ĐHY Parolin điện đàm với Ngoại trưởng Nga
ĐHY Parolin điện đàm với Ngoại trưởng Nga
Ngày 8/3/2022, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh đã có cuộc trò chuyện qua điện thoại với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Đức Hồng y lặp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha và bày tỏ sự sẵn sàng làm trung gian theo bất cứ hình thức hoà giải nào.
Điện đàm với Ngoại trưởng Nga, ĐHY Parolin khẳng định Toà Thánh sẵn sàng làm trung gian hoà giải
Trong cuộc điện đàm, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh nhắc lại điều mà Đức Thánh Cha đã yêu cầu nhiều lần, đó là chấm dứt cuộc giao tranh. Và ngài cũng bày tỏ sự sẵn sàng của Tòa Thánh đối với bất kỳ hình thức hòa giải nào được cho là hữu ích để thúc đẩy hòa bình.
Xác nhận tin tức về cuộc điện đàm, giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, ông Matteo Bruni nói: “Đức Hồng y đã chuyển tải mối quan tâm sâu sắc của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với cuộc chiến đang diễn ra ở Ucraina và tái khẳng định những gì Đức Thánh Cha đã nói vào Chúa Nhật tuần trước tại buổi đọc Kinh Truyền Tin. Đặc biệt, ngài nhắc lại lời kêu gọi ngừng các cuộc tấn công vũ trang, đảm bảo hành lang nhân đạo cho dân thường và lực lượng cứu hộ, thay thế bạo lực vũ khí bằng đàm phán”.
Kết thúc cuộc điện đàm, Đức Hồng y Parolin tái khẳng định sự sẵn sàng của Tòa thánh “làm mọi thứ để phục vụ cho nền hòa bình này”.
Tin tức về cuộc trò chuyện được đưa tin bởi cơ quan Interfax, trích dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Mátxcơva. Các nguồn tin Nga cho biết: “Các bên bày tỏ hy vọng rằng vòng đàm phán tiếp theo giữa Mátxcơva và Kiev sẽ sớm diễn ra và đạt được thỏa thuận về các vấn đề quan trọng”.
Đoàn tùy tùng của Ngoại trưởng Lavrov giải thích rằng Ngoại trưởng đã thông báo cho Đức Hồng y Parolin “về các động cơ của Nga liên quan đến nguyên nhân và mục tiêu của hoạt động quân sự đặc biệt được tiến hành ở Ucraina”.
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật vừa qua, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “những gì đang diễn ra ở Ucraina không phải là một hoạt động quân sự, mà là một cuộc chiến.”
Thông cáo của Ngoại trưởng Nga kết luận: “Một điểm nhấn đặc biệt nhắm đến các vấn đề nhân đạo liên quan đến cuộc xung đột, bao gồm các biện pháp bảo vệ dân thường, tổ chức và thực hiện các hành lang nhân đạo, hỗ trợ người tị nạn.” (CSR_924_2022)
Hồng Thủy