Giáo hoàng có cần biên tập viên không?
Giáo hoàng có cần biên tập viên không?
Cuộc phỏng vấn của Đức Phanxicô với trang America Dòng Tên tháng 11 vừa qua là một ví dụ điển hình vì sao Vatican không muốn giáo hoàng có các cuộc phỏng vấn. Ngài đã chọc vào mũi con gấu Nga, đưa ra câu trả lời phức tạp về lý do vì sao phụ nữ không thể làm linh mục và thậm chí còn có câu trả lời lộn xộn cho câu hỏi về phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ.
Nếu tôi là tùy viên báo chí của ngài, tôi sẽ vò đầu bức tai cho phần lớn cuộc phỏng vấn này. Tôi phải biên tập lại trước khi đăng.
Một số câu trả lời của ngài không tạo tranh cãi mà còn tạo cảm hứng – như cách ngài nói về vui vẻ và hạnh phúc giữa những khủng hoảng và rắc rối. Phân tích của ngài về việc phân cực chính trị không mang tinh thần kitô giáo là hoàn toàn đúng. Và ngài cũng công nhận Giáo hội đã sai lầm khi ít minh bạch với giám mục lạm dụng hơn là với các linh mục.
Là cựu biên tập viên của trang America, tôi rất vui khi các biên tập viên mới và các biên tập viên sắp mãn nhiệm của tờ báo đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với giáo hoàng và họ đã đưa ba đồng nghiệp giáo dân, trong đó có hai phụ nữ đi cùng. Các câu hỏi của họ rất chuyên nghiệp, với một số câu hỏi không cho phép giáo hoàng né tránh các câu hỏi. Hoan hô họ.
Về cuộc chiến Nga-Ukraine, nhà báo Mỹ Gerard O’Connell của Vatican đã hỏi ngài vì sao ngài không muốn “trực tiếp chỉ trích Nga về hành vi xâm lược Ukraine, mà thích nói cách chung chung hơn về sự cần thiết phải chấm dứt chiến tranh, chấm dứt đánh thuê hơn là các cuộc tấn công của Nga và buôn bán vũ khí.”
Theo truyền thống, Vatican cố gắng tránh tham gia vào các cuộc chiến tranh với hy vọng mình có thể trở thành trung gian hòa giải. Trong lịch sử, phương pháp này hiếm khi thành công. Dù trong cuộc chiến này, Vatican đã tạo điều kiện trao đổi danh sách tù nhân và thậm chí trao đổi một số tù nhân, chính phủ Ukraine và Mỹ đã chỉ trích giáo hoàng vì đã không lên án tổng thống Nga Vladimir Putin và nước Nga.
Ngài tuyên bố: “Khi tôi nói về Ukraine, tôi nói về một dân tộc đã tử đạo. Nếu bạn có một dân tộc tử đạo, bạn có một ai đó đã giết họ”. Ngài nói ngài đã không cụ thể nêu tên Putin trong những lời lên án chiến tranh vì “điều đó là không cần thiết; ai cũng biết.” Ngài cũng có thể nói Putin là bạo chúa Neron của thế kỷ 21.
Ngài cố gắng tránh cáo buộc lính Nga phạm tội ác chiến tranh, nhưng nói những đội quân tàn ác nhất là người Chechnya và người Buryat, những người đang chiến đấu cho nước Nga.
Những bình luận này chắc chắn làm hài lòng Ukraine, Hoa Kỳ và các đối tác NATO của họ, nhưng sẽ làm cho Phủ Quốc vụ khanh nhức đầu vì phải đối phó với sự phẫn nộ của Nga.
Bà Kerry Weber tổng biên tập America thừa nhận việc giáo hoàng đề cao phụ nữ ở Vatican, bà hỏi: “Cha sẽ nói gì với một phụ nữ đã phục vụ trong đời sống Giáo hội và họ cảm thấy được kêu gọi để làm linh mục?”
Điều tốt là giáo hoàng đã tránh nói về “sự bổ túc” và không xem phụ nữ là trái dâu trang hoàng trên chiếc bánh. Ngài học. Nhưng ngài đã kéo theo thần học gia cầu kỳ người Thụy Sĩ Hans Urs von Balthasar, mô tả các khía cạnh Maria và Phêrô của Giáo hội.
Theo phân tích của ngài, Phêrô là nam và ít quan trọng hơn Maria là phối ngẫu, là nữ. Chỗ đứng của giáo dân tương hợp với phân tích này là không rõ ràng. Nếu giáo dân được bao gồm trong nguyên tắc Maria thì vì sao phụ nữ lại không thể được bao gồm trong nguyên tắc Phêrô?
Thần học của Von Balthasar sẽ không thuyết phục ai ủng hộ việc phong chức cho phụ nữ.
Bà Gloria Purvis, người dẫn chương trình “The Gloria Purvis Podcast” hỏi về nạn phân biệt chủng tộc trong Giáo hội Mỹ: “Cha sẽ nói gì bây giờ với người công giáo da đen ở Hoa Kỳ, họ bị phân biệt chủng tộc, đồng thời không có tiếng nói trong Giáo hội cho những lời kêu gọi công bằng chủng tộc?”
Giáo hoàng dường như không chuẩn bị cho câu hỏi. Ngài trả lời, ngài thông cảm và cho biết “Giáo hội có các giám mục là người Mỹ gốc Phi.”
Bà Purvis không để ngài thoát câu này. “Đúng, nhưng đa số chúng tôi đi lễ ở các giáo xứ không có các linh mục người Mỹ gốc Phi, và hầu hết những người khác không phải là người Mỹ gốc Phi, và họ dường như không nhạy cảm với nỗi đau của chúng tôi. Nhiều khi họ phớt lờ nỗi đau của chúng tôi. Vậy làm sao chúng tôi có thể khuyến khích người công giáo da đen ở lại?”
Giáo hoàng lan man một chút nhưng cuối cùng ngài cũng nói những gì cần nói. Ngài nói: “Những người công giáo da đen nên chống lại và không bỏ đi. Phân biệt chủng tộc là tội chống Chúa không thể dung thứ. Giáo hội, các mục tử và giáo dân phải tiếp tục chiến đấu để triệt nó và để có một thế giới công bằng hơn.”
Đức Phanxicô cần một cách tốt hơn để nói về các hội đồng giám mục. Đúng, Chúa Giêsu không tạo ra các giám mục, nhưng Ngài cũng không tạo ra nhiều thứ khác trong Giáo hội, kể cả các công đồng đại kết và Vatican.
Bà Weber đã hỏi về các giám mục Hoa Kỳ, nhưng giáo hoàng đã khôn ngoan tránh tranh luận công khai về hội đồng giám mục. Tuy nhiên, ngài đã ném các hội đồng giám mục vào gầm xe buýt một cách đáng ngạc nhiên. Ngài nói: “Chúa Giêsu không tạo ra các hội đồng giám mục, Chúa Giêsu đã tạo ra các giám mục, và mỗi giám mục là mục tử của dân tộc mình.”
Những người cấp tiến Hoa Kỳ có trí nhớ ngắn có thể hoan nghênh việc hạ bệ này, nhưng họ nên nhớ Đức Joseph Ratzinger đã hạ thấp vai trò thần học của các hội đồng giám mục trong thời kỳ vàng son của hội đồng giám mục Hoa Kỳ, khi ngài viết những lá thư mục vụ về hòa bình và nền kinh tế. Vatican luôn lo sợ các hội đồng giám mục vì khó đối phó với các giám mục với tư cách một nhóm hơn là với tư cách cá nhân.
Đức Phanxicô cần một cách tốt hơn để nói về các hội đồng giám mục. Đúng, Chúa Giêsu không tạo ra các giám mục, nhưng Ngài cũng không tạo ra nhiều thứ khác trong Giáo hội, kể cả các công đồng đại kết và Vatican.
Mọi người đều biết tôi yêu mến giáo hoàng và tôi sẽ bảo vệ ngài cho đến ngày tôi chết. Cuộc phỏng vấn đầu tiên ngài trả lời trong tư cách là giáo hoàng là cuộc phỏng vấn với trang America, là kiệt tác về truyền thông và truyền giáo.
Cuộc phỏng vấn gần đây của ngài là bản nháp đầu tiên cần chỉnh sửa. Có lẽ do nghề biên tập viên có trong người tôi nên tôi muốn làm cho văn bản tốt hơn. Nhưng trong việc biên tập, luôn có nguy cơ bóp nghẹt tiếng nói của tác giả.
Có lẽ tốt hơn nên để Phanxicô là Phanxicô. Điều đó không có nghĩa là tôi sẽ thích mọi điều ngài nói hay cách ngài nói, nhưng tôi sẽ tiếp tục thích ngài và chú ý đến từng lời ngài nói.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch