ĐHY Koch mời gọi các Kitô hữu tìm kiếm viễn tượng chung cho đại kết
ĐHY Koch mời gọi các Kitô hữu tìm kiếm viễn tượng chung cho đại kết
Giáo hội đang sống Tuần Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô hữu. Nhân dịp này, Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Hiệp nhất các Kitô hữu đã đưa ra những nhận định về phong trào đại kết trong hơn 40 năm qua.
Phải có mục tiêu chung
Trước hết, theo Đức Hồng y, cần phải có một “cái nhìn chung” về đại kết. Bởi vì, nếu chúng ta không hướng về cùng một mục tiêu, chúng ta sẽ xa nhau hơn. Khó khăn đặc biệt mà chúng ta gặp phải trong phong trào đại kết là khi chúng ta không có sự đồng thuận về mục tiêu.
Nếu những người đối thoại đại kết không có mục tiêu chung trước mắt, nhưng lại hiểu và thực hiện theo một cách rất khác những gì đặc trưng cho sự hiệp nhất của Giáo hội, thì họ có nguy cơ đi theo những hướng khác nhau và cuối cùng khám phá ra rằng thậm chí họ còn xa nhau hơn.
Một phái đoàn đại kết viếng thăm Vatican
Cách giải thích gây tranh cãi về mục tiêu đại kết
Cho đến nay, giữa các Giáo hội chưa đạt được một thỏa thuận thực sự vững chắc về bản chất mục tiêu của phong trào đại kết. Đây là khó khăn chính của tình hình đại kết ngày nay. Trong các giai đoạn trước của phong trào đại kết, một mặt đã đạt được sự đồng thuận rộng lớn và thỏa đáng về nhiều vấn đề mà trước đây gây tranh cãi liên quan đến sự hiểu biết về đức tin và cấu trúc thần học của Giáo hội. Tuy nhiên, mặt khác, hầu hết những khác biệt vẫn còn tồn tại liên quan đến những cách giải thích khác nhau về sự hiệp nhất đại kết của Giáo hội.
Thách đố cơ bản của đại kết ngày nay phải được nhìn nhận trong thực tế này, có thể được tóm tắt bằng nhận xét của nhà đại kết Paul-Werner Scheele, nguyên Giám mục của Würzburg: “Chúng ta nhất trí về thực tế rằng sự hiệp nhất là cần thiết, nhưng chúng ta lại không đồng thuận về mục tiêu”. Điều này phải khiến chúng ta tự hỏi đâu là lý do dẫn đến tình trạng hiện nay.
Một lý do quan trọng có thể được xác định là sự xuất hiện gần đây của các đối tác đối thoại mới trong bối cảnh đại kết, bao gồm các phong trào Tin lành, các cộng đoàn Ngũ tuần và nhiều Giáo hội Tin lành tự do khác, đã dẫn đến sự đa dạng hơn nữa về khái niệm mục tiêu đại kết.
Với sự quan tâm và tham gia nhiều hơn của các Kitô hữu cho đại kết, các khái niệm về mục tiêu, vốn đã khác nhau ở thời điểm ban đầu, lại càng trở nên khác biệt hơn. Dù hiện tượng này tự nó là tích cực, nhưng mặt trái của nó là mục tiêu của đại kết, theo thời gian, ngày càng trở nên lẫn lộn; và hậu quả là hầu như không có sự nhất trí nào về sự hiệp nhất là gì để khôi phục nó.
Cầu nguyện đại kết
Làm rõ khái niệm về Giáo hội và sự hiệp nhất của Giáo hội
Do thực tế mỗi Giáo hội có một khái niệm riêng về sự hiệp nhất, và cố gắng đưa khái niệm này vào mục tiêu đại kết, nên nó dẫn đến việc thiếu một sự đồng thuận về mục tiêu của phong trào đại kết. Nguyên nhân là do thiếu hiểu biết về bản chất của Giáo hội và sự hiệp nhất. Vì vậy, cần phải làm rõ khái niệm về Giáo hội và sự hiệp nhất của Giáo hội.
Như các Giáo hội Chính thống, khi đọc các dấu hiệu và tiêu chí của sự hiệp nhất Giáo hội, Giáo hội Công giáo cũng lấy điểm tham chiếu là cuộc sống của cộng đoàn Giêrusalem trong Công vụ Tông đồ (2,42). Ở đó ba khía cạnh xuất hiện như yếu tố cấu thành sự hiệp nhất của Giáo hội: hiệp nhất trong đức tin, sự thờ phượng và tình hiệp thông huynh đệ. Do đó, Giáo hội Công giáo trung thành với mục tiêu được chia sẻ ban đầu là sự hiệp nhất hữu hình trong đức tin, trong các bí tích và trong các thừa tác vụ của Giáo hội.
Là một cộng đoàn đức tin sống nhờ sự tương tác giữa nhiều Giáo hội địa phương và sự hiệp nhất của Giáo hội hoàn vũ, Giáo hội Công giáo quan tâm đến việc duy trì và, khi cần thiết, khôi phục sự hiệp nhất trong không gian quan trọng của chính Giáo hội. Những gì Giáo hội cố gắng thực hiện cho sự hiệp nhất trong nội bộ của Giáo hội cũng phải là mục tiêu của phong trào đại kết.
Mặt khác, khá nhiều cộng đoàn giáo hội được sinh ra từ cuộc Cải cách, phần lớn đã từ bỏ khái niệm về mục tiêu đại kết của sự hiệp nhất hữu hình, và yêu cầu công nhận các thực tại giáo hội khác với tư cách là Giáo hội và do đó là các bộ phận của một Giáo hội duy nhất của Chúa Giêsu Kitô.
Những gì đã được đề cập cho đến nay phải cho thấy rằng vấn đề về mục tiêu của phong trào đại kết không thể được đặt ra một cách đơn giản theo cách trừu tượng và trung lập. Do đó, nếu các khái niệm khác nhau về mục tiêu đại kết được dựa trên nền các giáo hội Tin lành khác nhau, thì rõ ràng việc làm sáng tỏ đại kết về ý niệm Giáo hội và sự hiệp nhất của Giáo hội phải là chủ đề trung tâm được đề cập trong các cuộc đối thoại đại kết hôm nay và ngày mai.
Khai mạc Tuần cầu nguyện hiệp nhất ở Libăng
Nhấn mạnh vào các chủ đề về Giáo hội, Thánh Thể và thừa tác vụ
Có nhiều điều cần phải đặt ra trong tiến trình đại kết, nhưng có một điều cần phải quan tâm hơn cả đó là cần phải đạt được sự đồng thuận sâu sắc hơn về các chủ đề của Giáo hội, Thánh Thể và thừa tác vụ, trong mối liên kết không thể chia cắt. Suy tư về những vấn đề này chắc chắn sẽ đại diện cho một bước tiến quan trọng khác trên con đường hiểu biết đại kết, có thể dẫn đến việc phát triển một tuyên bố chung trong tương lai về Giáo hội, Thánh Thể và thừa tác vụ tương tự như Tuyên bố chung về Công chính hoá.
Nếu đạt được sự đồng thuận đại kết ràng buộc về các chủ đề Giáo hội, Thánh Thể và thừa tác vụ, thì một bước quan trọng sẽ được thực hiện đối với sự hiệp thông Giáo hội hữu hình, đó là mục tiêu của mọi nỗ lực đại kết cũng trong tương quan giữa Giáo hội Công giáo với các Giáo hội và các cộng đoàn Giáo hội sinh ra từ cuộc Cải cách.
Cần phải tiếp tục làm việc để tìm ra những con đường hòa giải mới giữa các Giáo hội. Trong quá trình tìm kiếm những cách thức để có thể khôi phục sự hiệp nhất của Giáo hội, chúng ta cũng phải hết sức lưu ý đến những yếu tố mà trong quá trình lịch sử, đã gây ra sự chia rẽ trong Giáo hội và do đó làm mất sự hiệp nhất. Những khác biệt lịch sử là lý do chính yếu tạo nên sự đa dạng của các khái niệm về sự hiệp nhất hiện có trong phong trào đại kết, vậy nên chúng ta cũng phải tìm kiếm những cách thức khác nhau để tái khám phá và tái cấu trúc sự hiệp nhất đã mất của Giáo hội.
Cử hành đại kết
Đại kết trước xu hướng đa nguyên ngược chiều
Ngày nay, trong nỗ lực khôi phục sự hiệp nhất Giáo hội, phong trào đại kết phải đối phó với một thách đố lớn khác không thể xem thường, đó là tinh thần đa nguyên của chủ nghĩa tương đối đang phổ biến trong thế giới.
Theo tâm thức hậu hiện đại, mọi cuộc tìm kiếm sự hiệp nhất là điều cổ xưa và trước hiện đại.
Người ta có ấn tượng rằng chủ nghĩa đa nguyên của các Giáo hội và các cộng đoàn Giáo hội, vốn đã phát triển trong quá trình lịch sử và hiện đang phổ biến, không chỉ được chấp nhận rộng rãi mà còn cả về nguyên tắc, do đó nỗ lực đại kết nhằm tái thiết lập sự hiệp nhất của Giáo hội được coi là không thực tế và không nên làm.
Gặp gỡ đại kết
Gìn giữ sự hiệp nhất luôn sống động
Cuộc tìm kiếm đại kết nhằm khôi phục sự hiệp nhất của Giáo hội đang diễn ra ngày nay trong một bối cảnh tư tưởng rất khác so với trước đây, trên bình diện tinh thần và thần học. Sự gia tăng con số và tính chất đa dạng của các Giáo hội không còn được xem là trước hết, nhưng được xem như một sự phong phú của việc trở thành Giáo hội, trưởng thành theo thời gian. Vì lý do này, có những người mạnh mẽ chống lại ý tưởng về sự hiệp nhất mà theo đó, sự đa dạng của các Giáo hội, cũng là kết quả của chia rẽ, không được cảm nhận trước tiên như một sự phong phú. Do đó, tình trạng đại kết ngày nay, chúng ta được kêu gọi trở lại, có thể nói là, để suy tư về những điều khởi đầu.
Thực tế, nếu không tìm kiếm sự hiệp nhất, đức tin Kitô có thể sẽ tự chối bỏ chính mình, như thánh Phaolô nói rõ: “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4,4-6). Điều này càng được thể hiện rõ ràng hơn trong lời cầu nguyện hiến tế của Chúa Giêsu, trong đó, nhờ sự hiệp nhất của các môn đệ, sự thật về sứ vụ của Người được hiển hiện cho con người.
Kinh Thánh cho thấy sự hiệp nhất vẫn phải là một phạm trù cơ bản của đức tin Kitô. Do đó, đại kết Kitô giáo được kêu gọi và thôi thúc có can đảm và khiêm tốn để đối diện với tai tiếng vẫn còn tồn tại của một Kitô giáo chia rẽ, và để thúc đẩy cách bền bỉ vấn đề hiệp nhất của Giáo hội. Điều này đặc biệt đúng theo quan điểm của Đại hội thứ XI của Hội đồng Đại kết các Giáo hội Kitô, sẽ diễn ra vào mùa hè tới tại Karlsruhe, Đức, với khẩu hiệu “Tình yêu của Chúa Kitô làm chuyển động, hòa giải và hiệp nhất thế giới”.
Tinh thần này phù hợp với điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh trong chuyến thăm Genève vào 21/6/2018, khi tuyên bố ngài là “người hành hương tìm kiếm hiệp nhất và hòa bình”: Con đường này có một mục tiêu cụ thể: sự hiệp nhất. Con đường ngược lại, sự chia rẽ, đưa đến chiến tranh và hủy diệt. Chúa yêu cầu chúng ta hiệp nhất; thế giới, nơi bị xé nát bởi quá nhiều chia rẽ gây ảnh hưởng đặc biệt đến những người yếu nhất, kêu gọi sự hiệp nhất. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi tìm kiếm sự hiệp nhất này với lòng say mê và sự kiên nhẫn trong hy vọng.
Ngọc Yến