Diễn từ của Đức Thánh Cha dành cho Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền dòng nam
DIỄN TỪ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
DÀNH CHO LIÊN HIỆP CÁC BỀ TRÊN TỔNG QUYỀN DÒNG NAM
Sáng ngày 26. 11. 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp khoảng 150 tham dự viên Đại hội lần thứ 98 của Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền dòng nam (Union of Superiors General – USG) được tổ chức tại Roma từ ngày 23 tới 26. 11. 2022.
Với chủ đề “Fratelli tutti: Được kêu gọi trở thành những người kiến tạo hòa bình”, Đại hội tập trung vào (1) cam kết của Giáo hội đối với việc thúc đẩy hòa bình trên thế giới; (2) thông qua các chương trình đào tạo dành cho những người nam nữ thánh hiến; và (3) cam kết chung của USG và UISG (Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền dòng nữ- International Union Superiors General) đối với hòa bình, công lý và sự toàn vẹn của thụ tạo.
Sau đây là nội dung bài Diễn từ của Đức Thánh Cha:
Anh em thân mến, xin chào anh em!
Tôi vui mừng chào đón tất cả anh em, các thành viên của Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền, cùng với Đức Tổng Giám mục Thư ký Thánh Bộ Đời sống Thánh hiến và Tu đoàn Tông đồ. Tôi cảm ơn cha Arturo Sosa vì những lời tốt đẹp của cha.
Trong Đại hội, dựa trên Thông điệp Fratelli Tutti, anh em đã đề cập đến chủ đề, “Được kêu gọi trở thành những người kiến tạo hòa bình”. Đây là một lời kêu gọi cấp thiết liên quan đến mọi người, nhất là những người thánh hiến: Hãy trở thành những người kiến tạo hòa bình, sự hòa bình mà Đức Chúa đã trao ban và làm cho chúng ta trở thành anh chị em của nhau: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng” (Ga 14, 27).
Bình an mà Chúa Giêsu ban tặng cho chúng ta là bình an nào, và bình an đó khác với bình an của thế gian như thế nào? Trong thời đại này, nghe đến từ “Hoà bình” chúng ta nghĩ ngay đến một tình trạng không có chiến tranh hoặc kết thúc chiến tranh, một trạng thái yên bình và hạnh phúc. Điều này, như chúng ta biết, không hoàn toàn tương ứng với ý nghĩa của từ shalom trong tiếng Do Thái, mà trong bối cảnh Kinh thánh vốn có ý nghĩa phong phú hơn nhiều.
Bình an của Chúa Giêsu trên hết là hồng ân của Người, là hoa trái của đức ái. Bình an ấy không bao giờ là sự thành tựu của con người; và từ hồng ân này, đó là tổng thể hài hòa của các mối tương quan với Thiên Chúa, với chính mình, với người khác và với thụ tạo. Bình an còn là kinh nghiệm về lòng thương xót, tha thứ và nhân từ của Thiên Chúa, giúp chúng ta có khả năng thực thi lòng thương xót, tha thứ, khước từ mọi hình thức bạo lực và áp bức. Đây là lý do tại sao hồng ân bình an của Thiên Chúa không thể tách rời khỏi việc trở thành những người xây dựng và chứng nhân cho hòa bình. Như Thông điệp Fratelli Tutti đã nói, “những người kiến tạo hòa bình đầy khôn ngoan và táo bạo, sẵn sàng thực hiện các tiến trình chữa lành và tìm gặp lại nhau” (số 225).
Như Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta, Chúa Giêsu đã phá bỏ bức tường ngăn cách là sự thù hận giữa con người với nhau, và giao hòa họ với Thiên Chúa (x. Eph 2, 14-16). Sự hòa giải này xác định những cách thức để trở thành “những người kiến tạo hòa bình” (Mt 5, 9) bởi vì, như chúng ta đã đề cập trên đây, hòa bình không chỉ đơn thuần là không có chiến tranh, cũng không phải là sự cân bằng giữa các lực lượng đối lập (x. Hiến chế Gaudium et Spes, 78). Trái lại, hòa bình dựa trên việc thừa nhận phẩm giá của con người, và đòi hỏi một trật tự mà trong đó công lý, lòng thương xót và sự thật đều hoạt động không thể tách rời (x. Fratelli Tutti, 227).
Do đó, “kiến tạo hòa bình” là một công trình thủ công, được thực hiện với niềm đam mê, sự kiên nhẫn, kinh nghiệm, bền bỉ, vì đó là một tiến trình kéo dài theo thời gian (x. sđd. 226). Hòa bình không phải là một sản phẩm công nghiệp mà là một tác phẩm thủ công. Hòa bình không được chế tạo một cách máy móc mà cần có sự lao tác khôn ngoan của con người. Hòa bình không được sản xuất hàng loạt chỉ với sự phát triển của công nghệ mà đòi hỏi sự phát triển của con người. Đây là lý do tại sao tiến trình hòa bình không thể được ủy thác cho các nhà ngoại giao hoặc quân đội: Hòa bình là trách nhiệm của mỗi người và tất cả mọi người.
“Phúc thay ai xây dựng hoà bình” (Mt 5, 9). Phúc cho chúng ta, những người được thánh hiến, nếu chúng ta dấn thân gieo rắc hòa bình bằng những hành động hàng ngày qua những thái độ và cử chỉ phục vụ, tình huynh đệ, đối thoại, và lòng thương xót; và nếu trong lời cầu nguyện, chúng ta không ngừng khẩn cầu Chúa Giêsu Kitô, Đấng là “bình an của chúng ta”, (Eph 2, 14) ban cho chúng ta hồng ân bình an. Nhờ đó, đời sống thánh hiến có thể trở thành một lời tiên báo về hồng ân này, nếu những người thánh hiến học cách trở thành những nghệ nhân của hoà bình, bắt đầu từ chính cộng đoàn của mình, xây dựng những nhịp cầu chứ không phải những bức tường bên trong và bên ngoài cộng đoàn. Khi mọi người đều đóng góp bằng việc chu toàn bổn phận của mình trong đức ái, thì ắt sẽ có hòa bình trong cộng đoàn. Thế giới cần chúng ta, những người nam nữ thánh hiến, và cũng là những nghệ nhân của hòa bình!
Thưa anh em, khi suy tư về hòa bình cũng dẫn tôi đến việc xem xét một khía cạnh đặc trưng khác của đời sống thánh hiến đó là Tính Hiệp hành, mà tiến trình hiệp hành này, tất cả chúng ta được mời gọi tham gia như là thành viên của Dân thánh Chúa. Hơn nữa, như là những người thánh hiến, chúng ta được mời gọi cách cụ thể để tham gia tiến trình này, vì đời sống thánh hiến tự bản chất là hiệp hành. Đời sống thánh hiến cũng bao hàm nhiều cơ cấu có thể thúc đẩy tính hiệp hành: tôi đang nghĩ đến các tu nghị – tổng hội, tỉnh hội, hoặc hội đồng miền, và địa phương– các cuộc kinh lý và viếng thăm huynh đệ, các hội nghị, ủy ban và các cơ cấu khác dành riêng cho mỗi Hội dòng.
Tôi biết ơn những người đã và đang cống hiến cho hành trình này dù ở nhiều cấp độ, và lĩnh vực tham gia khác nhau. Xin cảm ơn anh em đã làm cho tiếng nói của anh em được lắng nghe với tư cách là những người thánh hiến. Nhưng, như chúng ta biết rõ, có các cơ cấu hiệp hành thì vẫn chưa đủ. Chúng ta còn cần phải “xem xét lại”, đó là trước hết hãy tự vấn: những cơ cấu này được chuẩn bị và áp dụng như thế nào?
Trong bối cảnh này, cũng cần phải xem xét lại, và có lẽ cũng cần phải sửa đổi lại cung cách thực thi quyền bính. Thật vậy, cần phải cảnh giác trước nguy cơ việc thực thi quyền bính có thể suy thoái thành những hình thức độc đoán, đôi khi chuyên quyền, với những lạm dụng lương tâm hoặc thiêng liêng, vốn cũng là cơ sở thuận lợi cho lạm dụng tình dục, bởi vì con người và các quyền của họ không còn được tôn trọng. Ngoài ra, vẫn có nguy cơ là quyền bính được thực thi như một đặc quyền, dành cho những người nắm giữ nó hoặc cho những người ủng hộ nó, do đó, cũng là một hình thức đồng lõa giữa các bên, để mỗi bên có thể làm theo ý mình, và vì thế, thúc đẩy một cách nghịch lý một loại tình trạng hỗn loạn, gây ra rất nhiều thiệt hại cho cộng đoàn.
Tôi mong rằng tính phục vụ của quyền bính sẽ luôn được thực thi theo cách thế hiệp hành, tôn trọng quyền bính hợp pháp và các trung gian mà quyền bính cung cấp, để tránh chủ nghĩa độc đoán, đặc quyền, và thái độ “muốn ra sao thì ra”; nuôi dưỡng bầu khí lắng nghe, tôn trọng lẫn nhau, đối thoại, tham gia và chia sẻ. Với chứng tá của mình, những người thánh hiến có thể cống hiến rất nhiều cho Giáo hội trong tiến trình hiệp hành mà chúng ta đang trải qua. Miễn là anh em là người đầu tiên trải nghiệm điều đó: bước đi cùng nhau, lắng nghe nhau, đánh giá cao những ân sủng khác nhau, và trở thành những cộng đoàn chào đón.
Từ quan điểm này, các lộ trình đánh giá năng lực và sự phù hợp cũng là một phần của tiến trình hiệp hành, nhờ đó việc đổi mới thế hệ lãnh đạo của các Hội dòng có thể diễn ra theo cách tốt nhất. Không có sự ứng biến. Thật vậy, để hiểu được những vấn đề hiện tại, thường là những vấn đề mới và phức tạp, đòi phải được đào tạo đầy đủ, nếu không, người ta sẽ chẳng biết phải đi đâu và đành “tới đâu thì tới”. Ngoài ra, việc tổ chức lại hoặc tái cơ cấu một Hội dòng phải luôn được thực hiện nhằm bảo vệ sự hiệp thông, để không biến mọi thứ thành sự hiệp nhất của các giới hạn, điều mà sau đó có thể gây khó khăn cho việc điều hành hoặc gây ra xung đột. Về vấn đề này, điều quan trọng là các Bề trên phải cẩn thận để tránh việc một số người quá bận rộn, bởi vì điều này không chỉ gây hại cho đương sự, mà còn tạo ra căng thẳng trong cộng đoàn.
Anh em thân mến, xin cảm ơn anh em vì cuộc gặp gỡ này! Tôi cầu chúc anh em tiếp tục sứ mạng phục vụ của mình một cách thanh thản và hiệu quả, và trở thành những nghệ nhân của hòa bình. Xin Đức Mẹ đồng hành với anh em. Tôi ưu ái ban phép lành cho anh em, xin anh em cũng cầu nguyện cho tôi.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm