“ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA”
12.3 Thứ Ba trong tuần thứ Tư Mùa Chay
Ed 47:1-9,12; Tv 46:2-3,5-6,8-9; Ga 5:1-3,5-16
“ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA”
(Ga 5, 114)
Đức Giêsu chữa người bất toại ở bờ hồ Bếtsaiđa. Nếu chúng ta đặt mình vào vai bệnh nhân 38 năm, chúng ta mới thấy những người hạch hỏi anh thật độc ác. Tại sao họ không cảm thông với anh khi anh bị khổ suốt 38 năm trong tình trạng khốn nạn. Đáng lý ra họ cùng phải với anh tôn vinh, tạ ơn Vị đã cứu giúp anh mới phải. Tại sao họ lại bắt bẻ Ngài ? Ngài và họ, ai là người thương yêu đích thực ? Ngài và họ, ai là người đi trong đường lối của Thiên Chúa ?
Đức Giêsu đã đề cao tinh thần sống đạo hơn là việc giữ đạo. Những việc làm bề ngoài chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó được tình yêu từ bên trong tâm hồn thúc bách. Bằng không, nó chỉ là một sự phù phiếm, giả tạo mà thôi. Đức Giêsu đã vì tình yêu, vượt lên trên lề luật để cứu chữa một người đau bệnh đã ba mươi tám năm. Tuy nhiên, chính trong hành động yêu thương này mà Đức Giêsu bị những người Do Thái không ưa Ngài tìm cách chống đối. Họ cho rằng Đức Giêsu đã không tuân giữ lề luật nên họ tìm đủ cách để hãm hại Ngài.
Tin mừng cho biết khi Đức Giêsu đến bờ hồ Bếtsaiđa, thì đã có rất nhiều bệnh nhân nằm la liệt cùng với thân nhân của họ chờ chực sẵn bên hồ. Giữa đám đông bệnh nhân ấy, Chúa nhận ra một người đau khổ cô độc nhất, anh bị tàn tật, bất toại hay tê liệt như lời anh thưa với Chúa: “Không có ai khiêng tôi xuống nước cả”. Anh đã nằm ở đây 38 năm rồi, thời gian quá dài. Bao nhiêu người đã đi qua, kể cả những vị lãnh đạo dân Do thái, không ai màng tới.
Nhưng Đức Giêsu đã nhìn thấy, động lòng thương và đã chữa lành anh. Không những Chúa chữa bệnh nơi thân xác mà Ngài còn muốn tiến xa hơn, khi kêu gọi người được chữa lành hãy nghĩ đến phần hồn của anh với lời nhắn nhủ: “Anh đừng phạm tội nữa”.
Đức Giêsu cho anh bại liệt lành bệnh và bước đi trong an vui trong ngày sabat – ngày của niềm vui. Trong lúc người biệt phái ngăn cản anh vác chõng lại hạch hỏi anh thật độc ác, chỉ vì ngày sabat, ngày nghỉ với họ cũng có nghĩa là không được vác chõng. Họ không thông cảm với anh khi anh bị khổ suốt 38 năm dài, họ vẫn cứ muốn trói buộc anh trong căn bệnh bại liệt chỉ vì câu nệ lề luật. Họ mang hình ảnh nhân loại không biết cảm thông nỗi khổ của nhau, đối xử với nhau từ ích kỷ đến tàn ác chỉ biết bắt bẻ và kết án.
Đức Giêsu đã thực hiện một dấu lạ để mời gọi con người mở mắt nhìn Ngài là Đấng Cứu Thế. Thế nhưng, không ai đã nhận ra sự hiện diện của Ngài. Riêng những người Do thái, những vị lãnh đạo tôn giáo Do thái đang có mặt ở đó lại dựa vào đó, để bắt bẻ Chúa đã lỗi ngày hưu lễ. Đối với Chúa, Ngài đến làm ơn cho người ta, mạng sống con người quí trọng hơn hết.
Hôm nay, Đức Giêsu đã vì tình yêu, mà Ngài vượt lên trên lề luật để cứu chữa một người ốm đã ba mươi tám năm.
Tuy nhiên, chính trong hành động yêu thương này mà Đức Giêsu bị những người Dothái không ưa chống đối. Họ cho rằng Đức Giêsu đã không tuân giữ lề luật và thường xuyên vi phạm ngày Sabát.
Đối với Đức Giêsu, luật vì con người chứ không phải con người vì luật. Hơn nữa, khi Đức Giêsu chữa anh này khỏi bệnh thì đồng thời Ngài cũng chữa anh khỏi những hệ lụy của nó mà người ta thường gán cho là tội. Không dừng lại ở đó, Ngài còn nhắc cho anh biết là hãy vác chõng mà về và đừng phạm tội nữa.
Vác chõng là việc anh phải làm để chu toàn bổn phận của chính mình. Đừng phạm tội là lời nhắc cho anh về việc từ nay anh đã được giải thoát khỏi tội và anh đã được thuộc về Chúa. Ngài đã tẩy rửa tâm hồn và thân xác anh sạch thì anh phải lo giữ nó, kẻo trở thành khốn khổ khi bệnh tình tái phát. Tội ở đây có ý muốn nói đến ảnh hưởng của sự dữ, thuộc về Ma Quỷ.
Mùa Chay là cơ hội để chúng ta quay trở về với Chúa và xin Ngài tha thứ, đồng thời cũng là dịp thuận tiện để ta hối cải, từ bỏ con đường cũ để làm lại cuộc đời.
Chúa không chấp nhận chúng ta ù lỳ trong tội, nhưng Ngài mời gọi chúng ta: “Hãy đứng dậy vác chõng mà ra đi”, đó là dứt khoát với con đường tội lỗi của mình, nếu không, chúng ta có thể sẽ khốn khổ hơn khi phạm tội.
Nhìn vào xã hội ngày hôm nay, chúng ta thấy căn bệnh vô cảm, thờ ơ trước những nỗi đau của đồng loại vẫn hiện diện khắp nơi, người ta sống vị kỷ, chỉ lo vinh thân cho gia đình mình, con cháu mình còn trước những khó khăn, đau khổ của kẻ khác thì họ bưng tai bịt mắt. Thánh Phao-lô khuyên: “ Vui với ai cùng vui, khóc với ai đang khổ sau” lối sống đó mới thể hiện chúng ta là những con người sống có trái tim yêu thương của Chúa.
Ngày hôm nay Đức Giê-su cũng đang chất vấn mỗi người chúng ta qua câu hỏi: “Anh có muốn lành sạch không?” và khi chúng ta muốn cho Ngài chữa lành thì chúng ta phải thi hành lệnh truyền của Ngài; Đó là: “Hãy trỗi dậy vác chõng mà đi”. Chỗi dậy vác chõng mà đi ở đây là phải biết dũ bỏ cái ích kỷ, cái vô tâm hờ hững trước những nỗi đau của tha nhân, biết mặc vào mình tâm tình của Đấng luôn cạnh lòng thương và biết ăn năn sám hối trước những lỗi lầm của mình.