Đối thoại chứ không đối đầu
3.6
Thánh Charles Lwanga và các bạn tử đạo
Hc 51:12-20; Tv 19:8,9,10,11; Mc 11:27-33
Đối thoại chứ không đối đầu
Đối thoại là một trong những phương thế giải quyết mâu thuẫn, đem lại sự hiểu biết và trân quý nhau hơn. Tuy thế, đối thoại chỉ mang lại hiệu quả khi đôi bên đến với nhau với lòng chân thành, cởi mở và tinh thần tôn trọng sự thật. Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và giới lãnh đạo Do thái trong bài Tin Mừng hôm nay xảy ra sau khi Chúa Giêsu thanh tẩy Đền thờ (Mc 11,15-19), một sự kiện náo động đụng chạm trực tiếp đến quyền hành của những người đứng đầu Ír-ra-en.
Vì thế, cuộc gặp gỡ này đã không diễn ra trong bầu khí của một cuộc đối thoại đúng nghĩa, bởi lẽ các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đã đến với thái độ ganh ghét, thù nghịch. Kết quả là sự thật về Chúa Giê-su đã không được vén mở cho họ, hay nói đúng hơn, chính họ đã khép kín mình và không muốn đón nhận sự thật. Bi kịch của giới lãnh đạo Do thái nằm ở chỗ họ đã không có đủ lòng chân thành và khiêm tốn. Nỗi sợ mất uy tín, địa vị đã khiến họ không dám nhìn nhận sự thật, đẩy họ đến một câu trả lời vô trách nhiệm: “chúng tôi không biết.” Cuộc đối thoại giữa họ và Chúa Giêsu đã đi vào chỗ bế tắc.
Chúng ta thường quan niệm rằng “kẻ không biết không có tội”, vì họ không ý thức được điều họ làm là sai. Tuy nhiên, nếu người đó biết rõ nhưng vì lợi ích cá nhân của mình mà giả vờ như không biết, kẻ đó càng đáng tội nhiều hơn. Các trưởng tế, luật sĩ và kỳ lão trong bài Tin Mừng hôm nay chính là những người như vậy. Họ muốn chất vấn về quyền hạn của Chúa Giêsu là từ đâu mà có, nhưng lại chẳng muốn chấp nhận sự thật rằng Người là Con Thiên Chúa. Để rồi, họ tự dối mình và dối người khi thốt lên “Chúng tôi không biết”.
Có phải thực sự họ không biết hay không? Không hề. Họ không chỉ nhận biết được quyền năng của Chúa Giêsu mà còn nhận ra sự hiện diện của quyền năng ấy sẽ gây bất lợi cho mình. Chính vì thế, họ thà tự nhận mình là những kẻ không biết gì còn hơn là chấp nhận sự thật về quyền thế của Người. Lời nói đó tưởng chừng như vô thưởng vô phạt nhưng thực sự đã tố cáo lòng tin chai đá của những người có uy tín, những người đại diện cho tầng lớp trên trong xã hội Do Thái và sự nhỏ nhen, vị kỉ của họ.
Tuy nhiên, đừng vội xét đoán vì biết đâu được, chính chúng ta cũng là những người như họ. Đôi lúc chúng ta đặt cái tôi của mình quá cao, xem trọng lợi ích của mình một cách quá đáng để rồi im lặng trước bất công của xã hội, hay chọn cách như các luật sĩ, trưởng tế và kỳ lão trong đoạn Kinh Thánh trên – vờ như không biết những điều đó.
Quả thật, khi mỗi người đều tự đề cao cái tôi của mình một cách thái quá, những giá trị chung của xã hội sẽ chẳng còn gì quan trọng.
Nhìn vào thực tế đất nước chúng ta, biết bao kẻ gian tà đã bị đồng tiền mê hoặc, cướp mất ruộng đất, nhà cửa hay vơ vét một cách vô tội vạ mà không cần quan tâm đến những người bị họ cướp. Họ không cần biết đến điều đó, chỉ cần vinh thân phì gia, họ sẵn sàng bất chấp tất cả. Hay những người hữu trách của đất nước cũng thế, họ “không thấy, không nghe, không nói” hay “không biết” những kẻ ngoại bang đang từng ngày đe dọa chủ quyền của đất nước. Không chỉ tầng lớp trên mà ngay cả những người bình thường cũng vậy, họ bàng quan, thờ ơ trước vất công của xã hội, nhân quyền chỉ còn là trò đùa của kẻ cầm quyền nhưng họ lại “không biết” vì họ không ý thức được nó ảnh hưởng rất lớn đến mình. Người ta chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến hậu quả lâu dài… Tất cả cũng là do con người cố tình “không biết”.
Là người Công giáo, chúng ta may mắn hơn vì được biết nhiều hơn người khác, đồng thời cũng được “ưu ái” hơn vì biết và dám nói. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là chúng ta hoàn hảo. Đôi lúc chúng ta vẫn yếu đuối, vẫn chối bỏ Chúa vì tội lỗi hay vì lợi ích cá nhân mình. Chính vì thế, chúng ta cần ý thức được sự thật quan trọng đến mức nào, để ta biết tôn trọng, đề cao nó và chia sẻ cho mọi người cùng nhận ra sự thật đó. Đồng thời, chúng ta phải biết lên án những điều trái với chân lí, trái với sự thật vì Thiên Chúa là Đấng Chân Thật.
Quả vậy, trong đời sống con người thường hay tìm cho mình sự tư lợi, tìm cho mình một địa vị trong xã hội. Khi mục đích đời họ là đi tìm những thứ phù phiếm của tiền tài danh vọng, họ rất ghét những ai có và sẽ có tầm ảnh hưởng hơn họ. Bởi lẽ, họ không muốn mình là hạng hai và thứ yếu so với kẻ khác và cũng vì đó mà họ khó đón nhận sự hiện diện của những điều thánh thiêng, và càng khó hơn khi đón nhận những “ngôn sứ” của Thiên Chúa.
Các thượng tế, kỳ mục và kinh sư đã rơi vào vòng “kim cô” của thế tục ấy, nên họ càng ghét Chúa Giêsu hơn, bởi Ngài có một tầm ảnh hưởng lớn lao trong dân chúng. Chính thái độ và cung cách ấy mà họ đâm ra sợ hãi, họ mới trả lời với Chúa Giêsu rằng: “Chúng tôi không biết”. Họ trả lời không biết không phải vì họ không biết mà là họ không dám biết và không muốn biết, bởi cái biết ấy sẽ ảnh hưởng trên thế lực, địa vị và quyền lợi của họ.
Do vậy, Chúa Giêsu cũng không nói cho họ biết Ngài lấy quyền gì để làm điều ấy, vì lẽ, chính Ngài đã nói rõ ràng với họ rồi “Đừng biến nhà Cha ta thành nơi sào huyệt của trộm cướp”, nhưng họ đã không dám đón nhận sự thật ấy.