Điều răn mới
15/5 Chúa Nhật thứ Năm Mùa Phục Sinh
Cv 14:21-27; Tv 145:8-9,10-11,12-13; Kh 21:1-5; Ga 13:31-33,34-35
Điều răn mới
Không phải chỉ có Kitô giáo mới giảng dạy về tình yêu thương. Văn hoá Á đông đã từng nhấn mạnh: Tứ hải giai huynh đệ, bốn bể đều là anh em. Cha ông chúng ta thuở trước cũng đã khuyên nhủ: Thương người như thể thương thân, để nói lên tấm lòng yêu thương rộng mở đối với mọi người trong xã hội. Vậy giới luật của Chúa có điều chi mới mẻ?
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
Người ta cho rằng: yêu thương phát xuất từ con tim. Người ta còn nói: Tình yêu xưa như trái đất, nghĩa là tình yêu có từ khi có trái đất hay trái đất xưa bao nhiêu thì tình yêu lâu đời bấy nhiêu. Như thế, tình yêu cũ kỹ lắm rồi! Ở đấy, Đức Giêsu không nói đến thời gian có tình yêu. Người chỉ nói phải đổi mới tình yêu.
Tình yêu đã bị hủ hoá, tha hóa vì nó chứa quá nhiều các thứ trần tục, nó bị ô nhiễm bởi tội tổ tông, làm mất giá trị cao quý của con người siêu việt là con Thiên Chúa.
Yêu thương anh em, nhiều người trong chúng ta cho rằng, lệnh truyền này có tính cách giáo điều, mang nặng tính chất đạo đức, không còn gây được những ấn tượng mạnh mẽ. Trong khi đó, cuộc sống thì biến đổi từng ngày và từng giờ. Người ta chú trọng đến những vẻ hào nhoáng bên ngoài. Những lời nói tuyên truyền. Tất cả làm thành như một lớp sơn, phết trên thanh gỗ mục. Trong khi đó tinh thần bác ái, tinh thần yêu thương vẫn cứ bị quên lãng, và không có một chỗ đứng quan trọng nào trong sinh hoạt thường ngày.
Dựa vào những lời tâm sự cuối cùng của Chúa, chúng ta có thể tìm thấy được những nét độc đáo của tình thương yêu trong Kitô giáo. Nét độc đáo thứ nhất đó là hãy yêu thương nhau như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta. Thực vậy, cái khuôn mẫu lý tưởng, cái thước được dùng để đo tình yêu thương của chúng ta, không còn là mối liên hệ máu mủ, cũng không còn là chính bản thân của mình nữa, nhưng là chính tình yêu của Chúa Giêsu, Đấng đã xuống thế và chịu chết trên thập giá để cứu chuộc chúng ta như lời Ngài đã nói: Không ai có tình yêu cao quý hơn người dám hy sinh mạng sống vì bạn hữu. Chỗ khác Ngài cũng bảo: Ta là mục tử tốt lành. Người mục tử tốt lành thì hy sinh mạng sống cho đoàn chiên. Tình yêu ấy không bị giới hạn, không bị ngăn cách nhưng được dành cho hết mọi người.
Bên cạnh thập giá Đức Kitô không ai là không có chỗ của mình, kể cả những kẻ tội lỗi, đĩ điếm và trộm cướp. Ngài không huỷ diệt một khả năng nào để vươn lên. Đứa con hoang đàng cũng có chỗ trong nhà cha mình. Người trộm cắp cũng được mời gọi tham dự tiệc cước và người phụ nữ nhẹ dạ cũng có thể hôn chân Ngài. Ngài đã tỏ cho chúng ta thấy một Thiên Chúa đầy lòng nhân từ và thương xót đối với mọi người, không trừ một ai. Tình yêu thương vô bờ ấy phải trở nên mẫu mực để chúng ta noi theo: Hãy yêu thương như như Thầy đã yêu thương các con.
Nét độc đáo thứ hai đó là tình yêu thương phải trở nên dấu chỉ của những người thuộc về Chúa. Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy là các con yêu thương nhau. Thực vậy, Chúa Giêsu không đòi hỏi các môn đệ của mình phải thông thái như các tiến sĩ luật, cũng không bắt họ phải sống gò bó nhiệm nhặt như nhóm biệt phái. Điều duy nhất Ngài đòi hỏi nơi các ông đó là tình yêu thương.
Ngay từ đầu các tín hữu đã thực sự sống tình bác ái yêu thương để làm chứng cho Đức Kitô phục sinh và trải qua dòng lịch sử của Giáo Hội, các tâm hồn ở mọi nơi và trong mọi lúc, vẫn nhận ra Thiên Chúa là tình yêu xuyên qua những chứng từ sống động của những người tin Chúa, được biểu lộ bằng hành động bác ái yêu thương.
Yêu thương nhau như Thầy yêu. Thiên Chúa là Tình Yêu. Thiên Chúa đã sai chính Con Một yêu dấu xuống thế để cứu độ nhân loại. Chúa Giêsu đã bày tỏ tình yêu Thiên Chúa một cách cụ thể trong đời sống. Tình yêu của Chúa trải rộng trong mọi khía cạnh của cuộc sống con người. Ngài đã dùng mọi cách gần gũi nhất để tỏ lòng yêu thương. Chúa sinh ra nơi máng cỏ nghèo hèn, chịu chung số phận với những người kiều cư khách lạ, sinh sống nơi làng quê nghèo và hoạt động cách bình dị âm thầm. Chúa Giêsu hoà chung những sinh hoạt hằng ngày với mọi người, đến nỗi người đồng hương chẳng nhận ra Chúa là ai. Họ nghĩ Chúa chỉ là con bác thợ mộc Giuse và mẹ là bà Maria. Thiên Chúa ẩn mình một cách thật khiêm hạ.
Chúa Giêsu đã kiên nhẫn đợi chờ trong thời gian và không gian để thi hành sứ mệnh. Ngài đã hoàn tất mọi lời tiên tri loan báo về Ngài. Chúa đã chịu mọi khổ nhục và chịu chết treo trên cây Thánh giá. Chúa đã sống lại. Mọi uy quyền trên trời dưới đất được trao ban trong tay Ngài. Mọi tư tưởng, lời nói, hành động của Chúa Giêsu là lời nói hành động của Thiên Chúa làm Người. Lời của Ngài là Tin Mừng cứu độ. Trước khi rời khỏi thế gian, Chúa Giêsu đã ưu ái ban truyền cho các Tông đồ: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Yêu thương nhau như Thầy yêu chúng con. Một điều răn căn cốt tóm gọm lời dạy của Chúa.
Chính vì hiểu như thế, Thánh Augustinô đã giải thích: “Sau khi lột bỏ con người cũ, nó mặc cho ta con người mới… Kẻ vâng theo giới răn mới này được canh tân, không phải nhờ một thứ tình yêu nào, nhưng chỉ nhờ tình yêu mà Chúa đã phân biệt với tình yêu xác thịt khi Người nói thêm rằng: “Như Thầy đã yêu chúng con”. Tình yêu ấy đổi mới chúng ta, những kẻ hát khúc ca mới. Tình yêu ấy đã canh tân tất cả những người công chính ngày xưa, các thánh tổ phụ, các tiên tri thời trước, cũng như đã đổi mới các dân tộc và toàn thể nhân loại sống rải rác khắp mặt địa cầu. Nó đang kết hợp lại thành một dân mới, làm thành thân thể người bạn trăm năm mới của con Thiên Chúa.