Đức Thánh Cha gặp gỡ các Dân tộc Bản địa và cộng đoàn giáo xứ Thánh Tâm Edmonton
Đức Thánh Cha gặp gỡ các Dân tộc Bản địa và cộng đoàn giáo xứ Thánh Tâm Edmonton
Sự kiện chính thức thứ hai trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha là cuộc Gặp gỡ các Dân tộc Bản địa và các thành viên của cộng đoàn giáo xứ tại Nhà thờ Thánh Tâm ở Edmonton của các Dân tộc Đầu tiên.
Nhà thờ Thánh Tâm được xây dựng vào năm 1913, là một trong những nhà thờ Công giáo cổ nhất của thành phố. Năm 1991 Đức tổng giám mục Joseph MacNeil đã dành giáo xứ này cho các Dân tộc Bản địa First Nations, Métis và Inuit. Tại đây đức tin Công giáo được diễn tả trong bối cảnh của văn hoá bản địa.
Tòa nhà lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật thiêng liêng độc đáo do các nghệ nhân người bản địa tạo ra. Trong những năm qua, nhiều người nhập cư và tị nạn từ khắp nơi trên thế giới đến định cư tại Edmonton đã biến Nhà thờ Thánh Tâm trở thành ngôi nhà tâm linh của họ. Tòa nhà đã bị hư hại bởi một trận hỏa hoạn vào tháng 8 năm 2020 và đóng cửa trong hai năm để trùng tu. Công việc được hoàn thành đúng vào thời điểm Đức Thánh Cha đến thăm.
Lúc khoảng 4 giờ 45 chiều thứ Hai 25/7/2022 giờ Edmonton, tức là 5 giờ 45 sáng thứ Ba 26/7/2022 giờ Việt Nam, Đức Thánh Cha đã đến nhà thờ Thánh Tâm và được cha sở và các giáo dân chào đón trong tiếng trống của người bản địa.
Đến Canada như một người bạn, một người hành hương
Ngỏ lời với các tín hữu, Đức Thánh Cha cho biết ngài rất vui khi hiện diện ở đây, giữa các tín hữu và gặp lại những khuôn mặt của các đại diện của người bản địa đã đến gặp ngài ở Roma vài tháng trước. Ngài nói rằng cuộc viếng thăm đó rất có ý nghĩa với ngài, và bây giờ ngài đến nhà của họ, như một người bạn và một người hành hương tại miền đất của họ, trong nhà thờ nơi họ quy tụ lại như những người anh chị em để ngợi khen Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha hài lòng nhìn thấy tại giáo xứ Thánh Tâm này, nơi những người thuộc các cộng đoàn khác nhau thuộc các Dân tộc Đầu tiên, Métis và Inuit đến cùng với những người không thuộc sắc tộc bản địa sống ở địa phương và nhiều anh chị em di dân khác bắt đầu những hành động cụ thể trong tiến trình chữa lành. Ngài nói: “Nơi này là một ngôi nhà cho tất cả, mở rộng và bao gồm, như Giáo hội phải là, vì đó là gia đình của các con cái Thiên Chúa, nơi đón tiếp và chào đón, những giá trị đặc trưng của văn hoá bản địa, là điều thiết yếu. Một ngôi nhà là nơi mọi người cảm thấy được chào đón, bất kể kinh nghiệm quá khứ và lịch sử đời sống cá nhân.”
Đức Thánh Cha cám ơn cộng đoàn đã gần gũi với nhiều người nghèo qua công việc bác ái của họ. “Đó là điều Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta, vì như Người nói với chúng ta, lặp đi lặp lại trong Phúc Âm: ‘Khi các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy’ (Mt 25,40).”
Đau lòng vì sai lỗi của Giáo hội trong quá khứ
Tuy thế, Đức Thánh Cha lưu ý rằng trong Giáo hội cũng có lúa mì xen lẫn với cỏ lùng. Và đây là lý do ngài đã muốn thực hiện cuộc hành hương thống hối này. Ngài nói: “Tôi bắt đầu nó vào sáng nay bằng việc nhắc lại sai lầm mà nhiều Kitô hữu đã làm với các dân tộc bản địa và bằng cách cầu xin sự tha thứ, với lòng đau khổ. Tôi thật đau lòng khi nghĩ rằng người Công giáo đã góp phần vào các chính sách đồng hóa và chiếm đóng, tạo ra cảm giác thấp kém, cướp đi bản sắc văn hóa và tinh thần của cộng đồng và cá nhân, cắt đứt cội nguồn và nuôi dưỡng thái độ thành kiến và phân biệt đối xử; và điều này cũng được thực hiện dưới danh nghĩa của một hệ thống giáo dục được cho là Kitô giáo.”
Hoà giải nhờ Thánh giá – “cây sự sống”
Tiếp đến, Đức Thánh Cha chia sẻ một số suy tư về từ ngữ Hoà giải.
Trước hết, như Thánh Tông đồ Phaolô cho chúng ta biết, Chúa Giêsu đã hòa giải bằng cách quy tụ lại với nhau, bằng cách làm cho hai nhóm xa cách nhau trở thành một: một thực tại, một linh hồn, một dân tộc. Và Người làm điều đó thế nào? Qua thập giá (x. Ep 2,14). Chúa Giêsu đã hòa giải chúng ta với nhau trên Thánh giá, trên ‘cây sự sống’, như các Kitô hữu xa xưa yêu thích gọi như thế.” Đức Thánh Cha nói: “Trên Thánh giá, Chúa Kitô đã hòa giải và gắn kết lại mọi điều tưởng như không thể tưởng tượng được và không thể tha thứ được; Người ôm lấy tất cả mọi người và mọi vật. Mọi người và mọi vật!”
Các dân tộc bản địa gán cho bốn phương hướng một ý nghĩa vũ trụ mạnh mẽ, không chỉ được xem như các điểm tham chiếu địa lý mà còn là các chiều kích bao trùm tất cả thực tại và chỉ ra cách để chữa lành nó, như được biểu tượng bởi cái gọi là “bánh xe y học” (của thổ dân). Đức Thánh Cha nhận xét nhà thờ Thánh Tâm sử dụng tính biểu tượng đó của bốn phương hướng và cho nó một ý nghĩa Kitô học. Chúa Giêsu, qua bốn cực điểm của Thánh giá của Người, đã ôm choàng bốn điểm chính yếu và đã quy tụ các dân tộc xa xôi nhất lại với nhau; Người đã chữa lành và mang lại bình an cho muôn vật (x. Ep 2,14). Trên Thánh giá, Chúa đã hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa: “hòa giải mọi vật” (x. Cl 1,20).
Thánh giá Chúa có ý nghĩa gì đối với những người mang trong mình những vết thương lòng đau đớn như vậy? Chúng ta cần phải khởi hành lại, từ Thánh giá. Đức Thánh Cha giải thích: “Tình yêu đó khiến Chúa để bàn tay và bàn chân bị đâm xuyên bởi những chiếc đinh, và đầu đội mão gai. Đây là con đường tiến bước: cùng nhau nhìn lên Chúa Kitô, yêu thương bị phản bội và bị đóng đinh vì chúng ta; nhìn lên Chúa Kitô, chịu đóng đinh trong nhiều học sinh của các trường nội trú. Nếu chúng ta muốn được hòa giải với nhau và với chính mình, được hòa giải với quá khứ, với những sai trái đã phải chịu đựng và những ký ức bị thương tích, với những kinh nghiệm đau thương mà không một sự an ủi nào của con người có thể chữa lành được, thì chúng ta phải ngước mắt lên nhìn Chúa Giêsu bị đóng đinh; hòa bình phải đạt được nơi bàn thờ thập giá của Người.”
Giáo hội là thân thể hòa giải sống động
Một khía cạnh khác của sự hòa giải được Đức Thánh Cha chia sẻ là theo Thánh tông đồ Phaolô, Chúa Giêsu, nhờ Thánh giá, đã hòa giải chúng ta nên một thân thể (x. Ep 2,14). Đó là thân thể của Giáo hội. Giáo hội là thân thể hòa giải sống động này. Đức Thánh Cha nói: “Nếu chúng ta nghĩ về nỗi đau lâu dài mà rất nhiều người trong các cơ sở giáo hội phải trải qua ở những nơi này, chúng ta không cảm thấy gì khác ngoài sự tức giận và xấu hổ. Điều đó xảy ra bởi vì các tín đồ trở nên thế tục, và thay vì thúc đẩy sự hòa giải, họ đã áp đặt các mô hình văn hóa của riêng mình…”
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Tuy vậy, điều này đã xảy ra bao nhiêu lần trong lịch sử! Trong khi Thiên Chúa bày tỏ mình cách đơn giản và lặng lẽ, chúng ta luôn có cám dỗ áp đặt Người và áp đặt mình nhân danh Người. Chính cám dỗ của thế gian muốn Người xuống khỏi Thánh giá và thể hiện mình bằng quyền lực. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã hòa giải chúng ta trên Thánh giá, không phải bằng cách xuống khỏi Thánh giá. Dưới chân Thánh giá, có những kẻ chỉ nghĩ đến mình và không ngừng cám dỗ Đức Kitô, bảo Người hãy tự cứu lấy chính mình (x. Lc 23,35,36) và đừng nghĩ đến người khác.”
Đức Thánh Cha cầu xin cho điều này không bao giờ xảy ra nữa trong Giáo hội. Xin Chúa Giêsu được rao giảng như Người mong muốn, trong tự do và bác ái. Trong mỗi người bị đóng đinh mà chúng ta gặp, xin cho chúng ta thấy không phải là vấn đề cần giải quyết, nhưng là anh chị em cần được yêu thương, là xác thịt của Chúa Kitô được yêu thương. Xin cho Giáo Hội, Nhiệm Thể Chúa Kitô, là một thân thể sống động của sự hòa giải!
Nhà thờ – dấu hiệu sự gần gũi của Thiên Chúa
Cuối cùng, trong nhà thờ này, phía trên bàn thờ và Nhà Tạm, có bốn cột của một chiếc lều điển hình của người bản địa, một chiếc lều teepee. Lều teepee này có tính biểu tượng sâu sắc trong kinh thánh. Khi dân Israel hành trình trong sa mạc, Thiên Chúa ngự trong một cái lều được dựng lên mỗi khi dân chúng dừng lại và cắm trại: đó là Lều Hội ngộ. Lều teepee nhắc nhở rằng Thiên Chúa đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình của chúng ta và rất thích gặp gỡ chúng ta cùng nhau, trong hội họp, trong hội đồng.
Thiên Chúa là Thiên Chúa gần gũi, và trong Chúa Giêsu, Người dạy chúng ta ngôn ngữ của lòng trắc ẩn và tình yêu thương dịu dàng. Đó là điều chúng ta nên ghi nhớ mỗi khi bước vào một nhà thờ, nơi Chúa Giêsu hiện diện trong Nhà Tạm, nguyên ngữ có nghĩa là “lều”. Thiên Chúa đã cắm lều của Người ở giữa chúng ta; Người đồng hành với chúng ta qua các sa mạc của chúng ta. Người không ở trong những dinh thự trên trời, nhưng ở trong Giáo hội của chúng ta, nơi mà Người muốn trở thành một ngôi nhà hòa giải.
Đức Thánh Cha kết thúc bài diễn văn với lời cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, chịu đóng đinh và sống lại, Chúa ngự ở đây, giữa dân tộc của Chúa, và Chúa muốn vinh quang của Chúa chiếu tỏa qua các cộng đồng và trong các nền văn hóa của chúng con. Xin hãy nắm lấy tay chúng con, và thậm chí băng qua những sa mạc của lịch sử, tiếp tục hướng dẫn những bước đi của chúng con trên con đường hòa giải. Amen.”
Sau bài diễn văn, Đức Thánh Cha cùng cộng đoàn đọc kinh Lạy Cha và sau đó ngài ban phép lành cho mọi người.
Cuối cuộc gặp gỡ Đức Thánh Cha đã chào một số tín hữu của giáo xứ. Sau đó, đi ra ngoài, ngài làm phép tượng thánh nữ Kateri Tekakwitha, nữ thổ dân đầu tiên của Bắc Mỹ được Giáo hội Công giáo tuyên thánh.
Sau cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha trở về chủng viện thánh Giuse cách đó hơn 4 km để dùng cơm tối và nghỉ đêm, kết thúc ngày thứ hai của chuyến viếng thăm Canada.
Hồng Thủy