GIA ĐÌNH GIÚP NGƯỜI TRẺ TIẾN LÊN BẰNG CHÍNH ĐÔI CHÂN CỦA MÌNH
LỜI CHỦ CHĂN GIÁO PHẬN VĨNH LONG
GIA ĐÌNH GIÚP NGƯỜI TRẺ TIẾN LÊN BẰNG CHÍNH ĐÔI CHÂN CỦA MÌNH
Kính gửi: Quý Cha, Quý Tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em Giáo Phận Vĩnh Long
Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ chọn mười hai đề tài dựa theo chủ đề mục vụ năm 2021 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam : Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi ý Mục vụ lần X, sẽ nói về Gia đình giúp người trẻ tiến lên bằng chính đôi chân của mình được trích trong Tông Huấn Amoris Laetitia (Niềm vui của Tình yêu).
– Trong quá khứ. Chúa Giêsu độc lập. Amoris Laetitia (Niềm vui của Tình yêu) số 18 có viết : “Tin mừng cũng nhắc nhở chúng ta rằng con cái không phải là một thứ tài sản của gia đình, nhưng trước mắt chúng có cuộc sống riêng của mình để sống….phải có một khoảng độc lập nào đó với gia đình để thực hiện việc hiến dâng cho Nước Chúa”. Chúa Giêsu là đại diện cho sự kiện này, lúc 12 tuổi (Lc 2, 41-52). Trong gia đình tất cả những gì cha mẹ làm, tất cả những gì cha mẹ mong, tất cả hạnh phúc của cha mẹ đều hướng về đứa con. Nói cách khác một đứa con ngoan, một đứa con tốt, một đứa con thành công là thỏa mãn tất cả những gì là cha mẹ ước mong, là phần thưởng cho tất cả mồ hôi, nước mắt của cha mẹ đã đổ ra, và là niềm hạnh phúc lớn nhất của những kẻ làm cha làm mẹ. Thánh Giuse và Mẹ Maria, khi lạc mất con, Chúa Giêsu, hai ông bà rất lo lắng. Lo lắng là phải, tất cả đều hướng về đứa con. Nhưng, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ mình là con người tự do để chu toàn bổn phận của Cha trên trời : “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?… Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài”. Chúa Giêsu đã bắt đầu tiến lên bằng chính đôi chân của mình. Mấy em nhỏ cũng giá trị của mấy em nhỏ, có thể làm mẫu gương tích cực cho người lớn qua hình ảnh ngây thơ, chân chất, lòng dạ tốt lành Mt 18, 3-4 (x. Amoris Laetitia số 18).
– Trong hiện tại. Ngày nay, có rất nhiều trường hợp mà những người trẻ chưa tiến lên bằng chính đôi chân của mình. Chủ yếu là sống cùng với cha mẹ, chưa có “ra riêng”. Những nguyên nhân chính mà người trẻ thường ở nhà với bố mẹ: Không có gì là ngạc nhiên khi thiếu nguồn tài chính dường như là lý do chính để các người trẻ ở nhà của cha mẹ. Theo thống kê thì có khoảng trên 75%. Như vậy, chỉ một phần ba trong số những người trẻ tuổi rời khỏi mái ấm gia đình nếu chúng có đủ khả năng chi phí. Một khuyết điểm, một sự cám dỗ lớn là cha mẹ quá nuông chiều con cái của mình: chăm sóc con cái quá chu đáo, bảo đảm nghề nghiệp của chúng, và đặc biệt, để lại gia tài kếch xù, bảo đảm tương lai của chúng, không để chúng đọng móng tay. Như thế, gia đình không giúp người trẻ tiến lên bằng chính đôi chân của mình.
Nên nhớ khi giáo dục cha mẹ cũng để cho con cái mình có quyền quyết định chọn lựa, bởi vì giáo dục không phải là cái khuôn cứng ngắt.
– Trong tương lai. Giáo dục để người trẻ tự do chọn đời sống hôn nhân chính đáng, chớ không sống linh tinh: “Chúng ta cần tìm cho ra những ngôn ngữ, những lí lẽ và những chứng từ thích hợp để có thể giúp ta chạm tới nơi thâm sâu nhất của trái tim những người trẻ, nơi họ là những người vốn có khả năng nhất sống để quảng đại, dấn thân, yêu thương và thậm chí sống anh hùng, nhằm mời gọi họ đón nhận những thách đố của đời sống hôn nhân với nhiệt tâm và can đảm” (Amoris Laetitia số 40), để từ đó khi người trẻ sống độc lập sẽ sống đời mình và sau này giáo dục con cái của chúng đúng nghĩa của nó.
Cha mẹ có nhiệm vụ giáo dục con cái của mình. Trong việc giáo dục, cha mẹ truyền tải những kiến thức sống một con người tốt. Dạy dỗ con cái tạo nên mối quan hệ tốt giữa cha mẹ và con cái. Nhưng, giáo dục con cái cũng nhằm mục đích chuẩn bị cho những người trẻ này tìm thấy vị trí của chúng trong xã hội, chịu trách nhiệm xã hội, tùy theo lịch sử cá nhân và môi trường của chúng. Làm sao để con cái mình phát triển tính năng động cá nhân, mỗi thanh thiếu niên mỗi khác nhau. Làm sao để con cái mình hội nhập vào trong một xã hội mà chúng nó đang sống một cách nghiêm chỉnh và dè dặt.
Thông qua những kiến thức mà gia đình truyền tải, gia đình đào tạo những người trẻ trở thành công dân, rèn luyện cho con cái mình sự tự do nhận trách nhiệm của chúng trong đời sống xã hội, kinh tế và hôn nhân. Đây là một nhiệm vụ giáo dục được yêu cầu.
Còn một phương diện không thể thiếu giúp người trẻ tiến lên bằng chính đôi chân của mình về đạo đức. Đứa con của chúng ta không chỉ là đứa con của chúng ta mà thôi, mà còn là con của Chúa nữa. Có lẽ đây là điều mà chúng ta hay quên. Chúng ta đừng chỉ dạy con biết hiếu thảo với mình mà còn phải biết hiếu thảo với Chúa; Đừng chỉ lo cho chúng học hành để sau này có tương lai sự nghiệp trong xã hội, mà còn phải lo cho chúng học giáo lý, học sống đạo để nó biết vai trò của chúng trong Họ đạo và trong Giáo Hội nữa: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?…” (Lc 2, 41…)
Thánh Gia Nagiaret: Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse là một gia đình gương mẫu mà người Công giáo chúng ta hằng nhắc đến. Cuộc thất lạc, câu trả lời của Chúa Giêsu với Mẹ Maria, là một gợi ý nhỏ giúp chúng ta cùng suy nghĩ về vai trò cha mẹ giáo dục để con cái mình tiến lên bằng chính đôi chân của mình. Trong cơn dịch bệnh Covid-19 này, chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho cơn dịch bệnh này mau qua, để cuộc sống của các người trẻ, của gia đình, của xã hội được lành mạnh.
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long