Hạt giống, hạt cải
27.1 Thứ Sáu Thứ Sáu trong tuần thứ Ba Mùa Quanh Năm
Dt 10:32-39; Tv 37:3-4,5-6,23-24,39-40; Mc 4:26-34
Hạt giống, hạt cải
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hạt giống và hạt cải làm ví dụ để nói về Nước Thiên Chúa.
Nước Thiên Chúa được thiết lập giống hệt như một tiến trình gieo gặt trọn vẹn: từ hạt giống, hạt nẩy sinh thành cây, rồi thành bông lúc. Như người dân Palestina, sau khi gieo hạt giống, họ âm thầm chờ đợi lúa chín để gặt hái, chứ không hề biết hạt giống được gieo xuống đất đã phát triển như thế nào: Chúa Giêsu cũng gieo hạt giống Nước Trời nơi tấm lòng con người, cùng với ơn Chúa, Nước đó âm thầm phát triển lan rộng khắp thế giới, tạo nên mùa gặt các linh hồn. Chúa Giêsu chỉ đích thân có mặt trong mùa gieo giống và mùa gặt hái. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian chờ đợi, Ngài vẫn tiếp tục hoạt động một cách vô hình, qua Chúa Thánh Thần và Giáo Hội. Khi Nước Thiên Chúa đã phát triển đến mức tối đo, Ngài sẽ trở lại trong vinh quang, thu hoạch mùa gặt của Ngài.
Dụ ngôn hạt cải là dụ ngôn cuối cùng trong năm dụ ngôn về Nước Thiên Chúa. Cũng như các dụ ngôn trước, dụ ngôn này được rút ra từ đời sống thôn dã. Nó đưa ra một nét tương phản hấp dẫn: hạt cải nhỏ xíu trở thành một cây to lớn. Nước Thiên Chúa cũng mang nơi mình một nghịch lý tương tự: Dưới cái nhìn của thánh Marcô, dụ ngôn hạt cải chứa đựng cách diễn tả tuyệt vời về bí mật Mêsia. Cho đến lúc này, hành vi của Chúa Giêsu có thể bị coi là vô nghĩa và Nước Thiên Chúa vẫn chỉ là một thực tế khiêm tốn. Dù vậy, các dân ngoại đang nhìn thấy sự tăng trưởng dị thường của nó như các Kitô hữu ở Rôma đã kinh nghiệm được điều này. Chính Giáo Hội tiên khởi, dù yếu đuối, vẫn ý thức được mình đang tham dự vào sự thành công của một công trình đã sẵn tiềm tàng nguồn sinh lực vô biên, công trình này sẽ đạt tới mức hoàn vũ vào cuối giai đoạn phát triển của nó.
Hạt giống đã trải qua một quá trình phát triển âm thầm trước khi tới mùa gặt; hạt cải được trồng dưới đất cũng phải trải qua một quá trình cho đến khi trở thành một cây lớn. Trong những bổn phận dù âm thầm hằng ngày, chúng ta hãy tin tưởng phó thác cho quyền năng yêu thương của Chúa, chính Ngài sẽ làm cho công việc chúng ta thực hiện theo ý Chúa đạt tới kết quả vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta, và như vậy chúng ta sẽ làm ích cho chính bản thân, cho tha nhân và cho Nước Chúa
Dụ ngôn về hạt cải được thuật lại trong Tin mừng Mác-cô hôm nay củng cố lòng tin của chúng ta vào tương lai của Hội thánh. Chúa Giê-su nói: “Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng” (Mc 4, 31-32).
Khác với các giống rau cải tại Việt Nam, ở Ít-ra-en, có giống cải mọc cao gần 3 mét, cành lá xum xuê, chim chóc rất thích ăn những hạt nhỏ bé của nó nên chúng thường tập trung thành đàn dưới những tàn lá của cây cải để tìm thức ăn.
Hình ảnh hạt cải nhỏ bé, một khi được gieo trồng xuống đất có thể phát triển thành cây cao cho chim trời núp bóng, gợi lên một tương lai sáng lạn của Hội thánh Chúa trên hoàn cầu.
Dụ ngôn hạt cải cũng tạo được niềm phấn khởi lạc quan. Sự lớn lên kỳ diệu của hạt cải gợi lên sự phát triển của Nước Thiên Chúa. Dùng dụ ngôn này, Đức Kitô muốn tạo niềm tin tưởng nơi các môn đệ, có lẽ lúc bấy giờ đang dao động trước những khó khăn buổi đầu của công trình rao giảng của chính Chúa Giêsu. Do đó, Ngài không ngại tưởng tượng cái không-như-thật trong cách trình bày của Ngài, khi bảo rằng hạt cải mọc lên lớn hơn các thứ rau, cành lá xum xuê đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng. Nhưng điều không như thật trên bình diện khoa học đó lại là như thật trên bình diện giáo huấn của Ngài. Thiên Chúa thích cho thấy sức mạnh của Ngài trong cái yếu đuối, mong manh của buổi ban đầu.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ra đi gieo vãi Lời Chúa. Gieo trong kiên trì. Dù đêm hay ngày. Người gieo giống luôn gieo vào nhân thế hạt giống của tin mừng, hạt giống của yêu thương và hạnh phúc. Nếu cô giáo của Malcolm Dolkoff không gieo vào lòng cậu bé lòng tin và nghị lực thì không có một nhà văn tài ba. Người Kitô không gieo Lời Chúa thì làm sao có cánh đồng lúa bát ngát bông lúa vàng là tâm hồn các tín hữu?
“Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống này nảy mần và mọc lên, bằng cách nào thì người ấy không biết”. Sự kỳ diệu của hạt giống là vẫn âm thầm lớn lên theo quy luật tự nhiên và sẽ có một ngày nó trở thành cây cao bóng cả cho đàn chim trú ngụ. Người Kitô hãy gieo trong kiên trì, gieo với niềm cậy trông để nhờ ơn Chúa lời ta nói, việc ta làm sẽ sinh hoa kết trái nơi môi trường chúng ta đang sống.
Hạt giống Nước Thiên Chúa lại chỉ như một hạt cải. Nhưng nó sẽ thành cây rau lớn. Ðức Yêsu và công việc của Người bề ngoài người ta chỉ thấy nhỏ mọn thôi, nhưng đừng vì vậy mà coi thường và không đón nhận. Phúc cho những ai không bị xúc phạm vì Người và cách sống của Người. Những kẻ không muốn trở nên bé nhỏ không thể vào Nước Thiên Chúa.