ĐỪNG VỘI ĐÁNH GIÁ
20 Thứ Bảy Tuần IV Mùa Chay
– Các bài đọc Lời Chúa: Gr 11,18-20; Ga 7,40-53.
ĐỪNG VỘI ĐÁNH GIÁ
Ta thấy ngôn sứ Giêrêmia mạnh mẽ cảnh báo tai họa sẽ đổ xuống trên dân nếu họ tiếp tục lối sống bê tha, tội lỗi. Trước những lời nói thẳng thắn của ngôn sứ, từ giới lãnh đạo đến dân chúng, thậm chí cả những người họ hàng đã mưu toan thanh trừng ngay tức khắc ngôn sứ như “đốn hạ cây xanh đang còn tươi tốt”. Dù bị mọi người ruồng bỏ và chế nhạo là “lão tứ phía kinh hoàng” (nghĩa là lão chuyên loan báo thảm họa) nhưng Giêrêmia vẫn trung thành với ơn gọi ngôn sứ của mình; ông vẫn một mực kêu gọi người ta phải cải tổ đời sống chính trị và tôn giáo thì mới có thể được sống yên hàn nơi đất Hứa.
Giêrêmia là hình ảnh báo trước về Chúa Giêsu. Vì trung thành với sứ mạng soi chiếu ánh sáng Tin mừng cứu độ vào chốn trần gian tăm tối tội lỗi của người ta mà Ngài phải đứng trước nguy hiểm bị loại trừ, bị giết chết. Nhưng dẫu phải đối diện với thập giá và cái chết nhục nhã do định kiến và lòng thù hận của người ta dành cho mình, Chúa Giêsu vẫn một mực trung kiên với sự mạng Cha đã trao phó cho Ngài.
Quan sát đám đông dân chúng, một số người đã nghe Chúa Giêsu giảng thì nhận định : “Ông này thật là vị ngôn sứ” ; “Ông này là Ðấng Kitô”. Nhưng Thánh Gioan lại cho biết thêm, có những người trước khi nghe giảng thì đã có những định kiến sẵn về nguồn gốc của Đức Giêsu rồi : “… Nào chẳng phải : Ðấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Ðavít và từ Bêlem, làng của vua Ðavít sao ?” Chúng ta nhận thấy sự khác biệt của hai thái độ nghe này : một là nghe bằng sự trong sáng, hai là nghe khi đã có định kiến, chắc chắn hai cách nghe này sẽ dẫn đến hai cách hành xử khác nhau.
Thánh Gioan cũng cho thấy một nhóm người khác là các vệ binh, những người này được sai đi để bắt Chúa Giêsu, nhưng họ đã trở về với các thượng tế và người Pharisêu rồi trả lời họ : “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy !”. Nhóm người thứ hai này có một thái độ khác, họ không chỉ nghe với tất cả sự trong sáng mà thôi, nhưng họ còn biết so sánh và nhận định “xưa – nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy”…, cuối cùng họ mới đưa ra một kết luận và quyết định cách hành xử, quay trở về và không tra tay bắt Chúa Giêsu nộp cho các thượng tế.
Các thượng tế, biệt phái và người Pharisiêu dường như lại có thái độ ngược lại, họ không chịu lắng nghe, mà nếu có nghe, thì họ đã có những định kiến rồi. Họ chẳng nghe cho kỹ, hiểu cho sâu. Họ cũng chẳng so sánh, chẳng nhận định, chẳng diện đối diện như các vệ binh. Trái lại họ dựa vào ý kiến của một số người để kết luận“Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pharisêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu ?” (Câu 48). Sau khi dựa vào một số người, không thấy có gì thuyết phục, họ dựa vào “lề luật” để kết luận “Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa !” (Câu 49). Thái độ đánh giá người khác dựa vào: định kiến, dựa vào lề luật, dựa vào nguồn gốc xuất thân của người đó, dựa vào tiếng nói của một số người mạnh thế, chắc chắn không phải là một thái độ của Tin Mừng.
Rất may mắn cho chúng ta, là đoạn Tin Mừng còn nói đến một nhân vật khác nữa, một Pharisêu, người tên là Nicôđêmô, trước đây đã đến gặp Chúa Giêsu ; ông nói với họ : “Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không ?”. Vâng, lời nói của ông Nicôđêmô thật đáng cho mọi người suy nghĩ. Ông xứng đáng là một người trong giới lãnh đạo. Ông cũng dựa vào “lề luật”, nhưng không phải là để bắt bẻ, dèm pha. Ông tìm thấy sự nghiêm túc của “lề luật”, sự liên quan đến luật hoàn hảo là đức ái, muốn kết án ai phải nghe và biết người ấy đã làm gì.
Như vậy, muốn kết luận hay đánh giá về một người nào đó, Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta : trước tiên phải biết lắng nghe, nghe cả những người hèn kém thấp cổ bé miệng nhất; nghe với toàn bộ sự trong sáng của tâm hồn, không dựa vào định kiến, không dựa vào vị thế hoặc nguồn gốc xuất thân của người đối diện; cũng không dựa vào một nhóm người nào đó ủng hộ hoặc về phe của mình; cuối cùng, sau khi nghe phải đến tận nơi tìm hiểu để biết người ấy đã làm gì, rồi mới được kết luận hành xử.
Đôi khi, chúng ta cũng như họ. Định kiến của một số đám đông đã trở thành định kiến xã hội, khiến chúng ta vô tình bị vướng vào rào cản ấy. Tâm lí chung của chúng ta là “nhìn quả biết cây”, “Con vua thì lại làm vua/ Con sãi ở chùa thì quét lá đa”… Một người sinh ra trong gia đình lương thiện thì sẽ lương thiện, sinh ra trong gia đình bất hảo thì sẽ bất hảo, sinh ra trong gia đình quyền quý sẽ lại quyền quý, sinh ra trong gia đình quan chức rồi sẽ lại làm quan… Định kiến ấy ăn sâu vào đầu của từng người trong xã hội, khiến những người bị vướng vào đó khó lòng có cơ hội thay đổi, đặc biệt là những người muốn hoàn lương.
Đã có biết bao người sống cuộc đời tội lỗi trong đau khổ vì không thể trở về. Họ muốn hối cải, muốn hòa nhập lại với cộng đồng, nhưng vì về nhơ của quá khứ đã trở thành rào cản khiến họ bị người khác cô lập, loại trừ. Nên nhớ rằng gia đình tuy ảnh hưởng lớn đến con người nhưng không có nghĩa là người ta sẽ đi theo lối mòn ấy, cha mẹ là người có lỗi không có nghĩa là con cái cũng có lỗi; quá khứ tuy có liên hệ với hiện tại và tương lai nhưng không có nghĩa là kẻ phạm lỗi sẽ không thể hoàn lương… Chúng ta không nên để những định kiến ấy trở thành rào cản ngăn cách chúng ta đến với tha nhân. Trên hết, chúng ta phải có lòng bao dung, quảng đại, biết nhìn nhận anh em mình theo hướng tích cực. Để từ đó, họ có thể có cơ hội trở về.
Chúa Giêsu khác với các ngôn sứ khác rao giảng nhân danh Thiên Chúa; phần Ngài, Ngài rao giảng nhân danh chính Ngài, vì Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa. Không lạ gì nghe Chúa Giêsu rao giảng, các vệ binh nhìn nhận rằng lời của Ngài không như lời của những người khác. Lời chứng của những vệ binh này tuy đơn giản vài lời thôi, nhưng lại là chứng cứ vững vàng cho đến hôm nay. Họ hiểu lời Chúa nói và dám làm chứng cho những lời đó. Ta nhận ra một điều lạ lùng là chỉ những tâm hồn đơn sơ, rộng mở mới nhạy bén, nhanh nhẹn đón nhận Lời Chúa và đưa Lời Hằng Sống ấy vào trong cuộc đời mình.
Thế giới ngày càng hiện đại khiến con người chạy theo khoa học. Việc đó không hề sai, nhưng cái sai nằm ở chỗ họ dùng sự cách tân, tiến bộ ấy để chống lại truyền thống của Công giáo. Bên cạnh đó, những tư tưởng đổi mới lệch lạc, xa rời giáo lý Hội thánh Công giáo của những người quá khích cũng vô tình dẫn đến sự rối loạn không đáng có ngay trong lòng Giáo hội. Chính vì thế, truyền thống tuy thường là lối mòn, nhưng cũng có lúc đó lại là con đường vô cùng an toàn. Do đó, chúng ta cần phải tỉnh thức và cầu nguyện để có thể tuân theo truyền thống theo hướng tích cực nhất.
Lối mòn tư duy đôi lúc là thứ vô cùng nguy hiểm, nó khiến người ta trở thành những kẻ lỗi thời, bảo thủ. Thế nhưng, đôi lúc đó lại là hộ thuẫn bảo vệ ta thoát khỏi những tư tưởng cách tân tiêu cực. Vì thế, vận dụng truyền thống một cách có hiệu quả sẽ giúp chúng ta đạt được thành công trong cuộc sống, góp phần xây dựng xã hội và Giáo hội mỗi ngày một tốt đẹp hơn.