ĐIỀU KIỆN ĐỂ THEO CHÚA
18.2 Thứ Sáu trong tuần thứ Sáu Mùa Quanh Năm
Gc 2:14-24,26; Tv 112:1-2,3-4,5-6; Mc 8:34; Mc 9:1
ĐIỀU KIỆN ĐỂ THEO CHÚA
Bất cứ ai muốn thành công về một lãnh vực nào đều phải trải qua một giai đoạn gọi là “thử thách”để tiến tới mục tiêu của mình. Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi mỗi người lên đường, bước theo Đức Ki-tô, vì Ngài là hạnh phúc đích thực dẫn đưa chúng ta tới Nước Thiên Chúa. Vậy, làm thế nào để có thể thành công trong việc đi theo Ngài? Tin mừng thánh Mac-cô thuật lại: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”(c.34).
Nói đến từ bỏ, dù chỉ là một thói quen không tốt nho nhỏ, cũng không mấy ai ưa thích. Vì nói đến“từ bỏ”là đụng chạm đến “hy sinh”, mà hy sinh thì phải chịu đau đớn, thiệt thòi, mất mát…. Cũng như nói đến “tình yêu”thì đụng đến “tự do”, mà muốn được tự do thì phải dấn thân, mạo hiểm… Chính sự mạo hiểm này nói lên sự bấp bênh trong chọn lựa của chúng ta, nhưng càng bấp bênh bao nhiều thì sự hy sinh và từ bỏ chính mình càng cao quý bấy nhiêu, nhất là khi chúng ta “từ bỏ chính mình” cho một lý tưởng, một tình yêu nào đó hoặc cho một Ai đó rất đặc biệt, rất quan trọng trong cuộc đời của chúng ta. Chúa đã từng nói:“Ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”là vậy (x.Mc 8,35).
Tuy nhiên, từ bỏ chính mình để theo Đức Giêsu không phải chỉ quyết tâm một lần là đủ, mà là một thái độ luôn sẵn sàng từ bỏ trong từng phút giây của cuộc sống.
Như thế, việc “từ bỏ chính mình”vì Chúa, thì chúng ta chẳng thua lỗ tí nào. Trái lại, chúng ta từ bỏ cái mau qua để có được sự sống vĩnh hằng; từ khước cái tương đối để được cái Tuyệt Đối là chính Đức Kitô; và từ bỏ cái thân xác tội lỗi để có được sự sống đời đời.
Đối với các tín hữu Do Thái ngày xưa, thập giá chính là án tử hình nặng nhất, nhục nhã và khủng khiếp nhất của luật hình La mã. Những tín hữu đã bị bắt bớ và lãnh án xử tử thập giá, thì quả là một chuyện khủng khiếp đối với họ. Vậy mà Đức Giêsu lại mời gọi chúng ta vác cái ô nhục đó để đi theo Ngài!
Lời mời gọi của Chúa Giêsu xem ra là một nghịch lý cho cuộc đời, nhưng đối với Thiên Chúa, đó không phải là một ô nhục hay là sự điên rồ mà họ lầm tưởng; trái lại, đó là một dấu chỉ chiến thắng của tình yêu mà chính Đức Kitô đã đón nhận đau khổ trên thập giá bằng một giá rất đắt, một thái độ vâng phục và phó thác cho thánh ý Chúa Cha để trở nên máng chuyển thông ơn cứu độ cho loài người chúng ta.
Thiên Chúa cũng thử thách niềm tin của chúng ta như thế. Khi bị thử thách, tâm hồn chúng ta cũng đau khổ và bối rối. Nhưng nếu chúng ta tin cậy vào Thiên Chúa giống như Abraham, thì Thiên Chúa sẽ không để chúng ta thất vọng. Và cuối cùng, Thiên Chúa cũng sẽ chúc phúc và ban ân huệ cho ta nhiều hơn những gì chúng ta mơ ước.
Đức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một: Ngài là Đức Giêsu sáng láng trên núi Tabor, cũng là Đức Giêsu mướt máu trong vườn Cây Dầu, và cũng là Đức Kitô đau khổ trên thập giá ở đồi Golgotha. Hai đỉnh núi Tabor và Golgotha cách nhau không xa, nhưng lại là con đường vạn lý, con đường đau khổ, con đường vượt qua: Đường Tình yêu.
Vì vậy, khi nhìn lên cây thánh giá có Chúa Giêsu hiện diện, nhắc nhở chúng ta ý nghĩa của sự đau khổ mà Chúa Giêsu đã chịu để chúng ta được tham dự vào mầu nhiệm cứu độ và phục sinh vinh quang của Người. Ước gì tình yêu thập giá chiếu sáng những ai muốn làm môn đệ của Chúa Giêsu vác lấy mà đi theo Người.