Ðức Thánh cha gặp gỡ chính quyền Canada
Trong cuộc gặp gỡ chính quyền Canada, cùng với các đại diện thổ dân và ngoại giao đoàn, chiều ngày 27 tháng Bảy năm 2022, Ðức Thánh cha Phanxicô cảnh giác chống lại trào lưu thực dân ý thức hệ hiện nay, đồng thời bênh vực các quyền của thổ dân và người nghèo, xây dựng hòa bình chống lại chủ trương tái võ trang, chiến tranh lạnh.
Tại khu vực chính phủ ở thành Québec, Citadelle de Québec, sau khi gặp riêng bà toàn quyền và thủ tướng, Ðức Thánh cha đã gặp gỡ chung các vị lãnh đạo chính quyền, cùng với các đại diện thổ dân và ngoại giao đoàn, tất cả khoảng 100 người vào lúc gần 5 giờ.
Diễn văn của Ðức Thánh cha
Sau lời chào mừng của bà toàn quyền Mary May Simon, Ðức Thánh cha đã đọc một diễn văn dài: ngài đi từ biểu tượng của Canada là hình lá cây phong (Erables, Maples) màu đỏ trên lá cờ nước này, với nhiều đặc tính, để rút ra những áp dụng cụ thể cho thực trạng thế giới và xã hội ngày nay, một xã hội có nhịp sống dồn dập, ngày càng phải trở nên mau lẹ hơn, rốt cuộc trở thành một xã hội mệt mỏi và thất vọng.
Ðức Thánh cha nói: “Chúng ta rất cần lắng nghe nhau và đối thoại để tránh xa chủ nghĩa cá nhân đang lan tràn, tránh những xét đoán vội vã, thái độ hung hăng, cám dỗ muốn phân chia thế giới thành bên tốt bên xấu! Những lá lớn của cây phong, hấp thụ không khí ô nhiễm và nhả ra dưỡng khí, mời gọi chúng ta hãy ngạc nhiên vì vẻ đẹp thiên nhiên và để cho mình được thu hút vì những giá trị hiện hữu trong các nền văn hóa thổ dân: chính họ gợi hứng cho tất cả chúng ta và có thể góp phần chữa lành những thói quen tai hại là bóc lột. Bóc lột, không những thiên nhiên, nhưng cả những tương quan và thời giờ, tệ nạn điều hành hoạt động của con người chỉ dựa trên tiêu chuẩn ích lợi và lợi lộc”.
Chống thực dân hóa ý thức hệ
Ðức Thánh cha nhận xét rằng những giáo huấn này đã bị mạnh mẽ ngăn chặn trong quá khứ, do chính sách đồng hóa và khai phóng thổ dân, kể cả hệ thống các trường nội trú thổ dân, gây thiệt hại cho nhiều gia đình dân bản địa, đe dọa ngôn ngữ, văn hóa và vũ trụ quan của họ. (…). Về điểm này, Ðức Thánh cha cùng với các giám mục tái xin lỗi vì sự ác mà nhiều Kitô hữu đã phạm chống lại các thổ dân…. Ngài nói: “Tòa Thánh và các cộng đoàn Công giáo địa phương nuôi dưỡng ý chí cụ thể thăng tiến các nền văn hóa thổ dân, với những hành trình tinh thần thích hợp, quan tâm đến các truyền thống văn hóa, phong tục và các tiến trình giáo dục của họ, trong tinh thần Tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc về các quyền của dân bản địa. Chúng tôi ước mong canh tân tương quan giữa Giáo hội và các thổ dân Canada, một tương quan thấm đượm tình thương đã mang lại những thành quả rất tốt, nhưng cũng có những vết thương mà chúng tôi đang dấn thân hiểu và chữa lành….”
Ðức Thánh cha nhận xét rằng: “Chữa lành lịch sử đau thương và coi rẻ ấy”, do một não trạng thực dân, không phải là điều dễ dàng. Ðồng thời, nó cảnh giác chúng ta về điều này: “nạn thực dân hóa không ngưng lại, trái lại, tại một số miền, nó biến đối, đeo mặt nạ và ẩn nấp.” (Querida Amazonia, 16). Ðó là trường hợp sự thực dân hóa ý thức hệ. Trước đây não trạng thực dân lơ là đối với đời sống cụ thể của dân chúng, áp đặt những kiểu mẫu văn hóa tiền chế, ngày nay cũng không thiếu những thứ thực dân ý thức hệ, đối nghịch với thực tại của cuộc sống, bóp nghẹt lòng gắn bó tự nhiên đối với những giá trị của các dân tộc, toan tính xóa bỏ gốc rễ các truyền thống, lịch sử và những liên hệ tôn giáo. Ðó là một não trạng, mệnh danh là đã vượt tháng những trang sử đen tối, nó mở rộng đường cho thứ “cancel culture”, văn hóa xóa bỏ, chỉ đánh giá quá khứ dựa trên những thể loại hiện tại. Vì thế, người ta vun trồng một thứ thời trang văn hóa đồng nhất, biến mọi sự trở nên giống nhau, không dung túng những khác biệt và chỉ tập trung vào hiện tại, vào những nhu cầu và các quyền của cá nhân, thường coi nhẹ những nghĩa vụ đối với người yếu thế và mong manh hơn, đó là những người nghèo, di dân, người già, bệnh nhân, trẻ em chưa sinh ra… Chính họ là những người bị quên lãng trong xã hội sung túc; chính họ, trước sự dửng dưng chung, đang bị gạt ra ngoài như những lá cây khô cần đốt bỏ”.
Ðức Thánh cha nhận xét rằng những giá trị phong phú của các thổ dân có thể dạy chúng ta về sự bảo tồn và gìn giữ gia đình. Và ngay từ nhỏ đã học thế nào là điều phải, điều trái, nói sự thật, chia sẻ, sửa chữa những lỗi lầm, bắt đầu lại, khích lệ, hòa giải. Những sự ác mà các thổ dân đã chịu, có thể là những cảnh giác cho chúng ta ngày nay, để sự chăm sóc và các quyền của gia đình không bị gạt qua một bên, nhân danh những đòi hỏi do sản xuất và lợi lộc cá nhân”.
Chống chiến tranh
Cũng trong diễn văn trước chính quyền, các thổ dân và ngoại giao đoàn ở Canada, Ðức Thánh cha nói rằng: “Trở lại lá cây phong. Trong thời chiến tranh, các binh sĩ đã dùng lá này để băng bó và dùng làm thuốc chữa các vết thương. Ngày nay, đứng trước sự điên rồ của chiến tranh, chúng ta lại cần phải thoa dịu những đối nghịch cực đoan và chữa lành các vết thương oán ghét. Một nữ chứng nhân về những bạo lực bi thảm quá khứ mới đây đã nói rằng “hòa bình có bí quyết của đó là không bao giờ oán ghét ai” (Phỏng vấn bà E. Bruck, báo “Avvenire”, 8-3-2022). Chúng ta không cần chia thế giới thành bạn và thù, không cần thái độ xa cách và tái võ trang tột cùng: không phải sự chạy đua võ trang và những chiến lược khiến cho đối phương nể sợ đưa tới hòa bình và an ninh. Không cần tự hỏi làm cách nào để tiếp tục chiến tranh, nhưng làm sao chặn đứng nó. Và cần ngăn chặn đừng để cho các dân tộc tái trở thành con tin của những chiến tranh lạnh kinh khủng lan rộng. Cần có những chính sách có tinh thần sáng tạo và nhìn xa trông rộng, biết ra khỏi những khuôn khổ của các phe phái để mang lại câu trả lời cho những thách đố hoàn cầu”.
“Thực vậy, những thách đố lớn ngày nay, như hòa bình, những thay đổi khí hậu, những hậu quả của đại dịch và những cuộc di dân quốc tế có một yếu tố chung, đó là chúng có đặc tính hoàn cầu, liên hệ tới tất cả mọi người. Và nếu mọi người đều nói cần phải chung với nhau, cùng nhau, thì chính trị không thể tiếp tục là tù nhân của những lợi lộc phe phái. “Cần biết nhìn xa tới bảy thế hệ mai sau”, như triết lý của thổ dân vẫn dạy, chứ không nhìn tới những lợi lộc thiển cận, những cuộc bầu cử, sự hỗ trợ của các nhóm vận động. Và cũng cần đánh giá cao những ước muốn về tình huynh đệ, công lý và hòa bình của các thế hệ trẻ…”
Nâng đỡ người nghèo
Sau cùng, trong diễn văn, Ðức Thánh cha cho biết trong những ngày này, ngài đã nghe nói có nhiều người túng thiếu đến gõ cửa các giáo xứ, và ngài nhận xét rằng:
“Cả trong một nước phát triển và tiến bộ cao như tại Canada, vốn đặc biệt quan tâm tới sự trợ giúp xã hội, cũng không thiếu những người vô gia cư, cậy nhờ các nhà thờ và các ngân hàng lương thực để được sự giúp đỡ và hỗ trợ cần thiết, không phải chỉ về vật chất mà thôi. Những anh chị em ấy làm chúng ta cứu xét cần cấp thiết hoạt động để chữa lành bất công trầm trọng làm ô nhiễm thế giới chúng ta, trong đó những hồng ân dồi dào của công trình sáng tạo bị phân chia quá chênh lệch. Thật là gương mù gương xấu vì thiện ích do sự phát triển kinh tế mang lại không giúp ích cho mọi lãnh vực trong xã hội. Và thật là buồn vì chính nơi những người dân thổ địa thường có nhiều tỷ lệ nghèo đói cao, cũng như chỉ số học hành thấp, không dễ tìm được nhà ở và trợ giúp y tế. Ước gì biểu tượng lá cây phong, thường xuất hiện như nhãn hiệu trên các sản phẩm của đất nước này, là một kích thích cho tất cả mọi người hãy thực hiện những chọn lựa kinh tế và xã hội nhắm đến sự chia sẻ và chăm sóc những người túng thiếu”.
Diễn văn trên đây kết thúc cuộc gặp gỡ của Ðức Thánh cha với chính quyền Canada và ngoại giao đoàn tại nước này. Bấy giờ là quá 5 giờ chiều. Ðức Thánh cha về Tòa Tổng giám mục Québec cách đó 2 cây số dùng bữa tối và qua đêm tại đây.
Tòa Tổng giám mục này cổ kính, được kiến thiết cách đây 175 năm (1847), có ba lầu. Trong thời gian dài được dùng làm trung tâm hành chánh và mục vụ của giáo phận. Ngày nay được dùng làm nơi cư ngụ của Ðức giám mục giáo phận.
Trần Ðức Anh, O.P.