Gương sáng
29.6 Thánh Phêrô và Phaolô, Tông Đồ
Am 5:14-15,21-24; Tv 50:7,8-9,10-11,12-12,16-17; Mt 8:28-34
Gương sáng
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ thánh Phêrô và Phaolô, hai cột trụ của Giáo Hội. Nhờ đó mà Giáo hội có thể đứng vững trong ơn thánh của Thiên Chúa. Thánh Phêrô và thánh Phaolô đã đem Tin mừng cho thành Rôma và biến nơi trung tâm ngoạI giáo này thành trung tâm Kitô giáo. Chính nơi đây, Thánh Phêrô và những người kế vị ngài sẽ thực hiện việc thánh hoá, giảng dạy và cai quản dân Chúa trên khắp địa cầu.
Thánh Phê-rô, còn gọi là Simon, là một con người ít học, sinh sống bằng nghề chài lưới. Khi được Thầy Giê-su kêu gọi làm môn đệ thì liền lập tức bỏ lại mọi sự mà đi theo Thầy, trong quá trình theo Chúa ông tỏ ra nhiệt thành và năng nổ, bộc trực, luôn nhanh nhẹn trả lời câu hỏi mỗi khi Thầy đưa ra, nhưng bởi vì bộc trực và năng nổ cộng với sự cậy mình: “ta đây” khiến ông hay vướng vào sai lầm; cụ thể ông đã can ngăn Thầy đừng lên Giêrusalem để chịu khổ nạn, chịu chết để chuộc tội cho thiên hạ. Trong cuộc thương khó của Thầy, vì sợ bị liên lụy nên ông đã chối Thầy ba lần…
Nhưng sau đó ông đã ăn năn than khóc, hối hận vì những việc mình đã làm đối với Thầy, từ đó ông không còn dám cậy mình, để cho cái tôi kiêu hãnh trong mình chi phối hành động nữa, ông đặt trọn niềm tin và vâng lời tuyệt đối nơi Thầy Giê-su Chí Thánh. Chính vì thế mà Đức Giê-su đã đặt ông làm đầu thay Ngài để xây dựng và bảo vệ Hội Thánh thuở sơ khai. Cuối cùng ông đã anh dũng hy sinh mạng sống để bảo vệ niềm tin vào Thầy Giê-su. Ông xin chịu đóng đanh ngược vì nghĩ không xứng đáng được như Thầy. Thánh nhân có câu nói bất hủ: “Lạy Thầy, bỏ Thầy con biết theo ai? Chỉ có Thầy mới có lời ban sự sống đời đời” (Ga 6, 68).
Ngược lại, Thánh Phao lô là một trí thức, ông trung thành với truyền thống Do-Thái giáo, ông chống đối Đức Giê-su và ra tay bắt bớ những kẻ theo Ngài. Cụ thể là ông đã ủng hộ việc người Do Thái sát hại thánh Têphanô…Nhưng về sau, chính Thầy Giê-su đã dùng biến cố ngã ngựa khi ông trên đường đi đến Đamas để thu phục ông. Kể từ đó ông đã thay đổi hoàn toàn, ông trở thành tông đồ của dân ngoại, bôn ba khắp nơi rao giảng Tin Mừng nước trời để rồi cuối cùng bị vua Nêrôn giết bằng cách chặt đầu vào khoảng năm 67. Thánh nhân có những câu nói rất hay: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi”. (Gl 3, 20). “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?” (Rm 8, 35).
Sau khi Phêrô thay mặt các tông đồ tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, chính Đức Giêsu đã nói với Phêrô : Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng Đá này, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá nước trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì , trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy. Đức Giêsu đã đặt Phêrô làm Đá Tảng xây Hội Thánh Chúa và trao quyền cầm buộc tháo cởi (vốn là đặc quyền của thiên Chúa) cho Phêrô.
Phêrô là trưởng nhóm 12 và là đại diện của Chúa ở trần gian. Ông đã chối Chúa nhưng đã ăn năn thật lòng. Trước khi về trời, Ngài không nhắc lại lỗi lầm của Phêrô, để ông khỏi hổ thẹn về quá khứ nhưng giao cho Phêrô công việc coi sóc đoàn chiên Chúa: Nếu con yêu mến Thầy, con hãy chăm sóc các chiên của Thầy, yêu mến các chiên của Thầy và đưa về đàn những chiên chưa thuộc đàn này. Sự sống mà Phêrô sẵn sàng hiến dâng cho Thầy thì hãy hiến dâng cho chiên của Thầy.
Điều này cho thấy Chúa Giêsu quan tâm chăm sóc chúng ta tới mức độ nào. Việc phục vụ anh em là bằng chứng tình yêu lớn nhất của Phêrô đối với Đức Giêsu. Ngày nay Chúa Giêsu cũng ngỏ lời với mỗi người chúng ta như thế, những gì chúng ta muốn phục vụ cho Chúa để tỏ lòng biết ơn Ngài thì chúng ta hãy làm cho anh em mình. Chúng ta đừng bao giờ trả lời với Chúa như những ngừơi trong Mt 24 : chúng tôi đâu có thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống… những người không biết tỏ lòng yêu thương anh em thì Chúa cũng không thể tỏ lòng thương xót họ trong ngày sau hết!
Chúa Giêsu muốn Phêrô nói rõ rằng Phêrô yêu mến Ngài. Quả vậy, Phêrô hết lòng yêu mến Chúa Giêsu. Phêrô đã tận tâm tận lực rao giảng Tin Mừng, không sợ gì đòn vọt hy sinh; tất cả vì Giáo Hội của Ngài, cho đoàn chiên của Ngài. Phêrô lấy làm vinh hạnh khi được chịu khổ vì Đức Kitô. Mỗi khi bị đánh đòn trước công chúng, các ngài không tức giận những người đánh mình. Trái lại còn hân hoan bởi được chịu khổ nhục vì danh Đức Kitô (Cv 5, 41). Cuối cùng, Phêrô chết trên thập giá để làm chứng về tình yêu của Ngài đốiI với nhân loại.
Chúa Giêsu cũng thích chúng con nói với Ngài rằng chúng con yêu mến Ngài. Nhờ đó, Ngài có thể dạy dỗ chúng con, giúp chúng con mỗi ngày một trưởng thành hơn, luôn theo sát bên Ngài và cộng tác với Ngài trong công trình cứu độ loài người. vấn đề là bây giờ con có dám nói với Chúa là “con yêu mến Chúa” hay không? Nếu Ngài đòi con tỏ tình yêu bằng những việc hy sinh, con có vui lòng chịu hay không ? Yêu mến Chúa là làm theo ý Chúa, cụ thể trong việc hăng hái làm việc bổn phận hiện tại, kế đó là phục vụ những người nghèo về tinh thần hoặc vật chất. Phục vụ đòi hỏi nhiều hy sinh, chịu cực, mất mát thời giờ, tiền bạc, sức khoẻ… mà không đòi phải được đáp trả. Chính Chúa sẽ trả cho chúng ta trong ngày sau hết. Điều này đòi hỏi phải có lòng Tin, Cậy, Mến và tinh thần quảng đại phó thác.
Phêrô và những người kế vị ngài có nhiệm vụ giữ gìn đức tin của Giáo hội toàn cầu theo đúng mạc khải của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô. Phần chúng ta hãy hiệp một lòng một ý cùng Hội Thánh Chúa và góp phần của mình vào để Hội Thánh ngày một phát triển và đem ơn cứu độ đến cho mọi người .
Mừng kính hai vị thánh cả hôm nay. Trước hết chúng ta cảm tạ và ngợi ca Thiên Chúa. Vì biết bao hồng ân Chúa đã ban cho hai vị thánh cũng như đã ban cho mỗi người chúng ta. Đấng đã biến đổi hai vị thánh thành rường cột của Giáo Hội. Sau là chúng ta nhìn lên hai vị thánh nhân mà học tập, bắt chước các nhân đức nơi các Ngài để rồi cuộc đời chúng ta luôn biết cậy trông, tín thác vào sự quan phòng và tình yêu vô biên của Thiên Chúa.