DUNG HÒA
01 21 Đ Thứ Ba Tuần IX Thường Niên.
Thánh Giút-ti-nô, Tử đạo, lễ nhớ.
Thánh Giu-se Phạm Quang Túc, Giáo dân (U1862), Tử đạo.
Tb 2,9-14; Mc 12,13-17.
DUNG HÒA
Thánh Giúttinô không ngừng đòi hỏi sự thật tôn giáo, ngay cả khi ngài trở lại Kitô giáo sau nhiều năm nghiên cứu các triết học ngoại giáo.
Khi còn trẻ, ngài theo trường phái của Plato. Tuy nhiên, ngài thấy Kitô giáo trả lời được những vấn đề quan trọng về cuộc sống và sự hiện hữu hơn hẳn các triết gia.
Khi trở lại đạo, ngài tiếp tục mặc loại áo choàng (mantle) dành cho triết gia, và trở thành triết gia Kitô giáo. Ngài kết hợp Kitô giáo với các yếu tố tốt nhất của triết học Hy Lạp. Theo ngài, triết học là nhà mô phạm (pedagogue) của Đức Kitô, nhà giáo dục dẫn người ta đến với Đức Kitô.
Thánh Giúttinô có tiếng là nhà biện giải tôn giáo (apologist), bảo vệ bằng những bài viết về Kitô giáo phản bác những khích bác và hiểu lầm của người ngoại giáo. Hai bài biện giải của ngài còn truyền lại cho chúng ta, hai bài này được gởi cho hoàng đế Rôma và thượng viện. Vì trung thành với Kitô giáo, ngài bị xử trảm tại Rôma năm 165.
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy những người biệt phái và những người thuộc phái Hêrôđê có thái độ sống giả hình. Bởi vì họ đến với Chúa Giêsu và nói những lời khen nịnh Ngài: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa”. Nhưng thực ra, lời nói khéo léo của họ lại che đậy một thủ đoạn, một âm mưu gày bẫy Chúa Giêsu. Đó là đường lối của con người, nhất là của hạng người vụ lợi, ích kỷ, tham quyền.
Chúng ta vừa được nghe mấy người Pharisêu và mấy người thuộc phe Hêrôđê đến hỏi Ngài: Có phải nộp thuế cho Xê-da không? – Nếu nói không, Ngài sẽ bị cho là phản loạn, chống lại hoàng đế; còn nói có, thì hẳn Ngài không tránh khỏi sự la ó của dân chúng – đường nào Ngài cũng bị sập cái bẫy hai tròng này!
Nhưng làm sao thử thách được Thiên Chúa, vì Chúa Giêsu thấu suốt tâm can của họ. Chúa Giêsu dựa trên sự thật là họ đang sử dụng đồng tiền của Xêda thì đương nhiên phải nộp thuế cho Xêda. Điều đó không ai bắt bẻ được Ngài.
Nhưng từ việc “Của Xêda trả cho Xêda”, Chúa Giêsu đã hướng họ đến với điều sâu xa hơn là: “Của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”. Cuộc sống chúng ta là bởi Chúa, vì thế phải quy hướng về Thiên Chúa là lẽ đương nhiên.
Qua đó chúng ta thấy người công chính sẽ phải bị thử thách bởi nhiều thứ. Nhưng nếu họ có một lòng gắn bó với Chúa, họ sẽ vượt qua được.
Thật thế, sau khi giả vờ khen Chúa, họ liền chất vấn Ngài: “Có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?”. Đây là một câu hỏi đầy hóc búa, gai góc, tinh khôn và chắt lọc, dù Chúa có trả lời được hay không, đều bị mắc bẫy của họ. Bởi vì, chúng ta biết lúc ấy nước Do thái đang bị đế quốc Rôma cai trị, mà đứng đầu một đế quốc rộng lớn ấy là vua Xêda đầy quyền uy, danh vọng. Vậy nếu Chúa bảo phải nộp thuế cho vị vua xứ ngoại lương dân này, thì tất nhiên họ sẽ khép tội Chúa là người phản quốc. Về phía dân thì từ lâu họ mong đợi một vị cứu tinh giải thoát họ khỏi ách nô lệ mà nay họ đang tin vào Chúa, nếu Chúa bảo phải nộp thuế thì chắc chắn họ sẽ không tin vào Chúa nữa. Còn nếu như Chúa trả lời không được nộp thuế, thì Ngài sẽ bị dân người Rôma bắt vì đó là tội gây rối loạn là xúi dân chống lại hoàng đế Xêda.
Chúa Giêsu là “người chân thật”. Vì thế, dù những kẻ đối nghịch có tìm cách nói rước nói nịnh để “gài bẫy Ngài” đến đâu đi nữa, thì Ngài vẫn “không vị nể ai, không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo đường lối của Thiên Chúa mà giảng dạy sự thật” và mời gọi mọi người theo Ngài “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Mặc dù biết rõ ý đồ của họ, Chúa Giêsu vẫn tỏ ra hết sức chân thật; Ngài còn nhân cơ hội này để dạy cho họ một bài học: Ngài bảo họ cho xem đồng tiền và sau khi được biết hình và danh hiệu trên đồng tiền là của Xêda, Ngài nói tiếp: “Của Xêda trả về Xêda, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa”.
Câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy Ngài phân biệt rõ hai bổn phận: Bổn phận công dân một nước trần gian và bổn phận đối với Thiên Chúa. Không bao giờ Ngài cho phép con người có quyền nhập nhằng, lẫn lộn hoặc thỏa hiệp giữa hai bổn phận này. Chúa chân thật và Ngài tôn trọng mọi sự trong từng lãnh vực khác nhau. Ngài dạy cho chúng ta biết phải trả về cho Thiên Chúa danh dự uy quyền thuộc về Ngài, đồng thời Ngài cũng khích lệ chúng ta tôn trọng quyền lãnh đạo xã hội.
Và ta thấy đồng thời bổn phận luôn đi đôi với quyền lợi, con người phải vâng phục quyền bính trần gian vì được hưởng những thiện ích mà nó mang lại cho xã hội – nhưng sự vâng phục đó không được ngược lại sự vâng phục dành cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu nhìn nhận vai trò đúng đắn của quyền bính trần thế không phải là quyền bính duy nhất trên con người, mà còn có quyền bính của Thiên Chúa nữa. Bởi vì con người đã được tạo dựng theo và giống hình ảnh Thiên Chúa, con người mắc nợ Thiên Chúa sự sống, nên con người buộc phải dâng hiến mạng sống cho Ngài. Một quy luật tối thượng là toàn diện cuộc sống con người đều phải lệ thuộc vào Thiên Chúa, nên cũng phải dành cho Ngài vị trí ưu tiên trong cuộc sống của mình.
Chúa Giêsu biết rõ tâm tư không ngay chính của họ khi đặt câu hỏi trên, nên Người nói với họ: “Tại sao các người lại thử Tôi”. Câu hỏi này đưa chúng ta vào sâu trong Cựu Ước để thấy mình chỉ là cát bụi được Thiên Chúa dựng nên, là nắm đất sét trong tay người thợ gốm tài tình là Thiên Chúa, vậy mà giờ đây con người lại đòi trắc nghiệm sự khôn ngoan của Thiên Chúa! Họ quên rằng: “ Lòng mỗi người, chính Chúa dựng nên, việc họ làm, Chúa thông suốt cả” (Tv 32, 15). Sự khôn ngoan đó đã được Chúa Giêsu dùng đồng tiền họ đưa cho Người xem, để lý giải thật khôn ngoan về bổn phận người công dân trần thế và công dân Nước Trời:“Của Xê-da trả về cho Xê-da, của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”.
Câu trả lời này như lời nhắc nhở mỗi người Kitô hữu trong cuộc đời trần thế, chúng ta không bao giờ được phép xao lãng các bổn phận đạo đời, nhưng biết khôn ngoan dung hòa tất cả trong tinh thần yêu thương, tôn trọng luật Chúa, luật Giáo Hội, luật xã hội để sống tốt đạo, đẹp đời và tâm hồn luôn được bình an.