Đời sống tu dòng: Từ hỗn loạn đến thời cơ?
Lm. Victor Codina, SJ
La Civiltà Cattolica 22.4.2022
Dẫn nhập
Các nhà sử học về đời sống tu dòng biết rõ: trong tiến trình lịch sử Giáo hội, một số dòng tu, cả nam và nữ, đã biến mất sau nhiều năm hoạt động hiệu quả. Họ cũng biết rằng mỗi chu kỳ mới của đời sống tu dòng – sự chuyển đổi từ lối sống đan tu sang lối sống khất thực, từ lối sống khất thực sang làm việc tông đồ hiện đại – một cách nào đó đã đẩy chu kỳ trước đó vào khủng hoảng. Cần có thời gian để phục hồi và thích nghi. Đây là một quá trình tích cực: đời sống tu dòng phương Tây đã được phong phú nhờ kinh nghiệm ở sa mạc, vùng ngoại vi và ngoại biên.
Tuy nhiên, ngày nay, một điều gì đó khác biệt và mới mẻ đang xảy ra trong thế giới phương Tây, ảnh hưởng đến tất cả các dòng tu: sự thiếu hụt ơn gọi và kim tự tháp thống kê độ tuổi bị đảo ngược, với nhiều tu sĩ cao niên ở trên đỉnh và một vài tu sĩ trẻ ở phần đáy, cũng như có nhiều người bỏ đời sống tu dòng. Câu hỏi đặt ra: Tại sao họ lại ra đi?
Tình trạng phổ biến này gây ra sự bấp bênh về tương lai của đời sống tu dòng, và trong nhiều trường hợp, tạo ra một bầu khí sợ hãi hoặc hoang mang: Liệu đời sống tu dòng có biến mất khỏi các Giáo hội Kitô phương Tây không? Trong thời gian tới, liệu hiện tượng tương tự có xảy ra ở Châu Á và Châu Phi không? Liệu sẽ có một chuyển động nào đến các cộng đoàn tu dòng mới chăng? Liệu các phong trào giáo dân mới sẽ thay thế đời sống tu dòng truyền thống không?
Nếu chúng ta muốn tóm kết tình huống này, có lẽ chúng ta nên nói về một “tình trạng hỗn loạn“, tức là sự pha trộn của sự mập mờ và mất trật tự. Những hậu quả của tình trạng này không chỉ ở khía cạnh mục vụ và thiêng liêng, mà còn về thể chế, kinh tế và xã hội. Chúng ta có thể làm gì đối với các hoạt động tông đồ về giáo dục, mục vụ, y tế và xã hội khi thiếu nhân sự tu sĩ và các nguồn lực kinh tế để duy trì chúng? Làm sao chúng ta có thể đối phó được với những chi phí đáng kể của bệnh xá cho các tu sĩ đây? Làm sao để những tu sĩ trẻ có thể được đào tạo hiệu quả trong xu thế bất an này? Tương lai nào đang chờ đợi người trẻ, khi họ gia nhập các cộng đoàn tu dòng rất lâu đời? Liệu có thể tiếp tục ước mơ chăng?
Liên quan đến bức tranh hỗn loạn chúng ta phác hoạ, có những quan điểm khác nhau giữa các tu sĩ. Đối với một số người, đó là một hiện tượng đã qua, một cuộc khủng hoảng tạm thời sẽ sớm được giải quyết. Thực ra có những ví dụ về một số cộng đoàn tu dòng gần đây đã chứng kiến sự gia tăng số lượng ơn gọi. Còn một số cộng đoàn khác, trái lại, chấp nhận một thái độ kiểu tận thế: chẳng thể làm gì hơn, chẳng còn tương lai, chẳng thể tiếp tục mơ ước!
Vậy thì, chúng ta phải đi sâu vào tình hình hiện tại để phân định một số lựa chọn thay thế, không ngây thơ nhưng cũng không thê thảm.
1. Giải thích không đầy đủ
Người ta thường cố gắng giải thích nguyên nhân của hiện tượng này theo cách cá nhân và chủ quan như: các thế hệ tu sĩ cao niên không đưa ra chứng tá tin mừng thích hợp; trong khi đó giới trẻ thì lại chỉ quan tâm đến việc tận hưởng cuộc sống và vui vẻ.
Rõ ràng là, những tu sĩ trưởng thành chúng ta không phải lúc nào cũng là những dấu chỉ tuyệt vời của Tin Mừng. Nhưng không thể nói rằng đời sống tu dòng ngày nay tự nó tạo nên một sự sa sút so với trước đây, thời có nhiều ơn gọi. Đây không chỉ là một vấn đề cá nhân: trong những thời đại trước, có rất nhiều người thánh thiện trong đời sống tu dòng, nhưng hiện nay cũng có rất nhiều. Vấn đề không phải là con số, nhưng phức tạp hơn, nó thuộc về mô thể hơn là chất thể, mang tính thể chế hơn là cá nhân, liên quan đến thời gian hơn là không gian (x. Evangelii Gaudium [EG], số 225-230), nó thuộc về cấu trúc hơn là các hành động cụ thể.
Đồng thời, đúng là trong giới trẻ, có một số người quan tâm nhiều hơn đến các khía cạnh kinh tế và vật chất của cuộc sống và ít nhạy bén hơn với các giá trị thiêng liêng. Nhưng cũng có những người khác quảng đại, sẵn sàng hy sinh bản thân cho các mục tiêu cao quý về xã hội, sinh thái và sức khỏe, cho vấn đề di cư, nhân quyền, công lý, v.v. đến mức cống hiến bản thân cho những trải nghiệm tình nguyện lâu dài và rất khắt khe. Nhiều người trong số họ mở lòng mình với chiều kích siêu việt, thinh lặng và cầu nguyện. Ngay cả trong trường hợp này, chúng ta cũng không thể đưa ra những đánh giá đúng đắn về phẩm chất đạo đức của giới trẻ ngày nay so với phẩm chất của những người trong quá khứ. Vì nó thuộc về những thời đại khác nhau.
Tuy nhiên, rõ ràng là giới trẻ ngày nay không muốn cam kết bản thân mình vào những cộng đoàn bị ràng buộc chặt chẽ với quá khứ mà không có tương lai. Cuộc khủng hoảng đời sống tu dòng hiện nay ở phương Tây là một thực tế lan tràn khắp nơi đến nỗi không thể được giải thích bằng những tình huống cá nhân. Vì cuộc khủng hoảng cùng lúc chạm đến tất cả các thể chế, nên phải có một nguyên nhân mang tính khách quan, lịch sử, tổng quát, và cơ cấu. Đây không phải là vấn nạn về dữ liệu định lượng hay số liệu thuần túy, mà là một vấn đề thiết yếu và sống còn. Nó không phải là một vấn đề của những điều cụ thể, mà là một tình huống chính thức, một loại Gestalt [ND: nghĩa là cảm nhận và đánh giá toàn bộ mô hình hoặc cấu hình, chứ không chỉ các thành phần riêng lẻ, vì “toàn bộ thì nhiều hơn tổng số các thành phần của nó.”]
2. Tìm kiếm câu trả lời
Tại thời điểm này, chúng ta đi vào chủ đề được nhiều người biết đến, đó là sự thay đổi thời đại, được thể hiện dưới những hình thức khác nhau: một giai đoạn mới mang tính quyết định; một thời đại tìm cách vượt qua quá khứ, vượt qua lối suy nghĩ duy tập trung vào bàn thờ, chức linh mục và hy lễ; một sự thay đổi về mô hình làm chất vấn mô hình cũ và mở ra những viễn cảnh mới. Dù trong bất kỳ tình huống nào, thì đó chắc chắn không phải là ngày tận cùng của chúng ta trong đời sống tu dòng, như một số tác giả ngây thơ tưởng tượng.
Chúng ta sống trong một thế giới tục hóa, nơi mà giả định về Thiên Chúa đã biến mất – một thời đại của thuyết vô thần – và các tín hữu được kêu gọi coi Thiên Chúa không phải như một giải pháp tạm thời, mà là Đấng tôn trọng những trung gian và những nguyên nhân đệ nhị. Chúng ta phải sống trước mặt Thiên Chúa như thể Thiên Chúa không hiện hữu (Dietrich Bonhoeffer), chúng ta phải chịu trách nhiệm về thế giới và lịch sử. Chúng ta phải chấp nhận sự im lặng của Thiên Chúa khi đối diện với trại Auschwitz và những trẻ em di cư chết trên xuồng cao su hoặc trên bãi biển.
Mặt khác, tình hình cũng không tốt đẹp hơn đối với chủ nghĩa lạc quan mang tính thế tục trong một vài năm gần đây. Chủ nghĩa thế tục mang tính không tưởng, đúng hơn là chủ nghĩa thế tục mang tính cứu thế, đặt mọi tin tưởng vào khoa học và tiến bộ hiện đại. Thế nhưng ngày nay, nó chùn bước trước thực tế khắc nghiệt liên quan đến bất công, đói kém, chiến tranh, biến đổi khí hậu, bệnh tật và chết chóc. Đại dịch của thời đại chúng ta đã đặt ra những vấn nạn tối hậu về ý nghĩa của sự sống và cái chết. Đối diện với một tình trạng thất bại và dễ bị tổn thương như thế, khoa học chẳng đưa ra được câu trả lời nào. Các tôn giáo đặt cược vào sự huyền nhiệm của Thượng đế, Đấng mà đối với Kitô hữu là Thiên Chúa, Đấng sáng tạo, Cha của Chúa Giêsu và là Đấng ban Thánh Thần. Khi đối diện với bệnh tật và cái chết, là Kitô hữu, chúng ta có chân trời của thập giá và niềm hy vọng Phục sinh. Chúng ta phải làm cho đức tin đi vào đời sống của con người và biến đổi thế giới dưới ánh sáng của mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu (x. Gaudium et Spes [GS], số 39).
Đối diện với sự thay đổi thời đại này, niềm tin Kitô giáo phải tự mở ra cho mình một sự phân định Phúc âm rõ ràng, để không phạm phải hai sai lầm trái ngược nhau: hoặc là lên án quá khứ như là một sự thất bại và không thích đáng, hoặc là tự mở ra cho những cái mới cách cuồng tín. Lời Chúa, Tin Mừng, cuộc đời và sứ mệnh của Chúa Giêsu người Nazarét, Đấng đã chết và sống lại, và Truyền thống vĩ đại của Giáo hội, tất cả đều có nhiều điều để nói với chúng ta về hiện tại, quá khứ và tương lai.
Thông thường, những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này trong Giáo hội và trong đời sống tu dòng được quy cho Công đồng Vatican II. Tuyên bố này không chỉ sai, mà còn là một tội của sự thiếu hiểu biết lịch sử. Công đồng Vatican II đã tìm cách để đặt Giáo hội vào cuộc đối thoại với thế giới ngày nay, mà không lên án thế giới (x. GS), hầu thay thế một nền Giáo hội học đã không hợp thời. Chúng ta đang nói về “aggiornamento – sự cập nhật hóa” nổi tiếng của Đức Gioan XXIII, vị giáo hoàng lớn tuổi và đầy đặc sủng, người đã có thể cảm thức được rằng Kitô giáo đã lỗi thời. Và ngài đã cẩn thận để không thốt ra một lời tiên báo về sự diệt vong.
Công đồng Vatican II đã lưu ý đến thực tế này và tìm cách nghiên cứu những hậu quả (x. GS 4-10). Cả Giáo hội hoàn vũ lẫn đặc sủng của đời sống tu dòng đều cần được canh tân khi đối diện với bối cảnh thời đại mới của thời kỳ hậu Kitô giáo.
3. Những bài học từ lịch sử của đời sống tu dòng
Trước khi tìm kiếm những công thức mới cho tình trạng chưa từng xảy ra của đời sống tu dòng hiện nay, chúng tôi muốn quan tâm đến một số bài học được rút ra từ lịch sử.
Trong Giáo Hội, đời sống tu dòng luôn có nguồn gốc từ một đặc sủng mang tính ngôn sứ, được khơi dậy bởi Thánh Thần để nên như một lời phê bình cho tình trạng Giáo hội xa rời phúc âm. Đó là lời loan báo về các giá trị đích thực của Nước Trời và là hạt giống cho sự biến đổi xã hội và giáo hội. Johann Baptist Metz, khi nói về sự phê bình này, đã sử dụng thành ngữ “một cú sốc mang tính trị liệu cho Giáo hội“. Vì lý do này, đời sống tu dòng không được sinh ra từ đỉnh cao quyền lực, mà từ vùng ngoại vi, bên lề, sa mạc, và ngoại biên (Jon Sobrino).
Tuy nhiên, rõ ràng là, theo thời gian, xu hướng rời khỏi vùng ngoại vi và tiến về vùng trung tâm đã diễn ra tuy chậm rãi nhưng chắc chắn: một sự cám dỗ minh nhiên, và không phải lúc nào người ta cũng vượt thắng được, đó là đặt mình lên hàng đầu về quyền lực kinh tế, xã hội, giáo hội và thiêng liêng. Nhiều khi cộng đoàn dòng tu đã trở thành một tầng lớp ưu tú theo đúng nghĩa của từ này, ngày càng xa rời mọi người, tự lấy mình làm điểm quy chiếu, tự mãn và tách ra khỏi các đặc sủng khác của giáo hội. Với tính tự hào tập thể, họ được bao bọc trong một kiểu “tách biệt ưu tuyển”, cùng một nguy cơ không thể phủ nhận của việc tìm kiếm địa vị xã hội và đặt bản thân vượt lên trên những người khác.
Điều này đã dẫn đến những hệ quả tiêu cực. Khi các dòng tu và các linh mục dòng, nhân danh việc phục vụ để bù đắp vào sự thiếu hụt các giáo sĩ và hỗ trợ các giáo phận trong việc phụ trách các giáo xứ, họ sẽ có nguy cơ rơi vào tình trạng gạt ra bên lề đặc sủng của họ một cách nào đó. Đâu là vai trò đặc sủng mang tính ngôn sứ của người tu sĩ, nếu cuối cùng họ trở thành những linh mục quản xứ?
Mặt khác, đời sống dòng nữ thường phụ thuộc vào đời sống dòng nam đến mức họ bị ngăn cản không thể thực hiện được linh đạo của mình trong tất cả sự rực rỡ ban đầu của chính nó. Điều quan trọng không kém là đời sống tu dòng được khai sinh hoặc được phục hồi sau Cách mạng Pháp đã làm tốt các công tác xã hội, giáo dục và y tế, nhưng vẫn duy trì một não trạng rất bảo thủ và tiếc nuối về sự mất mát của cơ cấu cũ, đó là cơ cấu có sự kết hợp giữa ngai vàng và bàn thờ. Nói một cách dễ hiểu và thẳng thắn, đời sống tu dòng, mà ban đầu, vào khoảng thế kỷ thứ IV, được sinh ra như sự phê phán dành cho một “Kitô giáo xa rời phúc âm”, thì ngày nay lại đang dần đi đến việc bắt chước và thích nghi với điều mình phê phán.
4. Sự tiến triển của Thần học về đời sống tu dòng
Ngày nay chúng ta hoàn toàn nhận thức được rằng đã có một sự tiến triển tích cực trong thần học về đời sống tu dòng. Dù còn mơ hồ trong một số văn bản, nhưng Công đồng Vatican II đã đặt đời sống tu dòng trong khuôn khổ của dân Chúa (x. Lumen Gentium [LG], số 43-47), đó là tất cả mọi người đều được kêu gọi nên thánh (x. LG 39- 42). Đời sống tu dòng là một hồng ân của Thánh Thần, mặc dù không thuộc cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội, nhưng là một phần của đời sống và sự thánh thiện của Giáo Hội (x. LG 44). Đời sống tu dòng phải tự canh tân bằng cách trở lại thực hành việc đi theo Chúa Giêsu, dựa theo Phúc âm và đặc sủng ban đầu của mỗi dòng tu (x. Perfectae Caritatis, số 2). Không thể có đời sống tu dòng bên lề Giáo hội, cũng như Giáo hội không được cấu thành và hiện diện đầy đủ trong một quốc gia truyền giáo mà thiếu đời sống tu dòng chiêm niệm và hoạt động (x. Ad Gentes, số 18). Như Đức cha Bergoglio đã nói trong Thượng hội đồng về đời sống tu dòng năm 1994, “đời sống thánh hiến là một quà tặng cho Giáo hội, nó được sinh ra trong Giáo hội, lớn lên trong Giáo hội, và hoàn toàn hướng về Giáo hội.”[1]
Đời sống tu dòng không chỉ thuộc về lĩnh vực giáo luật và tu đức, nhưng thuộc về tổ chức của Giáo hội. Công đồng Vatican II đã thúc đẩy một sự suy tư sâu sắc về điều đó, như đã được minh chứng trong Tông huấn Evangelica Testificatio của Đức Phaolô VI, Tông huấn Vita Consecrata của Đức Gioan Phaolô II và vô số ấn phẩm thần học. Kể từ Công đồng, đời sống tu dòng đã được cải cách sâu sắc. Nhưng vẫn còn một chặng đường dài phải đi.
Công đồng Vatican II, dù phong phú về mục vụ và thần học, nhưng cách nào đó, đã bị điều kiện hóa bởi quan điểm Châu Âu của các giám mục và các nhà thần học, vốn là những tác nhân chính của Công đồng. Do đó, Công đồng chủ yếu quan tâm đến chủ nghĩa vô thần và sự tục hóa, khả năng có ơn cứu độ bên ngoài Giáo hội, việc đại kết, tự do tôn giáo và tầm quan trọng của lương tâm cá nhân. Đây là những chủ đề tiêu biểu cho cái gọi là “sự khai sáng ban đầu”. Người nghèo không xuất hiện trong các bản văn của Công đồng, ngoại trừ hai đề cập (x. LG 8 và GS 1), mặc dù Đức Gioan XXIII muốn khuôn mặt Giáo hội mà Công đồng hướng tới là khuôn mặt Giáo hội của người nghèo.
Chính các Giáo hội của những nước nghèo đã đón nhận Công đồng Vatican II một cách sáng tạo. Đặc biệt, đó là Giáo hội Châu Mỹ Latinh tại Medellín (1968), nơi đã lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần qua tiếng than khóc của người nghèo đang kêu cầu công lý, giống như dân Israel bị Pharaoh áp bức ở Ai Cập xưa kia. Từ Medellín đã xuất hiện quyền lựa chọn cho người nghèo, cuộc đấu tranh chống lại tội lỗi của những cơ cấu bất công, sự thích đáng của việc di cư và giải phóng, ý định xây dựng một Giáo hội nghèo, đơn sơ và mang tính chất của mầu nhiệm vượt qua, nơi giữ cho đức tin và công lý được nên một. Đây là những yếu tố điển hình của cái gọi là “sự khai sáng thứ hai”, vốn nhạy cảm với công lý và người nghèo.
Tất cả những điều này đã có những tác động tích cực đến đời sống tu dòng, đặc biệt là tại Châu Mỹ Latinh, và cả ở những nơi khác nữa, nơi mà đời sống tu dòng đã dấn thân vào những môi trường nghèo nàn, khu dân cư ngoại vi, những khu ngoại ô và ổ chuột tồi tàn, vùng nông thôn, hầm mỏ, và giữa những người bản địa và những người gốc Phi. Đời sống trong các cộng đoàn dòng tu đã có một sự canh tân đích thực. Trong số đội ngũ tu sĩ cũng có nhiều vị tử đạo, những nạn nhân của các chế độ độc tài và chế độ quân sự.
Cuối cùng, chúng ta hãy thêm vào sự xuất hiện của “sự khai sáng thứ ba”, tập trung vào những thành phần khác và những người khác với xu thế chủ đạo, đã làm phong phú thêm cho Giáo hội và đời sống tu dòng, mở ra những lĩnh vực như văn hóa, phụ nữ, đối thoại đa văn hóa và liên tôn, và sinh thái. Tuy nhiên, ngay lúc lộ trình này đang đạt đến mục tiêu, khi nó dường như được thiết lập tốt đẹp theo quan điểm của giáo hội học và thần học, thì cuộc khủng hoảng đã bùng nổ. Do đó, vấn đề hiện nay không có tính chất thần học, vì thần học về đời sống tu dòng đã rất rõ ràng, nhưng là về hành động thực tế mang tính lịch sử.
5. Thần Khí học về các dấu chỉ thời đại
Trước khi đi sâu vào những trình bày mang tính lý thuyết hơn, chúng ta hãy bắt đầu với một bản văn rất hùng hồn từ sách Công vụ tông đồ: “Thánh Thần ngăn cản không cho Phaolô và Sila rao giảng lời Chúa ở Tiểu Á. Khi tới sát ranh giới Myxia, các ông thử vào miền Bithynia, nhưng Thần Khí Ðức Giêsu không cho phép. Các ông bèn đi qua miền Myxia mà xuống Tơroa. Ban đêm, ông Phaolô thấy một thị kiến đó là một người miền Makêđônia xin ông sang Makêđônia giúp dân của họ. Sau khi thấy thị kiến đó vị tông đồ hiểu ra rằng Thiên Chúa kêu gọi họ đi loan báo Tin Mừng cho Makêđônia. Các ngài xuống tàu ở Tơroa, đi thẳng đến đảo Xamốtrakê, Nêapôli và từ đó đi Philípphê là thị trấn quan trọng nhất ở Makêđônia.” (x. Cv 16, 6-12). Trong bản văn này, hơi khó hiểu là Thánh Thần của Chúa Giêsu đóng các cánh cửa truyền giáo đối với Phaolô trong một số lĩnh vực nhất định và thay vào đó là mở ra cho ông những cánh cửa khác, gửi ông đến một nơi khác. Nhưng ý nghĩa rất rõ ràng: Thánh Thần mong muốn rằng Phaolô không đến với các cộng đoàn Do Thái, nhưng tiếp cận với thế giới dân ngoại. Phaolô sẽ làm như vậy, trước hết sẽ đến Athens và sau đó đến Roma. Sách Công vụ Tông đồ kết thúc khi vị Tông đồ hoàn thành công cuộc truyền giáo cho dân ngoại.
Chúng ta có trước mắt điều mà Công đồng Vatican II gọi là “những dấu chỉ thời đại”. Giáo hội phải xem xét những dấu chỉ thời đại một cách thấu đáo (x. GS 4), xác tín rằng chính Thánh Thần của Đức Chúa, Đấng tràn ngập vũ trụ, chính Ngài hướng dẫn dân Chúa; và trong những khát vọng, biến cố và nhu cầu của thời đại chúng ta, Giáo hội tham gia cùng với những người đương thời, Giáo hội phải nhìn thấy những dấu chỉ đích thực về sự hiện diện và kế hoạch của Thiên Chúa (x. GS 11). Với sự trợ giúp của Thánh Thần, việc chăm chú lắng nghe, phân định và giải thích nhiều tiếng nói khác nhau trong thời đại chúng ta là nhiệm vụ của tất cả dân Chúa, nhưng đặc biệt là của các mục tử và thần học gia. Phaolô đã làm điều đó, khi trong một giấc mơ, ông nhận ra tiếng Chúa kêu gọi ông ra đi đến với dân ngoại. Thánh Thần đóng một số cánh cửa, nhưng mở ra những cánh cửa khác.
Tuy nhiên, để phân định các dấu chỉ thời đại, cần có một số chỉnh đốn. Trước hết, cần xác tín rằng Thánh Thần của Đức Chúa không chỉ hoạt động trong Giáo hội, nhưng tràn đầy khắp vũ trụ. Vì lý do này, cùng với con người thời đại, chúng ta phải lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng và nhu cầu của nhân loại. Điều này ngụ ý Giáo hội cần có thái độ của sự cởi mở, đối thoại và gần gũi với thế giới và thời đại, để nhận ra được Thiên Chúa muốn gì ở nhân loại. Và điều này đòi hỏi sự phân định, để soi sáng thực tại này với các giá trị của Tin Mừng và cuộc đời của Chúa Giêsu thành Nazareth.
Áp dụng tất cả những điều này vào đời sống tu dòng, chúng ta có thể tự vấn xem liệu chúng ta có đang ở trong tình trạng mà Thánh Thần đóng một số cánh cửa đối với chúng ta trong khi mở ra những cánh cửa khác chăng? Chúng ta cần phân định liệu các cấu trúc hiện tại của đời sống tu dòng có đang đáp ứng các dấu chỉ của thời đại ngày nay không, hay đúng hơn là có cải thiện được “sự lỗi thời” của Kitô giáo hay chưa. Thánh Thần đóng những cánh cửa của một đời sống tu dòng đông đảo, quyền lực, ưu tú, tự mãn và quy ngã, nhưng có lẽ Ngài mở ra những cánh cửa của một lối sống tu dòng khác, một lối sống khó nghèo hơn, theo đúng tinh thần Phúc âm hơn, và phù hợp hơn với các dấu chỉ của thời đại hiện nay.
Chúng ta hãy tự vấn xem liệu trải nghiệm của chúng ta về sự hỗn loạn có hướng chúng ta đến một kairos, một thời cơ thuận tiện không. Thần khí học dạy chúng ta rằng Thánh Thần (ruah) hoạt động từ bên dưới. Từ sự hỗn mang ban đầu của Sáng thế ký, Thánh Thần tạo ra hơi thở của sự sống (x St 1, 2); từ cung lòng của những phụ nữ son sẻ, Thánh Thần sinh ra các nhà lãnh đạo của Israel (x. St 11, 30; 25, 21; 29, 31; 1 Sam 2, 1-11); và Thánh Thần cũng làm cho một trinh nữ trẻ ở Nazarét thụ thai và sinh ra Chúa Giêsu (x. Lc 1, 35). Đối với Thánh Thần, không có gì là không thể (x. Lc 1, 37). Thánh Thần có thể ban sự sống cho vô số bộ xương khô héo (x. Ed 37, 1-14); Thánh Thần soi sáng cho người phụ nữ nghèo Maccabe nhìn thấy 7 người con trai của bà chết như những vị tử đạo, để bà có thể tuyên xưng đức tin của mình vào sự sống lại (x. Mcb 27, 20. 23). Chính Thánh Thần đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết (x. Rm 8,11) và ngự xuống trên nhóm tông đồ nghèo nàn và đầy sợ hãi đang tụ họp tại Giêrusalem để biến họ thành chứng nhân của Đấng Phục sinh trước toàn thế giới (x. Cv 2). Thánh Thần là căn nguyên và cội nguồn của đời sống tu dòng; mỗi dòng tu mới là một hồng ân và phép lạ của Thánh Thần, Đấng từ sự khó nghèo và nhỏ bé đã phát sinh ra đời sống theo lời khuyên Phúc Âm.
6. Thánh Thần mở ra những cánh cửa nào cho đời sống tu dòng ngày nay?
Trước khi nói về những cánh cửa nào đang mở ra cho đời sống tu dòng, chúng ta nhận biết rằng ngày nay nhiều dòng tu quan tâm đến việc mở lại những cánh cửa đang đóng, hơn là tìm kiếm những cánh cửa mới đang mở ra. Trong nhiều trường hợp, những ơn gọi trẻ đã phải tiêu hao rất nhiều công sức cho việc mở lại những cánh cửa đã đóng hoặc giữ cho những cánh cửa đang khép được tiếp tục mở, thay vì vận dụng tâm trí và sức sáng tạo của họ để tìm cách mở ra những cánh cửa mới. Có thể tìm thấy một ví dụ về điều này trong đoạn văn của Sách Các Vua quyển thứ nhất, trong đó ông Êlia ra lệnh cho người hầu trẻ của mình leo lên núi 7 lần để xem có đám mây báo mưa sắp xuất hiện từ biển hay không; trong khi chờ đợi, ông Êlia sấp mình xuống và tiếp tục cầu nguyện (x. 1 V 18, 41-46). Những ơn gọi trẻ phải dò tìm chân trời của những khả năng mới, trong khi những người khác cầu nguyện trong thinh lặng.
Nhiệm vụ quan sát các dấu chỉ thời đại và chân trời hiện nay được thúc đẩy bởi quyết tâm cam kết cải tổ Giáo hội của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Đức giáo hoàng mơ về một Giáo hội với những cánh cửa rộng mở luôn chào đón mọi người, một bệnh viện dã chiến, một Giáo hội đang tiến lên, để mang đức tin đến cho tất cả mọi người và lên đường hướng tới các vùng ngoại vi địa lý và hiện sinh nơi mọi người đang sống và đau khổ, một Giáo hội có mùi của chiên, không quan liêu nhưng nhân từ, và không tự quy chiếu nhưng trở nên một kim tự tháp ngược, đa diện, hiệp hành, một Giáo hội trong đó người nghèo và lòng mộ đạo của họ chiếm một vị trí thần học uy tiên(x. EG 197-201). Có rất nhiều cách để một đời sống tu dòng mới mở ra cho tương lai, cho các cơ hội, và hoa trái của Thánh Thần. Bây giờ chúng ta hãy thử xem xét sự chuyển đổi này có thể hình thành như thế nào.
7. Trở lại với sự nhỏ bé và thiểu số ở cội nguồn
Ở cội nguồn của mọi dòng tu mới, vào thời điểm mới thành lập, luôn có một vài thành viên nghèo nàn, yếu ớt, không ai biết đến, họ tự gọi mình là nhỏ bé: tiểu đệ, tiểu muội, một nhóm nhỏ, anh chị em nhỏ bé. Sau nhiều năm, sự nhỏ bé này thường biến tướng thành sự vĩ đại và phô trương. Chúng ta đã chọn lựa người nghèo, nhưng chúng ta đã không chọn để trở nên nghèo hơn. Ngày nay, hoàn cảnh đưa chúng ta trở lại với thiểu số ở cội nguồn của mình: chúng ta ít nhân sự, yếu ớt và nghèo nàn; tương tự như người nghèo, chúng ta cũng không có tương lai chắc chắn. Chúng ta không thể cung cấp sự an toàn và sự đảm bảo trọn vẹn cho những ơn gọi trẻ; thay vào đó, chúng ta có thể cam kết với họ về một cuộc phiêu lưu tuyệt vời và đầy tinh thần Phúc âm, mở ra cho tương lai và cho hơi thở của Thánh Thần.
Chúng ta phải sống sự nhỏ bé của hạt cải và nắm men (x. Mt 13:31-33) và bước theo một Chúa Giêsu không có nơi để tựa đầu (x. Lc 9:58). Đời sống tu dòng không phải là một đặc quyền, nhưng là một cuộc phiêu lưu kỳ thú, một sự liều thân vì Phúc âm, và mở ra cho những điều mới mẻ từ Chúa Thánh Thần. Ơn phù trợ chúng ta đến từ nơi Đức Chúa và từ sự hiện diện sống động của Chúa Thánh Thần.
8. Tham gia vào sự năng động của Thượng Hội Đồng
Bây giờ, chúng ta hãy suy xét một khía cạnh bổ sung cho khái niệm về sự nhỏ bé. Về mặt từ nguyên học, “Synod – Thượng Hội đồng” có nghĩa là “cùng nhau bước đi”, và điều này, theo Thánh Gioan Kim Khẩu, là định nghĩa của Giáo hội (x. PG 55, 493). Hiệp hành là bước vào cuộc hành trình này cùng với toàn thể dân Chúa, những người được sinh ra bởi phép Thánh tẩy và với sự xức dầu của Thánh Thần, sở hữu một cảm thức đức tin đến mức không thể sai lầm trong niềm tin (x. LG 12). Hiệp hành là con đường mà Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội trong thiên niên kỷ thứ ba, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố trong bài diễn văn ngày 17.10.2015, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội đồng Giám mục.
Đời sống tu dòng cũng vậy, phải đi vào viễn tượng của một lộ trình hiệp hành. Điều này ngụ ý rằng chúng ta để lại đằng sau những đặc ân và những đặc quyền kinh tế, văn hóa và tinh thần, để đặt mình vào giữa dân thánh của Thiên Chúa, những người đã nhận được Thánh Thần. Vấn đề không phải là từ bỏ căn tính đặc sủng của chúng ta, mà là chia sẻ đặc sủng ấy với người khác, không có chủ nghĩa bè phái, hoặc chủ nghĩa tinh hoa. Theo một cách nào đó, tính hiệp hành ngụ ý một lời khởi xướng từ phía giáo dân, những người chiếm đa số của dân Chúa. Chúng ta nên tự vấn xem việc suy giảm ơn gọi tu sĩ, linh mục lại chẳng phải là một phần trong kế hoạch mầu nhiệm của Thiên Chúa sao, nhằm khiến toàn thể dân Chúa cùng nhau bước tới sứ vụ, hướng về vương quốc của Thiên Chúa? Sau đó, chúng ta phải nói về sứ vụ được chia sẻ với người khác, cả nam và nữ, cùng nhau thảo luận về những gì liên quan đến tất cả mọi người, ở nơi sứ vụ ấy tất cả chúng ta đều cùng dạy và cùng học và do đó, sự phân biệt nhị nguyên giữa một Giáo hội giảng dạy và một Giáo hội học hỏi bị phá vỡ. Đó là một kim tự tháp đảo ngược, một cái gì đó quá mới mẻ đến nỗi một số người nói rằng nó có thể gây ra “cơn đau tim thần học” cho những người bảo vệ trật tự đã được thiết lập.
Nếu chúng ta quay trở lại đời sống tu dòng, sự thay đổi này có ý nghĩa hơn nhiều so với sự trao đổi qua lại giữa các dòng tu và học viện với nhau. Cũng không có nghĩa là giáo dân buộc phải cộng tác với đời sống tu dòng, với các tu sĩ của dòng, cũng như với các cơ sở mục vụ, giáo dục, xã hội hoặc chăm sóc sức khỏe của dòng. Nhưng chính toàn bộ đời sống tu dòng đặt mình vào việc phục vụ toàn thể dân Chúa trong sứ vụ chung, trong sự cộng tác với các giáo xứ, với các phong trào và với các nhóm cộng đoàn khác đang hướng về Nước Trời, để chăm sóc ngôi nhà chung (x. Laudato Si ‘) và tình huynh đệ phổ quát (x. Fratelli Tutti).
Rõ ràng là tất cả những điều này ngụ ý một tiến trình hoán cải mang tính Giáo hội, sẽ diễn ra từ từ và được đánh dấu bằng sự phân định chung. Nhiệm vụ không hề dễ dàng, nhưng rất thú vị và đầy thử thách. Chỉ với thời gian, chúng ta mới có thể thấy điều này liên quan đến đời sống và công tác tông đồ, ảnh hưởng đến các cộng đoàn đan tu và chiêm niệm, thay đổi cơ cấu tổ chức và lối sống như thế nào. Dù khan hiếm ơn gọi, nhưng một số nhỏ của thiểu số được Thánh Thần biến đổi để cùng đồng hành với người khác. Chỉ với thời gian, cùng sự thực hành và phân định, thì những lộ trình cá nhân, cộng đoàn và thể chế mới được tìm ra để thực hiện ước mơ này. Và tất cả những điều này diễn ra dưới sự bảo vệ và trong quỹ đạo của Thánh Thần, Đấng vượt lên trên tất cả, bao phủ, luôn làm trẻ hóa và sống động hoá mọi sự bắt đầu từ những tình trạng hỗn loạn và từ vực sâu của lịch sử. Hỗn loạn có thể được biến thành thời cơ. Ai gieo trong nước mắt sẽ gặt trong niềm vui (x. Tv 126, 6).
9. Khôi phục chiều kích thần bí của đời sống tu dòng
Một bản văn nổi tiếng của Đức Bênêđíctô XVI khẳng định rằng “trở thành Kitô hữu không phải là một quyết định đạo đức hay một tư tưởng vĩ đại, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố, với một Con Người, Đấng đem lại cho đời sống chúng ta một chân trời mới và từ đó một định hướng dứt khoát” (Deus Caritas Est, số 1).
Nếu mọi đời sống Kitô hữu được sinh ra từ cuộc gặp gỡ với con người của Chúa Giêsu, thì đời sống tu dòng, vốn có nguồn gốc mang tính ngôn sứ, không thể đổi mới và phát triển nếu không có chiều kích thiêng liêng và thần bí sâu xa; đời sống tu dòng cần sự xức dầu của Thánh Thần. Điều này có nghĩa là đời sống tu dòng, thường bị quá tải bởi công việc, cần phải được nuôi dưỡng với nhiều khoảng thời gian cá nhân và cộng đoàn cho việc cầu nguyện và thinh lặng, thực hành lectio divina, cử hành một phụng vụ đầy sinh động, để nhờ đó, cuộc sống và xã hội của một thế giới xa cách Thiên Chúa hiện nay có thể ngày càng thấm nhuần các giá trị và thái độ Tin Mừng. Nhưng điều cần thiết không kém đó là việc đặt mình bên cạnh Đấng bị đóng đinh, gặp gỡ Thiên Chúa trong những người nghèo khổ, và tránh cho lời cầu nguyện của chúng ta trở thành cuộc chạy trốn khỏi một thế giới bị xa lánh.
Khi chúng ta nhớ lại những nhân vật lỗi lạc của đời sống tu dòng, những vị sáng lập, chúng ta phải kinh ngạc về sự phong phú và chiều sâu tâm linh tuyệt vời mà những vị thánh này mang lại cho Giáo hội và nhân loại như thánh Antôn Coptic, thánh Bênêđictô và Scholastica, thánh Bernado of Clairvaux, thánh Phanxicô và Clara, thánh Đaminh và Catarina Siena, thánh Inhaxiô, Phanxicô Xavier và Phêrô Faber, thánh Têrêsa Avila, Gioan Thánh giá, Têrêsa of Lisieux, và Edith Stein, thánh Hildegard of Bingen, Gioan Thiên Chúa, và Camillus de Lellis, thánh Vincent de Paul và Louise de Marillac, thánh Joseph Calasanz và Antonio María Claret, thánh Don Bosco, thánh Joan of Lestonnac, thánh Candida of Jesus, thánh Nazaria Ignacia, thánh Teresa of Calcutta, thánh Charles de Foucauld và nhiều vị thánh khác. Sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa luôn là một phần thiết yếu của đời sống tu dòng: không thể thực hiện được nếu con người không say mê Chúa Giêsu và Phúc âm. Sự biến đổi hiện tại mà đời sống tu dòng được kêu gọi sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự hoán cải hướng đến sự kết hợp thần bí với Thiên Chúa.
Kết luận
Liệu chúng ta có thể chuyển từ hỗn loạn sang thời cơ chăng? Sự chuyển đổi này có thể xảy ra, nhưng nó không phải là một bước nhảy vọt tức thời hoặc kỳ diệu. Thay vào đó, nó là một sự chuyển đổi mang chiều kích mầu nhiệm vượt qua: điều này ngụ ý rằng chúng ta vượt qua, trong tư cách cá nhân và cộng đoàn, từ cái chết đến phục sinh; điều này đòi hỏi chúng ta không bám chặt vào quá khứ chóng qua và phải mở lòng đón nhận hành động đổi mới, tràn đầy và trao ban sự sống của Thánh Thần của Chúa Giêsu, Đấng hành động từ bên dưới trong những khoảnh khắc khủng hoảng và chết chóc, đóng một vài cánh cửa, nhưng mở ra những cánh cửa khác, một Thánh Thần không bao giờ ngưng hoạt động, cả trong Giáo hội lẫn trong lịch sử nhân loại.
Đời sống tu dòng ngày nay giống như kinh nghiệm của tác giả Thánh vịnh từ vực sâu (x. Tv 130), một bài Thánh vịnh bắt đầu trong bóng tối của màn đêm, kêu gào đau khổ với Đức Chúa, và kết thúc là mở ra niềm hy vọng của người lính canh đón chờ bình minh.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: godgossip.org (22.4.2022)
[1] Giáo hoàng Phanxicô, Tông Thư Gửi Những Người Thánh Hiến, ngày 21.11. 2014, III, 5. Đức Giáo hoàng trích dẫn ở đây bài diễn văn của ngài trước Thượng Hội đồng về Đời sống Thánh hiến và Truyền giáo trong Giáo hội và Thế giới, Tổng Công hội XVI, ngày 13. 10. 1994.