Đừng sợ
1.4 Thứ Hai trong tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh
Cv 2:14,22-32; Tv 16:1-2,5,7-8,9-10,11; Mt 28:8-15
Đừng sợ
Ngày thứ nhất trong tuần, ngày mà nước mắt chưa vơi, tình người chưa cạn. Ma-ri-a Ma-đa-lê-na, người đàn bà rất thật đàn bà, mạnh mẽ phi thường. Lúc các môn đệ, giới mày râu vai u thịt bắp, có những vị được mệnh danh là con cái sấm sét, đang ẩn đâu đấy sau khi thầy bị bắt, bị giết và an táng trong mồ, thì Ma-ri-a Ma-đa-lê-na vẫn can đảm dõi bước theo Thầy trong hành trình Thương Khó, tận mắt thấy cảnh Thầy bị đánh đòn vai mang thập giá, can đảm hơn bà còn đứng dưới chân Thánh giá, chôn cất Thầy, nay lại ra viếng mồ Thầy khi trời còn chưa sáng như Mát-thêu thuật lại trong Tin Mừng hôm nay: “Các bà vội vã ra khỏi mồ vừa sợ lại vừa hớn hơ vui mừng đi báo tin cho các môn đệ Chúa” (Mt 28,8).
Các sách Tin Mừng thuật lại sự vội vã mà vào Ngày Phục Sinh “các bà chạy đi báo tin cho các môn đệ” (Mt 28,8). Và, sau khi bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na “chạy đến với ông Si-mon Phê-rô” (Ga 20, 2), thì chính ông Gio-an và ông Phê-rô “cả hai cùng chạy” (x. Ga 20,4) để đến nơi chôn cất Chúa Giê-su. Và rồi vào chiều Phục Sinh, khi gặp Đấng Phục Sinh trên đường Emmau, hai môn đệ “lên đường không chậm trễ” (Lc 24,33) và vội vã đi vài dặm lên đồi trong bóng tối, xúc động bởi niềm vui Phục Sinh không thể kìm nén được đang bừng cháy trong tâm hồn của họ (x.Lc 2432).
Cũng chính niềm vui đó mà Phê-rô, trên bờ biển Ga-li-lê-a, khi nhìn thấy Chúa Giê-su phục sinh đã không thể nấn ná trong thuyền với những người khác, mà lập tức nhảy xuống nước bơi thật nhanh để gặp Người (x. Ga 21,7). Nói tóm lại, vào Lễ Phục Sinh, cuộc hành trình tăng tốc và trở thành một cuộc chạy đua, bởi vì nhân loại nhìn thấy mục tiêu của cuộc hành trình, ý nghĩa của định mệnh của mình, là Chúa Giê-su Ki-tô, và được mời gọi để vội vã gặp gỡ Người, niềm hy vọng của thế giới. Chúng ta cũng hãy mau chóng lớn lên trên con đường tin cậy lẫn nhau: tin cậy giữa người với người, giữa các dân tộc và các quốc gia. Hôm nay chúng ta hãy tuyên xưng và mau mắn đi loan báo cho thế giới biết rằng, Chúa Giê-su, Chúa của đời ta, là “sự sống lại và là sự sống” của thế gian (x. Ga 11, 25).
Các bài Tin mừng trong tuần bát nhật mừng Đức Giêsu Phục sinh đều ghi lại các cuộc hiện ra của Đức Giêsu. Bài Tin mừng hôm nay ghi lại việc Đức Giêsu hiện ra với các phụ nữ, cách riêng với bà Maria Mađalêna, để củng cố niềm tin và sai các bà đi báo tin cho các Tông đồ. Ngoài ra, Tin mừng còn nói đến việc các nhà lãnh đạo tôn giáo Do thái mua chuộc các lính canh mồ để phản bác việc Đức Kitô sống lại.
Thánh Mátthêu là tác giả duy nhất đã so sánh thái độ của hai dạng chứng nhân về việc Chúa Phục sinh: một bên là những phụ nữ đã từng theo Đức Giêsu, và một bên là những lính canh mồ do các thượng tế và biệt phái sắp đặt.
Cả hai bên đều nhận lãnh một sứ điệp: những phụ nữ được các thiên thần cổ võ đã lên đường loan báo sứ điệp Phục sinh cho các Tông đồ; những lính canh mồ thoạt tiên cũng nhận lãnh các sứ điệp như thế: họ đã chứng kiến một phép lạ, nhưng thay vì tuân phục với đức tin, họ đã bóp méo và chối bỏ sự thật.
Một sự kiện nhưng hai phản ứng: với sự tuân phục của đức tin, các phụ nữ đã đón nhận phép lạ và trở thành sứ giả của Tin mừng Phục sinh; trong khi đó, với thái độ mù quáng và khước từ, những lính canh mồ đem biến sự kiện thành một bôi nhọ phỉ báng.
Đức Giêsu đã Phục sinh với các chứng từ rõ ràng không thể chối cãi được. Đối với Đức Giêsu, phục sinh là chiến thắng hoàn toàn sự chết, thế gian và xác thịt, nghĩa là thân xác phục sinh không thể chết được nữa, thân xác phục sinh không thể bị giới hạn trong không gian hoặc thời gian. Chẳng hạn Đức Giêsu khi phục sinh vẫn đi vào nhà các môn đệ khi cửa đóng kín, vẫn có thể hiện diện nhiều nơi như vừa đồng hành với môn đệ trên đường Emmau, nhưng khi các môn đệ đó quay lại thì lại được các môn đệ ở nhà kể lại vừa gặp Chúa.
Kitô hữu là người đối diện với Tin mừng Phục sinh và được trao nhiệm vụ đi loan báo cho người khác tin vui này… Tuy nhiên, như nhóm lính canh, có thể vì sợ hãi trước quyền lực trần thế, hay vì một chút lợi lộc, họ đành tâm phản bội Tin mừng, và do đó cho đến nay vẫn còn những hiểu biết lệch lạc về Đức Kitô và về Giáo hội.
Trở lại sự kiện giả dối của giới cầm quyền Do thái giáo mà bài Tin mừng kể ra, chúng ta thấy sự kiện này cũng phản ánh một thực tế bất công và dối trá nơi cuộc sống này đã có từ ngàn xưa. Thậm chí ngày nay còn đáng sợ hơn.
Chân lý loài người luôn thuộc về kẻ mạnh, người ta dùng tiền để mua chuộc và đổi trắng thay đen, biến công thành tội, sự thật bị xuyên tạc bóp méo. Đặc biệt những Kitô hữu và những người dám sống thật luôn bị thua thiệt và bị vu oan giáng họa kết tội cách bất công. Người ta dùng tiền và quyền để bịt miệng và để kết án.
Thế nhưng, chính sự thật thì người ta sẽ không mãi mãi trù dập nó được, sự kiện Phục sinh vẫn được hàng tỷ người trên thế giới tuyên xưng và phát triển đã hơn 2000 năm lịch sử… Các môn đệ của Chúa lúc bị xuyên tạc, các ngài không cần kêu oan mà cứ mạnh dạn tuyên xưng những gì mình thấy và sống mầu nhiệm Phục Sinh cách hoàn hảo.
Sự phục sinh được loan báo cho các bà đầu tiên hẳn cũng có một ý nghĩa là trong suốt cuộc khổ nạn, các bà đã gần gũi Chúa nhất. Một thiếu phụ phung phí dầu thơm ở Bêtania (Mt 26,7-13), vợ của Philatô can ngăn (27,19), các phụ nữ đứng bên thập giá (27,55-56) và bên nấm mộ (27,61). Họ là những người có công và đã được thưởng bằng việc Chúa hiện ra. Đây cũng là một bài học cho thấy các bà đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền giáo cũng như họ đã từng làm việc đó là báo tin Chúa sống lại cho các tông đồ. Nếu như các bà ích kỷ chỉ đòi ở bên Chúa mà không chịu đi đưa tin thì hẳn là các môn đệ vẫn cứ ở trong căn phòng kín cửa then cài.
Điều này muốn nói với chúng ta rằng: nếu chúng ta là những người đã nhận được đức tin của Chúa, nhận được sự sống mới của Chúa, chúng ta không có quyền sống ích kỷ, như con rùa thụt lui sau lớp vỏ của mình. Chúng ta phải phân phát, phải đi như những phụ nữ hôm nay để “loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại…” (1C 11,26). Vậy nếu như các tín hữu đâu tiên ở Giêrusalem không chịu ra đi loan báo Tin Mừng của Chúa, thì chúng ta đây chưa chắc đã có đức tin. Vậy ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Chúng ta đến lượt mình cũng hãy trả ơn ít là như và bằng họ chứ.