi nghe câu tuyên bố của Đức Giêsu: “… cây tốt thì sinh trái tốt, còn cây xấu thì sinh trái xấu. Cây tốt không thể sinh trái xấu, và cây xấu không thể sinh trái tốt”. Thật ra, trong thực tế, vẫn có nhiều người “gần mực mà không đen”, hay “gần đèn mà chẳng rạng”!
Tuy nhiên, điều mà Đức Giêsu nói ở đây đó là hãy biết cách nhận định khôn ngoan chứ không phải xét đoán hời hợt hay mang sẵn lòng hận thù hoặc tính kiêu ngạo. Nhận định tức là căn cứ vào kết quả để biết con người một cách khách quan. Tiêu chuẩn là: “Xem quả biết cây”.
“Cây” ở đây chính là mình, còn “hoa, lá, cành” chính là những việc đạo đức như: dâng lễ, kinh sách, cầu nguyện, tham gia các hội đoàn và những việc lành khác…. Còn “quả” ở đây chính là gương sáng, hy sinh, yêu thương, tha thứ…, tức là từ bi – bác ái, yêu Chúa hết lòng và thương yêu anh chị em cách chân thành.
Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều người trong chúng ta lại có quá nhiều “hoa, lá, cành”, mà “quả” thì không có, hay có nhưng lại bị “sâu”. Tức là hăng say làm việc chỉ vì ham danh, huênh hoang, tự phụ, ích kỷ nên không thể sinh ra “quả” tốt được. Những người đó họ làm mọi việc vì thực dụng cá nhân, không vì yêu mến Chúa và tha nhân, nên họ chẳng khác gì chiếc phèng la kêu inh ỏi, nhưng bên trong thì rỗng tuếch.
Thánh Phaolô cũng khuyên dạy tín hữu thành Corintô như sau: “Giả như tôi nói được các thứ tiếng, giả như tôi được ơn tiên tri như tôi có đem hết tài sản mà bố thí mà không có đức mến thì cũng chẳng có ơn ích gì cho tôi” (x. 1 Cr 13,1-3). Vì thế: “Không phải những ai nói: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời, mà chỉ những ai thực hành ý Chúa mới được vào mà thôi”.
Muốn làm được điều đó, chúng ta phải trở nên những tiên tri thật của lòng mến, chứ đừng trở nên tiên tri giả của tham sân si. Hãy trở nên con chiên hiền lành của Chúa chứ đừng trở nên sói dữ. Không được mang danh và hình ảnh của chiên, nhưng thực ra chỉ là mặt chiên, mà là dạ sói!