ÐI TÌM MỘT HƯỚNG LINH ÐẠO GIA ÐÌNH
ÐI TÌM MỘT HƯỚNG LINH ÐẠO GIA ÐÌNH
Gia đình phải là môi trường chúng ta sống đạo để nên thánh trong sự cầu nguyện, yêu thương và quên mình, lao động và giáo dục. Ngoài sinh hoạt gia đình có nhiều bạn còn có cơ hội phục vụ trong các sinh hoạt của giáo xứ và xã hội.
Ở mỗi phần, tôi xin trình bày một vài đường nét linh đạo, gợi ra một số vấn đề để giúp chúng ta đi sâu vào thảo luận, đó mới là đề tài chính của chúng ta.
I * GIA ÐÌNH – NHÀ CẦU NGUYỆN
1 ) Gia đình là môi trường nên thánh.
Ngày nay người ta hay nói nhiều về nền linh đạo giáo dân. Ðiều này có nghĩa là không chỉ có các tu sĩ, giáo sĩ mới cần đến linh đạo mà ngay cả giáo dân, những người sống đời gia đình cũng cần đến những con đường để nên thánh. Nên thánh, nên trọn lành hay nói chung là sống đạo là điểm hội tụ chung của mọi tín hữu, không phân biệt giáo phẩm, tu sĩ hay giáo dân. Thế nhưng cách sống đạo của mỗi nếp, mỗi người có khác nhau.
Nếu thánh thiện là sự trọn hảo của tình yêu thì còn ở đâu hơn gia đình, vì “gia đình được hình thành bởi tình yêu và hơi thở của gia đình là yêu thương”. Ðể vững tâm trên nẻo đường thiêng liêng, chúng ta cùng xác định một vài ý nghĩa cao quý của nếp sống gia đình:
Dấu ấn tình yêu:
Bí tích Hôn Phối là dấu ấn tình yêu và chúc lành của Thiên Chúa. “Thiên Chúa đã tạo thành con người có nam có nữ, nên tình yêu của hai người đối với nhau là hình ảnh của tình yêu tuyệt đối và bất diệt mà Thiên Chúa dành cho con người… Tình yêu này đã được Thiên Chúa chúc phúc để trở nên sai trái và được thực hiện trong công cuộc chung là bảo vệ việc sáng tạo của Thiên Chúa” (Giáo Lý HTCG số 1064).
Kiện toàn nhờ ân sủng:
Con người không thể noi gương bắt chước và sống mô phỏng tình yêu của Chúa bằng sức lực đơn phương của mình. “Con người chỉ có khả năng đối với tình yêu ấy một khi cậy dựa vào ân huệ của Thiên Chúa mà thôi” (ÐGH GIOAN PHAOLÔ II, Veritatis splendor 22). Thực vậy bí tích Hôn Phối cũng có những “ân sủng riêng dành để kiện toàn tình yêu của hai người phối ngẫu, củng cố sự đơn nhất bất khả đoạn tiêu của họ.” (GLHTCG số 1641). Nhờ ân sủng khả thi này “họ giúp nhau nên thánh trong cuộc sống vợ chồng, trong sự đón nhận và giáo dục con cái” (Hiến chế về Giáo Hội số 11).
Nối bước theo Chúa:
Không chỉ các tu sĩ mà ngay cả các bạn, những giáo dân, cũng được mời gọi nối gót theo Chúa: “Trở thành môn đệ của Chúa Giêsu là chấp nhận lời mời gọi hãy thuộc về gia đình của Thiên Chúa, sống phù hợp với lối sống của Ngài ‘bằng cách làm theo ý Cha trên trời’ (Mt 12,49)” (GLHTCG 2233).
Như vậy, dù sống đời đôi bạn, các bạn cũng được kêu gọi nên thánh ngay trong môi trường là gia đình của các bạn; và để vững bước giữa những giông tố của cuộc đời, các bạn hãy biến gia đình mình thành nhà cầu nguyện.
2 ) Gia đình là Hội Thánh tại gia:
Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI trong Tông huấn về việc tôn sùng Ðức Maria (Marialis cultus) đã gọi gia đình là ‘Giáo Hội tại gia’, là Hội Thánh thu hẹp, để nói lên đặc tính cầu nguyện nơi mỗi gia đình. Gia đình phải là nơi tụ họp để mọi người hiệp thông trong kinh nguyện, chia sẻ và sống Lời Chúa. Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng nhắn nhủ: “Mỗi ngày anh chị em hãy dành một ít thời giờ để chuyện vãn với Thiên Chúa, để chứng tỏ anh chị em yêu mến Ngài cách chân thành, bởi tình yêu luôn luôn tìm cách gần gũi người mình yêu. Vậy thì cầu nguyện phải được coi trọng hơn hết mọi thứ. Ai không nghĩ tới cầu nguyện và không cầu nguyện thì không thể tự biện minh là thiếu thì giờ, nhưng cái họ thiếu chính là thiếu tình yêu” (Dix répères pour l’an 2000, Desclée de Brouwer 1994, 78-79).
Nếu cầu nguyện là quan trọng như thế thì gia đình phải làm thế nào để cùng cầu nguyện?
Cầu nguyện ‘với nhau’:
Có người nói nơi hẹn hò của mọi thành viên trong gia đình Công Giáo không chỉ là bàn cơm, hay phòng khách mà còn là bàn thờ Chúa. Cả gia đình cùng quây quần trước bàn thờ và nên một trong kinh nguyện vẫn luôn là hình ảnh đẹp và rất cần. Tuy nhiên, trong nhịp sống bận rộn và hối hả hôm nay, xem ra hình ảnh ấy càng ngày càng phai lạt. Các bạn thử bàn luận xem đâu là lý do làm cản trở việc đọc kinh chung này, có thể vượt qua hay có cách nào khác để thay thế chăng ?
Không lẽ vợ chồng nên một với nhau trong thân xác, trong tâm hồn, trong công việc mà lại không nên một trong chiều sâu nhất của đời sống đức tin và kinh nguyện?
Cầu nguyện ‘cho nhau’:
Gia đình cầu nguyện còn là cầu nguyện cho nhau xuyên qua chính những biến cố của cuộc sống gia đình: những lo âu và hy vọng, vui mừng và chán nản, thành công và thất bại, cả những cãi cọ và giảng hoà, sứt mẻ và hàn gắn… Tất cả trở thành chất liệu dù là thô sơ mộc mạc nhưng lại rất cụ thể và hữu ích vì đó là những lời kinh được thốt lên từ giữa lòng cuộc sống. Ðọc kinh như thế cũng là cách giáo dục con cái bước vào đời sống tin tưởng phó thác, thông cảm và xí xoá cho nhau để cùng tiếp xúc thân mật với Thiên Chúa.
Tôi còn nhớ mãi hồi nhỏ, khi ba tôi còn sống, ông tổ chức gia đình đọc kinh ngắn gọn rồi chia sẻ Lời Chúa. Chính trong lúc chia sẻ này, mỗi người trong gia đình tôi được tự do nói lên ngay cả những bực tức bào chữa của mình, hoặc bày tỏ thống hối rồi cuối cùng ba tôi răn dạy, giảng hoà trước khi cùng cầu nguyện chung. Phải thú nhận rằng có những buổi tối đọc kinh mà nước mắt hoà chung với lời kinh, đó là những giọt lệ của tức tối nhưng cũng là những giọt lệ của hối hận và mừng vui.
Nhắc nhau cầu nguyện:
Nếu các bạn thấy không thuận lợi để đọc kinh chung thì tại sao chúng ta lại không có bổn phận nhắc nhau cầu nguyện riêng nhỉ? Dù chỉ là một vài phút ngắn ngủi, dù chỉ là một vài cử chỉ đơn sơ như dấu thánh giá, dù chỉ là đọc lời kinh Chúa dạy như kinh Lạy Cha. Trên giường ngủ, người mẹ lại không thể dùng tay mình ghi dấu thánh giá trên con cái trước khi đặt một nụ hôn trên chúng hay sao? Vợ chồng lại không thể ghi dấu thánh giá cho nhau như vậy sao? Rất ý nghĩa và đầy ý vị đấy, các bạn hãy thử coi !
Phải thực tế một chút và cũng lãng mạn một chút mới làm cho gia đình bạn đầy hương vị và ấm cúng.
II * GIA ÐÌNH – TỔ ẤM YÊU THƯƠNG VÀ QUÊN MÌNH
Vừa rồi chúng ta nói đến gia đình sống đạo trong cầu nguyện, nhưng sống đạo đâu chỉ hạn hẹp trong những giờ kinh. Sống đạo còn được biểu hiện sâu sắc ngay trong tình yêu, bởi lẽ ‘gia đình là cộng đoàn được hình thành bởi tình yêu, với hơi thở là yêu thương và là nơi khám phá yêu thương như lẽ sống cuộc đời’.
1 ) Gia đình phải là một tổ ấm.
Làm thế nào để gia đình được hạnh phúc ?
Các sách báo đề cập nhiều đến vấn đề này. Ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh sống yêu thương trong gia đình, và muốn các bạn chia sẻ: làm thế nào để trong gia đình mọi người được sống trong dòng chảy yêu thương và để từ nơi gia đình khám phá ra tình thương?
Sống thế nào để gia đình thực sự là mái ấm, càng xa càng nhớ, càng ở trong càng cảm nghiệm thấm thía mà không bao giờ muốn xa rời. Ðừng để gia đình mình thành ngục tù mà trong đó bố mẹ hay con cái đều muốn đi cho khuất mắt, cho yên thân. Ngục tù ấy có thể có nơi gia đình quá nuông chiều, nghĩa là có tình thương nhưng là tình thương không đúng cách, hoặc nơi gia đình có cha mẹ nghiện ngập, cờ bạc và thường đi đôi với thái độ thô lỗ, hành hạ nhau, hoặc nơi gia đình không có sự thuận hoà, ‘ông ăn chả, bà ăn nem’. Cả ba loại gia đình ấy đều không có tình thương. Khi gia đình không còn là mái ấm tình thương, người cha không còn ngó ngàng đến vợ con, người mẹ bỏ mặc chồng con xoay sở, và con cái chẳng còn thiết tha đến gia đình. Mọi thành viên trong gia đình đã bị tước đoạt cơ hội khám phá ý nghĩa đích thực của đời sống để rồi biến cuộc đời thành những chuyến đi vô định.
Vậy lối sống đạo tình thương nơi gia đình đặt trên cơ sở nào, hay đúng hơn phải tự đặt câu hỏi: tôi đã sống thế nào đối với mọi người trong gia đình ?
2 ) Gia đình cũng là nơi từ bỏ mình.
Từ bỏ đây không bao giờ có nghĩa là bỏ nhà, nhưng có thể nói theo nhận xét của của nhà phân tâm học V. Frankl: gia đình chính là nơi cho con người cảm nghiệm hằng ngày lối sống ra khỏi bản thân để đến với người khác, lo cho người khác, và cũng nhờ đó, khám phá ý nghĩa cuộc đời là hy sinh cho nhau và sống cho nhau.
Tình yêu là cho đi tất cả, cho đi cái sâu thẳm nhất là ‘cái tôi’ của mình. Tình yêu ấy không có lựa chọn nào khác ngoài lựa chọn bước theo Chúa Kitô: “Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá hằng ngày mà theo tôi” (Mc 8,34). Gia đình Công Giáo không thể đi ra ngoài con đường đó đâu ! Lúc này chúng ta có thể nói mạnh như F. Varillon: “Tiêu chuẩn chắc chắn và duy nhất cho sự đúng đắn về mặt thiêng liêng là thập giá. Tất cả những gì dẫn đến thập giá đều mang chất Kitô nghiêm túc. Tất cả những gì loại trừ thập giá hay bóp méo chỉ là giả hiệu”. Vợ chồng phải chấp nhận bị mài dũa, bỏ đi những gì mà mình cho là đúng mới có thể nên một và hài hoà. Phải bỏ mình nhiều lắm thì khoảng cách giữa cha mẹ và con cái mới nhích lại gần sự đầm ấm yên vui.
Giáo dân ta thường nói: “Thánh giá Chúa gửi đến cho gia đình”. Ðó cũng là một lối nhìn của đức tin. Nhưng thánh giá đâu chỉ là những khó khăn thử thách như thế ! Thánh giá còn là quà tặng mỗi ngày nếu hiểu thánh giá là từ bỏ chính mình. Khi thể hiện tiếng gọi bỏ mình trong đời sống gia đình là chúng ta tin rằng nỗ lực ấy không luống công vô ích nhưng đơm hoa kết trái cho cuộc sống an vui và hạnh phúc lâu dài.
Như vậy, nên thánh là yêu thương và từ bỏ, yêu thương đến mức trọn hảo, và từ bỏ đến chỗ hy sinh chính mình vì tình yêu đòi hỏi đến vô cùng vô tận, nhưng tình yêu cũng bao dung tất cả, tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả ngay trong lao động và giáo dục.
III * GIA ÐÌNH – NƠI LAO ÐỘNG VÀ GIÁO DỤC.
Chúng ta đã nói đến con đường nên thánh bằng cầu nguyện, bằng nỗ lực sống yêu thương, giờ đây chúng ta bàn đến nên thánh bằng mồ hôi nước mắt, bằng bàn tay và khối óc, bằng lời nói và gương lành. Ðó là cả nhà cùng làm việc và trau dồi nhân cách.
1 ) Gia đình là động cơ để lao động hết mình.
Trong hầu các thư của các bạn gửi đến cho tôi cáo lỗi về sự chậm trễ hay, lý do đều là quá bận rộn công việc không còn thời giờ rảnh rang để ngồi viết cho nhau. Tôi tự hỏi điều gì đã khiến các bạn phải lao nhọc đến thế ? Ðúng là miếng cơm manh áo, đúng là lo cho vợ cho con, đúng hơn là các bạn phải gánh vác mọi trách vụ gia đình. (Hy vọng rằng tôi không phải nghe nói: ‘Anh ấy chẳng lo đến gia đình gì cả, tối ngày nhậu nhẹt, cờ bạc…’).
Bắt đầu đời gia đình là bắt đầu đời sống lao nhọc và lo lắng. Lo lắng vì phải tìm kế sinh nhai, phải lo cho con cái nên người, và khổ nhọc vì phải cố gắng hơn, phải làm hết mình vì tổ ấm và tương lai của gia đình mình. Có thể nói không ai trong các bạn mà không ưu tư về khả năng, công việc và sự nỗ lực của mình. Thế nhưng tôi muốn các bạn trao đổi với nhau: Tại sao những thất bại cứ xui sẻo đeo đuổi từng người? Làm sao để tạo được niềm tin nơi những người gầy dựng cơ nghiệp cho mình ? Có cần thiết phải tức tốc vượt qua từ kinh tế lệ thuộc đến kinh tế độc lập cho gia đình mình không?
Lao động hết mình:
Người ta thường nói: sống bao lâu không quan trọng, điều cần thiết là sống như thế nào Ở đây tôi cũng muốn nói: thành công hay thất bại nhiều khi vượt quá sức con người, nhưng điều quan trọng và cốt yếu là tôi đã làm việc như thế nào Không thể đổ lỗi vì bạn bè mà chểnh mảng gia đình, không thể vì việc chung mà bỏ việc nhà, và không thể vì sự nhàn hạ cá nhân mà bắt gia đình phải khổ cực. Dĩ nhiên chúng ta không loại bỏ những khía cạnh khác trong lao động như hoàn cảnh cơ may, khôn ngoan tính toán … để có thể ‘ăn nên làm ra’. Ðây là điều tự vấn lương tâm của mỗi người.
Lao động quên mình:
Tôi biết có bạn lúng túng trong vấn đề này, có người kinh tế lệ thuộc mà vẫn tự do độc lập, và có người kinh tế độc lập mà vẫn tùy thuộc. Tôi nghĩ là phải đánh tan mặc cảm lệ thuộc trong lao động của mình. Ðừng quá quan trọng vấn đề tùy thuộc hay độc lập, nhưng hãy tự hỏi:
tôi có biết quên mình vì người khác không?Có dám cùng nhau hy sinh để nghĩ đến nội ngoại, quên bản thân mình mà lo cho anh chị em mình không?
Vấn đề chỉ có thể giải quyết được nếu như có tình yêu ở trong lao động. Ky cóp cả đời mà chỉ lo giữ riêng cho mình thì khác nào đưa hai bàn tay nhỏ bé ra mà giữ nước, nước sẽ vụt khỏi kẽ tay mà đi mất. Tốt hơn hãy hoà mình vào dòng sông chảy của tình thương.
Lao động trong niềm tin:
Nếu tạo sự tun tưởng làm ăn lâu dài là cần thiết thì lao động trong cái nhìn của đức tin còn quan trọng hơn. Nếu không có ánh sáng đức tin soi dẫn, lao nhọc đời này rồi cũng có lúc mù mờ, ngột ngạt làm con người mất hướng, chao đảo trong thất bại và ngay cả trong thành công. Cái nhìn đức tin sẽ giúp chúng ta xác định hướng đi trong lao động.
Theo Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II “Lao động phải giúp con người trở nên tốt hơn, chín chắn hơn về tinh thần, có trách nhiệm hơn, để con người thể hiện được ơn gọi của mình trên trái đất như một ngôi vị tuyệt đối duy nhất và trong cộng đồng nhân loại cơ bản là gia đình”. Theo công đồng Vatican II (Giáo Hội 41), lao động là con đường dẫn tới sự thánh thiện vì nó cho ta cơ hội để hoàn thiện chính mình, giúp đỡ mọi người và làm cho cả xã hội và thiên nhiên tiến bộ.
Dù công việc làm ăn có chiếm nhiều thời gian trong đời sống gia đình, nhưng không vì đó mà lơ là vấn đề giáo dục.
2 ) Gia đình là nơi lớn lên trong nhân cách.
Theo dõi báo đài chúng ta thấy không biết bao nhiêu cảnh đổ vỡ gia đình,ngoại hôn, ly dị, bất hiếu, bụi đời … Thảm cảnh gia đình đe doạ đến hạnh phúc mọi người. Quan tâm đến vấn đề này thì không thể không để mắt đến giáo dục trong gia đình. Không chỉ con cái mới cần được giáo dục, mà ngay cả bậc làm cha mẹ cũng cần được lớn lên trong nhân cách của gia đình mình.
Thiết tưởng chúng ta cần nhìn vào mẫu gương gia đình Nagiarét để tìm ra những nét chỉ đạo cho gia đình.
Thánh Giuse, người chồng và người cha:
Giuse là một tranh thanh niên trẻ trung yêu đời, chàng cũng ước mơ một gia đình hạnh phúc như cô bạn Maria vậy. Họ đã chọn nhau để xây dựng tổ ấm, thế nhưng chương trình và ý định Thiên Chúa đã can thiệp kịp thời vào đời sống của Giuse và Maria nên mọi sự đã xoay chiều đổi hướng.
Thánh Giuse vẫn là một người chồng, chồng của Ðức Maria, đấng được Thiên Chúa tuyển chọn để đưa Ngôi Lời vào đời. Giuse chính là chỗ cậy dựa của Maria, là người chia sẻ buồn vui trong mọi biến cố của gia đình. Giuse vẫn một lòng yêu thương kính trọng với những săn sóc đầy tình nghĩa đậm đà mà chắc hẳn Maria hằng phải để tâm suy niệm trong lòng.
Thánh Giuse vẫn là một người cha, người cha của Ðấng Cứu Ðộ nhân loại. Chắc hẳn Ðức Giêsu đã phải cảm nghiệm được tình thương săn sóc của cha mình là thánh Giuse. Là người chồng, người cha trong mái ấm gia đình Nagiarét, nhân cách của thánh Giuse đã lớn lên theo một định hướng rõ rệt: âm thầm thực hiện tất cả những gì Thiên Chúa muốn, bất chấp những khó khăn vất vả và khó hiểu nữa.
Như thế, thánh Giuse không còn sống cho riêng mình nhưng sống cho vợ con, cho kế hoạch của cứu độ của Thiên Chúa và cho cả chúng ta ngày nay.
Ðức Maria, người vợ và người mẹ:
Ðức Trinh Nữ Maria vẫn là người vợ – người vợ theo pháp lý của thánh Giuse – vẫn một lòng yêu thương và kính trọng bạn mình trong ý định quan phòng của Thiên Chúa để con trẻ Giêsu được lớn lên trong mái ấm gia đình. Sự kiện Ðức Maria để tâm cất giữ Lời Chúa trong lòng mà Phúc Âm hay nhắc tới, cho phép chúng ta suy diễn Mẹ Maria cũng luôn lắng nghe tâm tư dự tính của chồng con. Thật vậy, Ðức Maria sắp sinh nở mà vẫn cùng thánh Giuse về quê quán khai sổ theo lệnh của chính quyền, đang thời con mọn mà vẫn lên đường tìm nơi ẩn nấp an toàn cho tính mạng của con trẻ Giêsu khỏi sự săn lùng của vua Hêrôđê, và Mẹ cũng không thể không lo lắng khi con trẻ Giêsu không về lễ cùng với thánh Giuse. Tất cả cho thấy Ðức Maria đã tỏ ra dũng cảm, phấn đấu trước những trắc trở của cuộc đời, dung hợp được ý muốn của Thiên Chúa với ý định của chồng mình là thánh Giuse.
Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong thông điệp ‘Thân Mẫu Ðấng Cứu Thế” số 46, cũng làm nổi bật nhân cách của Ðức Maria như: “khả năng trao ban hết mình vì tình yêu, sức mạnh chịu đựng những phiền muộn, trung thành vô bờ bến và tận tụy không biết mệt mỏi”. Chắc chắn ân phúc của Thiên Chúa hằng đổ đầy trên Ðức Maria trong tình gia đình, thương con thương chồng, cùng chồng nuôi con khôn lớn.
Ðức Giêsu, người con hiếu thảo:
Phúc Âm Luca (2,52) chỉ ghi lại vỏn vẹn: “Ðức Giêsu, ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến”. Duy chỉ câu đó cũng cho thấy Ðức Giêsu lớn lên trong nhân cách là con hiếu thảo trong gia đình, là trẻ ngoan nơi thôn xóm Nagiarét, là chú thợ mộc chăm chỉ bên cạnh cha mình là Giuse, và nhất là Con chí ái của Cha trên trời.
Cứ nhìn vào cách thế xưng hô và xử sự của Ðức Giêsu với Cha trên trời, chúng ta sẽ hiểu được tấm lòng hiếu thảo của Ngài đối với cha mẹ trần thế là thánh Giuse và Ðức Maria. Ðối với Chúa Cha, Ngài là người Con hoàn toàn tuỳ thuộc vào Cha, một sự tuỳ thuộc đầy lòng yêu mến, tin tưởng toàn diện và tuyệt đối, và coi lương thực dinh dưỡng của mình là làm theo ý Cha (Ga 4,34). Còn đối với cha mẹ trần thế, chắc chắn Ðức Giêsu cũng đầy lòng yêu mến và vâng phục, như Phúc Âm Luca đã minh chứng.
Cứ coi thái độ của Ngài tranh luận với người Do Thái thì biết. Ðức Giêsu rất tôn trọng Luật dạy qua Môsê phải thảo kính cha mẹ (Tl 5,1), đến nỗi Ngài phải phẫn nộ trước cách giải thích bất kính của các người Pharisêu và kinh sư. Theo họ, các của cải dành để giúp đỡ cha mẹ là ‘co-ban’, nghĩa là lễ vật dâng cho Thiên Chúa, và một khi đã giải thích là của dâng cho Thiên Chúa thì không ai được phép dùng của ấy mà phụng dưỡng cha mẹ nữa (Mc 7,10-12). Thử hỏi như thế không phải là bất hiếu sao, không phải là ruồng bỏ cha mẹ có toan tính sao ? Một con người có nhân cách như Ðức Giêsu, làm sao có thể chấp nhận được cách hành xử tệ bạc ấy !
Ðức Giêsu đã hấp thụ được lối sống đạo từ nơi gia đình, đời sống của Ngài phản ánh tâm tình đạo đức của thánh Giuse và Ðức Maria mà chúng ta dễ nhận ra qua những sinh hoạt của Ngài tại Hội Ðường và xã hội.
IV * GIA ÐÌNH TRONG XỨ ÐẠO VÀ XÃ HỘI
1 ) Giáo xứ là hình ảnh của gia đình Thiên Chúa.
Trước đây thần học thường khai triển Giáo Hội là “Nhiệm Thể Chúa Kitô”, rồi Giáo Hội là “Dân Thiên Chúa”, … và bây giờ Giáo Hội là “Gia đình Thiên Chúa”. Huấn quyền trong sách Giáo Lý mới nói rõ: “Tổ ấm gia đình là một nơi tự nhiên dành để giáo hoá con người về tình liên đới và các trách nhiệm đối với cộng đoàn” (GLHTCG 2224), và “họ đạo là cộng đồng Thánh Thể và là trung tâm sinh hoạt phụng vụ của các gia đình Kitô hữu, đó còn là nơi đặc biệt để các trẻ em và các cha mẹ học giáo lý” (GLHTCG 2226).
Trong lãnh vực sinh hoạt giáo xứ này, tôi thấy có nhiều bạn đã hăng say dấn thân phục vụ, đã mở rộng sinh hoạt của gia đình mình sang sinh hoạt của xứ đạo, và coi xứ đạo là gia đình mình. Dĩ nhiên trong lãnh vực này còn đầy dẫy những khó khăn và cản trở sẽ đặt ra khi các các bạn chia sẻ hoạt động tông đồ của mình. Khó khăn cản trở ấy có thể đến từ nhiều phía về khả năng, tuổi tác, đối tượng hợp tác, kế sinh nhai …
Chia sẻ để hiểu rõ chỗ đứng của mình thì chuyện ‘ăn cơm nhà, vác ngà voi’ không còn là cản trở cho sinh hoạt phục vụ xứ đạo và xã hội, và kết quả của việc tông đồ không còn làm chúng ta quá lo lắng nhưng chủ yếu là cách thế làm việc tông đồ của mỗi người.
2 ) Gia đình là ‘tế bào nguyên thủy của sinh hoạt xã hội’.
Tại sao sách Giáo Lý mới (s 2207) gọi gia đình là ‘tế bào nguyên thủy của sinh hoạt xã hội’? Không có gia đình thì không có xã hội. Một xã hội phủ nhận vai trò của gia đình là một xã hội bị hổng chân, chẳng mấy chốc sẽ sụp đổ. Một xã hội có gia đình tốt làm nền tảng sẽ phát triển tốt đẹp. Do đó, dấn thân vào đời sống xã hội là trách nhiệm và nghĩa vụ chính đáng và cao cả của mỗi người.
ÐGH Gioan Phaolô II kêu gọi giáo dân phải “can đảm chứng tỏ lòng tin cậy ở Thiên Chúa, Chúa Tể của lịch sử, và chứng tỏ tình yêu của mình đối với xứ sở bằng cách gắn bó đoàn kết với nhau vì công cuộc phục vụ lương thiện và vô vị lợi trong lãnh vực xã hội” (Dix répères pour l’an 2000, DB 1994, 187). Sự tham gia phục vụ lương thiện và vô vị lợi này của Ðức Gioan Phaolô II còn được giải thích qua sách Giáo Lý là “tự nguyện và quảng đại dấn thân vào các trao đổi xã hội tùy theo chỗ đứng và vai trò của mình lo cho công ích vì bổn phận này gắn liền với phẩm giá của nhân vị con người” (GLHTCG 1913).
Trong các bạn, ai cũng giữ một địa vị nào đó trong xã hội. Có người làm việc cho nhà nước, có người làm việc tư nhân, cũng có người lo việc công ích từ thiện, nhưng tất cả đều trực tiếp hay gián tiếp xây dựng bộ mặt đất nước và xã hội ngày càng tốt đẹp.
Ðó là một đôi điều suy nghĩ của tôi về vấn đề gia đình sống đạo. Chắc chắn đây không hẳn là mô hình lý tưởng mà chỉ là một gợi ý suy tư và thảo luận, chia sẻ và đảm nhận bằng cuộc sống của mỗi người.
Hướng về thiên niên kỷ thứ ba, chúng ta càng phải chuẩn bị ráo riết hơn nữa để tìm cho gia đình mình một hướng linh đạo thích hợp, một nếp sống gia đình thấm nhuần Phúc Âm, và nỗ lực xây dựng con người mới trong gia đình của Thiên Chúa.
Nguyện xin Thánh Giuse cùng với bạn ngài là Ðức Maria, hỗ trợ mỗi người chúng ta trong đời sống đạo hôm nay để dòng chảy yêu thương luân chuyển xuyên suốt mọi hoạt động của chúng ta.
Lm. Phaolô Phạm Công Phương