Đức Thánh Cha gặp hơn 60 ngàn thành viên phong trào Hiệp thông và Giải phóng
Đức Thánh Cha gặp hơn 60 ngàn thành viên phong trào Hiệp thông và Giải phóng
Trong cuộc gặp gỡ 60 ngàn thành viên phong trào Hiệp thông và Giải phóng vào sáng thứ Bảy 15/10/2022, Đức Thánh Cha mời gọi họ yêu mến và duy trì sự hiệp thông trong cộng đoàn và trong Giáo hội. Và ngài chia sẻ về ba chiều kích nổi bật nơi con người cha Luigi Giussani, vị sáng lập phong trào: đặc sủng, nhà giáo dục và lòng yêu mến Giáo hội.
Phong trào Hiệp thông và Giải phóng được cha Luigi Giussani thành lập năm 1969, với tiền thân là phong trào Giới trẻ Sinh viên. Khi chứng kiến sự hoài nghi của giới trẻ về tôn giáo, cha mong muốn thực hiện các sáng kiến văn hóa tinh thần để đào sâu ý thức tôn giáo của họ trong cuộc sống hàng ngày.
Phong trào đã nhanh chóng lan rộng đến tất cả các không gian xã hội, trường học, đại học, giáo xứ, nhà máy và các nơi làm việc khác. Ngày nay phong trào đã có mặt tại khoảng 90 quốc gia ở năm châu lục.
Biết ơn cha Giussani
Cha Giussani sinh ngày 15/10/1922 tại Brianza, phía bắc của thành phố Milano của Ý, và qua đời tại Milano ngày 22/2/2005. Cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha tại quảng trường thánh Phêrô diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cha.
Trong diễn văn, trước hết Đức Thánh Cha biết ơn vì tất cả những gì cha Giussani đã có thể gieo vãi và tỏa khắp mọi nơi vì lợi ích của Giáo hội. Ngài nói: “Cha Giussani là một người cha và một người thầy, là người phục vụ cho tất cả những lo lắng và tình huống của con người mà ngài gặp trong niềm đam mê giáo dục và truyền giáo của mình. Giáo hội công nhận thiên tài sư phạm và thần học của ngài, được triển khai từ một đặc sủng được Chúa Thánh Thần ban cho ngài vì ‘công ích'”.
Hiệp nhất
Lưu ý rằng chắc chắn phong trào cũng có thời gian khủng hoảng, Đức Thánh Cha nói rằng khủng hoảng giúp phát triển, đừng để nó trở thành xung đột và huỷ bỏ. Ngài khuyến khích các thành viên của phong trào hiệp nhất với những người lãnh đạo phong trào, với các mục tử, với Đức Thánh Cha. “Đừng lãng phí thời gian quý báu của bạn để nói chuyện phiếm, nghi ngờ và chống đối.”
Đặc sủng
Đức Thánh Cha nhắc đến ba khía cạnh đặc biệt của cha Giussani. Trước hết là đặc sủng. Ngài nói rằng đặc sủng của cha trong việc thu hút người trẻ và chạm đến trái tim họ xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân trong việc khám phá ra mầu nhiệm của Chúa Kitô. Cha đã đã trực giác rằng Chúa Kitô là trung tâm hợp nhất của tất cả thực tại, là câu trả lời cho mọi câu hỏi của con người, là sự thỏa mãn mọi khát vọng hạnh phúc, điều tốt, tình yêu, sự vĩnh cửu hiện diện trong trái tim con người.
“Đây là gốc rễ của sự thu hút của cha. Cha Giussani đã thu hút, thuyết phục, hoán cải trái tim bởi vì ngài đã truyền lại cho người khác những gì ngài mang bên trong sau kinh nghiệm nền tảng đó của ngài: lòng say mê con người và niềm đam mê đối với Chúa Kitô như sự hoàn thành của con người.”
Nhà giáo dục
Đặc điểm nổi bật thứ hai của Cha Giussani là nhà giáo dục. Đức Thánh Cha nhận xét: “Ngay từ những năm đầu thi hành sứ vụ linh mục, trước sự hoang mang và thiếu hiểu biết về tôn giáo của nhiều người trẻ, cha Giussani cảm thấy sự cấp thiết phải thông truyền cho họ cuộc gặp gỡ với con người của Chúa Giêsu mà chính cha đã trải nghiệm. Cha có khả năng độc đáo khơi dậy sự chân thành tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống trong trái tim của những người trẻ tuổi, để đánh thức khát vọng chân lý của họ.”
Từ đó, Đức Thánh Cha mời gọi các thành viên của phong trào Hiệp thông và Giải phóng “nuôi dưỡng trong mình niềm đam mê giáo dục, tình yêu dành cho giới trẻ, tình yêu sự tự do và trách nhiệm cá nhân của mỗi người trước số phận của chính mình, tôn trọng sự độc đáo không thể lặp lại của mỗi người.”
Người con của Giáo hội
Đặc điểm thứ ba của cha Giussani là người con của Giáo hội. Cha rất yêu mến Giáo hội. “Ngay cả trong những lúc hoang mang và phản đối mạnh mẽ các thể chế, cha vẫn luôn kiên quyết giữ vững lòng trung thành với Giáo hội.” Cha vừa yêu thương dịu dàng, vừa tôn kính Giáo hội, bởi vì cha tin rằng đó là sự tiếp nối của Chúa Kitô trong lịch sử.
Lời ngôn sứ
Kết thúc bài nói chuyện. Đức Thánh Cha xin các thành viên của phong trào đồng hành với ngài trong lời ngôn sứ vì hoà bình. Ngài nói: “Thế giới ngày càng bạo lực và hiếu chiến khiến tôi sợ hãi. Trong lời ngôn sứ chỉ cho thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong những người nghèo, trong những người bị bỏ rơi và dễ bị tổn thương, bị lên án hoặc bị gạt sang một bên trong công cuộc xây dựng xã hội; trong lời ngôn sứ loan báo sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi quốc gia và mọi nền văn hóa, đáp ứng khát vọng tình yêu và chân lý, công lý và hạnh phúc thuộc về trái tim con người và nhịp đập trong cuộc sống của các dân tộc. Xin cho sự bất an thánh thiện và mang tính ngôn sứ và truyền giáo này bùng cháy trong trái tim các bạn.” (CSR_4355_2022)
Hồng Thủy