Giấc mơ thành lập tu viện ở Mông Cổ
Giấc mơ thành lập tu viện ở Mông Cổ
Trước thềm chuyến tông du của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô tại Mông Cổ, Ðức Hồng y người Ý Giorgio Marengo – Phủ doãn Tông tòa Ulaanbaatar, chia sẻ những tâm tình của ngài về việc gieo trồng hạt giống Tin Mừng ở xứ sở của thảo nguyên và đại mạc.
Với vỏn vẹn 1.450 tín hữu, Mông Cổ là một trong những nước có cộng đoàn Công giáo nhỏ nhất thế giới. Và Đức Phanxicô sẽ trở thành vị giáo hoàng đầu tiên tông du quốc gia này sau khi Vatican loan báo Đức Thánh Cha sẽ thăm thủ đô Ulaanbaatar trong chuyến đi từ ngày 31.8 đến 4.9.
Khởi đầu bằng con số 0
Lần đầu tiên đến Mông Cổ trong vai trò linh mục truyền giáo cách đây 20 năm, Đức Hồng y Giorgio Marengo đã mở được 2 lều tròn – kiểu lều truyền thống ở nước này – trên cao nguyên bao la. Một lều tròn phục vụ cho việc tổ chức thánh lễ, và lều thứ hai là nơi diễn ra các hoạt động khác. “Chúng tôi đến nơi xa xôi, nơi mà Giáo hội đã vắng bóng trước đây”, trang tin National Catholic Register dẫn lời vị Phủ doãn Tông tòa Ulaanbaatar. “Sau quy trình dài hơi để lấy được mọi giấy phép cần thiết, chúng tôi cuối cùng được cấp cho một mảnh đất, trơ trọi, không có gì cả”, ngài nhớ lại.
Trước khi lên đường đến Mông Cổ, mỗi vị linh mục có mặt trong đoàn truyền giáo bỏ ra đến 3 năm để học ngôn ngữ bản xứ. Khi đến nơi, họ tự hỏi: “Chúng ta phải bắt đầu từ đâu?”. Và họ quyết định trước hết hãy cầu nguyện. “Chúng tôi cầu nguyện, dâng lễ bằng tiếng Mông Cổ. Những người dân ở gần đó bắt đầu tiến vào lều tròn, chứng kiến cảnh tượng những người ngoại quốc với bề ngoài ‘buồn cười’ đang cầu nguyện một cách trang nghiêm. Họ bảo rằng đã cảm thấy điều gì đó đặc biệt bên trong căn lều này”, vị Phủ doãn Tông tòa Ulaanbaatar hồi tưởng.
Thế là việc rao giảng Tin Mừng đã bắt đầu với lời cầu nguyện, Đức Hồng y Marengo giải thích tại chương trình do Trung tâm Mục vụ Ulaanbaatar tổ chức cách đây không lâu. Mông Cổ, nơi sở hữu một số vùng đất hẻo lánh nhất của thế giới, đã trở thành nơi cầu nguyện và chiêm nghiệm. Theo vị hồng y người Ý, chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng thăm cộng đoàn giáo dân Mông Cổ chứng tỏ tâm ý của Đức Thánh Cha luôn dành tình yêu đối với những cộng đoàn Dân Chúa nhỏ bé và thiểu số.
Giấc mơ từ cuối thế kỷ 19
Đức Hồng y Marengo nhớ lại một nhà truyền giáo người Pháp từng đến Mông Cổ vào cuối thế kỷ 19 đã cảm thán rằng: “Trong tương lai, nơi này sẽ có tu viện Công giáo”. Tiếp nối và hồi sinh giấc mơ của người đi trước, Đức Hồng y dự đoán sự xuất hiện của tu viện Công giáo đầu tiên sẽ mở đường và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc loan báo Lời Chúa. “Và đó là một trong những lời cầu nguyện của chúng tôi, rằng trong tương lai Mông Cô sẽ có tu viện”, Đức Hồng y chia sẻ.
Phủ doãn Tông tòa Ulaanbaatar, hiện 49 tuổi, là vị hồng y trẻ nhất thế giới, đã vô cùng nỗ lực để hòa mình vào văn hóa Mông Cổ, trong đó có những năm cần mẫn học ngôn ngữ bản xứ trước khi bắt đầu tiếp nhận sứ mệnh truyền giáo ở quốc gia Trung Á này. Giờ đây, sau hơn 20 năm ở Mông Cổ, ngài là chủ chăn của Hạt Phủ doãn Tông tòa Ulaanbaatar, và trên thực tế là coi sóc cộng đoàn Dân Chúa của cả quốc gia.
“Ở Mông Cổ, việc thì thầm và nhìn chung là nói chuyện với tông trầm là điều đặc biệt quan trọng, không chỉ là một phần của lễ nghi của dân bản xứ mà còn là phương pháp hiệu quả trong việc lan truyền các giá trị quý giá”, ngài cho biết. Đức Hồng y bổ sung, khi một đứa bé chào đời ở Mông Cổ, có một nghi thức đặt tên: người mẹ ôm đứa bé mới vài tuần tuổi vào lòng, lần đầu tiên thì thầm vào tai đứa bé 3 lần tên của đứa trẻ. “Tôi đã vài lần tham dự nghi thức này, và thật sự cảm động”, Đức Hồng y kể.
Sau nhiều năm ở Mông Cổ, ngài nhận ra “thì thầm Tin Mừng” là phương thức để truyền giáo một cách bền vững, vì đã tạo được các mối quan hệ hoặc tình hữu nghị với sự tín nhiệm cao độ. “Mất nhiều thời gian để hòa nhập vào một nền văn hóa ở mức độ có thể xây dựng những mối quan hệ quan trọng như thế này. Hiện đã có một kênh được khơi thông, cho phép bạn chia sẻ điều quan trọng và quý giá nhất của bản thân, đó là Tin Mừng về Chúa Giêsu”, theo Đức Hồng y.
Với chuyến tông du của Đức Phanxicô, cộng đoàn giáo dân nhỏ bé của Mông Cổ sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đức Thánh Cha, và theo đó gia tăng sự kết nối giữa Giáo hội tại Mông Cổ và phần còn lại của thế giới.
GIANG VÔ YÊN