Đối phó với Covid-19, Giám mục và linh mục ở Campuchia ở giữa dân làng để gần gũi với họ
Đối phó với Covid-19, Giám mục và linh mục ở Campuchia ở giữa dân làng để gần gũi với họ
Trong thời gian đại dịch, Đức cha Olivier Schmitthaeusler và các linh mục trong Giáo phận Đại diện Tông tòa Nông Pênh vẫn tiếp tục ở lại với người dân, với sự sáng tạo và chủ động, các ngài duy trì hoạt động mục vụ cũng như hoạt động bác ái xã hội đề giúp họ ứng phó với đại dịch và chuẩn bị cho thời gian hậu đại dịch.
Giáo hội Campuchia đã hoạt động tích cực về mục vu, xã hội và bác ái trong thời gian đại dịch Covid-19. Từ ngày 17/03, các buổi hội họp tôn giáo và các hoạt động công cộng đều bị Bộ Y tế cấm và các trường học bị đóng cửa.
Sáng tạo và chủ động
Đức cha Olivier Schmitthaeusler cho biết, “trong bối cảnh này, Giáo hội Công giáo đã cố gắng tự tổ chức một cách sáng tạo và chủ động. Tất cả các cuộc tụ họp trong cộng đồng của chúng tôi: các Thánh lễ, các buổi cầu nguyện chung, các cuộc họp, hội thảo đều bị đình chỉ và tất cả các trường học của chúng tôi đều đóng cửa, nhưng giáo phận đại diện tông tòa Nông Pênh đã rất tích cực trong việc duy trì các hoạt động mục vụ.”
Thánh lễ và kinh Mân Côi trực tuyến
Đức cha Schmitthaeusler đã thành lập một “đội đặc nhiệm Covid-19” vào ngày 19/03 với các đại diện từ các mục vụ và văn phòng giáo phận. Ngài chia sẻ: “Kể từ Chúa nhật ngày 22/03, chúng tôi bắt đầu cử hành Thánh lễ và đọc kinh Mân Côi hàng ngày trực tiếp trên Facebook và YouTube. Hoạt động truyền thông xã hội của chúng tôi luôn hoạt động 24 giờ mỗi ngày để cho phép những người có thể sử dụng các dịch vụ internet vẫn được hiệp thông trong cộng đoàn của chúng tôi vì chỉ có 3 hoặc 4 người có thể tham dự Thánh lễ trực tiếp.”
Giám mục và linh mục ở giữa giáo dân
Hơn nữa, Đức cha yêu cầu các linh mục cư ngụ trong một cộng đoàn của giáo phận để cử hành Thánh lễ ở những nơi này, đương nhiên là không có tín hữu, nhưng sự hiện diện này là quý giá và là dấu hiệu của sự gần gũi cụ thể với những người nhỏ bé trong làng. Chính Đức cha cũng không ở trong tòa giám mục, nhưng tạm thời chuyển đến giáo xứ Đức Mẹ Cười, cách Nông Pênh 90 cây số. Ngài nói: “Tôi là cha sở của giáo xứ này 10 năm, nơi có cộng đồng Campuchia lớn nhất ở giáo phận Đại diện, cũng là nơi có phần lớn các chương trình giáo dục và phát triển. Tôi đã cử hành Tam Nhật Vượt Qua và phát sóng với bất kỳ phương tiện nào có sẵn ở giữa những cánh đồng lúa. Tuy nhiên, các nghi lễ đã được truyền hình trực tiếp một cách chuyên nghiệp bởi dịch vụ liên lạc của chúng tôi ở Nông Pênh”.
Hoạt động bác ái xã hội
Giáo hội Campuchia cũng hoạt động bác ái rất tích cực. Đức cha chia sẻ: “Liên minh Bác ái và Phát triển của chúng tôi – nơi tập hợp các cơ quan phi chính phủ Công giáo, các dòng tu hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau của xã hội, các văn phòng và các cơ quan dấn thân đặc biệt về y tế, giáo dục, dịch vụ xã hội Công giáo – rất tích cực và đang chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19. Chúng tôi đang phân phát thực phẩm, xà phòng và khẩu trang cho người nghèo. Hậu quả của Covid-19 sẽ để lại những ảnh hưởng lâu dài đối với những người dễ bị tổn thương nhất: những người bị thất nghiệp, nợ tăng vọt, các hoạt động kinh tế bị đóng cửa: thông qua các dịch vụ xã hội và các tổ chức phi chính phủ của chúng tôi, chúng tôi sẽ có thể phục vụ những người khác, nhân danh Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh.”
Hồng Thủy