Đức Thánh Cha khởi xướng một cuộc đối thoại về các thừa tác vụ giáo dân
Đức Thánh Cha khởi xướng một cuộc đối thoại về các thừa tác vụ giáo dân
Trong sứ điệp gửi đến các giám mục, linh mục, phó tế, những người thánh hiến và giáo dân, dịp kỷ niệm 50 năm Tông thư “Ministeria quaedam-Một số Thừa tác vụ” của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, Đức Thánh Cha kêu gọi mở một cuộc đối thoại với các Hội đồng Giám mục để tiếp tục con đường đã được đề ra cách đây 50 năm.
Đức Thánh Cha nhắc lại trong sứ điệp gửi trong ngày 24/8/2022 rằng, Tông thư của Thánh Phaolô VI không chỉ đổi mới giáo huấn đối với các chức nhỏ và chức phụ phó tế, nhưng còn cung cấp cho Giáo hội một viễn cảnh quan trọng có thể truyền cảm hứng cho những phát triển hơn nữa.
Khả năng phát triển thêm các thừa tác vụ đã được thảo luận trong Thượng hội đồng Giám mục về Amazon. Sau đó, Đức Thánh Cha đã nói về vấn đề này với hai tông thư: tông thư thứ nhất, “Spiritus Domini”, ban hành ngày 10/1/2021, cho phép nữ giới nhận thừa tác vụ đọc sách và thừa tác vụ giúp lễ. Tông thư thứ hai, “Antiquum ministerium”, ban hành ngày 10/5/2021, thiết lập thừa tác vụ giáo lý viên.
Theo giải thích của Đức Thánh Cha, hai tông thư này không được hiểu là sự vượt qua học thuyết trước đó, nhưng là sự phát triển hơn nữa có thể thực hiện được vì nó dựa trên cùng các nguyên tắc – phù hợp với suy tư của Công đồng Vatican II, đã truyền cảm hứng cho Thánh Phaolô VI.
Thánh Phaolô VI đã chấp nhận lời thỉnh cầu của “không ít” các Nghị phụ Công đồng, cách đây 50 năm trên thực tế đã “công nhận các Hội Đồng Giám mục có thể yêu cầu Tòa Thánh thành lập các thừa tác vụ được cho là cần thiết hoặc rất hữu ích trong khu vực của họ. Ngay cả lời cầu nguyện tấn phong giám mục, trong phần chuyển cầu, cũng chỉ ra trong số các nhiệm vụ chính của giám mục, đó là tổ chức các thừa tác vụ.
Nền tảng của thừa tác vụ
Đức Thánh Cha giải thích rằng “vấn đề có tầm quan trọng cơ bản đối với đời sống Giáo hội. Thực tế, không có cộng đoàn Kitô nào không thể hiện các thừa tác vụ”. Điều này được thấy rõ trong các thư của Thánh Phaolô. Thánh Tông đồ mô tả “một thừa tác vụ phổ biến, được tổ chức dựa trên hai nền tảng nhất định: nguồn gốc của mọi Thừa tác vụ luôn có nơi Chúa, Đấng nhờ Thánh Thần làm mọi việc trong mọi sự” và “mục đích của mọi thừa tác vụ luôn vì công ích, xây dựng cộng đoàn”.
Vì vậy, mọi thừa tác vụ đều là “lời kêu gọi của Chúa vì lợi ích cộng đoàn”. Nhờ hai ý tưởng trung tâm này, cộng đoàn Kitô có thể tổ chức “nhiều thừa tác vụ khác mà Thánh Thần khơi dậy liên quan đến hoàn cảnh cụ thể mà cộng đoàn đang sống”.
Đức Thánh Cha viết: “Tổ chức này không chỉ là một thực tế chức năng đơn thuần, nhưng đúng hơn, là một cộng đoàn phân định cẩn thận, lắng nghe những gì Thánh Thần đề nghị cho Giáo Hội, tại một nơi cụ thể và trong thời điểm hiện tại của đời sống”.
Vì thế, “mọi cơ cấu thừa tác phát sinh từ sự phân định này đều năng động, sống động, linh hoạt như tác động của Thánh Thần: trong đó phải bén rễ sâu hơn bao giờ hết để không có nguy cơ khiến tính năng động trở nên rối rắm, sự sống động bị giảm xuống để ứng biến rộng rãi, linh hoạt bị biến thành những thích nghi độc đoán và ý thức hệ”.
Thực tế vượt trội hơn ý tưởng
Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng: “Giáo hội học của sự hiệp thông, tính bí tích của Giáo hội, sự hỗ tương của chức tư tế chung và chức tư tế thừa tác, tầm nhìn phụng vụ của mỗi thừa tác vụ là những nguyên tắc giáo lý, được linh hoạt bởi Chúa Thánh Thần, làm cho sự đa dạng hài hòa của các thừa tác vụ”.
Vấn đề về các thừa tác vụ phép rửa đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau “chắc chắn phải được xem xét: thuật ngữ được sử dụng để chỉ các thừa tác vụ, nền tảng giáo lý, các khía cạnh pháp lý, sự phân biệt và mối quan hệ giữa các thừa tác vụ, giá trị ơn gọi của các thừa tác vụ, các khóa đào tạo, tổ chức sự kiện cho phép thực thi một thừa tác vụ, chiều kích phụng vụ của mỗi thừa tác vụ”.
Đức Thánh Cha khẳng định: “Đây là những vấn đề phức tạp, chắc chắn cần phải tiếp tục đào sâu, nhưng không cần làm ra vẻ đã xác định và giải quyết chúng rồi sau đó mới sống thừa tác vụ, bởi vì hành động theo cách này rất có thể chúng ta sẽ không thể đi xa hơn”.
Đây là lý do tại sao trong sứ điệp, Đức Thánh Cha lặp lại những gì đã được viết trong Tông huấn “Evangelii gaudium”, nghĩa là “thực tế vượt trội hơn ý tưởng” và “giữa hai phải thiết lập một cuộc đối thoại liên tục, tránh để ý tưởng kết thúc bằng cách tách rời khỏi thực tế”.
Hơn nữa, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng “thời gian vượt trội hơn không gian”. Vì vậy, “thay vì ám ảnh về việc phải có những kết quả tức thì trong việc giải quyết mọi căng thẳng và làm sáng tỏ mọi khía cạnh, vốn có nguy cơ sàng lọc các quá trình và đôi khi tỏ vẻ ngăn chặn chúng, thì chúng ta phải đi cùng với hành động của Thánh Thần Chúa”.
Ngọc Yến