Đường Thương Khó
30.9 Thánh Giêrômiô, Lmts
St 2:5-9,14-15; Gr 31:10,11-12,13; Lc 9:43-45
Đường Thương Khó
Thánh Giêrômiô sinh năm trong một gia đình giàu có ở Tri-đông. Ngài là vị giáo phụ nổi tiếng nhất trong Hội thánh.
Năm lên 15 tuổi, cha mẹ đã gởi Giêrômiô đến Rô-ma học ngôn ngữ và triết học. Cậu chuyên cần học tập; và nhờ trí thông minh, chẳng bao lâu cậu trở nên nhân tài xuất sắc, rạng danh khắp thế giới sau nầy. Nhưng với tuổi thanh xuân bồng bột, cậu không sao tránh khỏi những quyến rũ xa hoa của kinh thành Rô-ma. Như bao nhiêu thanh niên khác, cậu cũng chạy theo những thú vui vật chất mà về sau phải ân hận suốt đời.
Năm 373, Giêrômiô sang Đông phương. Nhưng dọc đường bị ngã bệnh, cậu phải nằm bệnh viện ở An-ti-ô-ki-a. Trong thời gian chữa bệnh, cậu được Chúa kêu gọi trở lại với Chúa. Cậu đã mạnh mẽ nghe theo tiếng Chúa gọi, vào sa mạc sống đời khổ hạnh, ăn chay cầu nguyện, ngày ngày hãm mình ép xác đền bù tội lỗi đã phạm. Nhưng ma quỷ vẫn không buông tha ngài; ngày đêm chúng hằng cám dỗ ngài, đến nỗi ngài phải thú nhận: “Những hình ảnh vui chơi trụy lạc luôn ám ảnh tâm trí tôi. Khiến nhiều lần nhiều lúc tôi không thể cầu nguyện với Chúa được.”
Nhưng thánh nhân vẫn cương quyết chống trả các chước cám dỗ. Và để lướt thắng ma quỷ, ngài tăng cường việc hãm mình ép xác, ăn chay đánh tội, đồng thời ngày đêm miệt mài học hỏi Kinh Thánh và dịch sang tiếng La-tinh. Đó là bản dịch Thánh Kinh bằng La ngữ nổi tiếng nhất ngài để lại cho Hội thánh, gọi là bản phổ thông. Ngoài ra, ngài còn viết sách dẫn giải Sách Thánh. Ngài nói: Tôi trả nợ tôi đã mắc, khi vâng lệnh Đức Ki-tô, Đấng đã nói: Hãy nghiên cứu Kinh Thánh; và hãy tìm thì các con sẽ gặp; kẻo tôi bị Chúa trách như đã trách dân Do-thái: Các ngươi lầm lạc, vì không biết đến Kinh Thánh cũng không biết uy lực của Thiên Chúa. Vậy nếu theo thánh Phao-lô. Đức Ki-tô là uy lực và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, và nếu ai không biết Kinh Thánh là không biết uy lực và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, thì không biết Kinh Thánh là không biết Đức Ki-tô…”
“Đừng ai nghĩ rằng tôi có tham vọng tóm tắt toàn bộ của nội dung sách nầy, vì quyển Kinh Thánh ấy bao gồm mọi mầu nhiệm của Chúa. Từ việc Đấng Em-ma-nu-en được trinh nữ sinh ra, đến việc Đấng ấy làm nên nhiều dấu kỳ phép lạ, rồi chịu chết và mai táng, để sau đó phục sinh từ cõi âm ty và trở thành Đấng Cứu chuộc của toàn thể nhân loại, tất cả đều được sách ấy nói tới”.
Đời sống thánh thiện và công cuộc truyền bá Kinh Thánh của Thánh nhân đã được Đức Giáo Hoàng biết đến. Ngài được mời tham dự thánh Công Đồng Công-tăn-ti-nốp, và làm bí thư cho Đức Thánh Cha Đa-ma-sô ở Rô-ma.
Vì tuổi già sức yếu, thánh nhân rời Rô-ma đến trú ngụ ở Bê-lem, và qua đời tại đây ngày 30 tháng 9 năm 420. Hiện nay hài cốt ngài được đặt tại Đền Thờ Đức Bà Cả ở Rôma.
Đang lúc các môn đệ phấn khởi về quyền phép Chúa Giêsu thể hiện qua những phép lạ Ngài làm, thì đùng một cái Ngài cho các ông biết là Ngài sẽ bị bắt, bị hành hạ và giết chết. Phải chăng Chúa muốn làm các ông mất hứng ? Không, Chúa muốn dẫn các ông trở lại đúng con đường Ngài và các ông phải đi.
Nhiều khi chúng ta đang phấn khởi vì những niềm vui và những thành công, thì đùng một cái, đau khổ và thất bại ập đến. Cũng không phải là Chúa làm chúng ta mất hứng, mà Ngài đang dẫn chúng ta trở lại đúng con đường của mình. “Ai muốn theo Thầy, hãy vác thập giá mà theo”.
Trong bài Tin mừng hôm nay, khi loan báo cuộc khổ nạn của Ngài, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài hãy đối đầu với đau khổ, nếu đau khổ là thành phần thiết yếu của cuộc sống. Vấn đề không phải là chối bỏ hiện thực của đau khổ hay tìm cách tránh né khổ đau, mà là đối đầu với nó. Chúa Giêsu đã vạch ra cho chúng ta cách thế đối đầu với đau khổ, đó là chấp nhận khổ đau với tình yêu. Đau khổ mà không có tình yêu thì chỉ là hỏa ngục mà thôi.
Chúa Giêsu đã đón nhận khổ đau, Ngài đã biến khổ đau thành hiến lễ tình yêu, do đó khổ đau đã trở thành nguồn ơn cứu thoát cho nhân loại. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy vác lấy thập giá mình mà đi theo Ngài. Mỗi ngày có nỗi khổ riêng của ngày đó, hạnh phúc hay không, bình an hay không, là tuỳ con người có biết đón nhận đau khổ với tình yêu hay không.
Ngày hôm nay, chúng ta cũng có thể hành sự như các Tông đồ xưa, chúng ta không thể hiểu được mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô trong đời sống của chúng ta, không hiểu được mầu nhiệm thập giá trong cuộc đời của Chúa cũng như trong cuộc đời của chính mình. Không hiểu, chúng ta ngại không dám tiến tới, không dám tiếp tục con đường theo Chúa, ngại ngùng trước việc tìm hiểu biết Chúa, ngại ngùng lên tiếng xin Chúa trợ giúp cho ta hiểu biết Ngài trong việc cầu nguyện và tiếp xúc với Lời Chúa và đến với Chúa trong bí tích Thánh Thể. Chúng ta hãy khiêm tốn và tin tưởng đến với Chúa và xin Ngài mạc khải cho chúng ta được hiểu về Ngài mỗi ngày một sâu rộng hơn