Đời sống nội tâm là dòng nước chúng ta thường ít lui tới
Đời sống nội tâm là dòng nước chúng ta thường ít lui tới
Chương trình này dù có tham vọng như thế nào thì nó cũng không dành riêng cho những người “khôn ngoan” ngồi thiền hàng giờ từ sáng tinh sương theo thế hoa sen trên núi tuyết. Chương trình này là của chúng ta, của mỗi người chúng ta. Chúng ta vẫn còn phải nâng cao thân phận đất sét chung của nhân loại, để giúp chúng ta sống tốt nhất với đới sống nội tâm của mình.
Các chuyên gia về bộ não nói cho chúng ta biết, mỗi ngày chúng ta có hoặc chúng ta đi qua hàng sáu mươi ngàn suy nghĩ, vậy tám mươi suy nghĩ mỗi giây. Hầu hết chúng ta đều lướt trên bề mặt tối thiểu này của ý thức, như con cá ở dưới lòng biển sâu không bao giờ trồi lên mặt. Tất cả đều đi qua từ đó, qua đó mà tôi là, và tôi phải liên tục sắp xếp và tẩy rửa, để tránh bão hòa.
Công việc sắp xếp dòng suy nghĩ là đời sống nội tâm của chúng ta. Nếu không sắp xếp, chúng ta sẽ không thể chọn lựa sự kiện nào có giá trị, sự kiện nào trong số các suy nghĩ nhỏ bé nảy sinh và chất cồng kềnh này trong đầu chúng ta. Không sắp xếp thì không phân loại, không ngưỡng mộ, không cảm giác cũng không trí tuệ. Không sắp xếp, chúng ta cũng sẽ không thể tự kể một câu chuyện nhất quán nào của mình, câu chuyện đặc biệt, mang nét tiểu sử độc đáo cho cuộc sống duy nhất này, cuộc sống của chúng ta ngay cả khi chúng ta bị chìm trong vô số câu chuyện, câu chuyện của các đời sống con người và các cơ thể bị kích động.
Thông thường, chúng ta rất lười biếng. Chúng ta nghĩ mình biết những gì mình thấy, để cuối cùng hài lòng với “nhãn” dán trên mọi thứ, nói như triết gia Pháp Bergson nói. Thấy là hiểu ngay. Đó là thói quen lười biếng của chúng ta, mà đáng lý chúng ta nên đến với bí ẩn của thế giới trong bước chân nai. Ngôn ngữ, là công cụ tuyệt vời nhất để kiểm tra vũ trụ lạ lùng của chúng ta, nhưng trong cách dùng thường ngày, nó cũng là vũ khí hủy diệt hàng loạt vũ trụ lạ lùng này. Các chữ là các nhãn hiệu này. Chúng ta ngu ngốc hài lòng những gì chữ nghĩa chỉ định mà không nhìn kỹ, vì bên ngoài chúng, chúng chỉ định một hướng đi, một dấu chỉ hướng tới chính chúng.
Thường thường chúng ta đi bên cạnh thế giới dày đặc, cảm xúc ứ nghẹt tâm hồn. Chúng ta thả mình trên triền dốc tự nhiên của mình, triền dốc làm chúng ta bỏ qua mọi sự, như nước đổ lá môn. Đây không phải là thiếu thông minh, mà là quá dư thông minh.
Chúng ta nghĩ sai, các thực tại bị khóa trong lời nói và vũ trụ là một trò chơi thuần túy của các dấu hiệu. Nắm bắt các dấu hiệu là đủ. Tuy nhiên, thế giới thực và thực tế trương phì lại thường ở ngoài các chữ.
Thông thường, chúng ta chỉ nhận thấy trạng thái tâm hồn qua các biểu lộ bên ngoài của nó. Chúng ta chỉ nắm bắt cảm nhận của chúng ta qua tính khách quan của nó (Henri Bergson)
Bằng lòng với khía cạnh bên ngoài này, với bề mặt, với các trò chơi trượt trên mọi thứ của chúng ta, theo một cách nào đó, chỉ dẫn chúng ta đến tồn tại bên ngoài chúng ta. Như thế chúng ta không còn đời sống nội tâm. Dù không rời khỏi thế giới này, đời sống nội tâm cho chúng ta bề dày, độ chắc vững, sự bí ẩn, một bí ẩn cộng hưởng với bí ẩn của thế giới. Thậm chí triết gia Bergson còn đi xa hơn khi cho rằng, cứ sống một cách khái quát, trong chung chung, trong các biểu tượng của tất cả, quá bận rộn như khi chúng ta sống trong hoạt động và kích động thì cuối cùng chúng ta vuột khỏi chính mình, không còn tồn tại như một con người. Chúng ta tan mình trong các hiệu ứng bề mặt.
Bài tập nho nhỏ về vệ sinh thiêng liêng
Trước hết phải sàng lọc các suy nghĩ của chúng ta. Để phân biệt các chuyện. Để các suy nghĩ vô ích vào thùng rác, chỉ giữ những thứ tốt hơn. Một vài suy nghĩ quan trọng, thanh cao, nhất quán, có trọng lực. Tôi phải lọc cái gì có lợi, cái gì không, chỉ vun trồng cái có lợi, làm sạch, lau chùi, quý trọng chúng. Việc sàng lọc này là để tránh chất đống ngổn ngang đủ chuyện. Chúng ta phải làm thường xuyên, cũng như người làm vườn, phải thường xuyên quét dọn ngôi vườn của họ mới sạch sẽ được. Để nhanh chóng tách lúa ra khỏi cỏ lùng, như thế mới phân định được. Triết gia Pháp Montaigne đã nói: “Đời sống là chuyện dịu dàng nhưng lại dễ rối loạn”. Vì thế không được làm rối loạn đời sống, để nó nghỉ ngơi đủ lâu để nó mềm ra, để sự dịu dàng của nó nổi lên.
Làm sao làm? Làm sao học để sàng lọc, để tách mọi thứ?
Vào buổi tối, hãy tặng mình các cảm xúc
Trước khi đi ngủ, tôi có nên xem lại các sự việc trong ngày không? Có, trong im lặng của một ngày sắp tàn, tôi phải để nước dơ lắng xuống, để bùn tự chính nó rớt xuống. Khi đó các cảm xúc đẹp sẽ xuất hiện. Chúng trồi lên. Làm thế nào? Bằng suy nghĩ chậm rãi, bằng viết, bằng thinh lặng của việc hồi tâm. Như thế khi bùn đã lắng xuống đáy, các nét đẹp nhỏ sẽ nổi lên. Và từ đêm này qua đêm khác, tôi tăng thêm cho ký ức các cảm xúc đẹp, các giây phút đẹp, các khoảnh khắc đặc biệt xứng đáng để quả tim tôi giữ lại. Vì sao không học cách sàng lọc mọi thứ? Cụ thể là những gì đáng được giữ?
Buổi tối, biết tạ ơn những gì đã được cho
Làm thế nào để biết “tạ ơn?” Trước hết điều này không có nghĩa là phải có một tâm trạng mới. Có phải sau khi thấm hết các giây phút mà mình không biết mình thấm gì, thì trước khi đi ngủ mình có nên xem lại những gì mình đã thấm không? Cái vô ích sẽ tấp vào các thứ tạp nhạp trong ngày, còn cái chắc vững sẽ xuất hiện và trồi lên mặt. Phải làm gì với lớp kem quý này? Có nên học (chậm và ít hiển nhiên, dù rất cần thiết) để nói một lời “cám ơn” cao cả và bao la vô cùng không? Cám ơn cuộc sống, cám ơn cuộc sống, cám ơn những người chung quanh mình, với người cho mình tất cả. Như thế nói chung, tôi có thể cám ơn cuộc sống. Cám ơn các khoảnh khắc ngừng lại trong ngày. Cảm ơn những người đã cho chúng ta các cảm xúc tuyệt vời. Cảm ơn trái tim đã có thể cảm nhận cái đẹp và ngửi thấy những điều tốt lành khi chúng đi qua và mở rộng ra với người khác. Tại sao buổi chiều chúng ta không dùng thì giờ để mang lại các hạt nho nhỏ này, biến chúng thành những khoảnh khắc dừng lại?
Marta An Nguyễn dịch