Đón nhận biến cố
10.11 Thánh Lêo Cả, Ghts
Tv 146:7,8-9,9-10; Lc 17:20-25
Đón nhận biến cố
Thánh Lêô sinh tại Roma vào khoảng năm 400, thuộc dòng họ quí tộc Tuscan. Sau khi đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Giáo Hội đến năm 440 thì được bầu lên nắm giữ chức vụ Giáo Hoàng. Triều đại của ngài đang ở trong thời kỳ khủng hoảng. Đế quốc La Mã, một thời vàng son nay đang trên đà thoái hóa và sụp đổ. Các lý thuyết sai lầm lạc giáo tự do lan tràn, các đoàn rợ quân rình mò nơi biên giới. Trong thời kỳ như vậy nếu không có một thiên tài lãnh đạo và sáng suốt như thánh Lêô thì Giáo Hội khó mà đứng vững.
Là người kế vị thánh Phêrô, ngài có trách nhiệm nặng nề là hướng dẫn Giáo Hội trong kỷ cương. Ngài chứng tỏ là người cương quyết và uy quyền. Trong thông điệp “Tome” gởi cho Công Đồng Chalcedon (451) ngài phán quyết một cách rỏ ràng về bản tính của Chúa Kitô. Đức Lêô phán dạy Chúa Kitô là một Nhân vị, Ngôi Lời cực thánh, trong Chúa có bản chất người và Thiên Chúa, được kết hợp làm một không thể phân chia và pha trộn. Khi thông điệp của thánh Lêô được đọc lên trong Hội nghị các Giám Mục đã hết sức khâm phục mà kêu lên: “Thánh Phêrô đã nói qua Lêô”. Giáo huấn của thánh Lêô trở thành một tín điều cho Giáo Hội.
Sau Công Đồng là một thời kỳ đen tối, quân Mông cổ của Thành Cát Tư Hãn đang tiến về Roma. Thánh Lêô đã tự mình tay không đến gặp và yêu cầu quân Mông cổ rút lui đừng tiến vào Roma. Lần này thì thành công nhưng đến năm 455 ngài lại đến xin giàn hòa với quân rợ Vandals thì hoàn toàn thất bại. Ngài yêu cầu chúng có thể tịch thu mọi tài sản nhưng đừng giết người và thiêu đốt thành Roma.
Quân rợ Vandals đã cướp phá thành phố trong 14 ngày và cuối cùng chúng đã rút về Bắc Phi mang theo nhiều của cải cướp được và một số tù binh. Trong nhiều năm thánh Lêô đã cố gắng hàn gắn lại những đổ nát và giúp đỡ những nạn nhân còn sống sót.
Ngài qua đời ngày 10/11/461 và được chôn cất tại Vương Cung Thánh Đường thánh Phêrô. Nhờ ngài Giáo Hội không những sống còn qua cơn tai ương mà còn tiến mạnh đến những định chế vững mạnh trong thời Trung Cổ. Do đó ngài được tôn kính với biệt hiệu là “Vĩ đại” cùng với hai thánh Giáo Hoàng khác là Gregory I và Nicolas I.
Năm 668, Đức giáo hoàng Sergiô I dựng bia mộ người, đã viết: “Người vẫn còn canh thức, kẻo chó sói hằng luôn rình rập, xông vào cắn xé đoàn chiên”. Đức giáo hoàng Biển Đức XIV đã tuyên xưng Thánh Giáo Hoàng Lêô I là Tiến Sĩ Hội Thánh ngày 15/10/1754. Ngài được giáo hội kính nhớ vào ngày 10/11.
“Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” Hầu hết Người Ki-tô hữu cầu nguyện bằng kinh lạy cha chí ít một tuần một lần khi tham dự thánh lễ Chúa nhật. Và lời cầu nguyện ấy bắt đầu bằng câu:
Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, Chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước (triều đại) Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. (x. Mt 6, 9 – 11; Lc 11,2)
Thường thì người ta cầu nguyện, người ta van xin khi khát khao, mong mỏi hoặc cảm thấy cấp thiết được đáp ứng một điều gì đó. Lời cầu nguyện đúng nghĩa phải là lời cầu nguyện phát xuất từ thẳm sâu tâm hồn con người; không câu nệ, không máy móc, không cảm thấy áp lực hoặc bị cưỡng ép. Chúng ta thường đọc kinh lạy Cha với tâm tình nào?
Phải hiểu, phải cảm được sự tối cần thiết của nước Thiên Chúa trong cuộc sống con người thì con người mới khát khao mong mỏi ‘Nước Chúa hiển trị’. Nhưng trình thuật Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta biết nước Thiên Chúa đã đến rồi: “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (c. 21b). Vậy chúng ta cần hiểu triều đại Thiên Chúa như thế nào?
Đức Ki-tô là hiện thân của nước Thiên Chúa. Đức Ki-tô đã đến. Người không những ở trong chúng ta mà còn ở giữa chúng ta nơi những người anh chị em sống chung quanh ta. Và hơn nữa, Người còn đồng hóa mình với những người nghèo nàn, bất hạnh. (Mt 25, 35 – 36) Vì vậy, chúng ta không thể chỉ tôn thờ Chúa trong nhà thờ hay khi đọc kinh cầu nguyện mà còn phải phục vụ Người trong cuộc sống, nơi tha nhân, nhất là những người chúng ta có bổn phận và trách nhiệm. Chúng ta khát khao ước ao nước cha hiển trị bởi vì đó là lẽ sống đích thực của chúng ta – sống trong nước tình yêu. Bởi vì bộ mặt thế gian này luôn qua đi, nhưng nước tình yêu của Thiên Chúa sẽ tồn tại mãi, nơi ấy chúng ta có Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh chị em với nhau.
Vì thế nước Thiên Chúa không ở xa, nhưng ở giữa chúng ta, và mỗi người chúng ta có bổn phận trách nhiệm xây dựng nước ấy bằng tình yêu chân thực phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Đồng thời lời kinh lạy Cha mà chúng ta đọc có thể là rất nhiều lần trong một ngày “xin cho nước cha hiển trị” sẽ không là những lời máy móc, vô nghĩa, nhưng là lời khẩn nài tha thiết với ước vọng ơn Cha giúp cho Giáo hội, mọi Ki-tô hữu cũng như chính bản thân ta biết sống như là một công dân của nước trời làm sáng danh Thiên Chúa tình yêu và làm cho tình yêu ngự trị khắp vũ hoàn.
“Người ta sẽ bảo anh em: ‘Người ở kia kìa!’ hay ‘Người ở đây này!’ Anh em đừng đi, đừng chạy theo.” (c. 23) Ngược lại với lời Chúa Giêsu, dường như thói thường chúng ta thường thích xem chuyện lạ, thích xem Chúa, Mẹ hiện ra; nghe ở đâu có chuyện lạ là ùn ùn đến ‘xem’; nhưng lại không muốn tuân giữ những điều Chúa dạy – con người, đời sống chẳng có gì biến đổi. Niềm tin của chúng ta thật mong manh. Chúng ta đang đắm mình và hòa vào một thế giới loại bỏ Thiên Chúa ra ngoài. Cuộc sống chỉ còn là những ganh đua và cạnh tranh, lao theo những nhu cầu vật chất không bao giờ đủ. Vì vậy, lời Chúa hôm nay như một tiếng chuông cảnh tỉnh, mời gọi mỗi người Ki-tô hữu nhìn lại tâm linh, duyệt xét đời sống của mình xem chúng ta có còn tin Chúa thực sự để biết rằng chúng ta là con Thiên Chúa và chúng ta phải sống như là con cái Chúa, như là công dân của nước trời.
Qua cuộc sống của Ngài, Chúa Giêsu đã vạch ra cho con người đường đi vào vĩnh cửu, đó là sống sung mãn trong từng giây phút hiện tại. Chính trong cuộc sống mỗi ngày mà con người phải tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu. Sống như thế là sống tỉnh thức theo tinh thần mà Chúa Giêsu hằng nhắc nhở trong Tin Mừng của Ngài; sống như thế, con người mới có thể nhận ra ý nghĩa của cuộc sống. Một cuộc sống có đáng sống và có ý nghĩa hay không, là tùy ở thái độ trân trọng và tích cực của con người đối với mỗi giây phút hiện tại.
Nguyện xin Chúa ban thêm niềm tin để chúng ta không ngừng đón nhận Chúa qua từng biến cố và gặp gỡ mỗi ngày.