ĐỪNG ÁC TÂM
17.1 Thánh Antôn, Ab
1 Sm 17:32-33,37,40-51; Tv 144:1,2,9-10; Mc 3:1-6
ĐỪNG ÁC TÂM
Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ kính thánh Antôn. Thánh Antôn hôm nay Giáo Hội mừng kính không phải là thánh Antôn Padua quen thuộc mà mọi người chúng ta kính mến. Antôn thành Padua hoặc Antôn thành Lisboa, sinh ngày 15 tháng 8 năm 1195 và qua đời ngày 13 tháng 6 năm 1231, là một linh mục Công giáo người Bồ Đào Nha và là tu sĩ Dòng Phanxicô. Còn thánh Antôn chúng ta mừng kính hôm nay được gọi là thánh Antôn viện phụ sinh tại Cosma bên Ai Cập vào khoảng năm 250 và qua đời vào ngày 17/1/356.
Nhìn lại cuộc đời của Ngài, chúng ta phải nhận là Ngài có nhiều may mắn. Cha mẹ Ngài là người giầu có, quí phái. Ngài và cô em gái luôn được sống trong sự bao bọc ấm cúng của gia đình.
Lúc ngài được 18 tuổi thì cha mẹ Ngài lần lượt ra đi để lại cho hai anh em một gia tài kếch xù. Hai anh em tiếp tục sống đùm bọc yêu thương nhau. Với số của cải cha mẹ để lại, hai anh em có thể sống một cuộc sống dư dật và thật thoải mái. Thế nhưng ý Chúa nhiệm mầu, Người đã kêu gọi Antôn dâng hiến cuộc đời cho Người.
Hôm đó trong ngôi nhà nguyện nhỏ dâng cúng thánh Augustinô, Lời Chúa vang lên: “Nếu con muốn trở nên trọn lành, hãy về bán hết gia tài, phân phát cho kẻ nghèo khó” (Mt 19,21). Lời Tin Mừng đó đã làm cho Antôn suy nghĩ vì hai anh em đang có thật nhiều tiền của. Nghe những Lời đó Antôn tưởng như Chúa đang nói với chính mình nhưng chưa biết phải làm gì. Và Chúa Nhật sau đó, Lời Chúa lại vang lên như một chỉ dẫn: “Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.”(Mt 6,34). Thế là con đường đã quá rõ. Antôn nhất định áp dụng đến cùng Lời Chúa dạy, và nhất quyết theo Chúa đến cùng. Ngài về nhà, chia vườn đất cho người nghèo trong làng, bán đồ đạc lấy tiền bố thí cho người nghèo khó. Ban đầu ngài còn để lại chút ít để nuôi mình và cô em gái, nhưng khi suy nghĩ đến Lời Chúa: “Con đừng bận tâm đến ngày mai”, Ngài lại đem bán tất cả những cái còn lại lấy tiền cho người nghèo. Xong việc, ngài gởi cô em vào một cộng đoàn Trinh nữ, rồi quyết tâm bỏ thế gian.
Năm 35 tuổi, Antôn quyết tâm đi vào sa mạc để sống đời khổ tu và kết hợp hoàn toàn mật thiết với Thiên Chúa. Tiếng tăm nhân đức và sự khôn ngoan của Ngài lan tỏa rất xa. Nhiều khách thập phương đã kéo đến xin Ngài chỉ giáo.
Năm 327, khi được tin hoàng đế Maximinô Đaia ra chỉ bách hại công giáo, và tại Alexandria sắp có cuộc xử tử một số tín hữu trung kiên, thánh nhân liền nhất định xuống khích lệ anh em đồng đạo và mong được cùng chết vì Chúa Kitô. Vì thế, Ngài cùng với một anh em khác xuôi dòng sông Nil, đáp thuyền vào tận thành phố, rồi Ngài ngang nhiên tiến thẳng vào tòa án, khuyến khích tín hữu giữ vững đức tin; không kể gì đến các quan và dân ngoại. Ngài can đảm sống gần các vị tử đạo cho đến giây phút cuối cùng trên đấu trường. Nhưng ý Chúa không muốn ban cho thánh Antôn triều thiên tử đạo. Chúa muốn Ngài thành một tấm gương can đảm chiến đấu và cầu nguyện, ăn chay cho đại gia đình trụ trì, tuy nhiên thánh nhân vẫn lưu lại đô thị Alexandria cho đến khi ngọn lửa bách hại tắt hẳn mới quay gót về cộng đồng của mình.
Và từ đây cho đến cuối đời, Ngài dựng lều trên sườn núi Gokzin, suốt ngày đón tiếp mọi người: các tu sĩ, các tín hữu và cả lương dân.
Sống được 105 tuổi, thánh Antôn biết mình kiệt sức và giờ về thiên quốc sắp tới, Ngài liền hội các tu sinh lại quanh giường khuyên bảo họ lần sau cùng. Ngài cũng dậy các môn đệ đừng ướp xác và làm ma chay theo kiểu người Ai Cập. Sau cùng thánh nhân giơ tay chúc lành cho tất cả các thày và phó linh hồn trong tình yêu vô biên của Chúa. Hôm ấy là ngày 17.1.365.
Năm 561, xác thánh nhân được cải táng trong nhà thờ kính thánh Gioan Tiền Hô tại Alexandria. Các Giáo Hội Trung Ðông đã sùng kính thánh Antôn đầu tiên, sau đó tràn qua Âu Châu và Giáo Hội đã chính thức tôn phong Ngài lên bậc hiển thánh.
Ngày hưu lễ, Chúa Giêsu vào hội đường. Ở đó có người bị bại một cánh tay. Nhóm biệt phái theo rình mò xem Chúa có chữa cho người bệnh này không. Biết thế, Chúa gọi người bệnh ra đứng giữa họ và hỏi: Ngày hưu lễ nên làm lành hay làm ác, cứu sống hay giết chết ? Họ không trả lời, vì họ ngoan cố không muốn biết sự thật mà chỉ tìm cách tố cáo thôi. Chúa nhìn họ vừa buồn vừa giận vì thái độ ngoan cố của họ. Rồi Chúa bảo người bệnh: Hãy đưa tay ra. Tức thì người ấy khỏi bệnh. Thấy vậy, nhóm biệt phái và liên kết với nhóm của Hêrôđê tìm cách giết Chúa.
Theo truyền thống, người bại tay này làm nghề thợ xây đá. Nghĩa là anh cần có một bàn tay khỏe mạnh sớm hết sức, để có thể nuôi sống bản thân và gia đình. Không lạ gì trước những người Do thái “chẻ sợi tóc làm tư” dò xét, bắt bẻ để lên án. Theo luật Do thái, chỉ được chữa bệnh vào ngày sabát trong trường hợp nguy tử. Trường hợp của anh không phải là nguy tử, nhưng Ngài không thể nào để đến ngày mai. Ngài đã can đảm dám chữa lành anh ngay hôm nay. Ngày sabat là ngày dành cho Chúa, ngày làm điều lành, ngày cứu người. Nhờ đó, bàn tay anh có thể duỗi thẳng, anh có thể cầm lấy bàn tay người khác, cũng như có thể mưu sinh bằng chính bàn tay của mình.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu có một phản ứng trước sự mù quáng của những người biệt phái. Chúng ta cứ tưởng tượng một bệnh nhân đang quằn quại trong đau khổ cần một bàn tay săn sóc chữa trị, thì người ta lại nại đến luật ngày Hưu lễ để bắt bẻ và cấm chế. Thánh Marcô như muốn tô đậm phản ứng của Chúa trước thái độ mù quáng như thế, khi viết: “Chúa Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng chai đá của họ”. Chúa Giêsu vốn là Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng thái độ của Ngài đối với những người khốn khổ, những người tội lỗi, các bệnh nhân, những người bị đẩy ra bên lề xã hội, Ngài đồng bàn với họ, cảm thông với họ, tha thứ cho họ.
Những người biệt phái đang dùng luật để ngăn cản Chúa Giêsu chữa một người bệnh và để hại Chúa Giêsu. Thái độ đó đụng chạm đến lòng của Ngài rất mạnh, đến nỗi Ngài phải “giận dữ rảo mắt nhìn họ và buồn khổ”.
“Ngày Sabbat được phép làm điều lành hay điều dữ”. Câu hỏi này Chúa đặt ra cho những người biệt phái. Họ làm thinh không trả lời cho nên chính Chúa Giêsu tự trả lời bằng hành động chữa người bại tay. Câu trả lời của Ngài là: Cứu giúp người đau khổ là điều lành, từ chối giúp đỡ là điều dữ.
Hai cái nhìn:
Điều Chúa Giêsu thấy rõ hơn hết trong hội đường ngày hôm ấy là có một người bị khô bại một tay. Ngài thấy và rất thương anh nên muốn cứu anh.
Còn những người biệt phái thì chỉ thấy những khoản luật về ngày Sabbat. Những khoản luật ấy che khuất tầm mắt của họ nên họ chẳng thấy nỗi khổ của bệnh nhân mà chỉ coi đây là cơ hội để họ bắt bẻ Chúa. Khi Chúa Giêsu chữa cho anh này thì họ không vui mừng mà còn tức giận và “tìm cách hại Ngài”. Cái nhìn của Chúa Giêsu xuất phát từ một tấm lòng nhân hậu, còn cái nhìn của Biệt phái phát xuất từ “cõi lòng chai đá”. Xin ban cho con một quả tim bằng thịt thay vì quả tim bằn đá.
“Những người Biệt phái đi ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hêrôđê chống đối Ngài và tìm cách hại Ngài” Trước đây Biệt phái không thích những người phái Hêrôdê vì biết những người ấy xấu. Nhưng hôm nay sự thù ghét Chúa Giêsu đã đưa họ đền hợp tác với những kẻ xấu ấy để cùng nhau làm thêm một việc xấu to lớn hơn nữa là hại Chúa Giêsu.
Chúa biết rõ mọi sự. Và những gì xuất phát từ Chúa đều là tốt lành. Chúa Giêsu gắn bó với Hội đường và coi đó như là nơi Người thi hành sứ vụ cứu thế của Người. Vậy chúng ta hãy tôn trọng và quý mến nhà thờ là nơi gặp gỡ mọi người, cùng nhau thờ phượng Thiên Chúa. Chúa đã cứu chữa con người khi đến Hội đường trong ngày Sabát, qua đó Chúa muốn nhắn nhủ chúng ta hãy trân trọng ngày Chúa Nhật là Ngày Của Chúa, ngày đem lại niềm vui và sự sống, ngày biểu lộ cho tinh thần hiệp thông. Vì thế ngày Chúa Nhật cũng là ngày làm việc từ thiện bác ái, ngày cứu giúp và làm sự lành cho tha nhân.
Chúa Giêsu thấu rõ ác tâm của nhóm biệt phái, nhưng Ngài không chống đối bằng lời nói mà lấy việc làm, lấy việc cứu giúp người bệnh để sửa dạy họ. Ngài nêu gương cho chúng ta, thay vì ra mặt công khai chống đối kẻ làm hại mình hay người tội lỗi, chúng ta lấy việc lành, lời cầu nguyện, sự hy sinh của chúng ta để dẫn đưa họ về nẻo chính đường ngay.