ĐTC tiếp các nghị viên cuộc họp tiền Hội nghị COP26
ĐTC tiếp các nghị viên cuộc họp tiền Hội nghị COP26
Trưa thứ Bảy ngày 9/10, Đức Thánh Cha tiếp khoảng 500 nghị viên của cuộc họp tiền Hội nghị thượng đỉnh COP26 về khí hậu. Đức Thánh Cha lặp lại lời kêu gọi các chính phủ “áp dụng ngay một quá trình hành động nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu.”
ĐTC tiếp các nghị viên cuộc họp tiền Hội nghị COP26 (Vatican Media)
Đức Thánh Cha hướng đến các tham dự viên và nhắc lại Kiến nghị chung ngày 4/10 của các nhà lãnh đạo tôn giáo và khoa học gởi đến COP26. Kiến nghị đó được đưa ra khi “nhận thức được những thách thức chưa từng có đang đe dọa chúng ta và cuộc sống trên ngôi nhà chung tươi đẹp của chúng ta.”
Kiến nghị là tiếng nói chung được đưa ra với hai điểm chính: Thứ nhất là nỗi đau của chúng ta trước tác hại nghiêm trọng đã gây ra cho gia đình nhân loại và ngôi nhà chung; và thứ hai là nhu cầu cấp thiết về một sự thay đổi hướng đi, để tiến tới một cách dứt khoát và chắc chắn khỏi nền văn hóa vứt bỏ, phổ biến trong xã hội của chúng ta, hướng tới một nền văn hóa quan tâm.
Đức Thánh Cha xác tín: “Những thách thức đó rất phức tạp và khó khăn, nhưng nhân loại có đủ phương tiện để thực hiện sự thay đổi này. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người được kêu gọi vào các vị trí có trách nhiệm lớn trong các lĩnh vực khác nhau của xã hội.”
Về phía những người đã ký kết Kiến nghị, tất cả đều cam kết hành động và thúc đẩy giáo dục nhằm phát triển một tình liên đới toàn cầu mới và một xã hội chào đón hơn. Đồng thời, Kiến nghị cũng kêu gọi các chính phủ áp dụng ngay các biện pháp để hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu và thực hiện các bước can đảm, bao gồm cả việc tăng cường hợp tác quốc tế. Cụ thể là thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch; áp dụng các thực hành sử dụng đất bền vững, ngăn chặn nạn phá rừng và phục hồi rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, ủng hộ các hệ thống lương thực thân thiện với môi trường và tôn trọng văn hóa địa phương, nỗ lực chấm dứt nạn đói và suy dinh dưỡng, thúc đẩy lối sống và mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Để chắc chắn, vấn đề không chỉ là ngăn cản và trừng phạt những hành vi không phù hợp, mà còn, và trên hết, là khuyến khích cụ thể những con đường mới để theo đuổi, những con đường phù hợp hơn với mục tiêu mà chúng ta muốn đạt được.” Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng: “Chúng ta mang ơn thế hệ trẻ, những thế hệ tương lai, những người xứng đáng được chúng ta nỗ lực hết mình để đảm bảo rằng họ có thể sống trong hy vọng.” (CSR_6848_2021)
Văn Yên, SJ