GIỮ VỮNG ĐỨC TIN
22.11 Thánh Cêcilia, Đttđ
2 Mcb 7:1,20-31; Tv 17:1,5-6,8,15; Lc 19:11-28
GIỮ VỮNG ĐỨC TIN
Mặc dù Thánh Cecilia là vị tử đạo thời danh trong Giáo Hội Rôma, những câu chuyện quen thuộc về thánh nữ thì không thấy ghi chép trong văn bản chính thức. Vào thời tiên khởi cũng không thấy dấu vết của sự tôn kính ngài. Chỉ có một mảnh đá thời thế kỷ thứ tư có ghi khắc tên của một nhà thờ mang tên thánh nữ, và ngày lễ kính được cử hành vào khoảng năm 545.
Theo truyền thuyết, Cecilia là một thiếu nữ Kitô Giáo của giai cấp quyền quý kết hôn với một người La Mã tên là Valerian. Cecilia mặc áo nhặm, ăn chay, và thường cầu khẩn các thánh, các thiên thần, các trinh nữ xin họ gìn giữ sự trinh tiết của ngài. Và thánh nữ nói với đức lang quân, “Em sẽ tiết lộ cho anh một sự thật, nhưng anh phải hứa đừng nói với ai.” Và khi ông hứa, ngài nói: “Có một thiên thần luôn trông chừng em, và gìn giữ em khỏi bị ai đụng chạm đến.” Ông nói, “Em yêu dấu, nếu đó là sự thật, hãy cho anh thấy vị thiên thần ấy,” và ngài trả lời, “Anh chỉ có thể thấy nếu anh tin vào Thiên Chúa, và được rửa tội.”
Ngài gửi đức lang quân đến gặp Thánh Giáo Hoàng Urbanô để được rửa tội; và khi ông trở về nhà, ông thấy Cecilia đang cầu nguyện trong phòng, và cạnh đó là một thiên thần với đôi cánh rực lửa, tay cầm hai triều thiên bằng hoa hồng và hoa huệ đặt trên đầu của hai người, và biến đi. Sau đó, Tibertius, người em của Valerian, bước vào phòng và ông ngạc nhiên khi ngửi thấy mùi hoa nồng nàn cũng như vẻ mỹ miều của các bông hoa.
Khi ông này được kể cho biết các chi tiết của câu chuyện, ông cũng muốn được rửa tội. Sau đó, cả hai anh em ông tận tụy hy sinh chôn cất các vị tử đạo mà thời ấy xảy ra hàng ngày, dưới quyền tổng trấn Turcius Almachius. [Không có tổng trấn nào mang tên này cả]. Họ bị bắt và bị đưa ra trước quan tổng trấn, và khi họ từ chối thờ cúng các tà thần họ đã bị chém đầu.
Trong khi đó, Thánh Cecilia, qua lời rao giảng ngài đã đưa bốn trăm người trở lại đạo và được Đức Giáo Hoàng Urbanô rửa tội. Sau đó thánh nữ bị bắt, và bị xử tử bằng cách trấn nước cho đến chết. Ngài bị dìm trong bồn nước một ngày một đêm, sau đó quan cho nổi lửa đun sôi bồn nước, nhưng thánh nữ không hề hấn gì. Khi tổng trấn Almachius nghe biết điều này, ông sai người đến chặt đầu thánh nữ ngay trong bồn nước. Lý hình chém đến ba lần mà đầu thánh nữ vẫn chưa đứt. Hắn để mặc cho máu tuôn đổ. Đám đông đổ xô đến để thấm máu trong khi ngài vẫn rao giảng cho họ. Ba ngày sau, ngài trút hơi thở cuối cùng, và được Đức Giáo Hoàng Urbanô và các phó tế chôn cất.
Vào thời Phục Hưng, người ta thường vẽ ngài với đàn vĩ cầm và phong cầm nhỏ.
Trên đường lên Giêrusalem để thi hành sứ vụ, khi còn đang lưu lại tại nhà ông Giakêu ở Giêrikhô, Chúa Giêsu đã rao giảng dụ ngôn “mười yến bạc” này. Qua đây, thánh ký gợi lên hai bối cảnh của dụ ngôn: việc tiến vào Giêrusalem và viễn ảnh về Nước Thiên Chúa vào ngày quang lâm.
Chúa Giêsu giảng dụ ngôn nén bạc tại nhà ông Dakêu, trên đường đi Giêrusalem để chịu chết.
Qua dụ ngôn này, Chúa muốn nói với chúng ta, trong thời gian chờ đợi Chúa tái lâm, chúng ta không được lười biếng, nhưng phải bắt chước những người đầy tớ tốt, ngay khi được trao phó nén bạc tức là những ơn Chúa ban phần hồn phần xác, phải mau mắn sanh lợi tức là làm sáng Danh Chúa và mưu ích cho phần rỗi bằng những công việc lành phúc đức. Trong ngày cánh chung, những người đầy tớ tốt như vậy sẽ được tham dự vinh quang Nước Trời, còn những kẻ lười biếng sẽ bị phạt nơi tối tăm đời đời.
Dụ ngôn này đề cao những người đầy tớ tốt lành và trung tín:
Biết dùng những nén bạc để sinh lời cho ông chủ : cũng vậy, biết sử dụng những ơn lành phần xác : như tài năng, sức khoẻ, tiền của,tha nhân…cũng như những ơn phần hồn: như ơn qua các bí tích, ơn qua Hội thánh chăm sóc, ơn thánh sủng và hiện sủng, ơn Chúa Thánh Thần… để tôn vinh Danh Thánh Chúa và mưu ích cho phần rỗi của mình và của tha nhân.
Giá trị sinh lời phải tương xứng với nén bạc được trao: hai thành bốn, năm thành mười: Chúa ban cho mỗi người khác nhau, nên chúa cũng đòi công phúc của mỗi người khác nhau theo tỉ lệ thuận với ơn Chúa ban.
Ý nghĩa này giúp chúng ta biết nhìn lại giá trị của nhau, không được phân bì so sánh để ganh tỵ : về địa vị, danh giá, thành công, hơn thiệt…
nén bạc được trao và số lời làm ra tuy có khác nhau, nhưng phần thưởng chủ ban cho hai người đầy tớ tốt lành lại giống nhau, đó là được hưởng sự vui mừng với chủ.
Cũng vậy, ở đời chúa ban cho mỗi người những ơn điển khác nhau, và mỗi người thành công khác nhau, nhưng cuối cùng Chúa cũng thưởng công giống nhau là được hưởng niền vui với Chúa trong Nước Trời.
Dụ ngôn nén bạc cũng cảnh giác những kẻ lười biếng không biết sử dụng ơn Chúa để sinh lời cho phần rỗi. người đầy tớ lười biếng nhận lãnh nén bạc của ông chủ, đã không làm sinh lợi chỉ vì chiều theo ý riêng của mình mà không tuân phục ý ông chủ. cũng vậy, những ơn lành chúng ta đón nhận từ Chúa mà không biết dùng theo tinh thần của Chúa thì sẽ bị mất đi và do đó chúng ta không có công mà lại bị án phạt nữa.
Lời Chúa chính là những hạt giống đã được gieo vào trong tâm hồn mỗi người, chúng ta không được phép để nó nằm yên, cũng không được chôn vùi nó trong kho tàng tri thức hay trong một vài hành vi đạo đức bên ngoài. Trái lại, chúng ta phải làm cho lời Chúa tác động vào cuộc sống của ta theo tâm tình và tinh thần của Chúa.
Mỗi người kitô hữu đã được chúa trao cho ngọn đèn cháy sáng của đức tin trong ngày lành bí tích Rửa Tội. Đó là gia tài lớn nhất để bảo lãnh cho chúng ta vào Nước Trời. vậy chúng ta phải có bổn phận giữ gìn ngọn đèn đó được cháy sáng mãi, tức là giữ vững đức tin, và làm lan tỏa ánh sáng đó ra chung quanh, tức là làm phát triển đức tin qua cuộc sống hằng ngày./.