ĐHY Parolin: Chăm sóc môi trường một thách đố như đại dịch
ĐHY Parolin: Chăm sóc môi trường một thách đố như đại dịch
Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Liên Hội đồng Giám mục châu Âu (Ccee), hôm thứ Sáu 24/9, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh nhấn mạnh đến các chủ đề: Gia đình và cuộc sống con người, chăm sóc ngôi nhà chung và dấn thân vì hòa bình.
Phân loại rác, một hành động bảo vệ môi trường
Trước hết về gia đình và sự sống, Đức Hồng y nói: “Điều quan trọng là các Giáo hội ở châu Âu hỗ trợ nhau trong việc khẳng định Tin Mừng sự sống nhằm chống lại sự lặp đi lặp lại việc loan báo về cái chết trên lục địa. Mặt khác, châu Âu trải qua một sự giàu có mà trước đây họ chưa từng biết đến và do đó dễ bị cám dỗ loại bỏ những gì dường như là không cần thiết. Đáng tiếc là trong số ‘hàng dư thừa’ này có cả con người. Do đó, điều rất quan trọng là các Giáo hội hỗ trợ nhau trong hoạt động mục vụ để bảo vệ sự sống và đào tạo con người, đặc biệt những người có trách nhiệm chính trị, để ‘văn hóa sự chết’ không thống trị trong hoạt động lập pháp của châu Âu”.
Đối với lĩnh vực môi trường, Quốc vụ khanh Tòa Thánh nhấn mạnh rằng, bảo vệ thụ tạo là một thách đố khác, cùng với đại dịch Covid-19, là một trong những vấn đề cấp bách nhất mà nhân loại phải ứng phó. Vì thế, cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện nay không được ngăn cản cam kết chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, trái lại nó có thể giúp chúng ta mở rộng suy tư và thúc đẩy chúng ta thực hiện những hoạt động cụ thể.
Về phần Giáo hội, Đức Hồng y mời gọi các Giám mục, luôn hướng đến những người đang là nạn nhân của hậu quả của biến đổi khí hậu. Trong số này có người di cư rời bỏ nhà cửa và đất đai của họ do biến đổi khí hậu. Các hướng dẫn mục vụ cụ thể mới phải được áp dụng cho họ, vì thách thức về môi trường đang gây ra sự di cư hàng loạt, mà trong tương lai sẽ còn rõ ràng hơn nữa.
Cuối cùng, về sự dấn thân của Giáo hội cho hòa bình, Đức Hồng y mời gọi các Giám mục dấn thân cùng với các lãnh đạo của các tôn giáo khác, và ý thức rằng hòa bình không có nghĩa là không có chiến tranh, nhưng trước hết là sự dấn thân không mệt mỏi của những ai đang đảm nhận trách nhiệm lớn này. Phải làm sao để phẩm giá của mọi anh chị em được nhìn nhận, bảo đảm và tái xây dựng. (CSR_6450_2021)
Ngọc Yến