Diễn văn của ĐTC trong giờ cầu nguyện đại kết với người di cư ở Sýp
Diễn văn của ĐTC trong giờ cầu nguyện đại kết với người di cư ở Sýp
Lúc khoảng 4 giờ chiều ngày 3/12/2021 Đức Thánh Cha đã đến nhà thờ Thánh Giá tại thủ đô Nicosia của Sýp để cùng cầu nguyện đại kết với những người di cư. Đức Thánh Cha đã nói với những người di cư về giấc mơ của Thiên Chúa, Đấng mong muốn mọi con cái của Người là anh chị em của nhau.
Diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô
Cầu nguyện Đại kết với những người di cư
Giáo xứ Thánh Giá
Thứ Sáu 03/12/2021
Anh chị em thân mến!
Thật là một niềm vui lớn lao khi hiện diện ở đây với anh chị em và kết thúc chuyến viếng thăm tại Sýp của tôi bằng cuộc gặp gỡ cầu nguyện. Tôi cảm ơn các Đức Thượng phụ Pizzaballa và Bechara Rai, cũng như các thành viên của văn phòng Caritas. Với tình cảm và lòng biết ơn, tôi chào những người đại diện của các hệ phái Kitô khác hiện diện tại Sýp.
Từ tận trái tim, tôi muốn nói lời “cảm ơn” vô vàn với các bạn, những người trẻ di dân, những người đã trình bày chứng từ. Tôi đã nhận được các chứng từ cách đây khoảng một tháng và chúng đã đánh động tôi rất nhiều, và ngay cả hôm nay cũng thế. Đó không chỉ là sự xúc động, nhưng còn hơn thế rất nhiều: đó là cảm xúc mạnh mẽ đến từ sự gặp gỡ với vẻ đẹp của sự thật. Chúa Giêsu cũng đã cảm động như thế khi Người thốt lên: “Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 11,25-26). Tôi cũng ngợi khen Chúa Cha trên trời vì điều đang xảy ra hôm nay, ở đây, cũng như trên khắp thế giới. Thiên Chúa đang mặc khải Vương quốc tình yêu, công lý và hòa bình của Người cho những người bé mọn.
Sau khi lắng nghe các bạn, chúng tôi hiểu rõ hơn tất cả sức mạnh ngôn sứ của Lời Chúa, Đấng nói với chúng ta qua thánh Phaolô tông đồ: “Anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa” (Ep 2,19). Những lời được viết cho các Kitô hữu của Êphêxô, không xa nơi đây, cách nay hàng thế kỷ, nhưng vẫn thời sự hơn bao giờ hết, như thể chúng được viết cho chúng ta ngày nay: “Các bạn không phải là người xa lạ, nhưng là đồng hương”. Đây là lời ngôn sứ của Giáo hội: một cộng đồng, với tất cả những giới hạn của con người, là hiện thân của giấc mơ của Thiên Chúa. Bởi vì Thiên Chúa cũng mơ, giống như con, Mariamie, đến từ Cộng hoà Dân chủ Congo; con đã miêu tả mình là người “đầy những giấc mơ”. Giống như con, Thiên Chúa mơ về một thế giới hòa bình, trong đó con cái của Người sống như anh chị em. Thiên Chúa muốn điều này, Thiên Chúa mơ điều này.
Sự hiện diện của các bạn, các anh chị em di cư, rất có ý nghĩa đối với cử hành đại kết này. Những chứng tá của các bạn giống như một “tấm gương” cho chúng tôi, cho các cộng đồng Kitô giáo. Khi con, Thamara, người đến từ Sri Lanka, nói với chúng tôi rằng người ta thường hỏi con, “Bạn là ai?”, con nhắc nhở chúng tôi rằng đôi khi câu hỏi này cũng được đặt ra cho chúng tôi: “Bạn là ai?”. Và thật không may, nó thường có nghĩa là: “Bạn thuộc phe nào? Bạn thuộc nhóm nào?”. Tuy nhiên như con nói, chúng ta không phải là những con số, những cái tên được liệt kê trên danh sách; chúng ta là “anh chị em”, “bạn bè”, “những tín đồ”, “những người lân cận” với nhau. Nhưng khi lợi ích nhóm hoặc lợi ích chính trị, thậm chí của các quốc gia, thúc đẩy, nhiều người trong chúng ta thấy mình bị gạt sang một bên, vô tình trở thành nô lệ. Bởi vì quyền lợi luôn nô dịch, luôn tạo ra nô lệ. Tình yêu, là mở rông, là trái ngược với hận thù, tình yêu làm cho chúng ta tự do.
Khi con, Maccolins, đến từ Camerun, nói rằng trong cuộc sống con đã bị “thương tổn bởi sự thù hận”, con đang nói về điều này, về những vết thương của lợi ích; và con nhắc nhở chúng tôi rằng lòng thù hận cũng đã phá huỷ các tương quan giữa các Kitô hữu chúng ta. Bằng nhiệt huyết của mình con cho thấy rằng sự thù hận là nọc độc. Và điều này, như con đã nói, thay đổi chúng ta; nó để lại một dấu ấn sâu đậm và tồn tại lâu dài. Nó là một chất độc rất khó giải. Đó là một tâm thức méo mó, thay vì giúp chúng ta nhìn nhận nhau là anh em, lại khiến chúng ta coi nhau là kẻ thù, là đối thủ, khi mà không như đồ vật để buôn bán hay lợi dụng.
Khi con, Rozh, đến từ Iraq, nói rằng con là “một người đang hành trình”, con nhắc nhở chúng tôi rằng chúng tôi cũng là cộng đồng đang hành trình, chúng tôi đang trên đường từ xung đột đến hiệp thông. Trên con đường dài và đầy thăng trầm này, chúng ta không nên sợ hãi sự khác biệt giữa chúng ta, nhưng chính sự khép kín và định kiến của chúng ta có thể ngăn cản chúng ta thực sự gặp gỡ và bước đi cùng nhau. Sự khép kín và định kiến giữa chúng ta tái dựng bức tường ngăn cách, tức là sự thù hận giữa chúng ta, đã bị Đức Kitô phá đổ (x. Ep 2,14). Và rồi hành trình hướng tới sự hiệp nhất trọn vẹn của chúng ta chỉ có thể tiến thêm những bước nếu tất cả cùng nhau chiêm ngắm Chúa Giêsu, Đấng là “hòa bình của chúng ta” (sđd), là “đá góc tường” (c. 20). Chính Người, Chúa Giêsu, đến gặp chúng ta với khuôn mặt của người anh em bị gạt ra ngoài lề và bị chối từ. Trong gương mặt của người di cư bị coi thường, bị từ chối, bị nhốt lại… Nhưng đồng thời – như con đã nói – gương mặt của người di cư đang hướng tới một mục tiêu, hướng tới một hy vọng, một sự chung sống đầy tình người hơn…
Và như thế Thiên Chúa nói với chúng ta qua những giấc mơ của chúng ta. Điều nguy hiểm là nhiều khi chúng ta không để giấc mơ thấm vào mình và chúng ta thích ngủ hơn là mơ. Thật là dễ khi ngoảnh nhìn đi nơi khác. Và trong thế giới này, chúng ta đã quá quen với văn hóa thờ ơ đó, với văn hóa ngoảnh nhìn đi nơi khác, và chìm vào giấc ngủ một cách bình thản như thế. Nhưng trên con đường này các bạn không bao giờ có thể mơ ước. Chúa không nói qua những người không thể mơ ước điều gì, bởi vì họ có tất cả mọi thứ hay vì trái tim của họ đã chai cứng. Thiên Chúa cũng yêu cầu chúng ta đừng hài lòng trước một thế giới bị chia rẽ, đừng đầu hàng trước những cộng đồng Kitô hữu bị chia rẽ, nhưng hãy bước đi trong lịch sử, được thu hút bởi giấc mơ của Thiên Chúa: một nhân loại không có bức tường ngăn cách, thoát khỏi thù hận, không có người xa lạ mà chỉ có đồng bào, như thánh Phaolô đã nói với chúng ta trong đoạn sách tôi đã trưng dẫn. Những đồng hương tuy khác biệt nhưng tự hào về sự đa dạng và đặc thù của chúng ta, vốn là món quà của Chúa. Những đồng hương được hòa giải và nên một.
Cầu xin cho hòn đảo này, bị đánh dấu bởi sự chia rẽ đau đớn – tôi đang nhìn bức tường, ở đó (sau cánh cửa mở của nhà thờ) – nhờ ân sủng của Thiên Chúa, trở thành nơi sản sinh tình huynh đệ. Tôi cảm ơn tất cả những người làm việc cho điều này. Hãy nghĩ xem hòn đảo này quảng đại nhưng cũng không thể làm được tất cả, bởi lượng người đến đông hơn khả năng gia nhập, hội nhập, đồng hành, thăng tiến của nó. Sự gần gũi về địa lý của nó tạo điều kiện…, nhưng nó không phải là dễ dàng. Chúng ta cần hiểu những giới hạn mà những nhà lãnh đạo trên Đảo này bị ràng buộc. Nhưng luôn có trên Đảo này, và tôi đã thấy điều đó ở những người lãnh đạo mà tôi đã đến thăm, [sự dấn thân] trở thành, với ân sủng của Thiên Chúa, nơi sản xuất của tình huynh đệ. Và điều này sẽ có thể nếu có được hai điều kiện. Thứ nhất là sự công nhận thật sự phẩm giá của mỗi con người (xem Fratelli tutti, 8). Nhân phẩm của chúng ta không bị bán, không được cho thuê, không bị mất đi. Hãy ngẩng cao đầu: Tôi là một người con xứng đáng của Thiên Chúa. Sự công nhận thật sự phẩm giá của mỗi con người: đây là nền tảng đạo đức, một nền tảng phổ quát, cũng là trọng tâm của học thuyết xã hội Kitô giáo. Điều kiện thứ hai là sự cởi mở tin cậy đối với Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người; và đây là “men” mà chúng ta, những người có đức tin, được kêu gọi cống hiến. (xem sđd, 272).
Nếu có những điều kiện này, giấc mơ có thể được hiện thực trong cuộc hành trình hàng ngày, được tạo thành từ các bước cụ thể, từ xung đột đến hiệp thông, từ thù hận đến yêu thương, từ chạy trốn đến gặp gỡ. Một cuộc hành trình kiên nhẫn, ngày này qua ngày khác, dẫn chúng ta vào vùng đất mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta, vùng đất mà khi được hỏi: “Bạn là ai?”, các bạn có thể trả lời một cách cởi mở: “Hãy xem, tôi là anh em của bạn. Bạn không nhận ra tôi?”. “Tôi là chị em của bạn”.
Lắng nghe các bạn nói, nhìn vào mặt các bạn, trí nhớ đi xa hơn, nó đi đến đau khổ. Các bạn đã đến đây: nhưng còn lại bao nhiêu anh chị em của các bạn nằm lại trên đường? Có bao nhiêu người tuyệt vọng bắt đầu cuộc hành trình của mình trong những điều kiện hết sức khó khăn, thậm chí bấp bênh mà chưa thể đến nơi? Chúng ta có thể nói về vùng biển này đã trở thành một nghĩa trang lớn. Nhìn các bạn, tôi quan sát những đau khổ của cuộc hành trình, biết bao nhiêu người bị bắt cóc, bị bán, bị bóc lột…, họ vẫn đang trên đường đi, chúng ta không biết ở đâu. Đó là câu chuyện về một chế độ nô lệ, một chế độ nô lệ hoàn vũ. Chúng ta quan sát những gì xảy ra, và điều tồi tệ nhất là chúng ta đã quen với nó. “À, phải, hôm nay có một chiếc thuyền bị chìm, ở đó… mất tích rất nhiều…”. Nhưng nhìn xem, sự quen dần này là một căn bệnh nguy hiểm, nó là một căn bệnh rất nghiêm trọng và không có thuốc kháng sinh cho căn bệnh này! Chúng ta phải chống lại thói quen quen đọc những bi kịch này trên báo chí hoặc nghe chúng trên các phương tiện truyền thông khác. Nhìn các bạn, tôi nghĩ đến nhiều người đã phải quay lại vì bị họ từ chối và kết thúc trong các trại tập trung, trại tập trung thực sự, nơi phụ nữ bị bán, đàn ông bị tra tấn, bị bắt làm nô lệ … Chúng ta than phiền khi đọc những câu chuyện về các trại tập trung của thế kỷ trước, của Đức Quốc xã, của Stalin; chúng ta phàn nàn khi thấy điều này và chúng ta nói: “nhưng tại sao điều này lại xảy ra?”. Thưa anh chị em: nó đang xảy ra ngày hôm nay, ở các bờ biển gần đây! Những nơi chốn của chế độ nô lệ. Tôi đã xem một số chứng tá được ghi hình về điều này: những nơi bị tra tấn, những nơi buôn người. Tôi nói điều này vì trách nhiệm của tôi là giúp các bạn mở mang tầm mắt. Di cư bắt buộc không phải là một thói quen như của khách du lịch: làm ơn! Và tội lỗi trong lòng chúng ta khiến chúng ta suy nghĩ như thế này: “Ôi, những người tội nghiệp, tội nghiệp!”. Và với lời than “những người tội nghiệp” đó chúng ta xóa bỏ tất cả mọi thứ. Đó là cuộc chiến của thời điểm này, là nỗi thống khổ của anh chị em mà chúng ta không thể im lặng. Những người đã cho tất cả những gì họ có để lên thuyền, vào ban đêm, và sau đó … không biết liệu họ có đến nơi hay không … Và sau đó, nhiều người đã bị từ chối và kết thúc trong các trại tập trung, những nơi thực sự bị giam giữ, tra tấn và nô lệ.
Đây là câu chuyện của nền văn minh phát triển này, mà chúng ta gọi là phương Tây. Và sau đó – xin phép, nhưng tôi xin nói ra những gì trong lòng, ít nhất là cầu nguyện cho nhau và làm một điều gì đó – và rồi, dây thép gai. Tôi thấy một điều ở đây: đây là một cuộc chiến tranh hận thù chia cắt một đất nước. Nhưng những sợi dây thép gai, ở những nơi khác, nơi chúng được đưa ra để không cho người tị nạn vào, người đến để xin tự do, bánh mì, sự giúp đỡ, tình anh em, niềm vui, người đang chạy trốn khỏi hận thù và phải đối mặt với với một mối hận thù được gọi là hàng rào thép gai. Xin Chúa đánh thức lương tâm của tất cả chúng ta khi đối mặt với những điều này.
Và xin lỗi nếu tôi đã nói những điều như chúng vốn là, nhưng chúng ta không thể im lặng và ngoảnh mặt đi, trong nền văn hóa thờ ơ này.
Cầu xin Chúa ban phước lành cho tất cả các bạn! Cảm ơn.
(Vatican News 03.12.2021)