Dư âm một số nhận định của Đức Thánh Cha về chiến tranh tại Ucraina
Dư âm một số nhận định của Đức Thánh Cha về chiến tranh tại Ucraina
Một số nhận định của Đức Thánh Cha Phanxicô về nguyên nhân và diễn biến của chiến tranh tại Ucraina đã bị nhiều giới phê bình, nhưng cũng không thiếu những người ca ngợi sự thẳng thắn và can đảm của ngài về thực tại và viễn tượng cuộc chiến hiện nay.
Nội dung tuyên bố của Đức Thánh Cha
Trong cuộc phỏng vấn dài dành cho các chủ nhiệm tạp chí của Dòng Tên Âu Châu và được tạp chí “Civiltà Cattolica”, Văn minh Công Giáo, do dòng Tên Ý xuất bản và phổ biến hôm 14/6 vừa qua, Đức Thánh Cha kêu gọi đừng thu hẹp chiến tranh phức tạp tại Ucraina vào sự phân loại những người tốt và người xấu, nhưng hãy nhìn đến sự đau khổ của nhân loại và những nguyên nhân cũng như hậu quả của chiến tranh tại đây.
Đức Thánh Cha cảnh giác chống lại thái độ chỉ nhìn những gì thái quá, gây xì căng đan và không nhìn toàn bộ thảm trạng đang diễn ra phía sau cuộc chiến này. Ngài nói: “Điều chúng ta thấy là sự tàn bạo và ác độc đang xảy ra trong cuộc chiến này, do những đoàn quân, thường là những lính đánh thuê, người Ceceni và Syria mà Nga gửi tới… Nhưng thái độ như vậy có nguy cơ không nhìn trọn vẹn thảm kịch đang diễn ra đàng sau cuộc chiến này, một cuộc chiến có lẽ một cách nào đó được khiêu khích hoặc không được phòng ngừa”.
Đức Thánh Cha bác bỏ lập trường của những người cho rằng ngài “ủng hộ Putin” vì những lời tuyên bố như vậy. Ngài nói: “Nói về tôi như vậy hoàn toàn là sai”. Tuy nhiên, xét vì sự tàn ác của quân Nga, không được quên giải quyết chúng. Vì những căn cội và những lợi lộc của chiến tranh này rất phức tạp.
Ngày 3 tháng 5 trước đó, trong cuộc phỏng vấn dành cho báo “Người đưa tin chiều” (Corriere della sera ở Ý), trả lời cho câu hỏi về có người cho rằng “Nato đã sủa tại cổng của Nga”, Đức Thánh Cha cho rằng có thể Nato đã góp phần vào chiến tranh này. Lời tuyên bố của ngài bị nhiều chính trị gia ở các nước tây phương phê bình.
Nay, Đức Thánh Cha kể rằng ngài đã gặp một vị quốc trưởng khôn ngoan cách đây vài tháng trước khi chiến tranh bắt đầu rằng: “Ông nói với tôi rằng ông rất lo vì sự triển khai của khối Nato. Tôi hỏi ông tại sao, ông nói: ‘Họ sủa tại cổng của Nga và họ không hiểu rằng người Nga là những người đế quốc, không để cho cường quốc ngoại bang nào xáp đến gần’”. Và ông nói: “Tình trạng này có thể dẫn tới chiến tranh”. Đó là ý kiến của ông. Ngày 24/2 chiến tranh bắt đầu. Vị quốc trưởng đó có thể thấy những điềm của những gì sắp xảy ra, nhưng ngài không nêu đích danh vị quốc trưởng đó.”
Vài phản ứng phê bình
Từ lâu ở Ucraina, Ba Lan, và những người phò Ucraina và chống Nga, đã than phiền vì Đức Thánh Cha không chịu nêu đích danh Putin là kẻ gian ác gây nên chiến tranh hiện nay và Đức Thượng Phụ Kirill và giáo chủ Chính Thống Nga. Đối với họ, Nato là “vị cứu tinh” trước quyền lực “gian ác” của Nga và vì thế cần phải chỉ điểm và lên án đích danh thủ phạm gây ra cuộc chiến tại Ucraina hiện nay. Lập trường của Đức Thánh Cha Phanxicô về Ucraina thường không được những người nước này chấp nhận. Thậm chí 4 người bạn của ngài, 2 người Ucraina và 2 người Argentina, đã đến gặp riêng ngài trong 2 tiếng đồng hồ ngày 8/6 vừa qua tại Vatican để nêu ý kiến về những nhận xét của ngài. Theo họ, ngoại giao Tòa Thánh cũng như lập trường của Vatican về Ucraina vẫn qua lăng kính Nga, chịu ảnh hưởng sự tuyên truyền của Nga. “Nay đã đến lúc Vatican cần phát triển chính sách riêng của mình về Ucraina, không lệ thuộc chính sách của Vatican đối với Nga.”
Và cũng như sau cuộc phỏng vấn dành cho báo “Người đưa tin chiều” ngày 3/5, cuộc phỏng vấn lần này với các chủ nhiệm tạp chí dòng Tên ở Âu Châu càng gặp phản ứng phê bình từ phía Ucraina, đặc biệt từ phía 4 cộng đoàn Công Giáo nghi lễ khác nhau tại nước này: là Công Giáo Ucraina nghi lễ Bizantine, là khối đông nhất, rồi Latinh, Ruteni và Armeni. Đặc biệt hôm 15/6 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Trưởng Shevchuk, Giáo chủ Công Giáo Ucraina nghi lễ Bizantine, trong một sứ điệp video hằng ngày, đã cải chính nhận xét của Đức Thánh Cha và nói rằng “Cuộc tấn kích của Nga chống Ucraina không hề do sự khiêu khích. Bất kỳ ai nghĩ rằng có nguyên nhân bên ngoài nào đó đã khiêu khích gây ra cuộc tấn công quân sự của Nga đều là mồi cho sự tuyên truyền của Nga hoặc chỉ đang cố ý lường gạt thế giới”.
Ngoài ra, hôm 16/6 vừa qua, Tổng thư ký khối Nato, ông Jens Stoltenberg, trong cuộc phỏng vấn sau cuộc gặp gỡ các bộ trưởng quốc phòng của khối này đã tuyên bố rằng “Khối Nato là một liên mình phòng thủ và chiến tranh tại Ucraina là do Putin muốn và điều mà Nato làm từ nhiều năm nay là hỗ trợ các nước độc lập, và những hành động này không phải là đe dọa hoặc khiêu khích”.
Phản ứng ủng hộ
Nhưng cũng không thiếu phản ứng ca ngợi lập trường của Đức Thánh Cha đã can đảm nói thẳng, vạch rõ sự thật đằng sau cái bình phong bênh vực dân chủ, bênh vực người yếu thế, quyền tự quyết, chủ quyền, và sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia được quốc tế công nhận, bênh vực hòa bình và tự do, như thể đó là những hành động vị tha và vô vị lợi.
Một trong những người ủng hộ sự nói thẳng của Đức Thánh Cha là ký giả Domenico Quirico của báo La Stampa xuất bản tại Torino, trong bài xã luận ra ngày 15/6 vừa qua.
Ông nhìn nhận rằng những nhận định của Đức Thánh Cha về chiến tranh Nga Ucraina thực là điều “chướng tai”, đi ngược dòng. Ông viết “Đức Giáo Hoàng Phanxicô không chút sợ hãi, vẫn tiếp tục con đường theo nhịp của ngài. Từ đầu cuộc chiến tranh Ucraina, chỉ có một điều có ý nghĩa đối với ngài là nỗi đau khổ vì một lãnh thổ đẫm máu. Vì thế ngài ca ngợi người Ucraina là một dân tộc can đảm đang chiến đấu cho sự sống còn và có một sự tranh đấu”. Giả sử mọi ngươi đều hoạt động cho sự thiện và chỉ nhắm điều thiện mà thôi thì sẽ không có chiến tranh, kể cả chiến tranh Ucraina hiện nay. “Điều chúng ta đang thấy trước mặt là tình trạng chiến tranh thế giới, những lợi lộc hoàn cầu, thử và buôn bán vũ khí và chiếm hữu địa lý chính trị, biến một dân tộc anh dũng thành những vị tử đạo”.
Cũng chính vì những lợi lộc đằng sau cái danh nghĩa “làm điều thiện”, bênh vực kẻ yếu mà chúng ta thấy có những nước bây giờ bị bỏ rơi, như Afganistan, Iraq rồi Syria, hay Lybia. Từ “lành thành què”, vì những cường quốc nhân danh dân chủ đưa họ tới tình trạng càng tệ hơn trước, dân chúng đói khổ.
Ký giả Domenico Quirico nhận xét rằng “Những lời gây sốc của Đức Giáo Hoàng là một suy tư về bản chất chiến tranh, cuộc chiến tại Ucraina hiện nay. Người ta có thể làm vì oán ghét, vì ước muốn có những con mồi, để lật ngược một đối phương đang trở nên nguy hiểm, vì điên rồ hoặc vì một thứ “bạo dâm” (sadismo), vì yêu chuộng quyền lực, vì nghề nghiệp, vì bó buộc bị tấn công và không có giải pháp nào khác, hoặc với một dự phóng thống nhất, hay vì vinh dự hay vì ước muốn phục thù một bất công phải chịu. Hoặc như Đức Giáo Hoàng đã nói “Người ta giao chiến vì lợi lộc từ thử và bán vũ khí. Và sau cùng, chính điều này đang giữ vai trò ở đây”. Tất cả những lý do đó, sớm muộn gì cũng trộn lẫn với nhau, lẫn lộn và đôi khi làm hỏng nhau. Đức Thánh Cha thúc bách chúng ta nhớ rằng không có cuộc chiến tranh công chính, đó là một huyền thoại vô vị mà chúng ta không nên chấp nhận với những lời dối trá của những kẻ hùng mạnh. Và rốt cuộc nó làm cho mọi sự, kể cả đau khổ, trở nên vô nghĩa”.
Theo Giuse Trần Đức Anh O.P.