HÃY NHÂN TỪ
1.3 Thứ Hai Tuần II Mùa Chay
– Các bài đọc Lời Chúa: Đn 9,4b-10; Lc 6,36-38.
HÃY NHÂN TỪ
Mùa chay thánh, là hành trình thời gian, Mẹ Giáo Hội mời gọi con cái mình làm cuộc biết đổi cuộc sống, sự biến đổi mang lại hiệu quả cao nhất, và mang lại niềm vui nhất cho bản thân và cho những người chung quanh, không gì hơn chính là “mùa tập sống nhân từ”, Chính vì thế phụng vụ bài đọc hôm nay khơi gợi lại những ý niềm để sống nhân từ trong mùa chay thánh.
Thánh Sử Luca đặt vào trọng tâm của một chuỗi bài giáo huấn của Chúa Giêsu. Sau khi Ngài nói về các mối phúc và mối hoạ, là một bài giảng về lòng yêu thương với anh em đồng loại , đặc biệt là đối với kẻ thù. Đến câu 36,37,38, Thánh Sử như muốn tóm kết bài giảng yêu thương ấy bằng một câu trả lời gọn ghẽ, chính xác về gương lòng nhânvà hậu quả của việc xét đoán anh em mình.
“ Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” ( c 36 ). Chúa Giêsu không nói về mình nhưng Ngài chỉ cho các môn đệ một Đấng đầy lòng nhân hậu. Đấng ấy chính là “ Cha anh em”. Ở đây Chúa Giêsu gọi Thiên Chúa là “ Cha anh em”, khác với Tin Mưng của Thánh Gioan “Cha Ta, Cha Tôi…” ý muốn nhấn mạnh rằng: Cha nào , thì con phải như thế. Tục ngữ Việt Nam ta có câu:” Con nhà tông, không giống lông thì cũng giống cánh”. Thiên Chúa lúc này không phải là Đấng Siêu việt, Đấng ở trên cao, cách biệt chúng ta ngàn trùng nhưng là Người Cha nhân từ. Mối tương quan cha con sâu đậm được nhắc ở đây duy chỉ mục đích: hãy bắt chước Cha anh em ( x Mt 5,48 ).
Trong câu 37, chúng ta thấy Chúa Giêsu dùng 2 từ “ đừng”, : Đừng xét đoán…Đừng lên án” như muốn nhấn mạnh: Anh em chớ có dại dột mà làm điều ấy. Đây là lời cảnh cáo chứ không còn là lời khuyên bảo nhắc nhở như trong câu 36 nữa vì chính Thiên Chúa sẽ đặt lên cán cân cho thăng bằng: Nếu con xét đoán người khác, thì đừng trách: Tại sao Chúa lại tính toán, chi li với con?. Nếu con lên án người khác thì đừng trách Ta sao lại nặng tay, trừng phạt nghiêm khắc trong cách đối xử với con?
Chính Chúa Giêsu mời gọi: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ”. Cách nhân từ của Ngài là “chậm bất bình và giầu yêu thương”. Thánh vinh 102 diễn tả những tâm tình rất ngọn ngào và chan chứa lòng nhân từ của Thiên Chúa: “Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, Ngài đại lượng và chan chứa tình thương. Ngài không xử với ta như ta đáng tội, và không trả ta theo lối của ta”. Phải chăng đây chính là niềm an ủi và khích lệ cho người tín hữu, để mùa chay thánh này can đảm quay trở về giải hòa cùng Thiên Chúa.
Tin tưởng vào lòng nhân từ của Thiên Chúa, người tín hữu được mời gọi như Tiên tri Đaniel, can đảm xưng thú tội mình trước nhan Đức Chúa, Cân cứ vào ba yếu tố sau: đã làm điều sai lỗi, không sống theo lề luật của Thiên Chúa, và không nghe theo lời dạy bảo của các ngôn sứ. Tất cả những điều này lẽ ra con người phải bị oán phạt, vi đã phá vỡ giao ước với Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa là Đấng nhân từ, Ngài sẵn sàng tha thứ, bỏ qua và đón nhận khi con người quay trở về.
Nơi bản thân. Được mời gọi trở nên giống Chúa Cha, là Đấng nhân từ, huấn lệnh của Chúa Giêsu rất rõ ràng: “Anh em đừng đoán xét, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán. Đừng lên án để khỏi bị Thiên Chúa lên án và hãy cho thì được Thiên Chúa cho lại”. Nhờ sự biến đổi để trở nên nhân từ, mà mùa chay Thánh này, người Kitô hữu mở rộng vòng tay nhân ái với tha nhân, lấp đầy những rạng nức ngăn cách, xóa tan đi những nghi kị, mà bấy lâu ta tự trói chính mình.
Nhiều khi trong đời sống chung, chúng ta thường hay mắc phải điều này. Chúng ta nhận xét, phê bình, đánh giá và thậm chí kết tội người khác theo cái nhìn chủ quan. Cùng một sự kiện xảy ra với người mà ta thân thiện, thì ta cho rằng: Chẳng sao đâu, đó chỉ là do lầm lỗi. Còn nếu việc đó xảy ra với người , chúng ta thù ghét, thì lại bảo: Tội đó thật đáng chết, phải trừng phạt đích đáng để làm gương. Nhiều khi chúng ta đóng vai quan toà để kết án người khác mà quên mất cái đà trong mắt mình. Chúng ta quên rằng chỗ đứng của chúng ta là: tội nhân và chúng ta thường ngồi nhầm ghế quan toà khi xét xử người khác. Chúng ta quên mất Thiên Chúa và chỉ có Ngài là Vị Thẩm phán chí tôn, công thẳng. Ngài sẽ xét xử chúng ta theo như công việc chúng ta đã làm cho người anh chị em.
“ Hãy tha thứ… sẽ được thứ tha. Hãy cho…sẽ được nhận lại”. Và chính Thiên Chúa là người trả lại những gì chúng ta đã làm cho Ngài. Ngài trả lại gấp trăm, gấp vạn những điều chúng ta làm cho người anh em bé mọn, nghèo khổ. Thiên Chúa giàu lòng quảng đại, Ngài cho chúng ta gấp ngàn lần điều chúng ta cầu xin hay nghĩ tới. Ngài là người Cha của chúng ta.
Trong câu 38, Thánh sử dùng một hành vi tượng trưng để minh hoạ cho việc Thiên Chúa đối xử với những ai yêu mến và tuân giữ lời Ngài “Ngài sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng, đã dằn đã lắc và đầy tràn…” Chúng ta thấy cái đấu của Thiên Chúa không ? Không những đong đủ, mà còn dằn xuống cho được nhiều hơn, còn lắc qua lắc lại để không còn một chỗ trống, khe hở nào và đầy tràn: đã đầy, còn tràn ra ngoài nữa. Ý nói: tình thương bao la, lòng quảng đại vô biên của Thiên Chúa đối với con người. Đâu là lý do Thiên Chúa đối xử với chúng ta như vậy: “ Vì anh em đong bằng đấu nào, Thiên Chúa sẽ đong lại bằng đấu ấy”. Một lần nữa, chúng ta lại thấy sự công thẳng của Thiên Chúa trong ngày sau hết được mô tả ở đây: Ai sống sao, Ta sẽ trả cho như vậy.
Trang Tin Mừng hôm nay nhắc chúng ta nhớ đến ngày phán xét chung thẩm trong Tin Mừng tuần qua: Mt 25, 31-46. Lúc đó, Thiên Chúa cứ theo những hành động bác ái ta đã đối xử với anh em mà thưởng phạt tuỳ theo mỗi người.