Đừng xét đoán
26.6 Thứ Hai trong tuần thứ Mười Hai Mùa Quanh Năm
St 12:1-9; Tv 33:12-13,18-19,20,22; Mt 7:1-5
Đừng xét đoán
Chúa Giêsu nói với các môn đệ: anh em không được xét đoán lên án kẻ khác, vì việc đó thuộc quyền của Thiên Chúa. Anh em xét đoán kẻ khác thế nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ xét đoán anh em như vậy. Sao anh em thấy cọng rác nhỏ trong con mắt kẻ khác, còn cái xà trong mắt anh em, mà anh em không thấy, nghĩa là lỗi lầm nhỏ mọn của người khác thì anh em thấy rõ rồi phê bình lên án đủ thứ, còn tội nặng nề của anh em, anh em lại không chịu thấy, không chịu nhận, không lo sửa chữa. Hãy lo từ bỏ sửa chữa tội lỗi của anh em trước đã rồi anh em mới giúp được kẻ khác chừa bỏ lỗi lầm của họ.
Xénophon, nhà hiền triết Hy lạp sống vào giữa thế kỷ thứ 5 TCN đã nói như sau: “Thượng Đế đặt trên vai con người hai cái bị: một cái đằng trước, một cái đằng sau. Cái bị đằng sau chứa đựng tất cả những cái xấu của chính con người mình, còn cái bị đằng trước thì đầy rẫy những cái xấu của người khác. Do đó, con người khó mà thấy được những thiếu sót của mình, nhưng lại dễ dàng nhìn thấy những khuyết điểm của người khác”.
Khuynh hướng tự nhiên của con người là dễ dàng kết án người khác, nhưng lại tỏ ra dễ dãi với mình. Chúa Giêsu đến để chỉnh đốn khuynh hướng lệch lạc ấy. Ngài mời con người hoán cải, nghĩa là quay trở lại với mình, nhìn thẳng vào thực chất của mình, để từ những yếu đuối, bất toàn của mình để dễ dàng thông cảm và tha thứ cho người khác hơn. Đó là nội dung những lời khuyên của Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay.
Chúa Giêsu vạch rõ tính cách của nhiều người trong chúng ta thường thì không thấy lỗi lầm của mình, nhưng lại soi mói dò xét cái lỗi của người khác mà lắm khi cái lỗi của chúng ta còn lớn gấp trăm lần cái lỗi của tha nhân.
“Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy?” Cái lỗi nhỏ như cái rác của tha nhân thì mình dễ nhìn thấy, nhưng cái lỗi lớn như xà nhà của mình thì lại không thấy. Chúng ta dễ dàng kết án cái lỗi nhỏ nhặt của tha nhân, nhưng lại không ý thức về những tội tày đình của bản thân…
Con người không thể tự cho mình quyền xét đoán, phê phán người khác, mà chỉ có một mình Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi sự. Ngài hiểu con người hơn chính họ và mời gọi con người hãy nhìn vào bản thân mình: hãy nhìn vào mắt mình để lấy cái xà đã đóng chặt vào đó, cái xà được kết tinh bằng lỗi lầm, thành kiến, ác ý. Lấy được cái xà, mắt sẽ trong sáng, con người sẽ nhìn rõ sự vật.
Cái nhìn của đôi mắt không có cái xà sẽ không còn là cái nhìn của phê phán, chỉ trích, nhưng là cái nhìn của Chúa Giêsu, một cái nhìn đầy yêu thương, tha thứ, mang lại cho kẻ được nhìn niềm tin yêu, hy vọng. Lêvi, người thu thuế, sẵn sàng bỏ mọi sự để theo Thầy; Giakêu, người thu thuế trưởng, đã thành tâm hoán cải, Mađalêna đã dứt khoát từ bỏ con đường tội lỗi. Tất cả đã chuyển hướng cuộc đời bởi cái nhìn từ ái bao dung của Chúa Giêsu
Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Vì anh em xét đoán thế nào thì…cũng sẽ bị xét đoán như vậy….Đong đấu nào…sẽ được đong bằng đấu ấy” (c.2). Ngài khẳng định về cách đối xử của chúng ta với anh em đồng loại sẽ được trả lời trong ngày sau hết, tại có khi sẽ xảy ra ngay tại đời này. Vì sự “đạo đức nửa vời” của chúng ta mà chúng ta tự lên mặt dạy dỗ người khác.
Đây là thái độ tự mãn, tự cao, tự đại. Nó đối nghịch với nhân đức, hiền lành, khiêm nhường. Nhịn nhục. Chúa Giêsu đề cao cảnh giác về chuyện này. Ngài không cấm chúng ta có những nhận xét khách quan, những nhận xét phân biệt phải trái, sai quấy. Nhưng khi chúng ta kết tội và lên án lương tâm người anh em, là chúng ta xâm phạm lãnh vực dành riêng cho Thiên Chúa.
Trong đời sống cộng đồng, điều này dễ xảy ra khi chúng ta có một chút gì hơn anh chị em mình: chức tước trong giáo xứ, danh dự trong khu xóm… lúc ấy chúng ta dễ dàng lên “bài giảng” với những bài “đạo đức nửa mùa” theo chủ quan của chúng ta. Chúng ta tự coi mình là “cái rốn vũ trụ” và cho rằng và mọi lời nói và việc làm của chúng ta là hợp lý. Là phải đạo.
Trong (c.3 và c. 4) Chúa Giêsu nhắc chúng ta về thận phận của chính mình tại sao chúng ta quá chú tâm đến “ cọng rơm trong mắt của người anh em mà quên đi mình đang vác một cái xà”. Cái xà ấy đã che phủ con mắt đức tin của chúng ta, và chúng ta chỉ còn soi mói cái xấu của người anh em mà không biết là: người khi lên án, xét đoán người khác là chính chúng ta đang tự lên án, kết tội mình. Ở đây, Chúa Giêsu nhắc chúng ta phải dè dặt khi xét đoán người khác. Hãy nhớ lại thân phận bụi tro của mình cũng dầy những khuyết điểm tội lỗi… mà bao dung tha thứ những lỗi lầm của người anh em. Có thế, chúng ta mới đấm ngực ăn năn thú nhận và không lên mặt hợm hĩnh khi góp ý xây dựng người anh em, không coi thường, khinh khi người khác mà biết đón nhận nhau trong đức ái.
Trong câu cuối cùng, Chúa Giêsu gợi những kẻ xét đoán người khác là: Đạo đức giả Ngài ra lệnh: chúng ta hãy lấy cái xà ra trước, rồi thấy rõ mà lấy cọng rơm cho người anh em ( c.5). Nghĩa là chúng ta phải thực hành điều mình hiểu và điều mình nói, thì mới xây dựng người khác trên con đường nhân đức được.
Chúa Giêsu dạy: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng đong bằng đấu ấy cho anh em” (Mt 7, 1-2), nghĩa là khi chúng ta dùng lăng kính chủ quan của mình để xét cho anh em thế nào, thì chúng ta sẽ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa thể ấy.
Vậy nên, nếu khi xét đoán, chúng ta cần biết nhìn lại chính mình, nhất là trong lời xét đoán về anh em có thực sự khách quan hay không, có thực sự vì yêu thương anh em và vì sự thật hay không.