ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN
14.2 thứ 2 Thánh Cyril, Đan Sĩ, và Mêthôđiô, Gm
Gc 1:1-11; Tv 119:67,68,71,72,75,76; Mc 8:11-13
ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN
Cyrillô và Mêtôđiô thuộc về một gia đình nghị viện miền Thessalônica. Triều đình đã muốn xem người con trưởng sáng sủa xinh đẹp như thần đồng. Nhưng đối với anh sự khôn ngoan đáng quí chuộng hơn mọi hư danh trần thế.
Người con út có tính cách vừa trầm tư vừa hung hăng hay lý sự nữa. Sau khi theo học ở tại Constantinople, hai anh em đều chíếm giữ những chức vụ thuộc dân sự. Cyrillô làm giáo sư triết học. Sau cùng thì lần lượt họ đạt tới lý tưởng làm linh mục.
Nhà vua Moravia xin hoàng đế gửi các thừa sai tới. Vì biết tiếng Slave nên hai anh em đã được chọn. Các ngài đã phát minh ra mẫu tự Slave cũng như văn chương người Slave sau này được mọi người chấp thuận.
Cyrillô còn học tiếng Hipri để tranh luận với người Do Thái. Hai anh em thừa sai thực hiện hoạt động vừa chính trị vừa tôn giáo. Các ngài sẽ tổ chức Kitô giáo ở Bulgaria, Moravia và nơi những dân Slave mà bước chân đế quốc đặt tới.
Một giai thoại chứng tỏ tính khí mạnh mẽ và kỳ khôi của Mêtođiô. Ngài chỉ đích danh được thù nhân người Đức của mình để phá tan họ.
Ngài nói: Các ông chống lại sắt thép, các ông sẽ bể sọ. Và đầy nhiệt thành, ngài lau mồ hôi và kể lại một ngụ ngôn:
“Người ta hỏi một triết gia, tại sao ông lại toát mồ hôi như vậy?”
Và ngài thêm vào câu trả lời: Chính vì tôi đã phải tranh luận với những người đần độn”.
Chúng ta đi tìm dấu lạ khắp nơi. Chúng ta đặt ra giá trị cho tất cả những gì có thể cân đo, đong đếm. Không có những điều này, chúng ta coi nhẹ mọi sự. Đời sống thiêng liêng cũng không loại trừ khuynh hướng này. Những phép lạ, lời đáp trả mau lẹ cho những lời chúng ta cầu xin là bằng chứng cho rằng những lời cầu xin đó được lắng nghe, chúng là những dấu lạ mà chúng ta tìm kiếm để tin.
Trong hành vi đức tin, Thiên Chúa vừa cho có ánh sáng, vừa cho có bóng tối. Đức tin, vì thế đòi hỏi phải có sự khó nhọc, chọn lựa, hy sinh và dấn thân. Một đức tin mà đòi hỏi một chứng cớ rõ ràng, thì không phải là đức tin nữa.
Vả lại Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của tình yêu, mà trong tình yêu thì không có sự ép buộc hay cưỡng bức, nhưng là sự tự do, tự nguyện.
Do đó, chúng ta thấy Chúa rất tôn trọng tự do của con người trong niềm tin đối với Ngài. Vì thế Ngài không bao giờ làm dấu lạ để thúc bách người ta tin nhận. Như Tin mừng trình bày, Chúa Giêsu đã làm rất nhiều phép lạ, trong đó có những phép lạ lớn như dẹp yên bão táp, trục xuất quỷ ra khỏi người ta, chữa một bà loạn huyết, làm cho đứa con gái ông Giairô sống lại, vậy mà người Pharisêu vẫn chưa tin Ngài.
Hôm nay họ lại thách thức Ngài làm một phép lạ từ trời, nghĩa là một phép lạ phát xuất từ chính Thiên Chúa.
Thực ra những phép lạ Chúa làm, nhất là những phép lạ lớn vừa kể đã đủ chứng minh Ngài là Đấng có quyền phép từ trời rồi. Thế nhưng họ không tin là chỉ vì họ ngoan cố, bởi đó Chúa Giêsu nói sẽ chẳng cho họ một dấu lạ nào nữa.
Phép lạ Chúa làm chỉ có ý nghĩa và giá trị cho người thành tâm chứ không cho người Pharisêu cứng lòng. Như vậy, Tin mừng hôm nay cho thấy phép lạ không sinh ra đức tin mà chỉ là dấu chỉ dẫn người ta tới đức tin. Bởi thế, sông đạo mà chỉ quan tâm tới phép lạ (như Lộ Đức, Fatima) thì chưa hẳn là sống đạo thật, sống đạo thật là sống bằng đức tin.
Ngược lại, người có đức tin thật thì nhìn thấy phép lạ trong tất cả mọi việc, kể cả việc nhỏ và tầm thường nhất.
Chúa Giê-su chờ đợi chúng ta có một đức tin chân thành và vô vị lợi. Điều duy nhất phải quan tâm, đó là hành động vì đức tin. Biết rằng Chúa Giê-su nhìn chúng ta, Ngài nhận biết những việc làm của chúng ta, và với cái nhìn đầy yêu thương, Ngài đồng hành với chúng ta từng giây phút của cuộc sống. Nhận biết mình được an toàn trong tay Chúa là bằng chứng hùng hồn về đức tin của chúng ta.
Chúa Giê-su đã ban cho chúng ta dấu lạ chắc chắn về sự hiện diện hằng ngày của Ngài trong đời sống chúng ta. Dấu thứ nhất là thập giá. Chỉ có đức tin mới mở cho chúng ta biết mầu nhiệm của Ngài và giúp chúng ta đương đầu với tội lỗi nhờ lòng thương xót. Tội là nguyên do của những gì nguy hại trong đời sống chúng ta. Thập giá của Đấng chịu đóng đinh là khí giới có thể chữa lành chúng ta. Đức tin cho phép chúng ta nhìn thấy tình yêu Chúa ở trung tâm vũ trụ và thế giới được lôi kéo về Ngài.
Thánh Thể là một dấu lạ nữa mà Chúa để lại cho chúng ta. Đó là dấu lạ mạnh mẽ nhất vì nơi đó chứa đựng tác giả của chính dấu lạ. Chúa Giê-su đã hạ mình qua mọi phương thế để ở lại với chúng ta. Dưới hình bánh rượu, Ngài mạc khải cho chúng ta thấy Ngài muốn gắn bó với chúng ta. Xin cho những dấu lạ này luôn là bảo chứng tình yêu để chúng con nói với Chúa theo cách Ngài muốn được biết, được yêu và được tôn thờ.