Giải thích lý do chúc lành cho phụ nữ sau khi sinh
Giải thích lý do chúc lành cho phụ nữ sau khi sinh
Chúc lành cho phụ nữ sau khi sinh, đây là lý do của lời khuyên này trong Kinh Thánh.
Kinh Thánh khuyên các phụ nữ, sau khi sinh, phải đợi một thời gian dài và sau đó là nghi thức thanh tẩy trước khi họ có thể tham gia vào việc thờ phượng. Một phong tục kéo dài cho đến thời gian gần đây và những người lớn tuổi trong chúng ta vẫn còn nhớ: đặc biệt là ở vùng nông thôn, các chị em phụ nữ phải nhận được một phép lành đặc biệt để họ trở lại nhà thờ. Những điều luật này phát sinh từ điều gì? Và tại sao ngày nay phong tục này không còn nữa?
Dưới đây là câu trả lời của cha Francesco Carensi, giảng sư Kinh Thánh:
Vào thời của ông bà chúng ta, các chị em phụ nữ sau khi sinh con phải “trở lại trong sự thánh thiện”, nếu không thì họ không được bước vào nhà thờ. Họ phải đến gặp linh mục để xin một phép lành đặc biệt.
Để hiểu được phong tục này, chúng ta phải tham khảo sách Lêvi 12,2, trong đó nói rằng: “Hãy nói với con cái Israel: Khi một người đàn bà có thai và sinh con trai, thì sẽ ra ô uế trong vòng bảy ngày, nó sẽ ra ô uế như những ngày bị khó ở vì kinh nguyệt”. Chúng ta tự hỏi: tại sao việc sinh con khiến người phụ nữ ra ô uế [temea], một thuật ngữ được dịch sang tiếng Ý là “impura” – không trong sạch – nhưng đa phần lại ám chỉ đến tình huống ngăn cản hoặc miễn tiếp xúc trực tiếp với những gì là thiêng liêng? Và nếu chúng ta tiếp tục đọc bản văn này, chúng ta sẽ thấy thời gian đó kéo dài gấp đôi, trong trường hợp trẻ sơ sinh là con gái.
Ngày nay, đọc lại những điều đó khiến chúng ta thấy gai mắt. Nhưng chúng ta không thể đọc các bản văn Kinh Thánh chứa những qui định quá xa vời với tâm thức hiện đại của chúng ta, nếu chúng ta không cố gắng hiểu thông điệp đầy ẩn ý của nó.
Chúng ta đang ở trong một thế giới rộng lớn của những luật lệ về nghi lễ thuần khiết. Một trong những nguyên tắc nền tảng đó là Thiên Chúa hằng sống, Ngài là Chúa của sự sống chứ không phải của sự chết. Đây là lý do tại sao người Do Thái luôn bác bỏ việc thờ người chết, vốn tồn tại trong các nền văn hóa của thời đó tương tự như của người Ai Cập. Thế giới của người Do Thái luôn phản kháng chống lại các nền văn hóa lấy cái chết làm trung tâm. Một số Thánh vịnh nhắc cho chúng ta biết về điều này: “Không phải người đã chết, hay mọi kẻ bước vào cõi thinh lặng ngàn thu sẽ ca tụng ĐỨC CHÚA” (Tv 115,17). Luật pháp được ví như cây sự sống (châm ngôn 3,18). Theo đó sự thánh thiện ngụ ý rằng nó phải có một sự chú ý đặc biệt đến sự sống như một thực tại đến từ Thiên Chúa. Và đây là trường hợp điển hình về sự ô uế, nguyên do bởi tiếp xúc với tử thi, các loại chất uế tạp khác liên quan đến sự đào thải của cơ thể hay bệnh tật. Không thể đến gần Thiên Chúa với những hiện trạng như vậy, và vì thế bất cứ ai bị ô uế thì không thể đến gần đền thánh.
Cụ thể, một người mẹ sinh con, ngoài việc đối mặt với rủi ro lớn, còn phải trải qua sự phân tách với các thứ mà trước đây là một phần của cơ thể mình, trong khi bây giờ cô ấy trở thành một con người độc lập. Nếu điều này là quan trọng đối với trẻ em nam thì cần thiết đối với trẻ em nữ, là người có thể trở thành người mang một cuộc sống mới khi đến lượt mình.
Các qui luật về sự trong sạch cũng gợi lên một ý niệm sâu sắc hơn. Theo luật Halaqà, người đang thực hiện một điều luật, thì được miễn trừ khỏi các luật khác. Trong trường hợp bị ô uế do sinh nở, như thể Thiên Chúa đã nói với người mẹ rằng bà đã sinh con trai: trong 40 ngày đối với trường hợp là nam nhi, và sẽ là gấp đôi nếu là nữ nhi, ngươi được miễn đi trình diện trước mặt Ta trong đền thánh, bởi vì ngươi đang tham gia vào một trong những nhiệm vụ thiêng liêng nhất, đó là nuôi dưỡng và chăm sóc con trẻ của ngươi. Ngươi không cần đến đền thờ để hiệp thông với Thiên Chúa, vì ngươi đã trải nghiệm sự kết hợp trực tiếp này rồi. Trong một vài ngày nữa, ngươi sẽ trở lại trước mặt Ta để dâng các lễ vật của ngươi vì ngươi vừa trải qua một thời gian nguy hiểm, nhưng giờ này hãy chiêm ngưỡng điều kỳ diệu trong việc sinh ra đứa con của ngươi.
Vì vậy, để trả lời cho câu hỏi: việc sinh nở miễn trừ cho người mẹ khỏi việc thờ phượng trong đền thờ, bởi vì trải nghiệm của bà mẹ đó đủ để hoàn thành những nghĩa vụ liên quan đến đền thờ. Bằng cách này, người mẹ học biết được tình yêu sinh ra sự sống, học biết được ý nghĩa của việc được chạm vào hương vị của sự bất tử trong cuộc sống phàm trần của mình là gì.
Đạo Công giáo đã lấy lại những phong tục này, nhưng có lẽ nó đã mất đi khía cạnh ban đầu, bằng việc làm nổi bật chiều kích của sự trong sạch luân lý. Ở đây, Công đồng Vatican II đã loại bỏ hoàn toàn một số phong tục mà chúng có thể có ý nghĩa như ban đầu, nhưng không còn ý nghĩa đối với phụng vụ, nơi mà qua việc thờ phượng chúng ta được mời gọi để tôn thờ Thiên Chúa, Đấng không bị giam giữ trong một đền thờ do bàn tay con người làm ra, nhưng sự sống trở thành đền thờ cho sự hiện diện của Thiên Chúa.
- Võ Tá Hoàngchuyển ngữ