Đừng đến với Chúa và với nhau vì tư lợi cá nhân
Là con người, chúng ta ý thức rất rõ về tính cách vụ lợi của bản thân trong nhiều hoàn cảnh. Sự vụ lợi đó được thể hiện trong nhiều lãnh vực của cuộc sống, và thậm chí ngay trong lãnh vực thiêng liêng và tinh thần, là điều mà ngày hôm nay Chúa Giêsu đã khẳng định với đám đông dân chúng đi tìm kiếm Chúa Giêsu ở bên kia Biển Hồ, tức ở Ca-phác-na-um: “Thật tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (Ga 6:26).
Số là sau khi được Chúa Giêsu thực hiện phép lạ hoá bánh ra nhiều nuôi hơn năm ngàn người ăn no nê, thì người ta tiếp tục đi tìm kiếm Ngài, nhưng điều tưởng là một thành ý tốt lành của họ đã bị Chúa Giêsu chiếu ánh sáng sự thật vào, họ đi tìm kiếm Ngài vì cái bụng được no nê, chứ không phải vì đã chứng kiến những “dấu lạ” Chúa Giêsu đã thực hiện. Và từ sự thật mà Chúa Giêsu nói, chúng ta kinh nghiệm được sự thật về mình trong tương quan với Ngài và sự thật về các mối tương quan của chúng ta trong cuộc sống thật hằng ngày.
Sự thật về tương quan của chúng ta với Ngài. Nếu chúng ta khiêm tốn nhìn nhận, thì dường như việc chúng ta siêng tham dự các Thánh Lễ và các nghi thức tôn giáo, thậm chí là cả việc cầu nguyện, có gì đó mang tính vụ lợi, chứ không phải vì tình yêu chân thật. Nhiều người đi Lễ chỉ vì sợ rằng nếu không dự Lễ thì chết sẽ bị xuống hoả ngục, hoặc đi Lễ để chứng tỏ lòng đạo đức nào đó hơn người của bản thân. Đặc biệt, khi nạn dịch Covid-19 xảy ra, nhiều nhà thờ trên khắp thế giới phải đóng cửa vì lý do khôn ngoan và tôn trọng sức khoẻ cộng đồng, thì có quá nhiều người cảm thấy buồn phiền và tỏ ra bấu víu vào thực tại Thánh Lễ, dù biết rằng Thánh Lễ là cử hành mầu nhiệm đỉnh cao của tình yêu Thiên Chúa đối với con người, và tối quan trọng trong sinh hoạt của Giáo Hội. Thậm chí, có nhiều người còn “nhõng nhẽo và đòi hỏi cách gây hấn” việc mở lại các nhà thờ để họ được dự Lễ. Nhưng động cơ thật của tất cả những sự nóng lòng kiếm tìm Thánh Lễ này là gì thì có lẽ chỉ bản thân họ và Thiên Chúa biết rất rõ. Trong khi đó, một tâm hồn trưởng thành trong niềm tin, trưởng thành trong mối tương quan với Thiên Chúa, chắc chắn sẽ thấy đây là một cơ hội Chúa mời gọi để trở nên thân mật hơn nữa với Ngài ngang qua việc chiêm niệm và cầu nguyện, tức “thờ phượng Ngài trong thần khí và sự thật”, thay vì “ở núi này hay núi nọ”, nơi này hay nơi nọ.
Kể cả việc theo dõi mang tính hiệp thông qua trực tuyến, thì đó vẫn chỉ là hình thức của sự hiệp thông, chứ không phải ngang qua đó mà người ta đi vào chiều sâu “niềm tin vào Đấng mà Chúa Cha sai đến” như Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay (x. Ga 6:29). Chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã xác đinh, “một Thánh Lễ trực tuyến là ảo thì sẽ là ảo” khi mời gọi các Kitô Hữu hãy đi vào mối tương quan sâu và mật thiết với Chúa trong suy niệm và cầu nguyện cá nhân. Quả thế, nếu một Thánh Lễ có sự tham dự thực sự của bản thân chúng ta tại các nhà thờ còn chưa thể dẫn chúng ta đi vào sự hiệp nhất sâu với Chúa, thì một Thánh Lễ qua truyền thông lại càng là điều không thể. Trên thực tế, có quá nhiều người không thể tham dự cách trọn vẹn một Thánh Lễ bình thường, vì biết bao nhiêu lo ra và chia trí, biết bao sự hững hờ, sự nệ luật, nệ hình thức của bản thân mỗi người chúng ta. Và đó là điều mà Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta hôm nay, một sự tham dự có tính cách vụ lợi hơn là thực tâm tìm kiếm Chúa vì tin Ngài là Thiên Chúa thật.
Trong các tương quan của chúng ta giữa người với người cũng thế, cũng thường hay có sự xuất hiện của yếu tố vụ lợi trong đó. Theo đó, người ta đến với nhau vì nhiều thứ lợi lộc và tư lợi khác nhau mà không xuất phát từ một tình huynh đệ, tình yêu, hay lòng mến chân thành. Đành rằng không phải tất cả đều là vụ lợi, nhưng tính cách vụ lợi thì luôn có đó nếu người ta không thật với chính mình. Và khi người ta không thể thật với chính mình như Chúa Giêsu, tức biết ai đó vụ lợi mà vẫn khoái, vẫn chấp nhận, thì người ta cũng khó có thể sống thật trong các tương quan của họ với người khác. Do đó, chúng ta là như vậy, dù biết nhiều người vây quanh mình chỉ mang tính vụ lợi, nhưng chúng ta vẫn thoả hiệp, nên chúng ta để cả bản thân và người khác đi vào một mối quan hệ mang tính cách ảo, cho đến khi nào tình trạng ảo đó tự vỡ toang thì chúng ta mới chấp nhận sự thật, thậm chí nhiều khi không muốn nhìn sự thật.
Ngày hôm nay, từng người trong chúng ta cũng đang nghe chính Chúa Giêsu nói với mình, “con đang đi tìm kiếm Ta vì con được điều này điều nọ, chứ không phải vì đã thấy dấu lạ của Ta thực hiện trên đời con”. Và chúng ta được mời gọi để xét lại động cơ đi Lễ và động cơ tham dự vào các cộng đoàn niềm tin của mình; chúng ta được mời gọi để xét lại động cơ tin Chúa của chúng ta trong mọi hoạt động tôn giáo của mình; và sau cùng chúng ta được mời gọi để xét lại động cơ của mình trong mọi tương quan gia đình và xã hội của mình, có vì lòng mến, tình huynh đệ, vì yêu không hay chỉ vì một tư lợi nào đó.
Joseph C. Pham