Đức TGM Gallagher: Các biện pháp chống đại dịch đang hạn chế tự do tôn giáo
Đức TGM Gallagher: Các biện pháp chống đại dịch đang hạn chế tự do tôn giáo
Hôm 16/11/2020, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến cấp bộ trưởng về Thúc đẩy Tự do Tôn giáo, Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh đã đề cập đến các vấn đề liên quan đến quyền tự do tôn giáo: các biện pháp chống đại dịch, một cách nào đó đang hạn chế quyền tự do tôn giáo; quyền tự do tôn giáo phải được bảo đảm cho cả các tôn giáo có ít tín đồ.
Đức TGM Gallagher
Trước hết, phân tích cuộc khủng hoảng sức khỏe do đại dịch Covid-19 gây ra và các biện pháp liên quan mà mỗi quốc gia đã thiết lập để đối phó với sự lây lan của virus, Đức Tổng Giám mục Gallagher tái xác nhận các biện pháp này đang hạn chế các hoạt động tôn giáo.
Ngoại trưởng Tòa Thánh khẳng định: “Về vấn đề này, các cơ quan dân sự phải nhận thức được những hậu quả nghiêm trọng mà các biện pháp hạn chế này có thể tạo ra cho các cộng đoàn tôn giáo hoặc tín ngưỡng. Những cộng đoàn này đang có vai trò quan trọng trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng. Không chỉ hỗ trợ tích cực trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, các cộng đoàn này còn nâng đỡ tinh thần và trao ban thông điệp liên đới và hy vọng cho mọi người”.
Sau đó, từ quan điểm Công giáo, Đức Tổng Giám mục nhấn mạnh rằng việc lãnh nhận các bí tích là một dịch vụ thiết yếu. Quyền tự do phụng tự không phụ thuộc vào quyền tự do hội họp, nhưng là thành phần thiết yếu của tự do tôn giáo. Trong khi tìm cách bảo vệ mọi người khỏi sự lan lây của virus, chúng ta không được đặt chiều kích tinh thần và luân lý của con người tùy thuộc cuộc sống trần thế này.
Đề cập đến quyền tự do tôn giáo, Đức Tổng Giám mục nhận định, ngày nay có nhiều cách thức đe dọa đến quyền này: từ các cuộc tấn công khủng khiếp của những kẻ cực đoan đến sự lây lan của chủ nghĩa dân túy, thường biểu hiện dưới một số hình thức của chủ nghĩa dân tộc, coi những “người bên ngoài” không chỉ là những “người khác”, nhưng là những “kẻ thù”.
Sau đó, Đức Tổng Giám mục đưa ra một số đề xuất về việc thúc đẩy và bảo vệ tự do tôn giáo. Cần phải tập trung vào chiều kích tinh thần và đạo đức của con người. Và chỉ với cuộc đối thoại chân thành và đích thực, chúng ta mới có thể xây dựng tình huynh đệ và tình bạn xã hội cần thiết cho sự chung sống hòa bình trong các xã hội đa nguyên của chúng ta.
Kết thúc bài tham luận, Ngoại trưởng Tòa Thánh yêu cầu tại các quốc gia mà Kitô hữu là thành phần thiểu số, chính quyền phải bảo đảm quyền tự do cho họ; vì điều này đã được thực hiện ở các quốc gia có đa số Kitô hữu, các tôn giáo là thành phần thiểu số vẫn được bảo đảm quyền tự do tôn giáo. Đức Tổng Giám mục khẳng định: “Trên con đường của tình huynh đệ và hòa bình, có một quyền cơ bản của con người không được quên: quyền tự do tôn giáo cho tín đồ của mọi tôn giáo”.
Ngọc Yến