GẶP CHÚA KHI BẺ BÁNH
3.4 Thứ Tư trong tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh
Cv 3:1-10; Tv 105:1-2,3-4,6-7,8-9; Lc 24:13-35
GẶP CHÚA KHI BẺ BÁNH
Tưởng Chúa Giê-su sẽ làm một cuộc cách mạng vĩ đại, sẽ lật đổ chính phủ và dựng nên một cơ đồ mới cho đất nước, nên có người đã theo người, mong tìm một chỗ vị vọng…ai dè, người bị giết chết cách đau đớn nhục nhã trên thập giá… Hai môn đệ kia thất chí, bỏ mộng công danh, từ quan về vườn.
Hai môn đệ của Chúa Giêsu thất chí, bỏ mộng công danh, tìm về quê nhà cho an phận. Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra với họ trong dáng vẻ của một khách bộ hành trên đường về làng Em-maus. Người gặp gỡ, trò chuyện, thăm hỏi, lắng nghe họ, và thấu hiểu tâm tư tình cảm của họ. Họ đang rất đau buồn về cái chết và sự thất bại của người mang tên Giêsu, mà lâu nay họ theo đuổi với mộng công hầu vị vọng. Người dùng Lời Thánh Kinh mà giải thích cho họ. Họ lắng nghe Lời Người.
Hôm nay hai môn đệ tiến về Emmau như những người lính vừa thất trận. Thất trận vì người Thầy mà mình hy vọng theo đuổi đã mấy năm nay lại vừa bị người ta giết chết. Nhưng dù sao họ cũng chưa hoàn toàn tuyệt vọng mà vẫn còn le lói trong mình một chút gì cho tương lai. Họ đi tìm phương kế cho cuộc sống mới.
Vui sướng thay Chúa Phục Sinh đã không để cho họ phải đau khổ thất vọng, Người đã đến và nâng đỡ đúng lúc họ cần thiết ấy. Họ đang bàn tán với nhau về chuyện Chúa Kitô tử nạn và phục sinh. Nhưng Người giả vờ như chưa biết gì về câu chuyện ấy. Chúa hỏi han, cảm thông với những bế tắc lo âu của họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?”.
Rồi Chúa dùng Thánh Kinh mà dạy dỗ dẫn dắt họ. Từ chỗ hai người chưa có chút nào về niềm tin Chúa phục sinh như Chúa đã trách họ: “Các anh chẳng hiểu gì cả! lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ ! Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?”. Rồi họ đã biết chăm chú lắng nghe Lời Chúa. Họ có phúc vì đã được chính Chúa Kitô người Thầy có một không hai giảng dạy Thánh Kinh giáo lý cho họ “bắt đầu từ Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh”. Rồi tiếp tục hai ông lại được dự tiệc “bẻ bánh” với Người, bữa tiệc tưởng nhớ cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa. Vậy là được gặp Chúa Phục Sinh, lòng các ông đã “bừng cháy lên” và mắt các ông “liền mở ra và họ nhận ra Người”.
Có Chúa Phục Sinh và Thánh Thể Chúa ở cùng, tâm hồn các ông vui tươi hăng say mạnh mẽ. Chẳng có một khó khăn trở ngại nào mà đè bẹp hay cản được bước tiến của các ông. Có Chúa Phục Sinh con mắt tâm hồn các ông đã sáng suốt tinh lanh mà nhận ra Chúa, nhận ra mọi người, nhận ra điều hay lẽ phải cho đời mình. Rồi hai ông cũng có đủ sức mạnh “đứng dậy”, không tháo lui không thất vọng mà “quay trở lại Giêrusalem” để tiếp tục loan truyền Chúa Phục Sinh cho nhân loại.
Chúa Giê-su tử nạn, hai môn đệ Người thất chí, quyết định bỏ mộng công danh, tìm về chốn cũ vườn xưa vui thú điền viên cho qua ngày đoạn tháng. Lòng hai ông nặng buồn. Đường về Emmaus như dài ra mấy nữa… Chúa Giê-su Phục Sinh hiện ra trong dáng vẻ của một khách bộ hành. Người gặp gỡ, cùng bước đi, thăm hỏi, lắng nghe…Người đã thấu cảm nỗi lòng của hai ông về chuyện “theo Thầy tìm chút công danh, mà Thầy tử nạn thôi đành về không”. Người dùng Lời Kinh Thánh giải thích cho hai ông về việc Đấng Ki-tô phải chịu đau khổ rồi mới được vinh quang. Các ông chăm chú nghe Lời Người, phấn khích trong lòng, và mời Người ở lại với các ông. Và họ đã nhận ra vị khách cùng đi là Thầy mình đã Phục Sinh, khi Người bẻ bánh.
Lời Chúa là Lời Phục Sinh tâm hồn chúng ta. Thánh Thể Chúa là Thánh Thể Phục Sinh cuộc sống ta. Lời Chúa và Thánh Thể Người luôn đồng hành với chúng ta trong suốt hành trình dương thế và dẫn lối chúng ta vào quê hương vĩnh cửu. Chúa Giê-su đã bước xuống và cùng hiệp hành với các môn đệ mình đang u sầu thất vọng. Người dùng Lời Thánh Kinh mà thắp lên trong lòng họ niềm tin yêu. Người cử hành hy tế bẻ bánh, và chia sẻ với họ, để họ có sức mạnh thần linh mà trở lại nhịp sống bình an hy vọng của Tin Mừng.
Chúa muốn các gia đình yêu mến, lắng nghe, và thực hành Lời Chúa, yêu mến rước lấy Thánh Thể Người, đồng thời, bước xuống với những ai đang đau khổ thất vọng, để chia sẻ cho họ niềm vui Lời Chúa, giúp họ được thông hiệp với ân sủng Thánh Thể, tỏ bày tình Chúa yêu qua lòng thương xót của chúng ta. Nơi nào sống Lời Chúa và Thánh Thể, nơi đó có ơn Phục Sinh.
Vâng, “Bẻ bánh”, là dấu chỉ của Chúa Giêsu, và cũng là dấu chỉ nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc đời này. Nơi nào có bẻ bánh, nghĩa là “có sẻ chia sự sống của mình cho người khác, vì yêu người”, thì nơi ấy có Chúa Giêsu hiện diện.
Gia đình là nơi cụ thể nhất, để có thể “cử hành lễ tạ ơn”, để có thể “bẻ tấm bánh đời mình ra mà nuôi nhau cho được sống, được sống vui, được sống hạnh phúc”. Và hẳn nhiên, không hề có việc “bẻ ra”nào mà không chấp nhận thương tích, đau đớn, mất mát. Nhưng chính sự đau khổ, hy sinh, chịu chết đi cho nhau, vì nhau ấy, là bảo chứng cho việc cả nhà sống lại vinh quang. Đúng như Lời Thánh Kinh mà Chúa Giêsu hôm nay trích dẫn, và Người đã thực hiện: “Chớ thì Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?”.
Cầu mong tất cả mọi gia đình chúng ta biết yêu thương nhau, và cụ thể tình yêu thương ấy bằng việc chết đi cái tôi hẹp hòi ích kỷ, bằng việc hy sinh phục vụ nhau hết mình, hiến thân cho nhau được sống.