Giá Trị Của Khổ Ðau
Thứ Sáu 9/8 Nk 2:1,3; Đnl 32:35-36,39,41; Mt 16:24-28
Giá Trị Của Khổ Ðau
Cũng như tình yêu, có lẽ chẳng ai định nghĩa được “đau khổ là gì” một cách chính xác và thỏa mãn nhất, vì đau khổ đa dạng lắm. Thiết tưởng có thể hiểu đơn giản theo phương trình: Đau khổ = Ưu sầu + Nước mắt. Tất nhiên phải “trừ” loại nước mắt vui mừng, dù hai loại nước mắt đều có vị mặn. Người ta dễ dàng lấy vạt áo lau khô những “giọt mặn” rỉ ra từ đôi mắt, nhưng rất khó xóa “vết mặn” khỏi trái tim mình. Thật vậy, sướng hay khổ còn do mỗi người có khái niệm riêng. Có những triết lý dễ hiểu, có những triết lý khó hiểu, thậm chí là không thể hiểu: Triết lý Thập Giá. Đó cũng là loại triết lý của sự đau khổ.
Chẳng ai thích đau khổ, nhưng đau khổ vẫn luôn có giá trị tích cực mà chúng ta phải cố gắng hiểu suốt cả đời. Đại văn hào Victor Hugo nhận xét: “Đau khổ cũng như hoa quả. Chúa không khiến nó mọc lên trên những cành quá yếu ớt để chịu nổi nó”. Còn Elbert Hubbard nói: “Nếu bạn đau khổ, hãy cảm ơn trời! Vì đó là dấu hiệu chắc chắn cho thấy bạn đang sống”. Chính đau khổ lại khiến người ta nên khôn, lạ thật!
Những con người đẹp nhất là những người từng bị đánh bại, từng đau khổ, từng tranh đấu, từng mất mát, và họ đã tìm được con đường ra khỏi vực sâu. Những con người này có lòng cảm kích, sự nhạy cảm và thấu hiểu đối với cuộc đời, chính cuộc đời đã làm họ tràn đầy sự cảm thông, sự dịu dàng và quan tâm yêu thương sâu sắc. Như vậy, “người đẹp” không thể tự nhiên mà có.
Triết lý đau khổ thật kỳ diệu. Hung tin dồn dập, nhưng ông Gióp vẫn bình tĩnh. Ông trỗi dậy, xé áo mình ra, cạo đầu, sấp mình xuống đất, sụp lạy và cầu nguyện: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, con sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa!” (G 1:21). Dù đau khổ cùng cực, nhưng “ông Gióp không hề phạm tội cũng không buông lời trách móc phạm đến Thiên Chúa” (G 1:22). Hiểu được như vậy thì cuộc đời sẽ thanh thản.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ về những điều kiện để được làm môn đệ Ngài: từ bỏ mình, vác Thập giá, và đi theo Chúa Giêsu. Cả ba kiểu nói đều đồng nghĩa với nhau, và đều nói lên cái cốt yếu của đời sống Kitô hữu, đó là đón nhận đau khổ như chính Chúa Giêsu đã đón nhận cuộc khổ nạn và cái chết dành cho Ngài.
Chúa Giêsu đã đưa ra những điều kiện trên đây liền sau khi Ngài loan báo về cuộc tử nạn của Ngài: Ngài sẽ bị đau khổ và bị treo trên Thập giá. Thập giá vốn là cái giá mà Chúa Giêsu phải trả vì cuộc sống và giáo lý của Ngài. Như vậy tất cả những ai muốn làm môn đệ Ngài đều phải trải qua con đường Thập giá ấy. Thật ra, đau khổ vốn là phần số chung của mọi người: đã mang tiếng khóc vào đời là mang lấy cả thân phận khổ đau, có khác chăng là thái độ của con người trước đau khổ mà thôi.
Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một thái độ mẫu mực. Ngài không bao giờ lý giải về nguồn gốc của khổ đau, nhưng Ngài đón lấy khổ đau và biến nó thành cội nguồn của yêu thương. Thập giá vốn là tận cùng sự bỉ ổi của con người, nhưng đã được Chúa Giêsu biến thành biểu tượng của tình yêu. Chúa Giêsu chịu treo trên Thập giá, không phải để đề cao đau khổ, mà chính là để biểu lộ tình yêu của Ngài. Như vậy, chính trong mầu nhiệm Thập giá, chúng ta đón nhận khổ đau; chính trong mầu nhiệm Thập giá Chúa Giêsu mà thái độ đón nhận đau khổ của chúng ta mang lấy ý nghĩa.
Bức tượng Mẹ Maria bồng xác Chúa Giêsu trên tay, do danh họa Michel-Angelo thực hiện và hiện được đặt tại Ðền thờ thánh Phêrô ở Rôma, là một trong những kiệt tác về sự đau khổ. Mẹ Maria ôm xác Chúa Giêsu trong vòng tay Mẹ, không gì buồn thảm bằng; thế nhưng đó cũng là một trong những kiệt tác về yêu thương. Tất cả đều tùy thuộc thái độ của con người trước khổ đau. Con người có thể trốn chạy khổ đau, con người có thể suốt một đời phàn nàn về khổ đau. Nhưng con người cũng có thể biến khổ đau thành một hành động yêu thương; đó là thái độ của Chúa Giêsu và cũng phải là thái độ của tất cả những ai muốn làm môn đệ Ngài.
Thập giá luôn là điều khó chấp nhận trong mọi thời đại, nhất là trong thời đại của chúng ta. Chẳng ai muốn vác thập giá, đó là lẽ tự nhiên. Thánh Phêrô khi nghe thấy Chúa nói Ngài sẽ phải lên Giêrusalem để chịu nạn chịu chết, ông đã cản ngăn. Đó phản ứng của bản năng tự vệ. Chúa Giêsu cũng đã tỏ ra sợ hãi trước cuộc tử nạn của Ngài, nhưng Chúa đã vâng theo thánh ý Chúa Cha để đi trọn con đường của Ngài, con đường từ bỏ chính mình, vác thập giá hằng ngày.
Phải từ bỏ chính mình: tức là khước từ lòng tự ái, sự nuông chiều bản thân, từ bỏ mọi tính hư tật xấu. Vác thập giá hằng ngày có nghĩa là hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Theo Thầy: nghĩa là thành môn đệ của Chúa, cộng tác với ngài trong việc loan báo Tin mừng.
Lời mời gọi này đòi hỏi chúng ta một đàng phải liên tục và kiên nhẫn thanh tẩy đời sống và thánh hóa bản thân. Mặt khác chúng ta phải cố mỗi ngày nên giống Chúa hơn
Chúa không giúp ta tiêu diệt thập giá đời mình, nhưng nếu ta có Chúa đồng hành, nếu mỗi ngày ta thấm nhuần lời Chúa dạy, thì chúng ta sẽ chẳng còn sợ gì thập giá khổ đau. Xin Chúa đồng hành và nâng đỡ và tăng thêm sức mạnh để chúng ta đầu can đảm vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa, để mai sau hưởng hạnh phúc vĩnh hằng mà Chúa dành cho những ai dõi bước theo Ngài.
Nơi nào có Thập giá, nơi đó có Thiên Chúa. Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn tỉnh thức để nhận ra sự hiện diện yêu thương của Ngài ngay trong khổ đau, để giữa những giờ phút tăm tối và thử thách, chúng ta vẫn còn thấy được ý nghĩa của cuộc sống.